Sunday, January 28, 2018

BẢN TIN SÁNG 28/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

Tin Biển Đông
Trang The Economist có bài: “Sắc xám : Không chiến cũng chẳng hòa”. Bài viết nhận định về hiệu quả “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc ở Biển Đông, rằng: Trung Quốc đã “có thể uy hiếp hầu hết các nước láng giềng” để họ phải chấp nhận yêu sách của Bắc Kinh, “trong khi vẫn tránh đối đầu trực tiếp với các tàu hải quân Mỹ”.

RFI bình luận: Không chiến cũng chẳng hòa: Chiến lược Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Tác giả bàn về bài viết “Sắc xám: Không chiến cũng chẳng hòa”, trên báo The Economist, “phân tích về chiến lược nhập nhằng để giành chiến thắng, chẳng hạn như thủ đoạn nham hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông”. Theo bài viết, Trung Quốc “vẫn không thể đối đầu trực diện với quân đội Mỹ cho đến giữa thế kỷ 21. Nếu hành động sớm hơn sẽ là tự sát”.

Bài viết dẫn lời chuyên gia James Holmes của Naval War College, Hoa Kỳ, phân tích về “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc ở Biển Đông, rằng: “Trung Quốc huy động lực lượng tuần duyên và dân quân đông đảo, trang bị tận răng, trà trộn vào đội tàu đánh cá để đẩy các quốc gia ven biển ra khỏi vùng biển thuộc quyền lịch sử của họ”.

Không ảnh ngày 11/05/2015 cho thấy Trung Quốc hối hả đào đắp đảo nhân tạo tại Đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa. Ảnh: Reuters/RFI

Trước đó, National Interest đặt câu hỏi: Có cách nào chặn được “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc ở Biển Đông? Theo bài viết, hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là ví dụ điển hình cho “chiến thuật vùng xám”, Bắc Kinh triển khai “dân quân” trên biển, với “tàu cá có vũ trang”, qua đó vẫn duy trì và mở rộng ảnh hưởng trên Biển Đông, mà không trực tiếp tạo ra xung đột quân sự.

Mời đọc thêm: Pháp chuyển hướng chú ý tới biển Đông (SGGP). – Tùy bút: Biển (VN Daily).

Quan hệ Việt – Mỹ
Báo Người Việt đặt câu hỏi: Mỹ cử đại diện đến Việt Nam bàn chi tiết bán võ khí? “Đại diện” đó là “một viên chức cấp cao Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà Tina Kaidanow, phó phụ tá ngoại trưởng về quan hệ chính trị-quốc phòng Mỹ, đến Việt Nam đối thoại chính trị, an ninh và quốc phòng song phương từ 28 Tháng Giêng đến 4 Tháng Hai”.

Bài viết bàn về khả năng Hoa Kỳ tiếp tục củng cố quan hệ quân sự với Việt Nam, “chuyến đến Việt Nam của Đại Sứ Tina Kaidanow diễn ra chỉ ba ngày sau khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis rời Hà Nội, trong đó, hai bên đã lập chương trình cho hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Carl Vinson đến cảng Đà Nẵng thăm viếng vào Tháng Ba tới đây”.

Đại Sứ Tina Kaidanow. Ảnh: Getty Images/AFP/NV

Tác giả nhận định thêm về chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: “Nội dung cuộc họp của ông Mattis với Tướng Ngô Xuân Lịch, bộ trưởng Quốc Phòng CSVN, tại Hà Nội ngày 25 Tháng Giêng không được tiết lộ ngoài chuyện thăm viếng của mẫu hạm Vinson”.

Nhân quyền ở Việt Nam
Tác giả Trung Nguyễn viết: Những kẻ thực thi pháp luật lại là những kẻ chà đạp lên luật pháp. Tác giả lưu ý chuyện bất thường trong phiên tòa xử vụ án Hoàng Đức Bình, Nguyễn Nam Phong: “Thứ năm 25/1, dự kiến tòa án tỉnh Nghệ An sẽ xử hai anh”, tuy nhiên, “khi các luật sư bào chữa và đông đảo người dân kéo tới phiên tòa thì tòa lại ra tuyên bố hoãn tới ngày 6/2/2018”.

Bài viết đặt giả định: “Nếu có tòa án độc lập thì những điểm nóng như Đồng Tâm hay Formosa có thể hóa giải dễ dàng. Tòa án độc lập sẽ phán xét công tâm đúng pháp lý, hợp đạo lý xem ai đúng ai sai, đưa ra kết quả để ai cũng phải tâm phục khẩu phục, từ đó tạo sự ổn định xã hội”. Tuy nhiên, “Trung ương đảng cộng sản là nơi mà người dân Đồng Tâm gửi đơn thư, lại là những người căm ghét tòa án độc lập”.

Formosa làm “từ thiện”
Trang Kinh Tế Nông Thôn đưa tin: Formosa Hà Tĩnh tài trợ hơn 1.8 tỷ đồng cho các hoạt động công ích. Bài báo cho biết: “Trưa 27/1, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tổ chức chương trình gặp mặt cuối năm 2017, chào xuân 2018 với chủ đề: ‘Chào Xuân 2018, khởi đầu mới – Tầm vóc mới’.”

Lãnh đạo Tỉnh và Công ty Formosa Hà Tĩnh trao tượng trưng hỗ trợ cho các đơn vị tại buổi gặp mặt cuối năm 2017, chào xuân 2018. Ảnh: KTNT

Bài viết thống kê các khoản tiền mà Formosa đã “đóng góp” cho các hoạt động công ích: “1,5 tỉ đồng cho các hoạt động thăm hỏi” thương binh liệt sĩ, “800 triệu đồng cho quỹ trẻ em khuyết tật Việt Nam”“420.000 triệu cho chương trình ‘Tết cho trẻ em khuyết tật vùng lũ’ trên 6 tỉnh miền trung”. Trong sự kiện “chào xuân 2018” vừa rồi, Formosa Hà Tĩnh tiếp tục tổ chức các “hoạt động ý nghĩa” với tổng kinh phí khoảng 1,821 tỉ đồng.

Tổng số tiền chưa đến 5 tỉ mà Formosa đã bỏ ra để làm “từ thiện” tương đương khoảng… 0,03% số tiền mà Formosa được hoàn thuế. Theo bài viết: Formosa được hoàn thuế 14.600 tỉ đồng trên báo Tuổi Trẻ ngày 2/9/2016, nghĩa là chưa đầy nửa năm sau khi Formosa gây ra thảm họa môi trường và đầu độc ngư trường của 4 tỉnh miền Trung. Số tiền 14.600 tỉ này còn lớn hơn cả 500 triệu USD mà Formosa từng cam kết bồi thường.

Truyền thông trong nước đã có một số bài điểm mặt các thiệt hại do Formosa gây ra. VOV đưa tin: Quảng Trị thiệt hại 867 tỉ đồng vì thảm họa môi trường Formosa. Báo Dân Trí thống kê: Sự cố môi trường Formosa làm 24.400 người mất việc, giảm tăng trưởng GDP. Trong bài: Ảnh hưởng sau thảm họa cá chết ở 4 tỉnh miền Trung : “Vắt chân lên cổ” xác định thiệt hại, trên báo Lao Động, tác giả viết: “Theo thống kê sơ bộ của hai địa phương là Quảng Bình, Quảng Trị, thì con số thiệt hại đã lên đến 4.783 tỉ đồng”.
Với chừng ấy thiệt hại về kinh tế mà Formosa đã gây ra ơ Việt Nam, số tiền chưa tới 5 tỉ do Formosa làm “từ thiện” lại trở thành “hoạt động ý nghĩa” dưới ngòi bút của các nhà báo “lề phải”, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo.

Thiệt hại kinh tế đến hàng ngàn tỉ đồng chỉ là kết quả của những tính toán ban đầu, bài viết: Thảm họa Formosa: Biển đã chết khó phục hồi, của RFA, trích dẫn lời PGS.TS Nguyễn Tác An, nhận định rằng: “Phục hồi một hệ sinh thái tự nhiên, như san hô chẳng hạn thì như đã biết mỗi năm san hô chỉ lớn thêm 1 cm thôi. Thế thì 100 năm liệu đã phục hồi được”.

Có lẽ lãnh đạo CSVN chấp nhận những “thành quả” của Formosa, nên hơn một năm sau thảm họa môi trường biển miền Trung, Formosa được vận hành thử nghiệm lò cao số 1, theo VietNamNet. Bài viết vừa xuất hiện trên báo Kinh Tế Nông Thông đã xác nhận chuyện này: “Ngày 29/5/2017 lò cao số 1 đã được đốt lửa và đi vào vận hành thử, mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp thép ở Việt Nam”.

Người dân Quảng Bình chưa thấy được “kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp thép ở Việt Nam” đã đem lại điều gì tốt lành, họ chỉ biết Formosa và các cơ quan hữu trách vẫn chưa bồi thường thỏa đáng, nhiều ngư dân vẫn thất nghiệp do ngư trường bị đầu độc bởi chất thải từ Formosa, theo các video clip do trang Thanh Niên Công Giáo chia sẻ.

Thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường từ thảm họa môi trường do Formosa gây ra vào tháng 4/2016 vẫn còn đó, nhưng dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo, những số tiền lẻ do Formosa làm “từ thiện” trở thành những “món quà ý nghĩa”.


Chuyện ông Tây “xúc phạm” Đại tướng
Trang Người Đưa Tin viết: “Thầy Tây” xúc phạm Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể bị phạt 100 triệu đồng. Bài viết dẫn lời LS Nguyễn Thị Tuyến, nhận định: “Hành vi xúc phạm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đội tuyển U23 Việt Nam của Daniel Hauer đã xúc phạm đến những biểu tượng tiêu biểu trong đời sống văn hóa, lịch sử, tinh thần của dân tộc Việt Nam”. “Nhờ” có chính sách mị dân của lãnh đạo CSVN, đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam trở nên quá “rộng lớn” như vậy.

Theo LS Tuyến: “Trường hợp cơ quan chức năng xác định đúng là hành vi vi phạm, Daniel Hauer có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP… điểm c, khoản 5, Điều 65, Nghị định này quy định: ‘Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi: Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự’.”

Giấy mời của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử gửi cho ông Daniel Hauer. Ảnh: NĐT


Tiền và quyền trong “lợi ích nhóm” ở Việt Nam
Báo Công Lý có bài tổng hợp: Từ đại án Phạm Công Danh và đại án Hà Văn Thắm: Không để “chìm xuồng” các nghi án lãi suất ngoài hàng nghìn tỷ đồng. Bài viết bàn về các vụ trọng án kinh tế – chính trị được đem ra xử từ đầu tháng 1/2018 đến nay, từ vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm ở PVN, đến vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê và vụ Hà Văn Thắm ở Oceanbank.

Tác giả nhắc chuyện C46 tiến hành “khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Ngọc Sự”, và “xâu chuỗi” với vụ xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh vừa diễn ra, với điểm chung là sai phạm của “lãnh đạo các đơn vị thuộc PVN”, với những khoản thất thoát tới hàng ngàn tỷ đồng, “đây là lỗ hổng quan trọng trong quản lý kinh tế mà toà án và các cơ quan pháp luật cần tập trung làm rõ”.

Báo Trẻ bàn về “Vũ nhôm” mafia đỏ Đà Nẵng. Tác giả cho rằng: “Từ thời Nguyễn Bá Thanh, nhờ thân thế của ông mà Vũ ‘nhôm’… đã mua bán, ăn chênh lệch và sở hữu nhiều lô đất tại Ðà Nẵng. Ðến năm 2004 Vũ ‘nhôm’ thao túng hàng loạt dự án bất động sản, nhà công sản… nhờ thanh thế của Bộ Công An, ông ta lộng hành khắp thành phố”.

Bài viết nhắc lại sự kiện: “Vũ ‘nhôm’ đã tặng 2 ngôi nhà công sản số 43-45 đường Nguyễn Thái Học thuộc sở hữu một trong những công ty của Vũ ‘nhôm’ cho gia đình ông Nguyễn Xuân Anh và tặng thêm Nguyễn Xuân Anh một xe biển số xanh”.

Gánh nặng BOT
VNTB có bài: Đã bao giờ Chính phủ tự hỏi: Họ đã làm gì cho người nghèo? Bài viết nhắc đến một lời tường thuật trên VTV trong ngày 24/1/2018: “Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng đều báo cáo, quá trình điều tra xác minh đã phát hiện việc gây rối tại các trạm thu phí có sự kích động của nhóm ‘Bạn hữu đường xa’ do Lê Trung Hiếu làm trưởng nhóm”. Theo đó, Chính phủ “kiến tạo” của ông Phúc đang có dấu hiệu quy chụp để hình sự hóa một sự kiện dân sự của các tài xế phản đối BOT.

Tác giả đặt câu hỏi: “Chính phủ không những không cho thấy tính tiến bộ và cầu thị trong giải quyết bài toán mà mình vạch ra, ngược lại Chính phủ tìm mọi cách bảo hộ và hợp pháp hóa các sai phạm do BOT. Do đó, BOT dù sẽ được ‘yên lặng’ khi có lực lượng vũ trang canh giữ, nhưng liệu nó yên lặng bao lâu?”

Báo Người Việt đưa tin: Hàng trăm nhà dân ở Bình Định bị nứt, ông chủ BOT ‘ngó lơ’. Bài báo cho biết: “Hơn 200 nhà dân ở huyện Hoài Nhơn bất bình phản ánh việc thi công dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 vào năm 2015 làm nứt nhà nhưng chủ đầu tư dự án không bồi thường”.

Bài viết dẫn lời ông Trần Đình Quát, ở thôn An Dưỡng 1, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, chia sẻ rằng: “Năm 2016, chúng tôi làm đơn yêu cầu bồi thường nhưng chủ đầu tư dự án là Công Ty Cổ Phần BOT Bắc Bình Định nói đã hết hạn nộp đơn. Chúng tôi rất tức giận và lo lắng khi sống trong căn nhà nứt nhưng chẳng biết kêu ai”.

Quốc lộ 1 hư hỏng rất nhiều chỗ, các trạm BOT vẫn hoạt động bình thường khiến người dân bực tức. Ảnh: DV/NV


***


Tin quốc tế

Tin nước Mỹ
Báo Người Việt đưa tin: Bộ Trưởng Jeff Sessions: Bộ Tư Pháp sẵn sàng đón nhận chỉ trích. Sessions nói, Bộ Tư pháp do ông điều hành sẵn sàng nhận mọi chỉ trích từ Quốc hội. Ông Sessions muốn nói về chính sách truy lùng dân nhập cư bất hợp pháp dưới thời chính quyền Trump.

Ông Sessions cũng nói về “tinh thần chống ông Trump trong cơ quan FBI” mà phe Cộng hòa luôn than phiền. Sessions nói rằng, ông “sẽ tìm kiếm và sửa chữa ‘những lỗi lầm của quá khứ’ và loại bỏ mọi hình thức thiên kiến chính trị, ‘dù là từ phía nào’ trong các cuộc điều tra và truy tố“.

Trang Soha có bài: Đại sứ Mỹ tại LHQ bác đồn đoán về quan hệ tình ái với ông Trump: “Tin đồn ghê tởm”. Danh hài Bill Maher có cuộc phỏng vấn Michael Wolff, tác giả cuốn sách “Lửa và Cuồng nộ: Bên trong Nhà Trắng của TT Trump”, trong đó Wolff đùa rằng, cuốn sách của ông có manh mối về một người có mối quan hệ tình ái với ông Trump.
Ông Wolff nói “hoàn toàn chắc chắn” về mối quan hệ đã nêu nhưng không thể đưa ra bằng chứng cuối cùng. Trong cuốn sách nói trên, có đoạn: “[ông Trump dành] một khoảng thời gian riêng tư đáng kể với bà Haley” trên chiếc Airforce One. Bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tai LHQ đã lên tiếng bác bỏ, nói rằng tin đồn bà có quan hệ tình ái với TT Trump là “ghê tởm”, “rất xúc phạm” và “hoàn toàn sai sự thật”.


Quan hệ Mỹ – Nga – Trung
Trong cuộc họp báo chung của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và người đồng cấp Ba Lan Jacek Czaputowicz, ông Tillerson lên tiếng  cáo buộc Nga chính trị hóa năng lượng ở Châu Âu. Công cụ chính trị năng lượng mà Nga định áp  dụng chính là đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, nối từ Nga tới Đức.

Mỹ, Ba Lan và một số nước Đông Âu đều lên tiếng phản đối dự án Nord Stream 2. Ngoại trưởng Tillerson nói: “Quan điểm của chúng tôi là nó làm suy yếu an ninh năng lượng và sự ổn định chung của Châu Âu và nó cung cấp cho Nga thêm một công cụ nữa để sử dụng năng lượng làm công cụ chính trị“.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc lại đang có ý bắt tay nhằm độc chiếm Bắc Cực. Vấn đề này được trang Một Thế Giới đưa tin: Nga – Trung hợp tác chiếm lĩnh Bắc cực với ‘Con đường tơ lụa’ mới. Trong Sách Trắng về Bắc Cực mới đây, Bắc Kinh không hề giấu giếm tham vọng bành trướng của mình ở đây. Một trong những “đối tác” phù hợp với Trung Quốc là Nga.

Nga, Trung đã có những liên lạc và hợp tác quân sự tại khu vực Bắc Cực thời gian gần đây. Nga có các phương tiện quân sự với sức mạnh cơ bắp, Trung Quốc có nguồn tiền khổng lồ, nếu 2 quốc gia này bắt tay nhau để độc chiếm Bắc Cực, sẽ gây ra nhiều hậu quả về môi trường và an ninh địa chính trị.


Tình hình Triều Tiên
Về vấn đề Bắc Hàn, giới chức Mỹ vẫn tỏ ra cứng rắn với chế độ Bình Nhưỡng. VOA đưa tin: Bộ trưởng Mattis: Ngoại giao sẽ áp đặt lí trí lên Kim Jong Un. Trong cuộc gặp giữa ông Jim Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và người đồng cấp Hàn Quốc, Bộ trưởng Song Young-moo, ông Mattis nói: “Ngoại giao sẽ áp đặt lí trí lên những lời lẽ liều lĩnh và những hành động khiêu khích nguy hiểm của Kim“.

Ông Mattis cho rằng, các giải pháp ngoại giao cần được răn đe bằng sức mạnh quân sự ở phía sau hậu thuẫn, nhằm bảo đảm các cuộc đàm phán với Bắc Hàn, Mỹ – Hàn luôn ở thế mạnh. Ông nói: “Ngoại giao dẫn đầu, yểm trợ bằng các lựa chọn quân sự sẵn có để bảo đảm người ta hiểu rằng các nhà ngoại giao của chúng ta đàm phán từ thế mạnh“.


Tin Trung Đông
TTXVN có bài: Mỹ ngừng cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd tại Syria. Ngày 27/1, Văn phòng TT Mỹ ra thông báo, nước này sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria. Tin này được phía Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận.

Báo Đất Việt có bài phân tích: Nguy cơ cuộc chiến ủy nhiệm Syria: Ai giành chiến thắng?. Theo bài viết, hiện nay tình hình ở Syria khá nhiều phe phái nhưng tựu trung lại, các nhóm quân sự, các lực lượng lớn nhỏ đều là “tay chân” của Nga, Iran và Mỹ.
Đầu tiên là Nga, hiện Moscow đang sở hữu lực lượng lớn nhất tại chiến trường Syria, đó là chính phủ và quân đội của nhà độc tài Bashar al-Assad. Cùng với các căn cứ quân sự và nhiều phương tiện chiến tranh, như binh lính ở Syria, Nga chính là lực lượng mạnh nhất ở đây.

Quốc gia thứ 2 cũng có lực lượng rất mạnh ở Syria là Iran. Theo các thông tin mà Israel cung cấp, Iran hiện có khoảng 82.000 chiến binh dưới quyền điều khiển của Tehran. Israel cho rằng: Iran biến Syria thành căn cứ quân sự lớn chưa từng có. Các tay súng của Iran đa phần là thành viên các tổ chức khủng bố, đặc biệt là sự góp mặt của Hezbollah.

Cuối cùng là Mỹ với các lực lượng người Kurd và phe dân chủ Syria. Theo các nhà quan sát, nếu cuộc chiến ủy nhiệm xảy ra, chưa có gì bảo đảm chắc chắn cho chiến thắng của phe nhóm nào. Đó là chưa kể đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ, cùng các quốc gia khác ở Trung Đông, càng làm cho tình hình Syria phức tạp hơn.


***


***









No comments: