Thursday, January 25, 2018

THẤY GÌ QUA TẬP "VIỆT NAM - NỖI ĐAU & NIỀM HY VỌNG" (Trịnh Bình An)



Trịnh Bình An
Posted on January 24, 2018 by editor

Trần Phong Vũ vừa cho ra đời tác phẩm mới, “Việt Nam – Nỗi Đau & Niềm Hy Vọng”. Với tôi, người thua Trần Phong Vũ ba thập niên, đây là một tác phẩm đặc sắc, tuy về căn bản, chỉ là một tổng hợp những bài nhận định tình hình chính trị Việt Nam từ 2016 đến 2017 của tác giả.

Tác giả Trần Phong Vũ. Nguồn: diendantheky.net

Quan điểm chính trị của tác giả — một nhà giáo, một nhà báo Miền Nam Việt Nam trước 1975 — có thể hợp hay không hợp với người đọc, có thể đúng hay không đúng với thực tế diễn ra, nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng ở đây là tấm lòng của người viết, là nhiệt tình, là niềm tin, và trên hết, là tính khiêm nhường.

Đáng lý tôi phải đưa ra những tiêu chuẩn khác, như độ chính xác của tài liệu, cách phân tích sâu sắc táo bạo, cái nhìn tỉnh táo không thành kiến v.v. những điều mà nếu cách đây vài năm tôi sẽ dùng để phân tích các sách có nội dung tương tự.

Điều gì đã khiến tôi thay đổi? Sau một thời gian đụng chạm với những thực tế trong sinh hoạt Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại, tôi hiểu ra một điều: Đức tính cần thiết nhất cho sinh hoạt tập thể là sự khiêm nhường.

Khiêm nhường không mang nghĩa từ chối lời khen tặng cũng không mang nghĩa tự cho mình kém cỏi. Sự khiêm nhường thật sự thể hiện ở 3 điều: Biết lắng nghe, biết suy nghĩ lại, và biết để người khác làm”tướng” thay… mình.

Chiếu theo 3 điều kể trên, Trần Phong Vũ xứng đáng được gọi là người khiêm nhường. Thú vị thay, đức tính ấy được thể hiện trọn vẹn trong tạp luận “Việt Nam – Nỗi Đau & Niềm Hy Vọng”.

***
Nhưng trước tiên, xin có đôi dòng giới thiệu về nội dung tuyển tập (dày 664 trang, hình minh họa màu, bìa cứng). VN-NĐ&NHV gồm có 5 Phần:

1.    Phần 1 – 20 chương. “Từ Góc Nhìn Trong Nước. “ Như tên tựa, là nhận định của tác giả với phát biểu của một số người trong nước trước hiện tình Việt Nam, tiêu biểu như các ông Trần Đình Sử, Huỳnh Quốc Huy, Dưa Leo, Tuấn Khanh, Lê Văn Thành… Tác giả phân tích những phát biểu ấy nhằm khơi nới những điều ẩn tàng mà đương sự chưa thể nói hết vì bản thân còn bị giam hãm trong vòng kềm tỏa.

2.    Phần 2 – 11 chương. Tôn Giáo và Chính Trị. Trần Phong Vũ là một tín hữu với những hoạt động gắn bó lâu năm với Giáo Hội Thiên Chúa Giáo Việt Nam. Ngoài đóng góp cho tờ Diễn Đàn Giáo Dân, ông còn sinh hoạt trong các nhóm anh em hàng năm quyên góp hỗ trợ các tù nhân lương tâm và thương phế binh VNCH trong nước. Do đó, với tương quan mật thiết “trong-ngoài”, tác giả có được những nguồn tin, những đánh giá, mà người “ngoại cuộc” khó lòng có được. Những hoạt động và tiếng nói chính trực của giám mục Hoàng Đức Oanh, các linh mục Phan Văn Lợi, Đặng Hữu Nam, Nguyễn Đình Thục, Nguyễn Duy Tân, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế… có thể chỉ giới hạn trong địa hạt tôn giáo (ở đây là Thiên Chúa Giáo), nhưng khi viết về họ, Trần Phong Vũ đã vẽ ra một bức tranh rộng hơn, cho thấy cuộc đấu tranh không cân sức nhưng kiên quyết giữa hai lực lượng: “chủ chăn” (tu sĩ) và “đàn chiên” (người dân) để chống lại “lũ sói” (cộng sản).

3.    Phần 3 – 10 chương: “Formosa & Thảm Họa Môi Trường”. Hiện tượng cá chết hàng loạt do nhà máy Formosa xả chất thải độc hại đã khiến người dân Việt Nam trong nước và ngoài nước phản ứng dữ dội. Hơn bao giờ hết, người Việt thấy mình đang bị đầu độc qua từng “con cá, lá rau, chai nước mắm”. Trần Phong Vũ đã mô tả một “cuộc chiến” đa dạng từ nhiều phía của người dân đối chọi lại với cái-gọi-là chính quyền.

4.    Phần 4 – 19 chương: “Chế Độ Trước Thế Nhân Dân”. Với 3 phần “Nỗi Đau” thì đây, phần cuối, tác giả cho thấy tia sáng le lói của “Niềm Hy Vọng”, và có lẽ nhiều người hẳn cũng như tôi, lẹ lẹ lật tới phần chót để coi đâu là “ánh sáng cuối đường hầm”. Nhưng thực ra, trong mỗi chương của toàn bộ cuốn sách, ngay khi trình bày nỗi đau, tác giả cũng cho thấy niềm hy vọng như những đốm lửa, lập lòe tỏa sáng khắp nơi.

5.    Phần 5 – 12 chương: “Phụ Lục”. Bài viết của một số tác giả khác giúp làm sáng tỏ hơn những vấn đề sách đã nêu ra.

Chỉ trong hai năm, Trần Phong Vũ đã viết trên 600 trang giấy, mỗi bài lại có hình ảnh minh họa tường tận, bộc lộ một tâm tình không phút nào nguôi của tác giả đối với con người và đất nước Việt Nam.

Bây giờ, xin trở về suy nghĩ của tôi về sự khiêm nhường. Như đã thưa qua, đức tính này thể hiện qua 3 điều chính: Biết lắng nghe – Biết suy nghĩ lại – Biết chấp nhận người khác giữ vai trò quan trọng hơn mình.

Trần Phong Vũ rất biết lắng nghe. Nếu không ông chẳng kiên nhẫn ghi lại phát biểu của những con người cách ông nửa vòng trái đất. Hãy tưởng tượng, một ông lão ngoài 80, gò lưng trên bàn phím, gõ từng chữ những lời phát ra từ YouTube. Mà những người nói chẳng là nhân vật quan trọng hay danh nhân sang cả mà chỉ là những người tầm thường, thậm chí còn ít tuổi hơn “bác Vũ” nhiều.

Tôi quen biết với Trần Phong Vũ trong hoạt động của Tủ Sách Tiếng Quê Hương. Tôi có thể nói “anh Vũ” là người khá nóng tính nhưng lại rất mau nguội. Có đôi lần, tôi đưa ra những ý kiến trái ngược với anh thì anh đáp lại với những dòng email khá … “chua”. Nhưng chỉ qua ngày hôm sau, tôi được nghe anh tiếp tục câu chuyện với sự bình tĩnh và rộng lượng.

Trong “Việt Nam – Nỗi Đau & Niềm Hy Vọng”, Trần Phong Vũ nhắc đến trường hợp Huỳnh Quốc Huy. Người Việt Nam trẻ này khi đào thoát khỏi Việt Nam, theo phán đoán của công luận, đã dính líu tới một vụ “tình-tiền” khá lùm xùm kéo theo nghi ngờ về sự trong sáng của đương sự. Bản thân Trần Phong Vũ đã phải đắn đo trong việc có nên đưa vào sách những luận điểm ông đã viết về họ Huỳnh. Nhưng cuối cùng ông đã giữ trọn vẹn những bài viết ấy.
Khi giữ vai trò làm người giới thiệu tới người Việt hải ngoại những khuôn mặt đấu tranh trong nước, người viết phải chấp nhận một mối nguy hiểm, đó là không thể nắm chắc được bản chất thực sự của những người ấy là thế nào.

“Phản Tỉnh, Phản Kháng – Thực hay Hư?” là tựa đề một tác phẩm của Minh Võ, trong đó phân tích nhiều nhân vật đã quay lưng lại với chế độ cộng sản. Trong số họ, qua thời gian, có người chứng tỏ đã thật sự đoạn tuyệt với cộng sản, nhưng có những người dường như vẫn chưa thoát được ảnh hưởng của nó.

Trần Phong Vũ chắc chắn không thể không biết những khó khăn trong việc này. Vấn đề ở đây không phải là những lời chê bai của công luận, điều “khó nuốt” nhất là cảm giác bị đánh lừa. Nếu một nhân vật “phản kháng-phản tỉnh” mình vừa nhắc tới hôm qua vì cho là “thực”, thì hôm nay vỡ lẽ ra, chỉ là “hư”, thì cảm giác vừa cay đắng vừa buồn bã.

Thế nhưng, Trần Phong Vũ chấp nhận tất cả. Ông chấp nhận “nỗi đau” nếu có, để đem đến cho mọi người “niềm hy vọng”.

Có một người cũng cùng thái độ với Trần Phong Vũ, đó là Uyên Thao.

Tủ Sách Tiếng Quê Hương, như cái tên đã chọn, chủ trương giới thiệu tới bạn đọc hải ngoại những tác phẩm của các tác giả trong nước. Những “tiếng nói từ quê hương” đôi khi bị ngờ vực là không thực sự “phản tỉnh” hay “phản kháng”. Nhưng Tủ Sách Tiếng Quê Hương vẫn giữ vững con đường đã chọn, như qua phát biểu của Trần Phong Vũ:

“Lập trường bất di dịch của chúng tôi: ít nữa đó là người, vật, sự việc có thật được phơi bày công khai trước công luận.”

Khi nhắc tới Uyên Thao, tôi muốn nói tới thể hiện thứ ba trong đức khiêm nhường của “anh Vũ”: Biết để người khác giữ vai trò quan trọng hơn mình.

Năm 2000, Uyên Thao tị nạn Hoa Kỳ. Vừa đặt chân lên xứ tự do, ông đã nghĩ ngay tới việc xuất bản sách. Theo ông, đó là mặt trận văn hóa bất bạo động mà người Việt hải ngoại có ưu thế nhất. Uyên Thao cho các bằng hữu biết ý định này. Và đã nhận được câu trả lời từ Trần Phong Vũ: “Bất cứ mày làm cái gì thì cũng có tao!”

Đây không phải tình “tha hương ngộ cố tri”, đây là tình của hai người lính cùng chiến tuyến. Trước 75, Trần Phong Vũ vừa là thày giáo vừa cộng tác với nhật báo Sóng Thần do Uyên Thao sáng lập. Hai người còn viết chung một cuốn sách, có tên “Chủ Nghĩa Anh Hùng Cách Mạng Cộng Sản”. Tiếc thay, toàn bộ số sách in ra đã bị thiêu hủy trong trận tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 của cộng sản.

Bản thân Trần Phong Vũ cũng có những sinh hoạt riêng. Không khó hiểu nhờ đâu ông thành công trong công việc, “anh Vũ” vừa tốt bụng, vừa tinh tế, không những viết văn hay mà ăn nói cũng tài, nên ông trở thành một tiếng nói được nhiều người nể trọng. Trần Phong Vũ qua Mỹ từ 1975, so với Uyên Thao chân ướt chân ráo mới tới, người bạn đồng tuổi này đã tạo được một vị thế không nhỏ trong cộng đồng. Tuy có nhiều ưu thế hơn bạn nhưng Trần Phong Vũ không bao giờ kiêu ngạo, ngược lại, bằng lòng giữ vai trò “thứ hai” trong Tủ Sách Tiếng Quê Hương .

Và vai trò đó cũng chẳng có gì huy hoàng. Đó là những lúc phải nai lưng khiêng hàng chục thùng sách từ bãi vận chuyển về kho khi không tìm được người khuân vác. Đó là những lúc phải kiểm kê hàng trăm thùng sách trong kho bị thấm nước hay bị chuột gặm. Chưa kể những lúc khiêng khiêng vác vác trong mỗi lần ra mắt sách các nơi. Hết thảy các việc nặng nhọc ấy đều được một ông lão ngoài 80 nhận làm!

Nhưng nhờ Chúa thương, Trần Phong Vũ vẫn giữ được vóc dáng khỏe khoắn và giọng nói sang sảng khi tôi gõ những dòng chữ này.

***
Dẫu cho tôi không giúp người tìm ra giải pháp
Nhưng ít ra cũng chia sớt chút ưu phiền
Để mai ngày người gõ cửa tìm quên
Tôi sung sướng đón người, không ăn năn, tủi thẹn.
(Mở Cửa)

Bốn câu thơ trên do chính Trần Phong Vũ viết(1), bộc lộ rõ nhất tính khiêm nhường của ông. Suốt cuộc đời, ông luôn tìm cách đem lại “hòa bình-công lý” cho dân tộc, nhưng rồi chỉ khiêm tốn cho rằng đó là việc làm hết sức nhỏ nhoi .

Câu thơ cuối, đánh động tôi nhiều hơn.

“Bất Hối” — không hối hận — coi đó như mục đích cần hướng tới trong việc làm. Ví dụ: “Gây chiến là điều không thể tránh, nhưng cố gắng đừng để hối hận.” Ở đây, lợi lộc, quyền uy, tự hào, là những thứ không nên hướng tới nếu so sánh với cái giá phải trả bằng xương máu đồng loại. Ở đây, chỉ có một mong muốn: Không hối hận, không ăn năn vì đã làm quá đáng những điều cần làm.

Tương tự, Trần Phong Vũ không cầu mong thịnh vượng, hạnh phúc. Ông chỉ mong đừng ăn năn, tủi thẹn vì, vô tình hay cố ý, đã làm thiếu những điều cần làm.

***
Thế hệ đi sau học được gì từ thế hệ đi trước?

Ngày nay, các sự kiện chung quanh ta biến đổi nhanh đến mức chóng mặt. Những kiến thức ta học được chỉ sau một thời gian ngắn là trở thành lỗi thời. Nhưng, vẫn có những thứ không bao giờ cũ, không bao giờ lỗi thời, đó là những đức tính làm nên nhân cách, mà khiêm nhường là một trong những đức tính ấy.

“Niềm Hy Vọng” cho Việt Nam, phải chăng là hy vọng về một Việt Nam tương lai được dựng xây bằng những con người Việt Nam với nhân cách đích thực?

Mùa Đông 2018

“Việt Nam – Nỗi Đau & Niềm Hy Vọng”
Sách dày 664 trang, in tại Đài Loan, đóng chỉ, bìa cứng, ấn phí 30 Mỹ kim.

Mọi chi tiết về tác phẩm, tác giả và Tủ Sách Tiếng Quê Hương, xin liên lạc về:
* Tủ Sách Tiếng Quê Hương – P.O Box 4653 Falls Church, VA 22044.
Email: uyenthaodc@gmail.com
* Mr. Trần – Email: tphongvu50@gmail.com  – ĐT: (949) 232 – 8660

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

*
Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ

(1) Trích thi tập Dấu Chân Trên Cát do Tin Vui ấn hành lần đầu năm 1992 ở Nam California. Sau đó được Tủ Sách Tiếng Quê Hương chọn đưa vào Tuyển Tập Trần Phong Vũ cùng với truyện ngắn Quê Hương Còn Đó và tâm bút Bên Vực Tử Sinh xuất bản năm 2012.

--------------------------

Trần Phong Vũ
Posted on January 5, 2018

DCVOnline: “Việt Nam, Nỗi Đau & Niềm Hy Vọng” là cuốn sách mới nhất của Trần Phong Vũ do tủ sách Tiếng Quê Hương phát hành cuối năm 2017. Mời bạn đọc xem trích đoạn Lời nói đầu của tác giả.









No comments: