Friday, January 26, 2018

BẢN TIN SÁNG 26/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Tin Biển Đông
Trang Đại Kỷ Nguyên đưa tin: Mỹ thách thức 6 yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Báo cáo của Hải quân Hoa Kỳ công bố, trong năm 2017, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thách thức 6 yêu sách biển của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh rằng “các tàu nước ngoài phải xin phép Trung Quốc trước khi ‘có chuyến qua đường vô tội’ gần quần đảo Hoàng Sa“.

Quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khi tiếp kiến lãnh đạo CSVN ngày 25/1/2018: Mỹ ủng hộ Việt Nam tôn trọng tự do hàng hải, hàng không, theo báo Người Lao Động. Về cuộc hội đàm giữa ông Mattis với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, bài báo cho biết:

“Tại hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước nhất trí cho rằng kết quả hợp tác quốc phòng thời gian qua giữa hai bên đã đạt được hiệu quả thiết thực, phù hợp với mối quan hệ đối tác toàn diện; đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của nhân dân hai nước, nhất là trong khắc phục hậu quả chiến tranh”.


Spy Plane Watching China Building Missile Structures in South China Sea


Quan hệ Việt – Mỹ
VOA đưa tin: Tàu sân bay Mỹ sẽ có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam. Như tin đã đưa, trong chuyến viếng thăm Mỹ của Đại tướng Ngô Xuân Lịch hồi tháng 8/2017, tàu sân bay Mỹ sẽ đến thăm Việt Nam vào đầu năm 2018. Hôm 25/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết, dự kiến tàu sân bay này sẽ ghé thăm cảng Đà Nẵng trong tháng 3 năm nay.

Kể từ năm 1975, khi “đảng ta đánh cho Mỹ cút”, trong tháng 3 tới, sẽ là lần đầu tiên tàu sân bay Mỹ cặp cảng Việt Nam. VOA dẫn tin từ AP, nhận định, “chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ có phần chắc sẽ làm Trung Quốc tức giận vì đây là một động thái quan trọng của Mỹ nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực“.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jemas Mattis chiều 25/1. Ảnh: báo Dân Trí

Trang Đại Kỷ Nguyên nhận định: Việt – Mỹ gần nhau hơn khi Trung Quốc hiếu chiến ở Biển Đông. Các hành động bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đã giúp hai nước cựu thù ngày càng xích lại gần nhau. Bài viết cho biết: “Việt Nam đã đang mua các thiết bị quân sự của Mỹ, bao gồm cả việc mua lại Tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton. Theo một quan chức Mỹ, con tàu này lớn hơn bất cứ thứ gì mà Việt Nam có được trong lực lượng hải quân của mình“.

Mất bao nhiêu xương máu “đánh cho Mỹ cút”, để rồi bây giờ lãnh đạo CSVN đề nghị Mỹ chuyển giao tàu tuần tra cho Việt Nam trong năm 2019, theo báo Lao Động. Bài báo cho biết: “Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đề nghị Mỹ chuyển giao tàu tuần tra lớp Hamilton tiếp theo cho Việt Nam trong năm 2019” trong cuộc gặp chiều 25/1/2018.

Nếu quan chức CSVN ý thức được tình trạng thiếu hụt về khí tài hải quân, một lời tuyên bố rằng chính quyền Việt Nam muốn làm đồng minh với nước Mỹ, chẳng phải có giá trị hơn là một hai chiếc tàu lẻ tẻ được giao?

VOA đặt câu hỏi: Bộ trưởng Mỹ thắp hương chùa Trấn Quốc để gửi thông điệp gì? Bài viết dẫn lời nhà phân tích chính trị Lê Hồng Hiệp từ Singapore nhận định rằng: “chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới chùa Trấn Quốc ‘mang tính biểu tượng để gửi đi một thông điệp về sự tôn trọng và hiểu biết về lịch sử và quá khứ của ông Mattis đối với Việt Nam’.”

TS Hiệp chia sẻ thêm: “Tôi nghĩ chuyến thăm ngôi đền của ông Mattis còn để gửi đi thông điệp là Hoa Kỳ có thể tăng cường hợp tác với Việt Nam để giúp Việt Nam bảo vệ tốt hơn lãnh thổ và quốc gia của mình giống như ý nghĩa của tên ngôi đền đó”.



Quan hệ Việt – Ấn
VTV đưa tin: Việt Nam và Ấn Độ hướng tới kim ngạch thương mại 15 tỷ USD năm 2020. Về vấn đề hợp tác quốc phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đề nghị, “hai nước tăng cường hơn nữa hợp tác tin cậy và hiệu quả trong các lĩnh vực này, đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình hợp tác”.

Chuyện Biển Đông, Thủ tướng hai nước Việt – Ấn “nhất trí về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đi cùng với thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông”.


Quan hệ Việt – Trung
Báo điện tử của ĐCS đưa tin: Lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo bài báo, chiều 25/1, tại Bắc Kinh, “đồng chí Triệu Lạc Tế … Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã thay mặt lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp thân mật đồng chí Phạm Minh Chính… Trưởng ban Tổ chức Trung ương”.

Bài báo cho biết thêm về “tình hữu nghị” giữa các lãnh đạo CSVN và “bạn vàng” TQ: “Đồng chí Phạm Minh Chính đã đánh giá cao những tiến triển tích cực trong quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian qua, đồng thời khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc nỗ lực củng cố và tăng cường tình hữu nghị truyền thống”.

RFA có bài: Du lịch biên giới Việt-Trung tăng cao. Theo bài viết, “số khách du lịch qua cảng biên giới Đông Hưng tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc và Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt khách vào năm ngoái, tăng 28% so với năm trước đó. Đông Hưng là cảng đất liền lớn thứ ba của Trung Quốc và là cảng duy nhất kết nối Trung Quốc với Việt Nam bằng cả đường bộ và đường biển”.

Tác giả dẫn lời quan chức văn phòng du lịch Đông Hưng chia sẻ rằng: “Thành phố này đã mở các tour du lịch tự lái đến thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam vào tháng 11 năm 2016. Bắt đầu từ tháng 1 năm 2017, hai thành phố cùng nhau quảng bá du lịch tại một số địa điểm ở Trung Quốc và Việt Nam”.

Việt Nam – EU
VNTB có bài dịch: Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam có thể không được thông qua. Theo bài viết, Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam “đang bị đe dọa” vì lý do: “Quốc hội Châu Âu đặt câu hỏi về cách mà Việt Nam như một nhà nước cộng sản độc đảng đang đối xử công nhân của mình. Đây được coi là quyền lợi tiên quyết của người lao động ở Châu Á liên quan đến các hiệp định thương mại với EU”.

Bài viết dẫn lời ông Bernd Lange, chủ tịch hội đồng thương mại của Nghị viện châu Âu, phân tích một “thành tựu” khác của chính quyền Việt Nam: “Nếu không có tiến bộ về nhân quyền và đặc biệt là về quyền lao động thì thỏa thuận này không được Quốc hội Châu Âu phê chuẩn”.


Nhân quyền ở Việt Nam
RFA chia sẻ lời của Linh mục Phan Văn Lợi: ‘Những cuộc biểu tình lớn của quần chúng là nỗi sợ cho nhà cầm quyền’. Bài báo cho biết: “Sau hơn 1 tuần soạn thảo và chấp bút, Linh mục Phan Văn Lợi gửi ra bản Nhận định và Tuyên bố về nhân quyền đầu năm 2018, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng ký tên phản đối tình hình nhân quyền tại Việt Nam ngày càng bị đàn áp khốc liệt bởi Đảng Cộng sản”.

Linh mục Phan Văn Lợi nói với RFA: “Trong thời gian vừa rồi, tình hình ở Việt Nam tồi tệ về mọi mặt, và song song đó là việc đàn áp của nhà cầm quyền đối với người dân, các nhà đấu tranh hay các blogger đã rất mạnh mẽ, vì có lẽ họ muốn dẹp yên tiếng nói phản kháng ngày càng cất cao của người dân Việt Nam trước những tệ nạn mà họ đang gây ra cho đất nước”.

Cuộc biểu tình chống Formosa vào sáng Chủ Nhật 2/10/2016 quy tụ hơn 10 ngàn người được người dân cả nước xem là một cuộc cách mạng của người dân Kỳ Anh Hà Tĩnh. Ảnh: AFP

SBTN bàn về chuyện hoãn phiên toà xét xử nhà hoạt động Hoàng Bình và Nam Phong. Tác giả cho biết: “Linh mục JB Nguyễn Đình Thục và hai luật sư gồm: Hà Huy Sơn và Lê Luân cùng đông đảo người dân đã có mặt tại toà án để tham gia theo dõi phiên toà. Tuy nhiên, đến khoảng 08:05 thì cán bộ toà án ra thông báo phiên toà tạm hoãn vì ‘luật sư vắng mặt’.”

Bài viết dẫn lời người thân anh Hoàng Đức Bình và anh Nguyễn Nam Phong đặt câu hỏi: “Gia đình chúng tôi chỉ thuê hai luật sư Hà Huy Sơn và Lê Luân bào chữa trong vụ án này. Tuy nhiên, Toà án tỉnh Nghệ An lại đưa ra thông báo lý do tạm hoãn phiên toà do luật sư vắng mặt. Vậy vị luật sư vắng mặt này là ai?”

Facebooker Đoàn Huy Chương chia sẻ về buổi thăm gặp mục sư Đoàn Văn Diên ngày 25/1/2018: “Khi lên đến cơ quan điều tra công an tỉnh Đồng Nai để yêu cầu được gặp mặt ba tôi. Nhưng họ lại không cho gặp. Và họ tiếp tục chơi trò tình vờ. Khi gia đình tôi yêu cầu đưa ra lệnh bắt giữ ba tôi thì họ không đưa cho gia đình”.


Hồ sơ Đồng Tâm
RFA đưa tin: Dân Đồng Tâm muốn Trung ương dứt điểm vụ việc sau Tết. Tối ngày 25/1/2018, ông Lê Đình Kình chia sẻ với RFA về chuyện người dân Đồng Tâm gửi đơn khiếu nại đến lãnh đạo đảng và nhà nước. Cụ Kình cho biết: “Hai cái gửi đi rồi. Gửi lên các ông Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Thanh tra Chính phủ… đề nghị sau khi Tết xong thì Trung ương giải quyết vụ việc tranh chấp đất ở Đồng Tâm”.

Ông Kình khẳng định quyết tâm chống cưỡng chế đất của người dân Đồng Tâm: “Dân Đồng Tâm bây giờ nói thẳng đây là giặc nội xâm cướp đất này. Dân Đồng Tâm cương quyết tuyên chiến với giặc nội xâm. Bất kể ai không có quyết định thu hồi đất mà vào đây cướp đất thì dân Đồng Tâm sẽ sẵn sàng chiến đấu và nhiều người sẽ sẵn sàng hy sinh”.


Chính trường Việt Nam
Báo Zing đưa tin: Tổng bí thư trả lời phỏng vấn dịp xuân Mậu Tuất: Lòng dân – Thế nước. Ông Trọng bàn về chiến dịch “đốt lò”: “Phòng, chống tham nhũng là công việc lớn, rất quan trọng. Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết; Quốc hội không kỳ họp nào không bàn; cử tri không cuộc tiếp xúc nào không nói đến”.

Hiện tượng “tự diễn biến” trong nội bộ Đảng Cộng sản vẫn ám ảnh ông Trọng. Ông nói: “Làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’.”

Nhà báo Bùi Tín bình luận: ‘Quy Định 102’ là ‘Có Một Không Hai’. Theo tác giả, “ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tốt nghiệp Tiến sỹ môn Xây dựng đảng, trước cơn suy thoái toàn diện của đảng, đã nhắm mắt đi một bước thúc đẩy thêm quá trình độc đoán hóa, phi dân chủ hóa của đảng”.


Vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng và PVP Land
Trong phần tranh luận chiều ngày 25/1/2018, Trịnh Xuân Thanh tự bào chữa: “Bị cáo không có tội”, theo báo Công Lý. Bài viết dẫn lời ông Thanh, phát biểu: “Bị cáo đã cố gắng mời những người có tên trong bản cáo trạng để chứng minh rằng bị cáo không biết gì về những lời khai của các bị cáo. Bị cáo hoàn toàn không có tội, bị cáo đã trả tiền cách đây 8 năm”.

LS Lê Văn Thiệp cho rằng: “Dự án Nam Đàn Plaza chỉ là một phần tài sản của doanh nghiệp, nếu quy việc bán quyền sử dụng đất là trái pháp luật, việc truy tố Trịnh Xuân Thanh là trái pháp luật. Thực chất PVP Land đã có dự án Nam Đàn Plaza từ trước”.

Trang VietNamNet bàn về ‘cuộc gặp gỡ định mệnh’ trong cuộc đời Trịnh Xuân Thanh. Đó là cuộc gặp với bị cáo Đinh Mạnh Thắng và bị cáo Thái Kiều Hương vào cuối tháng 3/2010. Theo lời khai của bị cáo Đào Duy Phong, Thái Kiều Hương “đã thống nhất với Trịnh Xuân Thanh và Thanh chỉ đạo giá bán đất dự án Nam Đàn Plaza cao hơn giá thể hiện trong hợp đồng”.

LS Trần Hồng Phúc cho rằng: “Tài sản của PVC đã thành tài sản của PVP Land. Khi tài sản của PVP Land mang đến công ty Xuyên Thái Bình Dương để góp vốn thì nó thành tài sản của công ty Xuyên Thái Bình Dương”. LS Phúc cho rằng Trịnh Xuân Thanh “chiếm đoạt tài sản của PVP Land tại công ty Xuyên Thái Bình Dương, không phải là tiền của Nhà nước”.

Thông Tấn Xã Việt Nam có đồ họa: Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị mức án tù chung thân.


RFA bàn về 2 án lớn Trịnh Xuân Thanh: ‘Đúng qui trình tố tụng nhưng cần tính nhân văn’. LS Hoàng Văn Hướng trao đổi với RFA rằng, “trong suốt bao nhiêu năm hành nghề luật sư, ông chưa thấy phiên toà hình sự nào với cùng một bị cáo lại diễn ra liên tục như thế. Thời gian quá ngắn sẽ gây hạn chế và khó khăn cho các luật sư bào chữa”.

LS Hướng bình luận thêm: “Nhìn về góc độ nhân văn của hoạt động bào chữa với tư cách giúp đỡ các thân chủ thì tôi thấy điều ấy cũng không phù hợp. Rõ ràng là nó cũng phải có 1 thời gian nhất định vì 1 con người đem ra xét xử thì không thể 1 ngày mà hàng chục ngày. Thêm vào đó, chế độ giam giữ cũng có những khó khăn riêng”.


Bất ổn ở hệ thống ngân hàng Việt Nam
RFA có bài: Lo âu vì ngân hàng được phép phá sản. Bài viết lưu ý một số vụ “tiền bốc hơi” ở ngân hàng Việt Nam: “Các ngân hàng ở Việt Nam trong thời gian qua gặp nhiều tai tiếng, cụ thể như vụ 17 sổ tiết kiệm hơn 400 tỷ “bốc hơi’ sau 5 năm gửi tại Oceanbank, 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm biến mất tại BIDV, bị mất gần 800 triệu trong tài khoản của VietinBank… Nguyên nhân hầu hết đều chưa có kết luận rõ ràng”.

Một người dân chia sẻ với RFA về luật phá sản ngân hàng vừa có hiệu lực từ ngày 15/01/2018: “Cái đó rất là phi lý, một mặt thì nhà nước kêu là bảo hộ tiền gửi nhưng một mặt thì cho phép người ta phá sản như vậy thì rất là nguy hiểm. Thứ hai là hiện tại cái cơ chế kiểm soát của nhà nước đối với ngân hàng hiện nay rất lỏng lẻo”.

Tài xế vs quan chức và BOT
BBC bàn về vụ BOT: ‘Phạt xe dừng quá 5 phút là đổ dầu vào lửa’. Bài viết dẫn lời LS Phùng Thanh Sơn phân tích: “Vấn đề cần bàn ở đây được hiểu thế nào là ‘trái quy định’. Anh không thể đặt/ đưa ra biển báo ‘trái quy định’ rồi căn cứ vào cái sai trái đó đi xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông được… những biển báo cấm dừng, cấm đậu do chủ đầu tư BOT tự gắn không có giá trị pháp lý”.

LS Sơn bình luận thêm: “Bộ GTVT và Chính phủ nên tập trung vào giải quyết cái gốc của vấn đề là vị trí đặt trạm BOT không hợp lý chứ không phải là thu phí cao hay thấp… TCĐB Việt Nam phát đi thông báo hỏa tốc yêu cầu khẩn trương lắp các biển báo cấm dừng trong lúc người dân rất bức xúc về vị trí các trạm BOT chẳng khác nào đang ‘đổ dầu vào lửa’.”

VOA có bài: Cấm dừng quá 5 phút tại các trạm BOT ‘khó khả thi’. Bài viết tóm lược về quá trình phát triển của làn sóng phản đối BOT: “Các vụ phản đối bắt đầu nổ ra vào mùa hè năm 2017… các lái xe dùng ‘chiến thuật’ trả tiền lẻ, gây ùn tắc xe cộ ở trạm Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang… năm 2018, đầu tháng 1, một loạt vụ phản đối lại diễn ra tại các trạm BOT ở những tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Sóc Trăng, và thành phố Cần Thơ”.

LS Võ An Đôn bàn về khả năng tài xế kiện ngược lại người xử phạt: “Thứ nhất phải thu thập biên bản xử phạt hành chính. Thứ hai, khởi kiện ra tòa hành chính. Vụ kiện là vụ hành chính, giữa người khởi kiện là tài xế và người bị kiện là người ra quyết định xử phạt hành chính đó”.

Người dân vây kín trạm thu phí chiều 30-11 – Ảnh: Thanh Tú/ báo TT

Báo Thanh Niên đưa tin: BOT nóng trong hội thảo về kinh tế Việt Nam. Bài viết dẫn lời TS Nguyễn Đình Cung phân tích: “Phí BOT bản chất là dùng cái gì thì người dân trả phí cái đó, không thể bắt người dân trả tiền thứ người ta không dùng. Song, ngành giao thông lại dùng khái niệm phí “trong phạm vi dự án” là thuật ngữ tù mù, sai lệch gây tác động xấu”.

TS Cung nói thêm: “Những việc này cần thay đổi, theo hướng cải cách chính sách, còn giải quyết các hệ lụy của BOT hiện tại chỉ là bổ sung. Thu phí đường này để bù đường kia vì nhà đầu tư BOT phải huy động vốn chẳng khác nào bắt dân mình là “con tin của BOT”.

Về chuyện lãnh đạo TCĐB yêu cầu cắm biển “cấm dừng quá 5 phút” ở trạm BOT, Facebooker Phạm Lê Vương Các viết bài phản biện: TCĐB không có thẩm quyền đặt biển báo cấm “dừng quá 5 phút”. Theo tác giả, TCĐB đã “hoàn toàn trái luật” khi ban hành quyết định yêu cầu lắp đặt biển báo “cấm dừng quá 5 phút”. Bởi vì “Luật Giao thông Đường bộ hiện hành quy định, thẩm quyền quyết định đặt biển báo cấm thuộc về Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải… và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.


Vụ “má Trang”, VTC diễn dở quá!
Như chúng tôi đã đưa tin, VTC sửa nội dung “Tôi là Người Mẹ Việt Nam anh hùng, có 3 người con đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước” thành “Mẹ tôi là Người Mẹ Việt Nam anh hùng, có 3 người con đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Thế nhưng trong video clip này, bà Trang vẫn nói bà có 3 người con trai hi sinh… Mời xem clip:

Cũng trong clip trên, không rõ nhà báo ở đâu xuất hiện đúng lúc để phỏng vấn bà Trang, ngay khi bà trên đường về nhà?

Trang Tiền Tiêu có bài: Liên quan đến việc ông Đoàn Ngọc Hải từ chức: VTC đã lừa bạn đọc như thế nào? Bài viết có đoạn: “VTC có lẽ là tờ báo đầu tiên có phóng viên đồn trú tại Uỷ ban nhân dân quận 1, nên trưa 24/7 má Trang lên gặp đồng chí Hải, là có hình chụp và tin nóng sốt ngay và luôn trong chiều 24/01/2018.

Mục đích của VTC đăng tải thông tin này để làm gì? Câu view, câu like chăng? Hay được trả tiền để viết bài? Thiết nghĩ đã làm nghề báo, thì nên tuân thủ các tôn chỉ của ngành báo là trung thực, khách quan, chứ đừng vì tiền mà lừa dối bạn đọc nhằm tư lợi riêng như thế thì không đáng đâu các nhà báo VTC ạ“.

***


Tin quốc tế

Chính trường Mỹ
TT Trump mời thị trưởng tất cả các thành phố trên khắp nước Mỹ đến tòa Bạch Ốc. Hôm qua, Trump viết trên Twitter: “Đó là niềm vinh dự lớn lao của tôi chào đón Thị trưởng từ khắp nước Mỹ đến tòa Bạch Ốc. Chính quyền của tôi sẽ luôn ủng hộ chính quyền địa phương và lắng nghe các nhà lãnh đạo, những người hiểu rõ cộng đồng của họ nhất.

Thế nhưng, nhiều thị trưởng đã tẩy chay lời mời này , trong đó có Thị trưởng của ba thành phố lớn nhất nước Mỹ là New York, Los Angeles và Chicago, đã tẩy chay cuộc gặp này vì những bất đồng với chính sách nhập cư của Trump và Bộ Tư pháp, gia tăng đàn áp các thành phố trú ẩn an toàn (sanctuary cities).

Thị trưởng TP New York, ông Bill de Blasio viết trên Twitter hôm qua: “Tôi sẽ không tham dự cuộc họp hôm nay tại tòa Bạch Ốc, sau khi Bộ Tư pháp của ông Trump quyết định gia hạn cuộc tấn công phân biệt chủng tộc của họ vào cộng đồng nhập cư của chúng ta. Nó không làm cho chúng ta an toàn hơn và nó vi phạm các giá trị cốt lõi của nước Mỹ“.

Thị trưởng TP Los Angeles, ông Eric Garcetti cũng tẩy chay lời mời này. Trên Twitter, ông Garcetti dẫn bài viết của trang Politico, về chuyện Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ đe dọa cắt ngân sách đối với các TP trú ẩn an toàn. Thị trưởng Garcetti viết: “Đe dọa tôi là tất cả những điều mà ông muốn. Tôi sẽ luôn đứng lên để bảo vệ từng người dân Los Angeles“.

Thị trưởng TP New Orleans, ông Mitch Landrieu, nói với báo chí: “Một cuộc tấn công vào một trong các thị trưởng thành phố của chúng tôi, những người tuân theo Hiến pháp, là một cuộc tấn công vào tất cả chúng tôi. Tôi sẽ không tham dự buổi họp đó“.

Báo Người Việt đưa tin: TT Trump: Sẵn lòng cứu xét cho ‘Dreamers’ thành công dân Mỹ. Hôm qua, trước khi ông lên đường đi Davos, Thụy Sĩ tham dự Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh tế Thế giới, ông Trump bất ngờ cho biết, “ông sẵn lòng xem xét một kế hoạch di trú, theo đó sẽ cho hàng trăm ngàn người di dân bất hợp pháp, đến Mỹ khi còn nhỏ, có cơ hội trở thành công dân Mỹ“.

Nhưng mà các Dreamers hãy nhớ lời ông Thiệu: Đừng nghe những gì Trump nói, hãy nhìn kỹ những gì Trump làm. Mới vài ngày trước, Trump đã từng nói, chương trình DACA ‘coi như chấm dứt’, hôm qua Trump nói khác, chờ xem tuần sau Trump sẽ nói gì.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Ông Trump đem ‘Nước Mỹ trên hết’ tới diễn đàn toàn cầu hóa. Nhiều người lấy làm lạ là ông Trump, một người chủ trương cô lập nước Mỹ, lại tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos. Chưa kể, các tổng thống Mỹ đương nhiệm thường không tham dự diễn đàn này, huống chi một người chống toàn cầu hóa là Trump.

Cố vấn kinh tế tòa Bạch Ốc, ông Gary Cohn đã phải nói đỡ giúp ông chủ của mình khi nói với hãng tin Reuters: “Nước Mỹ trên hết không phải là nước Mỹ cô độc. Khi chúng tôi phát triển, thế giới phát triển. Khi thế giới vươn lên, chúng tôi vươn lên. Nước Mỹ là một phần của thế giới, của nền kinh tế toàn cầu và tổng thống Trump tin vào điều đó“.


Tình hình Trung Đông
RFI có bài: Syria: Vòng đàm phán thứ 9 chưa mở đã có nguy cơ thất bại. Vòng đàm phán thứ 9 kéo dài hai ngày 25 và 26/01, với sự tham gia của phái đoàn của chính phủ Syria và phe đối lập, nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột suốt 7 năm qua, khiến 340.000 người chết.

Ông Nasr Hariri, Trưởng đoàn đàm phán của phe đối lập Syria, nghi ngờ  thiện ý của chính phủ Damas để tìm ra một đồng thuận chính trị giải quyết xung đột. Nga là nước có thể thuyết phục chính phủ Syria đàm phán. “Thế nhưng không chắc là điều này sẽ diễn ra ở Vienna, vì trong hai ngày 29 và 30/01 tới đây, Nga cũng tổ chức tại Sotchi hội nghị đàm phán hòa bình cho Syria do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ”.

Trang Zing có bài: Trump đe doạ Palestine: Hoà bình hay cắt viện trợ! Sau khi cắt hơn 50% số tiền viện trợ cho Palestine thông qua một quỹ Liên Hợp Quốc, ông Trump dọa cắt tiếp. Ông nói: “Họ sẽ phải chấp nhận xây dựng hoà bình, không thì chúng tôi chẳng còn gì liên quan với họ nữa. Còn phải chờ xem tiến trình hòa bình sẽ ra sao, nhưng họ phải thể hiện sự tôn trọng Mỹ, nếu không thì chúng tôi sẽ không thúc đẩy hơn”.

TC Tài Chính đặt câu hỏi: Nga, Mỹ toan tính gì ở Trung Đông? Bài phân tích nghiêng về phía Nga, cho rằng Nga “chứng tỏ là một thế lực không thể bỏ qua trong khu vực” và rằng, trong năm 2017 “lực lượng quân sự Nga không những đánh bại các phần tử khủng bố, mà còn giúp quân đội chính phủ Syria lần lượt thu hồi các tỉnh, thành phố trọng yếu như Aleppo, Deir ez-Zor“.

Nhưng bài viết cũng thừa nhận vị thế không thể thiếu của Mỹ trong khu vực: “Mỹ có hệ thống đồng minh hoàn chỉnh ở Trung Đông, và là người tham gia về chính trị, quân sự chủ yếu nhất ở khu vực này“.


Tình hình Bắc Hàn
Như tin đã đưa hôm qua, bất ngờ Bắc Hàn kêu gọi thống nhất hai miền. Bắc Hàn đã gửi một thông điệp hiếm hoi, kêu gọi người Hàn trong và ngoài nước nên tạo một “bước đột phá” để thống nhất hai miền Triều Tiên mà không cần sự giúp đỡ của các nước khác. Thông điệp lạ này đã làm cho một số nước lạc quan như TQ: Trung Quốc hy vọng ‘đạt tiến bộ trong vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên’.

RFI đưa tin: Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ-Hàn thảo luận về Bắc Triều Tiên tại Hawai. Sau chuyến thăm Indonesia và Việt Nam, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, ông James Mattis đến Hawai để gặp đồng nhiệm Nam Hàn, ông Song Young Moo, bàn về vấn đề hạt nhân Bắc Hàn.
Trong khi đó, Hàn Quốc lo Mỹ sắp tấn công Triều Tiên. Ông Bruce Klingner, chuyên gia nghiên cứu Đông Bắc Á của Quỹ Heritage (Mỹ), cho biết: “Seoul cực kỳ lo lắng về một cuộc ‘tấn công ngăn chặn’ tiềm tàng của Mỹ nhằm vào Triều Tiên“.


***








No comments: