Thursday, July 28, 2016

TRƯỚC GIỜ ĐẢNG DÂN CHỦ "XUẤT QUÂN" : BÀ CLINTON SẼ NÓI & LÀM GÌ ? (Nguyễn Văn Khanh)





Nguyễn Văn Khanh
July 28, 2016
.
Bà Hillary Clinton và tổng thống Obama. Bà sẽ có bài diễn văn chấp nhận đề cử của đảng Dân Chủ vào lúc 8:30 tối nay, giờ California. (Hình: Getty Images)

Theo chương trình vừa được Ban Tổ Chức Đại Hội Đảng Dân Chủ 2016 công bố cách đây ít tiếng đồng hồ, khoảng 8 giờ 30 tối hôm nay (giờ California), Cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton sẽ đọc bài diễn văn nhận lời đề cử, và cô Chelsea, con gái của bà, sẽ là người giới thiệu bà với các đại biểu cũng như với cử tri toàn quốc.

Cũng kể từ lúc đó, cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ cho nhiệm kỳ tới sẽ chính thức bắt đầu, cử tri khắp nơi sẽ chọn lựa giữa bà Clinton của đảng Dân Chủ và ông Donlad Trump của đảng Cộng Hòa, một trong hai người sẽ được tín nhiệm để nhận trách nhiệm lãnh đạo quốc gia, trở thành vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Trước khi bà Clinton đọc bài diễn văn nhận lời đề cử của đảng Dân Chủ, những gì bà Clinton cần phải nói, những việc bà Clinton cần phải làm ngay tối hôm nay, trước khi chính thức mở cuộc vận động đối đầu với ông Trump, ở cuộc đua chính trị hứa hẹn sẽ có nhiều sôi nổi.
Bà Clinton sẽ phải nói và làm rất nhiều điều. Trước hết, như tất cả các ứng cử viên khác, đây là thời điểm bà phải trình bày chính sách, đường lối sẽ thực hiện nếu được cử tri tín nhiệm để lãnh đạo quốc gia, từ chính sách về kinh tế, giáo dục, xã hội cho đến chính sách về ngoại giao, quốc phòng.

Bà sẽ nối tiếp điều Tổng Thống Barack Obama đưa ra tối hôm qua là trình bầy cho cử tri thấy hình ảnh huy hoàng của nước Mỹ, và sẽ huy hoàng hơn nữa nếu bà là người lãnh đạo. Bà cũng phải đảm bảo đặt an ninh và quyền lợi quốc gia lên trên hết, cam kết sẽ tiêu diệt được khủng bố ISIS, và nhắc lại cho mọi người biết với kinh nghiệm của một đệ nhất phu nhân, bà hiểu được khó khăn, vất vả của nhà lãnh đạo, với kinh nghiệm của một thượng nghị sĩ bà hiểu khó khăn của trách nhiệm xây dựng nhịp cầu nối liền hành pháp và lập pháp, với kinh nghiệm của một ngoại trưởng, bà có thuận lợi hơn ông Trump vì bà là người được các nhà lãnh đạo các nước kinh phục và người dân các nước quý trọng.

Bên cạnh đó, điều bà cần làm ngay tối hôm nay là thu hút lá phiếu của tập thể ủng hộ ông Bernie Sanders, tập thể cử tri độc lập và tập thể cử tri trẻ tuổi, những người đến giờ vẫn phân vân, không biết nên bầu cho ai và cũng không biết có nên đi bầu hay không.

Ai cũng biết có những cử tri Cộng Hòa chỉ bỏ phiếu cho ứng cử viên Cộng Hòa, có những cử tri Dân Chủ chỉ bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân Chủ, do đó, tập thể cử tri độc lập và tập thể cử tri trẻ tuổi sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày mùng 8 tháng Mười Một tới đây.

* Người ủng hộ ông Sanders nghĩ thế nào về bà Clinton?

Đa số lực lượng này không bỏ phiếu cho ông Trump, nhưng họ cũng chưa nghiêng về phía bà Clinton. Mặc dù họ hết lòng ủng hộ đảng Dân Chủ, muốn đảng của họ giữ Tòa Bạch Ốc, nhưng bà Clinton chưa hẳn là ứng cử viên mà họ trông chờ. Trách nhiệm của bà Clinton là phải cho họ thấy bà là người của họ trước khi muốn họ là người của bà. Để làm điều này, trong bài diễn văn đọc tối nay, bà Clinton phải thật khéo léo, cho mọi người biết bà chủ trương ủng hộ cấp tiến, chủ trương xây dựng một xã hội bình đẳng, nhưng không phải là người quá thiên tả.

Một trong những điểm nổi bật của cuộc tranh cử tổng thống 2016 là đa số cử tri Hoa Kỳ nghĩ rằng cả bà Clinton lẫn ông Trump đều không đáng tin, và số người nghĩ ông Trump lẫn bà Clinton đều không xứng đáng để giữ vai trò tổng thống Mỹ. Bà Clinton phải làm gì để vượt qua trở ngại đó?

Không rõ là vấn đề này có được bà Clinton nói đến trong bài diễn văn tối nay hay không, nhưng ít nhất, tối hôm qua Tổng Thống Obama đã nói hộ cho bà, khi ông bảo rằng trong 40 năm trời phục vụ, đương nhiên bà Clinton là người bị quan sát rất kỹ, và ông Obama bảo “cũng như tôi, cũng như mọi người, bà Clinton có lúc sai phạm”.

Nếu vấn đề này được nêu ra, có lẽ bà Clinton sẽ đi theo điều người bạn thân của bà là Phó Tổng Thống Joseph Biden từng nói với cử tri. Ông bảo “xin quý vị đừng đem tôi ra so sánh với Đấng Tối Cao, chỉ mong quý vị so sánh tôi với đối thủ của tôi, xem tôi hơn đối thủ ở điểm nào”. Nếu đi theo hướng này, bà Clinton sẽ bảo mọi người “hãy so sánh tôi với ông Trump, quý vị sẽ thấy ai là người xứng đáng được quý vị dồn phiếu ủng hộ”.

Nhìn lại những ngày vừa qua và so sánh với Đại Hội Cộng Hòa mới kết thúc hồi tuần trước ở Cleveland, Ohio, điểm nào là điểm nổi bật nhất?

Chúng tôi có cơ hội nói chuyện với khá nhiều người, đại biểu cũng có, quan sát viên cũng có, đồng nghiệp cũng có, tất cả đều đồng ý là Đại Hội Dân Chủ bài bản hơn, đoàn kết hơn Đại Hội Cộng Hòa. Tất cả những nhân vật tai mắt, bề thế của đảng Dân Chủ và ngay cả đối thủ của bà Clinton đều góp mặt, cùng nhau lên tiếng giới thiệu bà Clinton, trong khi điều đó không thấy ở Đại Hội Cộng Hòa. Chẳng hạn như Đại Hội Cộng Hòa tổ chức ở Cleveland, Ohio, nhưng ông Thống Đốc John Kasich không tham gia, Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz được mời nói chuyện thì kêu gọi người cũng đảng “nên bỏ phiếu theo lương tâm” chứ không bảo phải bỏ phiếu cho ông Trump.

Một điểm khác nữa là ở Đại Hội Cộng Hòa, hình ảnh một nước Mỹ ảm đạm được vẽ ra, trong khi Đại Hội Dân Chủ đưa ra hình ảnh một nước Mỹ huy hoàng và sẽ huy hoàng hơn. Rời Đại Hội Cộng Hòa, người dự không biết tương lai của nước Mỹ và của chính họ sẽ đi về đâu, rời Đại Hội Đảng Dân Chủ, người tham dự an tâm hơn rất nhiều.

* Bà Clinton cầm chìa khóa vào Tòa Bạch Ốc?

Những bài diễn văn được đọc ở Đại Hội Dân Chủ 2016, đặc biệt là bài diễn văn Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama mới đọc tối hôm qua cho thấy tất cả đều đáng chú ý.

Từ bài diễn văn của Đệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama đọc hôm đầu tiên, cho tới bài diễn văn của ông Cựu Thị Trưởng New York Michael Bloomberg, hay bài diễn văn của Phó Tổng Thống Biden,tất cả đều có chung một mục đích, mục đích đó là nước Mỹ cần bà Clinton chứ không cần ông Trump, người xứng đáng để cầm chìa khóa mở cửa Tòa Bạch Ốc là bà Clinton chứ không phải là ông Trump.

Riêng với bài diễn văn của Tổng Thống Obama, mọi người đều bảo ông đã làm tròn vai trò của một nhà lãnh đạo, của một nhà hùng biện, muốn cử tri toàn quốc chọn người cùng đảng với ông là bà Clinton. Ông nêu rõ kế hoạch, chính sách ông đưa ra vẫn chưa hoàn tất, cần người tiếp nối và người đó chính là bà Clinton. Ông cũng bảo vai trò của ông sắp chấm dứt, và ông hãnh diện trao trách nhiệm lại cho bà Clinton vì “không một người nào, kể cả tôi lẫn (Cựu Tổng Thống Bill) Clinton, hơn được bà Clinton”.

Với riêng chúng tôi, bài diễn văn Tổng Thống Obama đọc tối hôm qua làm tôi nhớ lại bài diễn văn Cựu Tổng Thống Bill Clinton đọc 4 năm trước đây ở Đại Hội Dân Chủ 2012 tại Charlotte, North Carolina, kêu gọi cử tri Hoa Kỳ đừng “thay ngựa giữa đàng”, nên tiếp tục ủng hộ Tổng Thống Obama để “Tổng Thống của chúng ta hoàn tất những gì cần phải hoàn tất”.

Chúng tôi còn nhớ tối hôm đó, Cựu Tổng Thống Clinton nói rằng ông Obama lãnh trách nhiệm trong giai đoạn nước Mỹ đang gặp nhiều khó khăn “không ai có thể hoàn thành trách nhiệm nặng nề đó trong một nhiệm kỳ, kể cả tôi cũng không làm được”. Bài nói chuyện của ông Clinton đã góp phần rất lớn, giúp ông Obama tái đắc cử, và bây giờ là lúc ông Obama trả lễ, bằng cách giúp đưa bà Clinton vào Tòa Bạch Ốc.

Các cuộc thăm dò trong tuần này cho thấy ông Trump đang dẫn trước bà Clinton từ 1 tới 5 điểm. Những người ủng hộ bà Clincon có lo lắng về chuyện này hay không? Câu trả lời là không. Tuần trước, tôi có nói là bao giờ cũng vậy, sau đại hội Cộng Hòa là ứng cử viên Cộng Hòa tăng điểm, sau đại hội Dân Chủ là ứng cử viên Dân Chủ tăng điểm, vì thế trong tuần này ông Trump thắng thế nhưng vào tuần tới sẽ đến lượt bà Clinton thắng thế. Đó là chuyện bình thường.

Nên nhớ cuộc tranh cử sẽ kéo dài tới đầu tháng Mười Một, nên trong 90 ngày tới sẽ có nhiều thay đổi, và phải đợi cho đến tuần lễ cuối cùng, lúc đó chúng ta mới thấy được vóc dáng của ông hay bà chủ mới của Tòa Bạch Ốc. Nói cách khác, bây giờ vẫn còn quá sớm, cả ông Trump lẫn bà Clinton đều có cơ hội thành công.

---------------------------






No comments: