Monday, July 4, 2011

BƯỚC VÀO NGƯỠNG CỬA NƯỚC MỸ - NHÂN NGÀY ĐỘC LẬP 4-7 (Mường Giang)


MƯỜNG GIANG
Jul 3rd, 2011

Trong lần kỷ niệm 500 năm, đánh dấu ngày Christophe Colomb đã tìm ra Châu Mỹ hay Tân Lục Ðịa. Dịp này đã có nhiều học giả, sử gia, nhà khoa học và khảo cổ khắp thế giới đưa ra thắc mắc “Phải chăng Colomb là người đầu tiên đã tìm ra Tân Lục Ðịa hay ông chỉ là người đầu tiên tổ chức cuộc họp báo để hợp thức hóa sự có mặt của Châu Mỹ trên bản đồ thế giới” ?
Christophe Colomb hay Columbus có gia thế bình thường, cha làm thợ dệt tại Gêne (Tây Ban Nha). Là một vĩ nhân của thế giới nhưng cuộc đời gặp nhiều bất hạnh vì sự đố kỵ của thế nhân nên lúc đương thời, đến nổi đã không lưu lại được một bức chân dung nào của nhà thám hiểm. Ðiều này đã chứng minh tại sao những bức chân dung của Colomb hiện đang lưu hành không đồng nhất và ít giống ông vì các họa sĩ của thế kỷ XVI đã vẽ bằng phương pháp ‘Identikit‘, tức là dựa theo lời kể của những người quen biết, trong đó có con trai nhà thàm hiểm là Ferdinand. Ðại để thì lúc sinh thời Colomb có nước da và tóc màu đỏ, mắt xanh, cao lớn trên 1,65m.
Từ nhiều thập niên qua, rât nhiều học giả đã tìm đủ mọi cách phủ nhận công trình thám hiểm của Colomb nhưng tới nay cũng chỉ là những giả thuyết hoang đường, khó lòng đánh đổ được một sự thật đã được cả thế giới công nhận và ngưởng mộ. Nhưng dù gì chăng nữa, thì công trình thám hiểm của Christophe cũng đã đi vào lịch sử và tâm khảm của mọi người, trong đó có Hiệp Chủng Quốc và các quốc gia thuộc Châu Mỹ. Ngoài ra từ những khai quật được do các nhà khảo cổ tìm thấy gần đây, dựa theo niên lịch khảo sát, có thể xác định họ đã tới đây trước Colmb, gồm những ngư dân Nhật, nhà sư Hui Sen, hoàng tử Madoc, Bjarni, Leif và người Do Thái. Nhưng chính Colomb lại là người đầu tiên đã công bố sự hiện hữu của Tân Lục Ðịa Châu Mỹ cho cả thế giới biết
Hoa Kỳ là một quốc gia thuộc Châu Mỹ, tới nay vẫn còn là một siêu cường số 1 của thế giới về kinh tế, quân sự. Ðó là một Tiểu Lục Ðịa rộng lớn, có lãnh thổ chạy từ bờ Thái Bình Dương qua Ðại Tây Dương, diện tích xấp xĩ với Âu Châu, đứng thứ tư sau Liên Bang Nga (6.592.812 Sq.Ml), Gia Nã Ðại (3.851.787 Sq.Ml) và Trung Cộng (3.691.000 Sq.Ml). Như vậy, tính đến năm 2010, diện tích Hoa Kỳ là 3.623.420 Sq.mi hay 9.384.658 Km2 và dân số hơn 300 triệu người. Do đất nước quá rộng lớn, còn dân chúng thì tạp chũng, lại có nhiều nền văn hóa dị biệt, tự do quá trớn và cạnh tranh ráo riết để mà sinh tồn. Bởi thế không ai sinh sống trên đất nước này, dù là bản địa hay di dân, người bình thường hoặc Tổng Thống, dám khẳng định nước Mỹ là thiên đàng hay địa ngục, vì sự tốt, xấu, may mắn hay bất hạnh… đều do công ăn, việc làm, tức là Tiền chi phối.
Người Việt tị nạn CS chúng ta may mắn được sống hạnh phúc trên đất Mỹ, với đầy đủ các quyền lợi đã qui định từ Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, mà đâu mấy ai hiểu rõ là Tiền Nhân đã đổi lấy nó bằng máu và mạng sống trước bạo lực

1- THỦ ÐÔ HOA KỲ VÀ TÒA BẠCH ỐC:

Mới đây, nhà xuất bản The Preseavation Press đã phối họp với các đại nhật báo Mỹ US Today, Miami Herald, Tampa Tribune… mở một cuộc thăm dò rộng rãi ý kiến trong dân chúng, để lựa chọn Hai Chục Công Trình Xây Dựng, được ưa thích nhất tại Hoa Kỳ. Tất cả các kiến trúc trên đều có liên hệ mật thiết tới những trang lịch sử dựng và giữ nước của tiền nhân. Ðiều này đã nói lên tình yêu nước nồng nàn của người dân cả nước đối với di sản của quốc gia họ.
Từ ngày lập quốc tới nay, Hoa Kỳ vẫn là một Liên Bang Dân Chủ, chịu ảnh hưởng của nền chính trị Châu Âu, dựa trên nguyên tắc phân quyền và chủ quyền thực sự do lá phiếu của người dân tín nhiệm quyết định. Hiện Mỹ có 50 Tiểu Bang và Thủ Ðô là Washington (Hoa Thịnh Ðốn), có diện tích 178 km2, dân số 606.900 người theo thống kê năm 2004. Hằng năm thủ đô đón tiếp hơn 20 triệu du khách muôn phương, đổ về thắm viếng các công trình kiến trúc tại đây. Có điều ít ai ngờ được là thủ đô Hoa thịnh Ðốn, đã được khai sinh từ một kiến trúc sư tài ba người Pháp P.C L’enfant nhưng sau đó ông đã bị lãng quên vì sự bội bạc của người Mỹ.
Theo tài liệu từ L’Histoire, thì ngày 11-3-1791, tám năm sau khi 13 thuộc địa cũ của Anh Cát Lợi được độc lập, trở thành Tân Quốc Gia Hoa Kỳ. Việc lực chọn thủ đô cho Liên Bang gặp nhiều trở ngại khi chỉ có một địa điểm thích hợp. Trong lúc đó khắp lãnh thổ, đâu cũng là những vùng thích hợp và đủ điều kiện lịch sử, vì sự liên hệ tới cuộc chiến đấu chống quân Anh như Boston, Philadelphia, Yorktown… được các đại biểu đề nghị. Tuy nhiên cuối cùng, Hội Ðồng Quốc Gia quyết định theo đề nghị của Thomas Jefferson, một thành viên trong Quốc Hội, đồng thời là Thống Ðốc Tiểu Bang Virginia, chọn một địa điểm trung gian, nằm trong Quận Columbia, để xây dựng thủ đô Liên Bang.
Ðây là ý kiến dung hòa của Quốc Hội, được Vị Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ George Washington (1732-1798), chấp thuận và giao phó việc tìm địa điểm, lập đồ án xây dựng Thủ đô được chọn, tọa lạc trên hai bờ sông Potomac. Công trình trên được ủy nhiệm cho một Thiếu Tá Công Binh người Pháp tên Pierre Charles L’Enfant thực hiện.
Ông sinh ngày 2-8-1754 tại Ba Lê (Pháp), là con trai của Họa sư Pierre L’enfant, phụ trách xây dựng cung điện cho Hoàng đế Pháp Louis XV. Xuất thân là một Trung Úy Pháo Binh của quân đội Pháp. Ông đã cảm khái trước tinh thần yêu nước và sự hy sinh cao cả của Nghiã Quân Hoa Kỳ lúc đó, đang chiến đấu anh dũng chống lại quân Anh. Bởi vậy L’ Enfant đã tình nguyện theo Ðoàn Chí Nguyện Pháp, sang giúp người Mỹ đang tranh thủ cho nền độc lập xứ sở. Năm 1779, L’Enfant bị trọng thương trong trận ác chiến tại Savannah và bị Anh bắt làm tù binh, khi cùng đồng đội cố thủ tại cứ điểm Charleston. Ðược trao trả cho Hoa Kỳ qua cuộc thương thuyết của Bá tước Rochambeau và trở thành Sĩ Quan Huấn Luyện đầu tiên của Quân Ðội Mỹ.
Ngày 13-12-1971, dự án xây dự thủ đô Hoa Thịnh Ðốn của L’Enfant hoàn tất, được đệ trình Quốc Hội và Tờ Công Báo Mỹ đăng tải với những lời khen ngợi, gọi công trình trên như là ‘Trung tâm của Lý Trí, Tuyên Ngôn đẹp nhất của Thế kỷ, Biểu tượng kính yêu’ của Quốc Gia trẻ trung Hoa Kỳ vừa được độc lập. Nhưng dù dự án được Tổng Thống Washington rất ưa thích tán đồng lai bị đám Nghị Viên thối nát lúc đó, vắt chanh bỏ vỏ, cấu kết với bọn nhà giàu, đầu cơ trục lợi, ém nhẹm trù dập, từ chối. Cuối cùng L’Enfant đã bị người Mỹ lãng quên và chết trong cảnh nghèo đói thê thảm vào năm 1825.
Thủ đô Liên Bang được chính thức thừa nhận vào tháng 12-1800, khi Ðoàn Ðại Biểu từ các Tiểu Bang tới trú ngụ tại Dinh Capital. Năm 1900 kỹ niệm 100 thành lập thủ đô. Quốc Hội Mỹ cử một Ủy Ban lo phát triển và xây dựng thủ đô trong tương lai. Nhân dịp này, các vị lãnh đạo Hoa Kỳ đã tuyên bố rất hối tiếc trong quá khứ, đã phủ nhận Ðồ Án Xây Dựng Thủ Ðô của Hoạ Sư L’Enfant, nên ngày nay phải tốn nhiều công sức và ngân khoản tu sửa lại thành phố. Ðồng thời người Mỹ cũng quyết định Cải Táng Hài Cốt của L’Enfant, từ một khu nghĩa địa nghèo nàn, về Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, để Ông được nằm chung với các đấng Anh Hùng Liệt Nử của nước Mỹ, ngày đêm nhìn ngắm lâu đài, phố thị nguy nga, núi sông hùng tráng bên hai bờ Potomac.
Ðây là một thành phố độc lập về hành chánh mang tên là Washington D.C. (District of Columbia), để phân biệt với Tiểu Bang Washington ở phía tây bắc Hoa Kỳ, giáp giới với Canada. Do không lệ thuộc vào bất cứ tiểu bang nào, nên thủ đô hiện phải đương đầu với tỷ lệ tội phạm đứng đầu cả nước, mặc dù đây là trung tâm đầu não, tượng trưng cho quyền lực của Hoa Kỳ. Có nhiều lý do giải thích như thành phố có quá nhiều người Da Ðen sinh sống tại trung tâm, trong khi hầu hết giới trung lưu da trắng thích cư ngụ ở vùng ngoại ô yên tỉnh. Mặc khác hệ thống an ninh tại đây luôn bị chồng chéo, đụng chạm giữa lực lượng của địa phương và Liên Bang, tạo nhiều kẽ hở trong công tác chung là trấn áp các tội ác.
Thủ đô tập trung tất cả các cơ cấu của chính quyền liên bang với những dinh thự nguy nga và các đền đài hùng tráng, nằm dọc hai bên Ðại lộ Constitution, bên bờ sông Potomac. Còn có Tòa Bạch Ốc trên Ðại lộ Pennsylvania. Ðiện Capitol, nơi đặt Trụ sở Quốc hôi Mỹ, được khánh thành từ năm 1867. Thư viện Quốc hội (Library of Congress) lớn nhất thế giới, xây dựng năm 1800, kế đó là Tối Cao Pháp viện (Supreme Court).
Ở đây còn nổi tiếng qua các đài kỹ niệm với lối kiến trúc hài hòa nhưng vô cùng độc đáo. Ðài tưởng niệm TT Washington có 898 bậc thang cao 150m, giống như một tháp bút giữa trời. Ðài kỷ niệm TT Lincoln là một ngôi tượng khổng lồ, tạc bằng đá cẩm thạch cao 57m. Trong khi đó bức tượng của Jefferson được đúc bằng đồng, ngự trong một đại sảnh với mái vòm đứng trên những hàng cột tròn. Nhưng cảm động và có nhiều du khách tới thăm viếng hiện nay, vẫn là Ðài Kỷ Niệm Những Chiến Binh Hoa Kỳ đã hy sinh tại chiến trường Ðông Dương, trong cuộc chiến bảo vệ tự do độc lập cho các nước VNCH, Kampuchia và Lào, trước cuộc xâm lăng của Cộng Sản Ðệ Tam Quốc Tế, do Hà Nội đãm nhận, từ 1960-1975. Ðài này nằm trên Ðại lộ Constitution với biểu tượng Ba Người Lính sát cánh bên nhau trong chiến đấu, bên trong có những bức tường đá hoa cương đen, khắc tên 58.000 tử sĩ đã hy sinh vì nước.
Ngoài ra Khu kỷ niệm Tổng Thống Lincold tại Hoa Thịnh Ðốn, cũng được đánh giá là một trong 20 công trình xây dựng nổi tiếng của Mỹ, được kiến trúc sư Henry Bacon thiết kế và xây dựng từ năm 1922 theo kiểu cách của Cổ Hy Lạp. Trong công trình này có Pho tượng của TT Lincold cao 5,8m (19 Ft), do Ðiêu khắc gia Daniel Chester sáng tạo.
- TÒA BẠCH ỐC: Là nơi cư ngụ và làm việc của 43 vị Tổng Thống Hoa Kỳ, từ người đầu tiên là TT John Adams (1797-1801), cho tới đương kim Tông Thống Obama (2009- ). Riêng Tổng Thống đầu tiên của Mỹ là George Washington (1789-1797), từ trần trước khi Tòa Bạch Ốc hoàn thành. Công trình được khởi công từ năm 1792 tới năm 1799 mới xong, do Kiến Trúc Sư Janet vẽ đồ án và thiết kế. Ðây là Trung tâm quyền lực chẳng những của Mỹ mà là cả thế giới, nên thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước tới tìm hiểu thăm viếng, những bí mật của Tòa Dinh Thự nhưng ít ai biết được gì đã xãy ra bên trong, sau lần cửa khép.
Dù Washington là nguời đã đặt viên đá đầu tiên để xây dựng tòa nhà nhưng ông đã mất trước khi được khánh thành. Nên vị Tổng Thống thứ nhất vào cư ngụ trong Dinh lại là John Adam và Ðệ Nhất Phu Nhân là Abigail Adam. Gọi là Tòa Bạch Ốc vì toàn thể dinh thự được sơn màu trắng, nên từ ngoài nhìn vào rất lạnh lẽo cô đơn. Ngày 24-8-1914, quân Anh tấn công thủ đô Hoa Thịnh Ðốn và đốt rụi Tòa Bạch Ốc, nên Kiến trúc Sư Janet Hoban lại phải tái tạo và sơn phết lại toàn diện. Theo Robert Riplay, tác giả ‘Sưu Tập Những Chuyện Kỳ Lạ‘, thì danh từ Tòa Bạch Ốc, xuất xứ từ ý tưởng của Tổng Thống Washington, muốn kỷ niệm mối tình thơ mộng giữa ông và bà Martha Custiis, lúc đó hai người đang sống tại Trang Trại White House, bên bờ sông Pamunkey, thuộc Tiểu Bang Virginia.
Khởi đầu, tòa dinh thự chỉ có 132 phòng nhưng qua lần sửa chữa vào năm 1940, mới được phân biệt thành các khu vực riêng biệt. Hiện nay mỗi buổi sáng từ thứ hai tới thứ sáu, đều có nhiều phái đoàn du lịch cũng như quan khách, tới thăm viếng những cơ sở của chính phủ, nằm dưới tầng trệt. Khu vực phía tây lầu là nơi sinh hoạt của tổng thống và gia đình. Khu này nổi tiếng nhất là các Phòng Green Room, dùng làm phòng ăn thời TT Bill Clinton. Ðây là nơi quàng xác Willie Lincoln, con trai của TT Lincoln mất lúc 11 tuổi vì bệnh thương hàn. Ðó cũng là nơi gặp gở giữa hai đệ nhất phu nhân Nancy Reagan (Mỹ) và Raisa Gorbachev (Liên Bang Sô Viết) khi Tổng Bí Thư LBXV Gorbachev tới thăm viếng Hoa Kỳ. Phòng Bầu Dục (Blue Room) là phòng Khánh Tiết, nơi tiếp xúc hầu hết các Phái đoàn Ngoại giao các nước, mới đây có Thủ tướng VC Phan Văn Khải tới thăm Mỹ vào tháng 6-2005. Phòng Ðỏ (Red Room) là khu vực đặc biệt, nên còn được gọi là Dolles Madison, xữ dụng nhiều mục đích.
Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là Phòng ngủ của cố Tổng Thống Lincoln. Chính nơi này ngày xưa, ông vừa dùng làm nơi ăn, ngủ và hội họp với các thành viên trong Nội Các. Cũng chính nơi này, vào năm 1863 Tổng Thống Abraham Lincoln đã ký vào Văn Bản Tuyên Bố Giải Phóng Nô Lệ tại Liên Bang Hoa Kỳ. Sau này chỉ có hai Tổng Thống Theodore Roosevelt (1901-1909) và Woodrow Wilson (1913-1921) là dám ngủ tại đây, vì ai cũng sợ hồn ma của TT Lincoln, theo lời đồn đãi thường xuất hiện.

2- HẢI CHIẾN MỸ-NHẬT TẠI TRÂN CHÂU CẢNG (HAWAII) NĂM 1941:

Sáng ngày 7-12-1941, quân đội Thiên Hoàng Hirohito bất thần mở một cuộc không kích thần tốc kéo dài 1 giờ 50 phút, bằng 300 phi cơ chiến đấu đủ loại, nhắm vào Hạm Ðội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đang trú đóng tại Trân Châu Cảng, thuộc thành phố Honolulu, Hawaii. Theo các sử gia, cuộc tấn công trên ngoài việc triệt hạ gần hết hạm đội của Mỹ tại đây, còn gây sửng sốt cho các chiến lược gia lúc đó. Bởi vậy, dù đứng trên quan điểm chính trị nào, họ bắt buộc phải công nhận “đây là một chiến công sáng chói của người Nhật“ trước khi lãnh hai quả bom nguyên tử và đầu hàng Hoa Kỳ vô điều kiện vào năm 1945.
Sau này khi nhắc tới trận đại chiến long trời lở đất tại Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), nhiều sử gia đã không ngớt tranh cãi suốt mấy chục năm qua, quanh quẩn chỉ là dấu hỏi “về sự thất bại của tình báo Anh-Mỹ và lý do Hoa Kỳ để cho người Nhật tấn công một cách bất ngờ?” trong khi đã có kinh nghiệm về cuộc hải chiến Nhật-Hoa năm 1894 và Nga-Nhật năm 1905. Tóm lại vấn đề đặt ra là người Mỹ, thật sự bị thua trận hay vì lý do chính trị phải để thua trận? Tại sao Tổng thống Roosevelt không tin là Nhật tấn công Trân Châu Cảng, trong khi đã nắm trong tay nhiều tin tức tình báo? Ðó là những bí ẩn của lịch sử, cho dù Hoa Kỳ nói là đã giải mật hết những tài liệu cũ nhưng đến nay, theo các sử gia vẫn chưa bật mí gì hết trong vụ này.
Mới đây, nhà biên khảo Igor Semenikhin dựa vào phúc trình của phương tây, cũng như cuộc đối thoại với một phi công củ của Nhật, đã ghi lại một vài chi tiết quan trọng, liên quan đến việc Nhật mở trận không kích vào Hạm Ðội Mỹ năm 1941 tại Trân Châu Cảng.
Tetsuo Shimada, phi công thuộc Phi Ðoàn 1 của Không lực Thiên Hoàng, từ năm 1932-1945, cũng là người đã trực tiếp tham chiến trận không kích Trân Châu Cảng. Ông hiện còn sống tại thành phố Kagoshima, phía nam đảo Kyusu (Nhật) và làm việc tại Viện Bảo Tàng, cho biết trong trận Trân Châu Cảng, phía Nhật có hai hàng không mẫu hạm Akagi và Shokaku tham chiến. Ngoài ra không quân Nhật đã cho một phi đội, đến thực tập tác chiến tại hỏa sơn Sakurajima vừa mới trồi lên giữa vịnh Kagoshima, vì địa thế gần giống vùng Trân Châu Cảng.
Thật ra người Nhật đã chuẩn bị tấn công Hạm Ðội Thái Bình Dương của Mỹ tại Hawaii, từ tháng 2-1941. Kế hoạch tuyệt mật này, chính Thủy sư đô đốc Yamamoto tư lệnh Hải quân Nhật, giao cho Ðô Ðốc Jisaburo nghiên cứu và rút kinh nghiệm, từ cuộc hải chiến Nga Nhật năm 1905, mà yếu tố thành công là sự tấn công bất ngờ của Nhật vào Hạm Ðội Nga, đóng tại cảng Arthur vào ban đêm không báo trước. Ðó cũng là kinh nghiệm mà người Nhật đã sử dụng khi tấn công Mỹ trong tương lai.
Ðể tiến hành kế hoạch, một điệp viên cũng là một sĩ quan Hải quân Nhật tên Takeo Yoshikawa, qua tên giả là Morimura phó lãnh sự Nhật tại Honolulu, trà trộn vào các trà đình, tửu quán cũng như câu lạc bộ của Sĩ quan Hải Quân Mỹ, điều nghiên tin tức, quan sát chụp hình và tìm hiểu bí mật quân sự của Hạm Ðội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, ngay chính miệng của các sĩ quan Mỹ, trong lúc hơi men chếnh choáng. Thật ra, ngay những ngày đầu năm 1941, khi Takeo vừa từ Ðông Kinh tới Honolulu, đã bị nhân viên tình báo Mỹ FBI theo sát. Nhưng nhờ đóng kịch quá khéo, nên chỉ một tháng ngắn ngủi, người Mỹ đã để cọp sổ chuồng. Nhờ vậy Takeo đã hoàn thành nhiệm vụ một cách toàn hảo. Ngoài ra còn có Nagao Kita, thượng cấp của Takeo, cả hai đã góp phần tạo nên chiến thắng cho quân Nhật, qua cung cấp thông tin về các căn cứ không quân của Mỹ tại Hawaii lúc đó như Fords Island, Hickam Field, bãi đáp phi cơ của Hải Quân ở Kaneohe và quan trọng nhất là nhà kho chứa Pháo Ðài Bay B-17 tại Trân Châu Cảng. Một điều quan trọng khác, là lúc đó, phi công Mỹ chỉ kiểm soát các vùng phía đông và tây nam Hawaii, mà bỏ trống mạn bắc. Ngoài ra, Tư Lệnh quân sự tại Trân Châu Cảng, tướng Walter C.Short, đã ra lệnh tập trung phi cơ một chỗ, nói là để chống phá hoại. Ngày 24-9-1941, Ðô đốc Toyoda, bộ trưởng ngoại giao Nhật, ra lệnh cho Takeo, phải tìm mọi cách chia Cảng Trân Châu ra 5 khu vực, với báo cáo chính xác, từ số lượng Tàu, Máy bay và mọi sự coi như trôi chảy. Về lý do, tại sao Nhật chọn Trân Châu Cảng làm mục tiêu tấn công. Sau này qua tài liệu, người Nhật cho biết vì đã nắm được gần hết các tài liệu trọng yếu của Hạm Ðội Mỹ tại đây. Thứ đến là người Mỹ nếu đóng cửa Tòa Lãnh Sự Nhật tại Honolulu, thì cuộc chiến sẽ không xảy ra. Ðây cũng là lý do mà các sử gia cứ đem ra tranh luận, còn Chính phủ Mỹ thì trả lời, sở dĩ làm như vậy, là tránh chọc giận người Nhật?
Tháng 10-1941, người Nhật mới tìm ra cách sử dụng ngư lôi có hiệu quả tại Trân Châu Cảng với độ sâu từ 10-15m, bằng cách gắn thêm vào các quả ngư lôi, một bộ ổn định bằng gỗ. Cuối cùng tất cả các phi công thiện chiến của Nhật, được lệnh tập trung về phục vụ tại các Hàng Không Mẫu Hạm, để lái các loại phi cơ phóng thủy lôi có gắn loại bom cỡ 15-16 inch, được ráp thêm bộ ổn định, để phá vỡ võ thép của các chiến đấu cơ Hoa Kỳ.
Ngày 16-10-1941, nội các của Thủ tướng dân sự Nhật Koyoe từ chức. Ngày 18-10-1941 tướng Tijio lập nội các quân phiệt với chủ trương dùng võ lực chiếm Trung Hoa, Ðông Dương và Tây Bá Lợi Á của Nga. Ngày 5-11-1941, Thiên Hoàng Hirohito quyết định, đánh Anh và Mỹ nhưng để đánh lạc hướng, Nhật giả vờ họp thượng đỉnh với Mỹ tại Hoa Thịnh Ðốn. Trong khi đó tại Nhật ngày tấn công Mỹ tại Trân Châu Cảng, được nội các quyết định là 8-12-1941 theo giờ Tokyo.
Ðầu tháng 12-1941, từng nhóm tàu trong lực lượng đặc nhiệm ‘Kido Butai’ đánh Trân Châu Cảng, tập trung về căn cứ Nhật Titurup, trên quần đảo Kurile. Thế rồi lúc 7 giờ 55 phút ngày 7-12-1941, 353 phi cơ chiến đấu đủ loại của Nhật, chia làm 2 nhóm do Minoru Henda (183 phi cơ) và Mitsuo Fuchida (170 phi cơ) chỉ huy, đồng loạt tấn công Hạm Ðội Thái Bình Dương đang tập trung tại Trân Châu Cảng. Hai đợt tấn công, kết thúc vào lúc 9 giờ 45 phút sáng cùng ngày. Theo sử liệu, Nhật đã hủy diệt của Mỹ 232 Chiến Ðấu Cơ và toàn bộ các Chiến Hạm có mặt trong Cảng. Ngoài ra có 3,581 người thương vong (2,435 người chết). Có 3 Hàng Không Mẫu Hạm nhờ đang thao diễn ở xa Trân Châu Cảng, nên không bị thiệt hại. Phía Nhật có 29 phi cơ bị hạ.

3- CHUYỆN NUỚC MỸ:

+ Chuyện Dài Súng Ðạn:
Ðến giờ, nước Mỹ vẫn điên đầu về chuyện súng đạn gần như vô phương giải quyết. Súng đạn đã làm ba vị Tổng Thống Hoa Kỳ thiệt mạng. Súng đã giết tập thể nhiều nam nữ học sinh, sinh viên và thầy cô ngay tại nhà trường. Cũng vì súng mà nhiều thanh thiếu niên đã vướng vào con đường tội lỗi mất hết tương lai. Thế nhưng chính quyền tiểu bang lẫn liên bang vẫn bất lực và người Mỹ cứ tiếp tục là nạn nhân của súng.
Ðây là vấn đề được bàn cải nhiều năm qua câu hỏi đặt ra là “từ thuở lập quốc ông cha ta có thích súng hay không?“ Nhiều người đã trả lời là có khi dẫn chứng lời của ông Richard Henry Lee, đã viết vào Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập Hoa Kỳ ‘Ðể bảo vệ tự do, điều cần thiết là tất cả mọi người phải luôn giữ vũ khí và được dạy cách sử dụng ngay khi còn trẻ‘. Nhưng theo nhận xét của giáo sư Michael Bellesiles tại Ðại học Emory thuộc thành phố Atlanta, cho rằng người xưa đâu có thích giữ súng đạn, khi ông dựa vào 1,000 hồ sơ lưu trữ từ 1765-1850, phân tích qua các bản di chúc phân chia tài sản đã không thấy ai nhắc tới vũ khí như gươm giáo súng đạn vào thời đó.
Còn các tài liệu liên quan tới lịch sử Hoa Kỳ, có nhắc tới những vụ kiểm kê tại tiểu bang Massachusetts là một trong hai trung tâm sản xuất vũ khí của Mỹ vào năm 1840, cho thấy chỉ có 11% dân số có giữ súng đạn. Ðiều này cho thấy người Mỹ thuở lập quốc không mấy người giữ súng đạn trong nhà. Thật ra thời đó súng đạn rất đắt, chỉ riêng tiền mua một khẩu súng trường Mousqueton, tương đương với tiền kiếm được của một nông dân cả năm. Sỡ dĩ súng quá đắt vì lúc đó Mỹ phải nhập cảng từ Anh, Pháp, Ðức. Ngoài ra còn phải tốn tiền bảo trì súng làm bắng sắt nên mau hoen rĩ không xài được. Do đó chỉ có giới trung lưu trở lên mối có tiền sắm súng riêng mà thôi.
Trước khi xảy ra cuộc nội chiến, Hoa Kỳ chỉ có hai lò sản xuất súng đạn tại Harpers Ferry (Virginia) và Springfield (Massachusetts) nhưng không đủ trang bị cho quân đội. Vì vậy năm 1793 quốc hội Mỹ phải mua 7000 khẩu súng trường và năm sau chỉ còn tiền nhập thêm 400 khẩu nữa mà thôi, để trang bị cho quân chính qui. Với các lực lượng dân quân lại càng thiếu thốn, nên phải dùng gươm giáo thay thế. Năm 1808 liên bang đã cấp súng đạn cho dân da trắng khi họ tình nguyện vào đơn vị dân quân tự vệ. Tuy nhiên đó cũng chỉ là lý thuyết vì mãi tới năm 1839, chỉ có các đơn vị ở Massachusetts mới được trang bị vũ khí đầy đủ mà thôi.
Tóm lại việc phát triển súng đạn tại Mỹ bắt đầu từ cuộc nội chiến Nam Bắc (1861-1865) cũng là thời kỳ đất nước bắt đầu kỹ nghệ hóa. Do đó chỉ trong năm 1864, riêng lò Springfield đã sản xuất tới 600.000 khẩu súng trường, bằng số súng cả nước Mỹ gộp lại trong 70 năm trở về trước. Ngân sách quốc phòng của Bắc quân cũng tăng tới 179 triệu USD (bằng 2,5 tỷ hiện nay) nên tha hồ mua sắm hay sản xuất súng đạn. Nam quân cũng đâu chịu thua, thế là hai phe tha hồ chạy đua phát triển quân sự để dành chiến thắng.
Năm 1865 cuộc nội chiến chấm dứt nhưng chính quyền vẫn không ban hành lệnh thu hồi số súng đạn đã cấp phát. Bởi vậy hầu hết binh sĩ khi được lệnh giải ngũ đã đem vũ khí cá nhân về cất giữ tại nhà. Ðó là lần đại vũ trang cho toàn dân Mỹ với số lượng lên đến vài triệu khẩu, mở đầu cho làn sóng tội lỗi bừng phát vào thời kỳ hậu chiến, mà nạn nhân quan trọng nhất đầu tiên hứng chiu là Tổng Thống Abraham Lincoln. Còn Samuel Colt là tên lái súng đầu tiên của Mỹ trong ngành mua bán vũ khí, dùng tiền bạc hối lộ chính quyền để được luật hợp thức hoá. Ðương sự cũng là nhân vật đã phát sinh nghề vận động hành lang (lobby) của giới buôn bán súng. Tuy vậy việc cho sử dụng súng từ 1870-1880 kể cả vùng Viễn Tây Hoang Dã vẫn chưa chính thức như các cảnh thấy trong phim cao bồi chỉ là thêu dệt quảng cáo. Căn cứ vào các tài liệu còn lưu trữ, thì bạo lực súng đạn đã xảy ra nhiều nhất tại các thành phố lớn ở miền đông, hơn là tại các trang trại đồng cỏ của giới chăn bò. New York mới chính là thiên đường của những tên sát nhân vì là hang ổ của các tập đoàn Mafia Ý lúc đó chuyên buôn lậu rượu, súng đạn và kỷ nghệ gái điếm.
Tới cuối thế kỷ XIX, Hoa Kỳ ngày càng có nhiều người giữ súng vì quá rẽ và các điều kiện mua thật dễ dàng, qua nhiều hảng sản xuất vũ khí cũng như sự thay đổi của Hiệp hội súng trường Mỹ (National Rifle Association – NRA), được thành lập vào năm 1872 và quyết định của quốc hội cho phép quảng bá việc sử dụng súng trường vào năm 1903. Sau đó chính phủ còn đem số súng sản xuất thặng dư tặng cho các câu lạc bộ súng được NRA đở đầu.
Tháng 11- 1963 Tổng thống John F Kenedy bị ám sát bằng súng khiến cho quốc hội phải thông qua luật kiểm soát vũ khí (Gun Control Act) đồng thời cấm mua bán súng qua đường bưu điện. Luật trên được NRA ủng hộ nhưng sau đó lại bị một vài thành viên phản đối như Hanlon Carter (Texas) và cuối cùng đã xóa sổ tổ chức NRA cũ để lập một hội buôn bán vũ khí mới, mà số hội viên vào năm 2000 đã lên tới 2,5 triệu người. Từ đó NRA ngoài việc chống sự kiểm soát việc sử dụng súng đạn của dân Mỹ, mà còn là một đảng phái chính trị, gây nhức nhối cho chính quyền kể cả các vụ ám sát bằng súng mà nạn nhân là tổng thống Reagan và Brady, tuy cả hai chỉ bị thương không mất mạng.

+ Từ Chuyện In Tiền Tới Hai Vụ Khủng Hoảng Tài Chánh Lớn Nhất Của Mỹ.
Ai cũng biết các đại công ty của Mỹ lừng danh trên thế giới như Coca Cola, Citibank, Ford, Macintosh… đã làm ra nhiều tiền của cho quốc gia Hoa Kỳ. Nhưng chính Cơ Quan In Tiền (Bureau of Engraving and Printing) viết tắt là BEP, thuộc Bộ Tài Chánh của Liên Bang Hiệp Chủng Quốc, mới là nơi hằng ngày đã in hằng triệu đô la cho khắp thế giới sử dụng.
Nhà in tiền này qua cái tên The Money Factory, tọa lạc tại đường 14 thủ đô Hoa thịnh Ðốn (Washington DC), mở cửa hằng ngày cho phép mọi người vào tìm hiểu sinh hoạt của BEP, hoàn toàn miễn phí và rất giản dị trong thủ tục kiểm soát an ninh với mọi người. Khách bị ngăn cách bên trong bằng bức tường kính dày và cao đến tận trần nhà. Tóm lại để hoàn thành tờ giấy bạc, nhà in tiền phải trải qua 65 công tác in ấn từ giai đoạn bản kẻm cho tới khi bạc được xếp thành từng bó 100 tờ để phát hành. Theo tài liệu cho thấy nhà in hoạt động từ tháng 8-1862 tới nay chưa hề xảy ra một trường hợp mất mát nào đáng tiếc, tuy các công nhân viên đang ở giữa núi tiền. Tất cả các loại giấy bạc của Hoa Kỳ đều đuợc in tại đây từ năm 1863 và tới nay chỉ còn 6 loại tiền giấy từ 1 đến 100 USD thông dụng mà thôi.
Về việc chọn in chân dung các nhân vật trên tờ giấy bạc do bộ trưởng tài chánh quyết định. Theo đó thấy tờ 1 đồng in hình Tổng thống đầu tiên của Mỹ là George Washington. Kế tiếp là TT Thomas Jefferson tờ 2 đồng, TT Abraham Lincoln tờ 5 đồng, Bộ trưởng tài chánh Alexander Hamilton tờ 10 đồng, TT Andrew Jackson tờ 20 đồng, TT Ulysses Grant tờ 50 đồng và cuối cùng là Benjamin Franklin tờ 100 đồng có giá trị cao nhất. Ðồng đô la đã gắn liền với đời sống của người dân Mỹ. Ðó là một chân lý như nhận xét của thi hào kiêm triết gia nổi tiếng của Mỹ ‘Dân Hoa Kỳ rất ít có đức tin, họ chỉ tin vào sức mạnh của đồng đô la mà thôi‘.
Thứ ba ngày 29-10-1929 có thể nói là ngày đen tối nhất của người Mỹ đối với nền kinh tế đang trong cơn khủng hoảng, nhất là với thị trường chứng khoán. Ngày đó không người Mỹ nào quên được, đã xảy ra lúc 10 giờ sáng thời gian mà thị trường cổ phiếu tại New York mở cửa với tin sét đánh khi chỉ số Dow Jones tụt xuống một cách khủng khiếp: 368-298, giảm 22%. Và ngày đó được gọi là ‘Ngày Thứ Ba Ðen Tối‘, làm cho nền kinh tế của Mỹ và thế giới tụt giốc thê thảm, kéo dài hơn 10 năm tới Thế chiến 2 bắt đầu (1939) mới tạm chấm dứt cơn ác mộng. Cũng từ đó tới năm 1954, thị trường chứng khoán Mỹ lại đạt được mức kỷ lục như năm 1929 nhưng sự lo lắng hải hùng của ngày thứ ba đen vẫn luôn ám ảnh đời sống người dân Mỹ
Ngày 19-10-1987 lần nữa sự đen tối lại đến với thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Ngày đó, chỉ số Dow Jones tụt 508,32 điểm làm cho cổ phiếu Mỹ rơi vào tình trạng hổn loạn đóng băng, gieo màu tang trắng lên khắp khu phố Wall (New York), kéo theo sự sụp đổ hàng loạt các thị trường chứng khoán London, Tokyo, Sydney, HongKong, Singapore. Tai họa năm 1929 thật sự đã trở lại với mọi người, chỉ trong chốc lát tỷ phú biến thành kẻ trắng tay như Sam Wolton mất trắng 2,1 tỷ USD và tất cả bất động sản. Tuy nhiên nhờ lúc đó kinh tế Mỹ còn đang phát triển mạnh nên sớm vươn mình trở lại sau cú sốc chết người.
Mới đây 2-7-2008 lần nữa thị trường chứng khoán tại New York cũng đột nhiên sụt điểm thê thảm chưa từng thấy, báo hiệu kinh tế Hoa Kỳ đang đứng trên bờ vực thẳm khủng hoảng vì giá dầu có tăng mà không thấy giảm. Tuy nhiên kẻ thiệt hại duy nhất không phải chỉ có Hoa Kỳ mà còn thêm siêu cường Trung Cộng vì bao nhiêu vốn liếng đều đầu tư vào cổ phiếu Mỹ ngay từ thời kỳ đổi mới kinh tế.

+ BOEING DREAMLINER: Máy Bay Mỹ Bán Chạy Nhất Thế Giới Trong Thế Kỷ XXI
Ngày 8-7-2007 công ty Boeing của Mỹ đã cho trình diện trước công chúng tại tiểu bang Washington kiểu máy bay mới nhất ‘787 Dreamliner‘ qua các kiểu 787-3, 787-8, 787-9 và 787-10. Giá mỗi chiếc hiện nay từ 146 đến 200 triệu USD, công ty dự kiến sẽ sản xuất 2,000 chiếc theo đơn đặt hàng trong vòng hai thập kỷ tới.
Ðây là loại máy bay thương mại, có khả năng chở được từ 210-330 hành khách, bay xa hơn 15.000 km. Thân phi cơ được chế tạo bằng sợi carbon composite (50%) và titanium (15%), coi như loại máy bay chuyên chở hạng trung, tối tân nhất trong thế kỷ 21. Bởi vậy đã có trên 40 công ty hàng không quốc tế đặt mua 642 chiếc thuộc các kiểu 787, trong số này có hảng Qantas của Úc sử dụng tới 115 chiếc B-787. Ðặc biệt có công ty Air Berlin của Ðức đặt mua 25 chiếc, trị giá hơn 4 tỷ USD.
Ðây là loại máy bay tối tân và ít tốn nhiên liệu nhất so với các loại phi cơ chuyên chở khác. Vì được chế tạo bằng vật liệu nhẹ như sợi carbon composite, aluminium vừa bền lại làm giảm trọng lượng thân máy bay, nên tiết kiệm tới 20% nhiên liệu sử dụng. Nhưng trên hết, B-787 đã đạt được đòi hỏi của ngành hàng không là Giảm Nhiên Liệu và Giảm Bớt Tác Hại Khí Thải Trong Bầu Khí Quyển. Ngoài ra B-787 còn được sử dụng lâu hơn các loại máy bay khác từ 20-30 năm. Về tiện nghi, phòng dành cho hành khách cũng lớn hơn, kể cả ghế ngồi, hành lang di chuyển, cửa sổ, phòng vệ sinh và áp suất trong cabin… mọi thứ đều vượt xa các loại máy bay khác.
B-787 sử dụng hai động cơ Trent 1000 có trọng lượng 11.900 lb/1c, giúp phi cơ đạt được vận tốc gần 1500 km/h với lực đẩy 150.000 pounds, tương đương với sức mạnh của 1500 chiếc xe hơi 4 máy. Loại động cơ này được công ty Rolls-Royce của Anh đặc chế cho Boeing. Hiện B-787 đã cất cánh với chiếc đầu tiên do hảng máy bay ANA vào tháng 5-2008.

+ Hoa Kỳ: Siêu Cường Quốc Thế Giới Về Sản Xuất Ðiện Nguyên Tử
Tính đến nay, Hoa Kỳ vẫn đứng đầu thế giới về mức sản xuất điện nguyên tử, qua 113 lò phản ứng (LPU) mà một 1/2 số lượng uranium đang sử dụng trong các nhà máy đều được mua từ các lò phản ứng của các nước cộng hòa cũ của Liên Bang Sô Viết sau khi sụp đổ vào năm 1991. Tuy số lượng nhà máy LPU được giảm từ 111-103 nhưng điện năng sản xuất lại tăng hơn 20%. Hiện chính phủ đang xây dựng các nhà máy mới và sẽ tiêu hủy những nhà máy đã lổi thời trong một nghĩa địa đặc biệt dành nhốt các chất phế thải độc hại.
Là quốc gia tiền tiến, nên từ năm 1960 Mỷ đã xây được nhà máy điện nguyên tử đầu tiên và sử dụng vào năm 1962. So với các nước tiên phong trong lãnh vực này (Liên Xô 1954, Anh 1956, Pháp 1956), thì Hoa Kỳ tới sau nhưng lại là nước có nhiều LPU nhất thế giới 113/441 nhà máy, tổng công suất 98.054/369.374 MW toàn cầu. Những nhà máy điện Nguyên Tử của Hoa Kỳ đều sử dụng hai loại PWR (nước áp lực) và BWR (nước sôi). Tính đến cuối năm 2005, các nhà máy trên thuộc quyền sở hửu của 10 công ty lớn của tư nhân (68%), phần còn lại của chính phủ. Sự thành công lớn nhất trong kỷ nghệ sản xuất điện nguyên tử của Hoa Kỳ, là nâng cao được hiệu suất điều hành các lò phản ứng, cũng như sự bảo dưỡng tuyệt đối tránh được sự thất thoát các chất độc hại giết người, như đã từng xảy ra tại Liên Xô và Nhật vào mấy năm trước. Nhờ vậy điện nguyên tử đã cung ứng được 19% nhu cầu cả nước với điện lực sản xuất năm 2005 lên tới 780,5 tỷ KWH.
Bộ năng lượng Hoa Kỳ là cơ quan tối cao nhất của chính phủ liên bang, điều hành và quản trị LPU. Bộ này cũng phụ trách công tác nghiên cứu để phát triển kỷ nghệ điện nguyên tử tại các phòng thí nghiệm quốc gia Idaho và Argone Tây với số nhân viên trên 6,000 người, qua mục đích phát triển các nhà máy điện nguyên tử thế hệ IV của Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài ra Mỹ cũng là quốc gia đang sở hửu nhiều vũ khí nguyên tử nhất thế giới. Hoa Kỳ cũng đã tham gia vào chương trình nguyên tử của LHQ để giúp Liên Bang Nga trong công tác pha loảng độ cao của chất uranium chứa trong 9,000 đầu đạn nguyên tử, trở thành độ thấp (LEU) làm nhiên liệu để chạy các nhà máy điện nguyên tử tại nước này
Theo tài liệu mới nhất của Ủy Ban Nguyên Tử Thế Giới (WNA) cho biết Mỹ đang xây dựng thêm 13 LPU với tổng công suất 17.000 MW, do công ty AREWA (Pháp) hợp tác với một công ty Mỹ thực hiện theo kiểu nước áp lực cải tiến của Châu Âu. Về vấn đề tiêu hủy các chất phế thải tại các nhà máy điện nguyên tử, Hoa Kỳ cũng đã ban hành luật cấm tái tạo các nhiên liệu nguyên tử đã sử dụng và mọi chất phế thải có độ phóng xạ cao. Tất cả được di chuyển đến địa điểm ân định để chôn vào lòng đất vĩnh viễn. Ðể thực hiện công tác này, các công ty điện nguyên tử đã đóng góp hơn 24 tỷ USD. Vào năm 2001 qua quyết định của lưỡng viện quốc hội, chọn khu núi Yucca thuộc tiểu bang Nevada làm nghĩa địa vĩnh viễn để chôn 70.000 tấn chất phế thải nguyên tử hiện có và sẽ tiếp tục vì khả năng thật sự của khu này lên tới 682.000 tấn.

+ HARVARD, Lò Ðào Tạo Nhân Tài Cho Thế Giới.
Là một trong hàng trăm viện đại học nổi tiếng lâu đời của Hoa Kỳ. Ðây là nơi đã sản sinh cho nước Mỹ 6 vị tổng thống, 35 nhà bác học nhận giải Nobel, 30 người được giải Pulitzer và hàng trăm nhân vật lảnh đạo đủ phương diện khắp thế giới. Trường được thành lập bởi nhóm di dân Thanh Giáo tại thành phố Cambridge tiểu bang Massachusetts vào năm 1636 với mục đích ban đầu là đào tạo các linh mục và luật sư cho cộng đồng giáo dân tại địa phương
Năm 1708 khi John Leverett trở thành viện trưởng trường đại học Harvard mới bắt đầu thêm vào chương trình giảng dạy những môn học ngoài tôn giáo. Trường mang tên một linh mục John Harvard (1607-1638) vì ông đã hiến cho nhà trường nữa phần gia tài khi qua đời.Tính đến nay, trường được 372 tuổi và luôn được người Mỹ gọi là ngôi trường của giới cấp tiến với thành quả đạt được qua mọi lĩnh vực khoa học, kinh tế và chính trị. Các vị tổng thống Hoa Kỳ như Theodore Roosevelt, Franklin D Roosevelt, John F Kennedy… đều xuất thân từ đây.
Ngoài ra còn các nhân vật khác nổi tiếng của nước Mỹ như Bill Gates, Algore, Henry Kissinger, các nhà văn nổi tiếng Norman Mailer, John Updike… cũng đều là cựu sinh viên của trường. Nhờ có ngân quỷ khổng lồ trên 11 tỷ đô la, được dùng làm vốn đầu tư cổ phiếu và bất động sản, đem về tiền lời hằng năm cả trăm triệu đô la. Số tiền này nhà trường dùng để nghiên cứu khoa học, chi phí điều hành và trả lương cho các vị giáo sư có tiếng tăm khắp thế giới được mời về giảng dạy cho sinh viên theo học.
Do trên chi phí theo học tại đại học Harvard rất cao so với các đại học khác trên đất Mỹ với số tiền 40.000 USD/1 năm về khoảng học phí, bảo hiểm y tế và ăn ở. Tuy nhiên với các sinh nghèo được miễn học phí lại còn thêm phần học bổng. Vì uy tín của nhà trường quá cao, nên hầu như khắp thế giới nếu có điều kiện, ai cũng muốn có được tấm bằng của Harvard để kiến công lập nghiệp. Hiện trường có hơn 20.000 sinh viên theo học đủ các bộ môn, trong số này luật khoa đã chiếm tới 1/10 sĩ số.
Hơn ba thế kỷ qua mặc cho vật đổi sao dời nhưng nguyên tắc giảng dạy tại đại học này vẫn không thay đổi, bất chấp lợi nhuận vẫn không ảnh hưởng đến nhà trường. Ðiển hình nhất là vụ đạo diễn nổi tiếng của Hollywood Steven Spielberg đã bị từ chối khi muốn mượn trường làm bối cảnh để quay cuốn phim lịch sử về tổng thống Mỹ John Quincy Adams từng xuất thân ở đây, với lý do trở ngại việc học hành của sinh viên. Năm 1998 Harvard xếp hàng đầu trong 10 trường đại học nổi tiếng nhất của Mỹ.

+ Las Vegas: Thiên Đường Hay Địa Ngục?
Thiên đàng hay địa ngục tùy theo cảm xúc của con bạc thắng hay thua. Tuy nhiên theo thống kê của báo chí, thì từ trước tới nay, đã có 90% dân đỏ đen bị sạt nghiệp vì bạc bài. Nhiều người vỡ mộng, cháy túi sau 4 ngày miệt mài điên đảo tại Las Vegas. Ðiều lạ kỳ là hầu hết các con bạc dù đã bị cháy túi nhiều lần nhưng vẫn cứ vui vẽ trở lại chốn cũ, với hy vọng gở vốn kiếm lời, để rồi lại cứ thất thiểu quay về như bao lần mộng mị.
Las Vegas là một thành phố phi thời gian, vì tại đây không hề có một chiếc đồng hồ được treo tại các nơi công cộng. Ðây cũng là dụng ý của các chủ sòng, muốn con bạc đừng thèm quan tâm tới ngày giờ cho bận rộn cuộc chơi. Các phòng ngủ trong mọi khách sạn, cũng được thiết kế một cách nhạt nhẽo sơ sài, gây chán nản cho khách trọ, để họ mau mau rời giường, xuống ngay sòng bạc, sát phạt cuộc đỏ đen.
Khởi đầu chỉ là một thị trấn nhỏ nằm trong sa mạc Nevada, có con đường sắt từ các tiểu bang miền Nam ngược lên vùng tây bắc California để săn tìm vàng. Những năm nước Mỹ buớc vào thời kỳ suy thoái kinh tế, thị trấn trên cũng chuyển mình, bằng cách phân thành 1200 lô đất, bán cho công chúng và các công ty để đầu tư vào việc xây dựng sòng bạc và khách sạn. Nơi đó hiện nay trở thành khu phố chính Strip và Glitter Gulch, nằm dọc theo hai siêu lộ 15 và 95. Chính thức ra đời ngày 15-5-1905, Las Vegas rộng 293 km2, mang tên ‘Ðồng Cỏ’ vào thời kỳ thuộc Tây Ban Nha,còn bây giờ người Mỹ gọi là ‘Sin City‘ thành phố tội lổi. Phi trường quốc tế Mc Carran, lối dẫn vào thành phố Las Vegas xa 8 km, thật tình không giống bất cứ một nơi nào trên thế giới, vì được dàn chào gần như khắp nơi, bằng những Máy Kéo Tiền, mà người Mỹ gọi là One Armed Bandits, còn dân chơi cầu ba cẳng thì xưng tụng là Tướng Cướp Một Tay, vì máy nào cũng chỉ có một cánh tay, cũng là chiếc cần kéo, khi bỏ vào máy một đồng 25 xu USD. Sẽ ‘Hit the Jackpot‘ khi nhìn thấy ba hình vẽ giống nhau hiện trên nền truyền hình, đồng thời với tiếng rổn rảng của các đồng xu chảy ra từ máy. Nhưng đó chỉ là họa hoằn, vì ngàn người như một, bỏ tiền vào mà đâu có thấy đồng nào trở lại.
Ngày 2-8-2004 tờ Times cho biết tỷ phú Kirk Kerkorian, đã ký hợp đồng sáp nhập trung tâm giải trí MGM Mirage của mình với Mandalay Resort Group, thành một đại công ty cờ bạc lớn nhất thế giới. Còn Harrah’s Entertainment đã mua Caesars Enter với giá 9,25 tỉ USD để khuếch trương to hơn đại công ty trên. Tóm lại hai tập đoàn cờ bạc và giải trí lớn nhất của hoàn cầu, đổ hết tiền bạc vào Las Vegas, biến nó thành chốn thiên đàng với bốn món ăn chơi đúng nghĩa, trong đó đâu có thiếu công nghiệp Sex, chỉ đứng sau cờ bạc mà thôi. Hiện MGM Grand đã phá bỏ hai công viên giải trí cũ, để xây dựng những hộp đêm thác loạn đúng nghĩa, mà giới giang hồ quen gọi là ‘Chổ Bốc Lá‘, mô hình tương tự như Quán Crazy Horse ở Ba Lê (Pháp). Sex hiện diện khắp nơi ở Las Vegas qua hình thức nghệ thuật, trong mọi chương trình của đoàn xiệc Cirque du Soleil thường trực tại Rạp, gần như khỏa thân và gợi dục. Tại Trung tâm Treasure Island, có màn cướp biển và các nàng tiên cá bán thân.
Theo Billy Vassiliadis, chuyên viên quảng cáo thì nhờ Sex đã hấp dẫn hằng triệu du khách Anh, Ðức, Nhật, Úc, Nam Hàn… ùn ùn kéo tới Las Vegas mua vui và đánh bạc. Ðể cung ứng nhu cầu, các đại công ty đã mở các chuyến bay trực tiếp từ Âu Châu, Nhật, Úc, Nam Hàn… tới thẳng phi trường quốc tế của thiên đàng đỏ đen là sân bay Mc Carran, đem bạc tỷ lợi nhuận về cho ông chủ của MGM Mirage, The Strip… nâng thành phố Las Vegas lên hàng đầu nước Mỹ về sự tăng trưởng (từ 600.000 – 1,6 triệu năm 2005) và mức thu nhập trung bình 32.000 USD.
Thiên đàng hay địa ngục, ai muốn nói gì cũng mặc, trước mắt Las Vegas mỗi năm thu hút hằng năm hơn 33 triệu du khách muôn phương đổ về, để thử thời vận hay hưởng cảnh nhất dạ đế vương trong thiên đường tội lỗi, đã mang tới lợi tức cho thành phố hằng năm hơn 5,25 tỉ USD. Hiện Las Vegas có 19 đại khách sạn hàng đầu thế giới, trong đó mỗi nơi là một sòng bạc (casino) đồng thời là chổ giải trí trình diễn ca vũ nhạc do các tài tử thượng thặng khắp năm châu về. Ðó là El Rancho ra đời năm 1941, Flamingo năm 1946 thực hiện cả một khu hoang dã, thả đầy chim Hồng Hạc, biểu tượng cái tên của khách sạn. Còn Circus Circus lại mang hơi hướng của những đoàn xiệc lừng danh quốc tế. Vào New York hotel, du khách có cảm tưởng như mình đang sống ở thành phố trên được thu nhỏ với tượng nử thần tự do, tay cầm bó đuốc rực sáng đêm ngày.
Nói chung thì thiên đường nào cũng không bằng các sòng Casino được vây quanh bằng đủ kiểu, từ các máy đánh bạc ở vòng ngoài, cho tới những sòng Roulette, Poker… mà không khí sát phạt hiện thực bằng đồng phỉnh đủ màu, tượng trưng cho giá trị của USD. Từ năm 1931 tới nay, ngoài cờ bạc đỏ đen, Las Vegas còn đãm nhận dịch vụ kết hôn, với thủ tục giản tiện nhất trong 50 tiểu bang của Mỹ. Ở đây có tiền thì có tất cả, nên chỉ cần vài phút đợi chờ, người ta có thể lấy hay bỏ nhau còn dễ hơn thay đổi quần áo. Các tổ chức cưới (Wedding Chapel) phục dịch khách hàng từ A-Z… Dễ như vậy nên mỗi năm có hơn 100.000 cặp tổ chức đám cưới ở xứ thần tiên đầy lạc thú, nếu có đủ tiền trả.
Tuy nhiên ngoài cờ bạc, Las Vegas cũng có nhiều thắng cảnh danh lam như đập nước Hoover, hồ chứa Mead khổng lồ, hùng vĩ. Hẻm núi đá đỏ Rock Canyon được hình thành từ 65 triệu năm trước. Năm 2001 đã khánh thành Viện Bảo tàng nghệ thuật Guggenheim trưng bày tranh của của các danh họa Picasso và Cézanne… cũng chỉ với mục đích làm cho thành phố bớt đi chút mặc cảm tội lổi.
Hởi ơi, đất người nơi nào cũng đẹp cũng rộng mỡ thâm tình. Chắc là vậy cho nên đâu có mấy ai chịu nghĩ tới là người xưa phải dùng xác người, máu lệ và tài sản gia đình đổi lấy đem về. Ở đâu cũng giống nhau, tự do không phải là của bố thí để xin xõ, nó cũng không là trái sim chín để ta nằm chờ rung, cũng không phải là mộng mơ viển tượng để đem về bằng ảo giác trong đầu, trên giấy hay lời nói lúc vui vầy. Ðó là chính trị hay nói đúng hơn là nhân cách của con người khi biết lựa chon cách sống sao cho đúng với giá trị của kiếp người. Chính trị hiểu theo khía cạnh đạo đức là vậy đó, thế nhưng có nhiều người phải bỏ nước tha phương, vẫn không biết vì sao mình đã bỏ quê hương ra đi …
Chân lý là vậy đó, cho nên cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã nói rất chí lý ‘còn nước thì còn tất cả‘. Chúng ta nay còn gì để mơ mộng? ngoài việc về thăm quê xưa, để rồi khi rời cố quốc, ai cũng phải ngậm ngùi vì đã không có cơ hội làm một công dân hạng bét dưới chế độ xã nghĩa, cho dù Triết mới nói ‘từ tháng 9-2007 vào VN khỏi chiếu khán và Việt kiều giàu tha hồ về mua nhà lầu‘.

Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di
Ngày 3 tháng 7 – 2011
MƯỜNG GIANG
.
.
.

No comments: