Thursday, August 27, 2009

NHÀ NƯỚC CSVN và CHÍNH SÁCH "NHẬN TỘI - XIN KHOAN HỒNG"


Suy Nghĩ Về Nhà Nước Việt Nam và Chính Sách "Nhận Tội-Xin Khoan Hồng"
Võ Tấn Huân
Thứ Tư, 26/08/2009
http://danluan.org/node/2431
Việc Nhà nước Việt Nam liên tiếp bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến và gây áp lực cho những tiếng nói bảo vệ lãnh thổ đất nước đã không còn là chuyện mới mẽ trong nhiều năm qua. Những phản biện và ý kiến chính trị trong một xã hội dân chủ văn minh luôn là cần thiết để phát triển con người và đất nước. Bày tỏ chính kiến là rất cần thiết và là QUYỀN của mỗi công dân trong một xã hội dân chủ mà bất kỳ thể chế nào, ở đâu cũng phải chấp nhận. Riêng cá nhân tôi đã từng bị giam giữ và nếm trải những thủ đoạn gian xảo của cơ quan an ninh để cuối cùng bị bắt ép quay những đoạn video theo ý họ. Tôi đã không lạ gì những mưu kế của cơ quan an ninh trong một nhà nước thiếu trung thực và sử dụng pháp luật tùy tiện. Việc cơ quan anh ninh trình chiếu những đoạn “video nhận tội” gần đây của luật sư Lê Công Định, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, cựu trung tá Trần Anh Kim và doanh nhân Trần Hùynh Duy Thức thật ra chỉ nêu rõ thêm sự yếu kém, phản dân chủ và bất bình thường của một thể chế chính trị trong thời kỳ hội nhập thế kỷ 21.

Sự bất bình thường
Ngồi xem và suy ngẫm lại, khúc video đã bị cắt ghép nhiều đoạn đã không thuyết phục được tôi rằng các anh em dân chủ đã vi phạm luật pháp. Ngược lại, nó thể hiện ý chí đấu tranh cho tự do, dân chủ và công bằng của các anh em. Đoạn video chỉ nói lên được rằng các nhà dân chủ muốn góp phần với nhà nước để xây dựng xã hội công bằng dân chủ. Những hoạt động của anh em đơn thuần chỉ vì quyền lợi của dân tộc và lợi ích chung của tổ quốc Việt Nam. Vậy nếu họ bị bắt nhận tội, có chăng là tội trung thực vì không thông đồng với cái sâu mọt của nhà cầm quyền, và vì tội dũng cảm dám nói lên những điều mình muốn nói về một đất nước dân chủ. Tôi thấy rất bất thường khi một người phải nhận cái tội mà đối với anh em và thế giới, đó không phải là tội. Có ai họat động dân chủ cho đất nước một cách ôn hòa lại có tội bao giờ? Trong 147 điều của Hiến pháp Việt Nam chưa có điều lệ nào nói đến sinh hoạt chính trị là chống phá nhà nước. Nếu vậy thì mục tiêu "xã hội công bằng dân chủ văn minh" của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng rõ ràng vi phạm và chống phá nhà nước. Chúng ta cần phải hiểu rõ, làm đúng và nói thật.

Trong thời gian tại trại B34, tôi đã thấy rất rõ và không lạ lẫm với những cách hành xử của cơ quan an ninh điều tra để có được những đoạn video vừa qua. Bốn con người hoàn toàn khác nhau, bốn khối óc khác nhau và kinh nghiệm sống cũng trên lệch rất xa nhưng lại có một bản "nhận tôi, xin khoan hồng" rất giống nhau. Tôi chỉ có thể giải thích rằng cái "khuôn mẩu bản nhân tội" này là một sự cố ý trắng trợn có dàn dựng và có chủ trương, như cách họ đã làm với tôi cách đây chưa lâu. Nhìn lại thì tôi thấy chính mình trong những đoạn video ấy. Đoạn video mà chính các vị điều tra viên thuộc cơ quan an ninh điều tra cũng thừa biết rằng nhân vật chính đang bị ép phải đóng cho xong vai diễn của mình. Không những thế, chính các vị ấy biết rằng diễn viên chính không hề có tội. Đoạn video là thủ đoạn và mưu kế để tuyên truyền nhằm bào chữa hành vi sai trái của một chế độ và đánh lừa dư luận xã hội. Vì thực tế, Nhà nước và cơ quan an ninh điều tra vẫn không thể giải thích nổi thế nào là "hành vi chống phá nhà nước," nếu không muốn nói thẳng đó là một quy định để bóp nghẽn sự thật và tiếng nói trung thực. Suy cho cùng, chỉ có sự dối trá và lừa bịp mới cần những biện pháp giải thích, điều chỉnh và đính chính. Chưa có một nhà nước pháp quyền nào dùng lời khai của phạm nhân đưa lên truyền hình để làm chứng cứ buộc tội. Vấn đề này không những không giải quyết và bảo vệ được thể diện của nhà nước, ngược lại, nó còn phơi bày sự sai trái của cả hệ thộng pháp lý. Vì muốn bị cho là có tội cần phải có những yếu tố cấu thành tội thể hiện qua nhân chứng và vật chứng. Và chỉ có môt đảng quyền mới cho phát hành những hồ sơ trong quá trình điều tra để bội nhọ và lăng nhục nhân phẩm của công dân nước mình. Bởi điều 72 Hiến pháp xác định rằng, "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật."

Việc cơ quan an ninh điều tra cô lập những người bị bắt giữ, không cho tiếp xúc và tư vấn pháp luật, cấm liên lạc với thế giới bên ngoài là hành động khủng bố tinh thần. Sự bất bình thường không phải từ những lời nhận tội của các chí hữu dân chủ, mà sự bất bình thường đến từ phía nhà nước. Nếu đầy đủ bằng chứng, nhân chứng thì việc tự nhận tội đã không cần thiết. Sự bất bình thường hiển nhiên nêu lên sự lúng túng, thiếu công bằng và bất lực trong hệ thống pháp quyền của Nhà nước Việt Nam. Nó cũng nói lên sự thiếu trung thực và thiếu trong sáng không riêng của cơ quan an ninh điều tra, mà của toàn đảng đầm quyền và Nhà nước. Cách hành xử trên trong một thời đại văn minh là quá lạc hậu và tối kỵ.

Thiếu trung thực và thiếu trong sáng
Tôi muốn khẳng định lại rằng sinh hoạt chính trị ôn hòa không thể bị coi là cái tội. Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam cũng không có điều luật nào ngăn cấm người dân hoạt động chính trị. Có chăng chỉ là điều lệ riêng được hiểu ngầm của một nhóm người đưa ra nhằm giữ độc quyền chính trị, cấu kết quyền lực và ngăn chặn sự phát triển, tự do của đất nước. Điều này cần phải chỉnh sửa cho phù hợp với Hiến pháp và quyền lợi chung của dân tộc, Tổ quốc. Tôi nhớ trong lúc hỏi cung tại trại B34, một vị điều tra viên đã nhiều lần kể công của Đảng Cộng sản về quá trình giành độc lập cho đất nước. Nhưng có một sai lầm mà vị này đã không nhìn thấy, hoặc đã phủ nhận, rằng công trạng giành độc lập là sức lực chung của toàn dân, và giành độc lập cho nhân dân Việt Nam chứ không phải công trạng hoặc chiến công của bất kỳ một cá nhân, bè nhóm hay đảng phái nào. Điều quan trọng nhất là điều hành đất nước ra sao sau khi có độc lập? Trần Độ, cựu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã nói rằng, "tằm ăn lá dâu thì phải nhả tơ, nếu tằm ăn dâu mà nhả ra lá dâu thì sự tồn tại của tằm là vô ích." Đảng Cộng sản Việt Nam có công giành độc lập như thế nào, lịch sử đã ghi nhận. Nhưng từ chủ nghĩa thực dân đến chủ nghĩa độc đảng toàn trị như hiện nay thì sự tồn tại của chế độ không khác gì lời nói của Trần Độ. Hơn 34 năm sau chiến tranh, người dân Việt Nam thật sự vẫn chưa được tự do, dân chủ, hạnh phúc và, đất nước vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo khó. Hay chỉ có một thành phần lãnh đạo hưởng được những đặc quyền trên? Nhà nước Việt Nam đã không trung thực, không nhận thức sự yếu kém của mình và đã để cho số phận đất nước không mấy tốt đẹp trong các bản thống kê quốc tế.

Sự kiện vừa qua tôi cho rằng rõ ràng là sự đàn áp của một đảng này đối với một đảng khác. Đây không phải là cách hành xử của một nhà nước pháp quyền. Cụ thể hơn, một đảng viên Đảng Cộng sản không có quyền ép một đảng viên đảng khác từ bỏ đảng phái mình đang tham gia. Đây là ngoài thẩm quyền của cơ quan an ninh điều tra. Nhưng thực tế đó là những gì đã xảy ra vừa qua với tôi, với Nguyễn Tiếng Trung và các đảng viên khác trên đất nước Việt Nam.

Các cụ xưa thường nói "vàng thật không sợ lửa". Nếu thật sự đất nước Việt Nam có dân chủ thì không cần phải "mở rộng dân chủ" như Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu đã lên tiếng. Thêm nữa, nếu đã là những ý kiến thì dù trên cơ sở nào cũng chỉ đóng góp để xây dựng và chỉ ra sai trái của các lãnh đạo, không thể quy là "chống phá nhà nước." Nhưng có chắc là các lãnh đạo Việt Nam cũng không "chống phá Nhà nước?" Vậy các ý kiến của Võ Nguyên Giáp trong thời gian gần đây nêu lên những sai trái và vi phạm nghiệm trọng trong vụ Tổng cục 2 và bauxite là vô tội? Những hành động trên của nhà nước rõ ràng là một thủ đoạn để quy tội các anh em dân chủ, và một hình thức cố tình phá vỡ phong trào dân chủ đang ngày lan mạnh tại Việt Nam. Những mục tiêu hoạt động của các anh em dân chủ từ lâu nay cũng chính là mục tiêu "xã hội công bằng văn minh dân chủ" của Đảng Cộng sản và Nhà nước. Nhà nước Việt Nam không nên phủ nhận những điều trên mà nên tạo cơ hội để thực hiện mục tiêu đó.
Niềm tin vẫn sáng

Đã đến lúc chúng ta cần phải suy nghĩ lại cụm từ 'chết vì đất nước hay sống vì đất nước'. Nếu chết để đất nước thật sự có dân chủ, có chủ quyền dân tộc thì các anh em dân chủ sẵn sàng không ngại. Nhưng ngược lại, chết để một nhóm người được tự do khuynh lóat xã hội, đục khóet đất nước để nhân dân vẫn nghèo đói và "thấp có bé miệng" thì, hãy sống và sống bằng mọi cách để tiếp tục tranh đấu chính nghĩa cho dân tộc. Đã đến lúc nhà nước cần phải ngừng sự hy sinh vô nghĩa cúa các công dân trong nước để một thiểu số quyền lực bên trên lạm quyền trục lợi.

Tôi luôn tin rằng việc các chí hữu dân chủ "nhận tội, xin khoan hồng" để tồn tại và tiếp tục niềm tin là điều rất bình thường trong tình cảnh xã hội như Việt Nam hiện nay. Những cách đối xử kém văn minh của nhà nước mới thật sự không bình thường và đáng lo ngại. Nhà nước Việt Nam không nên tiếp tục tình trạng thiếu minh bạch trong cơ chế nhà nước và hãy thật sự thực hiện nhà nước pháp quyền. Những thanh niên trẻ như chúng tôi luôn luôn ngưỡng mộ cơ chế chính quyền trong sạch, nhà nước điều hành xã hội bằng pháp luật. Vì có được như thế mới đẩy lùi quốc nạn tham nhũng và lạm quyền. Tuổi trẻ chúng tôi muốn một nhà nước trung thực, trong sáng và không lừa dối.
Những niềm tin và ước mơ này vẫn cháy và sẽ sáng hơn nữa trong những ngày sắp tới ..

Võ Tấn Huân

Tennessee, 23.08.2009


No comments: