Sunday, August 30, 2009

CẢ NƯỚC THÀNH ....TIẾN SĨ


Con muốn làm người bình thường!
Dương Phạm
Viết cho BBCVietnamese.com từ London
Cập nhật: 15:10 GMT - thứ sáu, 28 tháng 8, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/08/090828_trithuc_opinion.shtml

Nhân đọc loạt bài viết về ‘thói háo danh và vĩ cuồng của giới trí thức cũng như về một thứ quốc nạn có tên là ‘loạn chức danh, học vị’, tôi xin mạn phép đưa ra đôi ba dòng về ‘chứng nan y’ đang lan rộng không chỉ trong giới trí thức trưởng thành mà còn cả một thế hệ trí thức mầm non của nước nhà.
Cách đây lâu lâu khi còn làm việc ở Việt Nam, tôi được một chị bạn rủ đi mua sắm đồ cho con trai mới vào lớp một. Nhân chuyện ra chuyện vào, chị vui mồm kể đã phải khó nhọc thế nào mới ‘chạy’ được cho con vào một trường điểm có tiếng ở Hà Nội, mà theo lời chị là ‘một ngôi trường không vừa đâu, toàn con cháu người nổi tiếng và các vị to học ở đây’. Chưa hết, chị còn cho biết phải dùng ‘kế’ và tiền thế nào để vào được lớp chuyên, lớp chọn, mặc dù theo tôi biết thì nhà nước đã bỏ chế độ trường chuyên lớp chọn từ khá lâu rồi.
Vào được trường tốt đã khó, để con lọt vào ‘top 10’ học sinh giỏi của lớp mới là việc đau đầu. Tuy là vào lớp một, nhưng chị khoe cháu đã học xong gần hết chương trình học lớp một để vào cái là bứt được lên ngay so với các bạn. ‘Anh ấy là nhà thơ hẳn hoi, bây giờ mà con nó học không ra gì thì chỉ có nước chui xuống đất’, đấy là lời giải thích cho mọi nỗ lực cố gắng với chuyện học hành của đứa con nhỏ của chị.
Thực ra tôi cũng chẳng ngạc nhiên. Chị chỉ là một trong số hàng triệu triệu bà mẹ trẻ có con và muốn con có được những gì tốt nhất. Nhưng thực ra, đó là lý do hết sức hợp lý để che đậy một nguyên nhân khác sâu xa hơn, thói hám danh không những đã ám vào người lớn chúng ta mà bây giờ còn đang len lỏi vào cả những thế hệ thơ bé.
Trẻ con bây giờ làm gì còn cái quyền được đi đá bóng, đánh khăng, chơi búp bê cho đến lúc mệt nhoài rồi lăn ra ngủ? Như một công dân 18 tuổi, quyền và nghĩa vụ của các cháu là phải ‘học, học nữa, học mãi’ (mà một anh bạn tôi đã dám mạn phép nói lái đi: ‘học, học nữa, hộc máu’). Học chính khóa, học thêm, học đàn, học múa, học hát, học vẽ, v.v… mà mục đích của sự học này là để bất cứ khi nào có dịp, bố mẹ sẽ đem con mình ra khoe ngay lập tức.
Còn nữa, đã học là phải học giỏi, phải ‘top 10’, không có quyền học kém hoặc chán học. Nhưng sức người có hạn, nên bố mẹ lại phải giúp, gia sư chưa đủ thì đã có tiền để ‘chạy’ mong thầy cô thông cảm. Còn trẻ con thì dưới sức ép phải là ‘nhất’ nên cũng xoay xở mọi cách, từ chép bài cho đến quay bài rồi thi hộ. ‘Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome’, thôi thì kiểu gì cũng xong được cho cái chức danh ‘học sinh giỏi’.
Dần dần, tỷ lệ học sinh khá giỏi càng tăng thì tỷ lệ hạnh kiểm và đạo đức tốt càng giảm (đương nhiên là không có con số thống kê cụ thể). Tôi biết nhiều ông bố bà mẹ, vì không muốn bị mang tiếng là con ‘học kém’ với ‘thi trượt’ còn khuyến khích con mang ‘phao’ vào phòng thi cho ‘yên tâm’, hoặc thậm chí thuê người làm luận văn tốt nghiệp giúp. Thế là lại thêm một loạt các dịch vụ ra đời phục vụ cho ngành giáo dục, tạo thêm biết bao công ăn việc làm.
Rồi cơn lốc du học nước ngoài ào đến. Hình như thời nào cũng giống nhau, cứ ‘ở bển’ về là oai. Thế là từ đại gia, doanh nhân, nghệ sĩ, tri thức đều lo để con mình được hưởng một nền giáo dục ‘được cả thế giới công nhận’, bất cần biết sức học của cháu đến đâu. Không học được trong nước thì là do ‘chương trình chưa chuẩn, ra nước ngoài kiểu gì cũng xong.’
Nhưng du học rồi mới thấy được nhiều chuyện dở khóc dở cười. Tôi từng học cùng trường ở Anh với cậu ấm một vị cục trưởng ở Việt Nam. Hai đứa cùng học Thạc sỹ nhưng khác ngành. Đến khi tốt nghiệp, rành rành là cậu ấm này bị đánh trượt do luận văn không đạt yêu cầu và chỉ được cấp một chứng chỉ là Postgraduate Certificate (chứng nhận đã tham gia khóa học này nhưng chưa được tốt nghiệp, khác với Master Degree – bằng Thạc sỹ) nhưng về đến Việt Nam thì gia đình mở cỗ rất to mừng ‘Thạc sỹ về làng’.
Chưa kể trong gần 7 năm đại học ở đây (do trượt hai năm), cậu ấm này luôn là khách hàng quen thuộc của bạn tôi do chuyên đặt hàng viết các bài luận hoặc các bài tập về nhà. Bao nhiêu tiền đổ ra cuối cùng chỉ để mua một thứ danh ‘hão’, nhưng lại rất thực trong đời sống xã hội ở Việt Nam.
Cùng thế hệ 8x, tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu tài năng ở lứa tuổi mình vươn lên nhưng cũng không ít những ‘thùng rỗng kêu to’. Tuy nhiên, chính những thế hệ đi trước đã góp phần lớn xây dựng nên tính háo danh của một thế hệ trí thức trẻ. Từ những lời động viên trở thành khen ngợi quá đáng rồi thành tâng bốc mù quáng. Tài năng bé nhưng xé ra danh to.
Xưa, Nguyễn Công Trứ từng nói ‘đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông’; nay, con cháu đều nhất mực học theo ông, nhưng đánh tiếc, chỉ chạy theo ‘danh’ mà không có ‘thực’.
Kết lại bài viết, tôi xin kể lại câu chuyện cười ra nước mắt về đứa con anh bạn tôi. Hôm cháu ngủ gật trên bàn học vì quá mệt, anh bạn tôi ra đánh thức rồi động viên: ‘Con có muốn làm siêu nhân không? Muốn làm siêu nhân thì phải học giỏi nhất, đánh võ giỏi nhất, chơi đàn hay nhất chứ? Không thì làm sao thành siêu nhân?’.
Thằng bé thẫn người ra một lúc rồi bật khóc: ‘Con không muốn làm siêu nhân đâu, con chỉ muốn làm người bình thường thôi’.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một sinh viên đang học tại London.
Bấm Bấm vào đây để xem ý kiến độc giả.


CẢ NƯỚC THÀNH…TIẾN SỸ
Trương Duy Nhất
Thứ sáu ngày 28/8/2009
http://trannhuong.com
Tôi đồ rằng ngành kinh doanh luận án tiến sĩ sẽ hốt bạc trong những năm tới. Và một ngày không xa, sáng mở mắt dậy thấy cả nước thành… tiến sĩ!

Sáng nay, đọc tờ Đất Việt, thấy chình ình trang nhất cái tít to tổ bố “loạn chợ luận văn trên internet”.
Hàng nghìn, hàng vạn luận văn, khóa luận, luận án thạc sĩ, tiến sĩ các loại được rao bán trên mạng với giá rẻ hơn mua… rau muống sạch. Nguồn cung còn khuyến mại bằng chiêu thức sẽ giảm giá nếu mua nhiều và cam kết “bảo hành đến 5 năm”.

Hoảng hồn, tưởng cái món này lâu rồi cạn vơi đi, không ai mua nữa. Hóa ra mỗi ngày một rộ hơn, khách hàng mỗi ngày một đông hơn.
Vì sao thế nhỉ?
Liếc qua trang VietNamnet thấy ngay câu trả lời: Hà Nội mong 100% cán bộ Thành ủy “quản” là tiến sĩ.
Nội dung bài viết loan tin một chủ trương mới nhất của Thủ đô Hà Nội- chủ trương mang tên « chiến lược cán bộ công chức ». Trong đó đặt ra mục tiêu đến 2020 phải đạt mức 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ (!?)

Chợt nhớ câu chuyện 3 ông tiến sĩ mà tôi viết từ hơn chục năm trước. Chuyện rằng ông Chủ tịch thành phố chẳng biết đi học lúc nào, viết luận án và bảo vệ khi mô mà đột nhiên thấy khai trong lý lịch ứng cử HĐND là tiến sĩ. Người thứ hai là ông giám đốc công ty du lịch. Du lịch là gọi vậy, chứ thấy công ty ông quản 2 cái khách sạn loại vừa vừa như… nhà khách công đoàn, và vài cơ sở matxa. Vậy mà cũng thấy ông cắp cặp đi đâu đó vài tháng rồi về thành tiến sĩ. Vị thứ ba là giám đốc công ty lương thực. Gọi vậy chứ thấy công ty ông quanh năm suốt tháng bán vài mươi xe sắn với gạo, mắm, dạo này thêm “thương hiệu” mới là nước tinh khiết đóng chai. Một tối thấy ti vi đưa tin ông dự lễ gì đó, giới thiệu ông là tiến sĩ. Vợ tôi nghe giật hoảng rớt bát cơm: Ơ ơ, ông này mới năm trước em dạy bổ túc cấp 3 mà, nhanh vậy hè?

Chủ trương này của Hà Nội, cộng với mục tiêu 2 vạn tiến sĩ đến năm 2020 của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã loan trước đây, tôi đồ rằng ngành kinh doanh luận án tiến sĩ sẽ hốt bạc trong những năm tới.

Và một ngày không xa, sáng mở mắt dậy thấy cả nước thành… tiến sĩ!



No comments: