Saturday, August 29, 2009

NHÀ NƯỚC CSVN RẤT ÍT KHI LẮNG NGHE TIẾNG NÓI ĐỘC LẬP


“Tiếng nói độc lập được lắng nghe còn ít”
Vũ Thành Tự Anh
Ngày 29.08.2009 Giờ 16:46
http://www.sgtt.vn/Detail99.aspx?ColumnId=99&newsid=56153&fld=HTMG/2009/0827/56153
SGTT - Trở về Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ kinh tế học tại đại học Boston College (Mỹ) năm 2004, Vũ Thành Tự Anh tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright.
Anh thường xuyên có những bài viết phân tích chính sách sắc sảo đăng tải trên các báo trong nước, và các bài trình bày tại các hội nghị, hội thảo lớn. Anh được biết đến nhiều hơn từ khi chương trình đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam và trường Quản lý nhà nước Kennedy thuộc đại học Harvard được xác lập năm 2007. Cùng một nhóm các nhà nghiên cứu Việt Nam và Mỹ thuộc Chương trình Việt Nam của đại học Harvard, những bài viết đóng góp chính sách thẳng thắn của nhà kinh tế học 36 tuổi này góp phần tạo ra những tranh luận về nhiều vấn đề chính sách phát triển quan trọng.

Chương trình đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam và Harvard được bắt đầu như thế nào, ai là người khởi xướng, thưa anh?
Chương trình này bắt đầu vào năm 2007, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự khoá họp thường niên Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Tại thành phố New York, nhóm nghiên cứu Fulbright/Harvard đã có một buổi làm việc với Thủ tướng. Trong buổi làm việc này, Thủ tướng nói rằng, Việt Nam không chỉ muốn thoát nghèo mà còn muốn trở thành một quốc gia phát triển. Để thực hiện được tham vọng này, Việt Nam cần có những nhà hoạch định chính sách am hiểu các cấu trúc và xu thế kinh tế toàn cầu để có thể chèo lái quá trình hội nhập. Thủ tướng đề nghị Harvard tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua các chương trình nghiên cứu, đào tạo, và thảo luận chính sách. Đây chính là cơ sở cho chương trình đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam và trường đại học Harvard, với đầu mối là bộ Ngoại giao Việt Nam và trường Quản lý nhà nước Kennedy. Ngân sách để xây dựng chương trình đối thoại này do Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tài trợ, kéo dài trong ba năm.

Để đưa ra những bài viết đóng góp chính sách, nhóm nghiên cứu Fulbright/Harvard chắc chắn phải bỏ rất nhiều công sức làm nghiên cứu. Việc thu thập dữ liệu cho những nghiên cứu trên có dễ dàng không, thưa anh?
Việc thu thập số liệu nghiên cứu ở Việt Nam rất khó khăn, ngay cả khi đó là một chương trình đối thoại chính sách với Chính phủ. Nhiều số liệu thống kê của Việt Nam rất khó tiếp cận, không những thế mức độ nhất quán và độ tin cậy cũng không cao. Bên cạnh đó, một vài số liệu tuy có sẵn lại rất ít được công bố (như kết quả kiểm toán các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước chẳng hạn), nếu có công bố cũng chỉ mang tính tổng hợp, chung chung, không dùng để phân tích sâu được. Chúng tôi gọi tình trạng này là “số liệu không có thông tin”. May mắn là chúng tôi có thể truy cập nhiều bộ dữ liệu của IMF, World Bank… trong hệ thống cơ sở dữ liệu đồ sộ của trường Harvard. Trên thực tế, đây chính là những số liệu Việt Nam cung cấp cho các tổ chức quốc tế, nhưng để có được những số liệu này chúng tôi lại phải đi đường vòng.

Lần đầu tiên tôi gặp anh là vào năm 2003. Lúc bấy giờ sinh viên Việt Nam ở vùng học New England đã khá đông đảo và diễn đàn khá xôm tụ. Tôi nhớ là hồi đó anh rất kiệm lời, ít khi tham gia những cuộc thảo luận cũng như những cuộc vui chơi của sinh viên?
Vâng, đó là thời điểm quyết định để tôi hoàn thành luận án tiến sĩ. Trong thời gian đó tôi làm việc với cường độ rất cao và không cho phép mình phân tán tư tưởng.

Anh cũng là một trong những thành viên đầu tiên của diễn đàn Nhà kinh tế trẻ Việt Nam, có đúng không?
Diễn đàn Vietnamese Young Economists (VYE) được hình thành vào đầu năm 2001 dưới dạng một “mailing list” chỉ có khoảng 15 du học sinh thạc sĩ và tiến sĩ kinh tế học. Anh Lê Hồng Giang (hiện làm việc ở Úc) và tôi lập danh sách email đầu tiên đó. Sau này “mailing list” được chuyển thành diễn đàn và từ đó phát triển thành Vietnam Economic Society (VES), một diễn đàn trực tuyến trao đổi các vấn đề học thuật trong kinh tế học, với trên 100 thành viên.

Đa số các tiến sĩ kinh tế, sau khi hoàn thành chương trình ở nước ngoài thường chọn ở lại nước ngoài nghiên cứu, giảng dạy. Tại sao anh lại chọn trở về Việt Nam?
Lúc mới tốt nghiệp, mọi lựa chọn đều mở với tôi, trong đó có cả cơ hội dạy học ở nước ngoài. Chính trong lúc ấy, tôi nhận được lời mời của Chương trình Việt Nam tại đại học Harvard về làm giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM. Lời mời của trường Fulbright thực sự hấp dẫn tôi. Tôi đã xa Việt Nam gần sáu năm, từ khi chưa có hiểu biết gì đáng kể về xã hội và nền kinh tế nước nhà. Tôi luôn có ước vọng hiểu biết sâu sắc hơn về đất nước, con người và nền kinh tế của nước mình, và muốn làm được một điều gì đó cho đất nước. Trường Fulbright là lựa chọn có tính tất nhiên.

Nghe nói anh từng thử nghiệm kinh doanh và thất bại? Có phải đó là lý do anh quyết định trở thành nhà kinh tế?
Tôi tốt nghiệp đại học Thương mại Hà Nội năm 1994 và được cô Nguyễn Thị Doan, lúc đó là hiệu trưởng giữ lại làm giảng viên. Ban đầu tôi từ chối vì muốn biết thế giới kinh doanh – thế giới thực chứ không phải thế giới sách vở – như thế nào. Sau hai năm, tự thấy mình không hợp với công việc kinh doanh, tôi trở lại trường và đến 1998 thì đi học nước ngoài.
Lúc mới ra trường, tôi cùng một nhóm năm – sáu người bạn, quyết định góp mỗi người vài triệu đồng lập công ty và cử một người trong nhóm đứng ra quản lý. Công ty này mở được vài tháng thì đóng cửa. Nói chung, tôi tự thấy mình không có khả năng kinh doanh (cười).

Như vậy, con đường học thuật luôn luôn là mục đích của anh?
Đúng là như vậy. Gia đình tôi có truyền thống học hành, cả hai bên nội ngoại đều là trí thức. Việc tôi trở lại với con đường học thuật dường như được định sẵn trong gen của gia đình.

Rất nhiều du học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo ngành kinh tế học. Trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có rất nhiều nhà kinh tế học. Anh lý giải chuyện này như thế nào? Lý do nào khiến anh chọn ngành này?
Tôi không rõ du học sinh Việt Nam ở các nước khác thì như thế nào, nhưng những lớp du học sinh Việt Nam đầu tiên sang Mỹ vào những năm 1990 chủ yếu là học khoa học cơ bản, khoa học tự nhiên và công nghệ thông tin. Trong số rất ít người thuộc ngành khoa học xã hội thì ngành học chiếm đa số là kinh tế học. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể một phần là do những lớp sinh viên du học đầu tiên của Việt Nam chưa giỏi ngoại ngữ, vì vậy thường tránh những ngành đòi hỏi cao về khả năng thuyết trình và viết. Mặt khác, so với nhiều nước, sinh viên Việt Nam lại có khả năng vượt trội về toán, mà toán lại là ngôn ngữ của kinh tế học hiện đại, vì thế sinh viên Việt Nam thường có lợi thế cạnh tranh trong việc xin học bổng kinh tế học. Bên cạnh đó, những năm 1990 – 2000 chứng kiến quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam nên việc định hướng học kinh tế cũng là điều dễ hiểu.
Với cá nhân tôi, đi học nước ngoài là để thoả mãn nỗi khát khao trong trường đại học, là muốn học nhiều mà không được. Hồi đó tôi đọc “ngoại kinh” rất nhiều. Thực ra cũng không có nhiều sách nên chủ yếu là đọc sách cổ Trung Quốc như Lão Tử, Tứ thư, Ngũ kinh hay các tiểu thuyết kinh điển của Tàu. Giai đoạn này tôi cũng bắt đầu đọc sách Phật giáo, chủ yếu là thiền tông Trung Hoa và Phật giáo Tây Tạng. Phần “nội kinh” ở trường tôi học chủ yếu có tính chất đối phó, tuy nhiên điểm thi của tôi không bao giờ làm các thầy cô thất vọng. Nghĩ lại giai đoạn đó mới thấy các bạn sinh viên hiện nay may mắn hơn thế hệ chúng tôi nhiều vì dù việc học ở trường có thể không được cải thiện bao nhiêu, nhưng bây giờ internet đã trở thành một “thư viện công cộng” khổng lồ sẵn sàng mở ra với bất kỳ ai biết gõ cửa.
Và kinh nghiệm học hành ở bên Mỹ lại hoàn toàn khác…
Ở Việt Nam, mình học dư sức thì ở Mỹ lại bị quá sức. Giống như một con cá đang ngụp lặn ở một cái ao bỗng nhiên được thả vào đại dương.
Những bài viết, bài trình bày đóng góp chính sách của anh gây được nhiều chú ý. Nhưng một số nhà nghiên cứu kinh tế trẻ khác, cho rằng nhà kinh tế học thực sự phải có những công trình nghiên cứu dày công, đăng trên những tạp chí chuyên ngành lớn ở nước ngoài. Họ cho là anh chưa làm được điều này? Theo tôi, vấn đề ở đây là ngôn ngữ, mà ngôn ngữ phụ thuộc vào mục đích giao tiếp và sự lựa chọn của người sử dụng. Trên thực tế, ở Việt Nam chưa có một cộng đồng những nhà nghiên cứu kinh tế học có tính kinh viện, và vì vậy ngôn ngữ kinh viện vẫn chưa trở nên phổ biến. Trong bối cảnh này, một nhà kinh tế học dấn thân vào vấn đề chính sách thực tiễn một mặt phải biết dùng những nghiên cứu có tính học thuật làm nền tảng cho những bài phân tích chính sách của mình, đồng thời biết diễn giải những vấn đề kinh tế phức tạp bằng những ngôn từ dung dị để thông điệp chính sách đến được với độc giả. Một nguyên nhân có tính khách quan nữa là như đã trao đổi, số liệu ở Việt Nam không tốt, điều này khiến các nghiên cứu có tính định lượng trở nên hết sức khó khăn, thậm chí là rủi ro vì không biết chắc kết quả nghiên cứu có phản ánh đúng thực tiễn hay không.
Ở một mức độ cơ bản hơn, khi chúng ta chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường phi tập trung thì các nhà làm chính sách nói riêng và cả xã hội nói chung phải chuyển sang một khung tư duy tương thích. Nhưng khi khung tư duy kinh tế cũ tỏ ra không còn thích hợp thì khung tư duy mới vẫn trong quá trình hình thành. Tôi cho rằng một nhiệm vụ quan trọng của các nhà kinh tế học (cũng như các nhà khoa học xã hội nói chung) ở Việt Nam trong thời kỳ thai nghén, quá độ này là tìm nhiều cách khác nhau để giới thiệu tri thức, tinh hoa của nhân loại cho độc giả trong nước, để từ đó hình thành nên một khung tư duy và hệ thống khái niệm cơ bản, giúp cho quá trình hoạch định các chính sách phát triển được mạch lạc, nhất quán và không lạc hậu so với thế giới. Để thực hiện được điều này, tôi cho rằng ngôn ngữ dung dị thích hợp hơn những mô hình toán học phức tạp.

Chúng tôi được biết chị Trần Quế Giang, bà xã của anh, cũng vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Pháp?
Vâng, vợ tôi vừa bảo vệ xong luận án tiến sĩ chuyên ngành kinh tế – tài chính tại trường Paris Dauphine và hiện nay là đồng nghiệp của tôi ở trường Fulbright. Chúng tôi chia sẻ những mối quan tâm chung về nghề nghiệp, nhưng vợ tôi chủ động lùi lại một bước để dành thời gian cho gia đình, tạo điều kiện để tôi có thể tiến thêm một bước.

Anh có muốn tham gia trực tiếp vào quá trình làm chính sách không?
Tôi cũng đã tự hỏi mình câu này, và câu trả lời vào thời điểm hiện tại là không. Hiện nay ở Việt Nam rất thiếu tiếng nói phản biện chính sách. Theo nguyên lý của điều khiển học, một hệ thống thiếu thông tin phản hồi có chất lượng sẽ không thể tự hoàn thiện. Khi nền kinh tế của chúng ta ngày càng trở nên phức tạp thì những tiếng nói phản biện có tính xây dựng là rất quan trọng. Cần phải hình thành một lớp học giả có ý kiến độc lập và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình.

Theo anh, ở Việt Nam đã có nhiều tiếng nói độc lập như vậy chưa?
Không nhiều, và tiếng nói độc lập được lắng nghe thì còn ít hơn nữa. Tôi cho rằng Nhà nước nên chủ động tạo ra một không gian rộng rãi hơn, một môi trường cởi mở hơn để có thể thu được nhiều thông tin phản hồi chất lượng cao hơn, làm cơ sở cho sự điều chỉnh tư duy, mô hình và chính sách phát triển của đất nước.

thực hiện Lan Anh
chân dung hội hoạ Hoàng Tường
chân dung nhiếp ảnh Phan Quang



No comments: