Thursday, August 27, 2009

NHỮNG CÂU NÓI BẤT HỦ


Những câu nói bất hủ
Sơn Nghị
VietCatholic News (27 Aug 2009 02:04)
http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=70580
Những người đứng đầu một tổ chức, một phong trào, hay một đoàn thể thường phát biểu những câu nói trong những tình huống đặc biệt. Tùy theo tình hình biến chuyển, họ đã nói và để lại cho hậu thế những câu nói bất hủ. Câu nói đầy tâm huyết phát xuất từ trái tim sẵn sàng dâng hiến cho đại cuộc. Vì xuất phát từ một tấm lòng quả cảm, từ trái tim đầy nhiệt huyết, những câu nói này trở thành một khẩu hiệu, một châm ngôn hướng dẫn mọi hành động trong giai đoạn đó. Những câu nói bất hủ này không những ảnh hưởng trực diện vào mọi sinh hoạt ngay lúc đó mà còn gây ảnh hưởng lớn lao cho mọi người trong nhiều thế hệ sau này, đặc biệt cho những người tranh đấu với cùng một mục đích. Nó trở thành một đòn bẩy bật tung trái đất như Archimedes đã nói1, một chất xúc tác như Jim Costa từng phát biểu2, một nguồn sinh lực dồi dào cho những người đã bắt đầu thấm mệt trong cuộc đấu tranh dai dẳng như Đức Lạtma chia sẻ3.

Trần Thủ Độ là Thái sư (1227) dưới triều vua Trần Thái Tông. Tuy ông giữ một chức vụ cao trọng nhất trong triều đình nhưng lại nức tiếng thẳng thắn và nghiêm minh trong việc tôn trọng luật nước. Là một tướng tài, ông giúp nhà Trần giữ vững biên cương, đánh quân Chiêm thành và Chân lạp thường xuyên quấy nhiễu. Nhưng đặc biệt phía bắc hàng vạn vó ngựa quân Mông cổ rầm rập tung bụi mịt mù sa mạc, tràn xuống đánh Kim, diệt Tây Hạ, chiếm Triều Tiên, chuẩn bị xâm lược Tống và các nước phía nam khiến triều đình rất lo ngại.
Tháng 1 năm 1258, quân Mông Cổ, sau khi tiêu diệt nước Đại Lý (Vân Nam), đã tiến vào lưu vực sông Hồng. Thiết Mộc Chân (Thành Cát Tư Hãn) tuy đã chết nhưng quân Mông vẫn là một đội quân hùng mạnh, bách chiến bách thắng. Vó ngựa quân Mông tung hoành khắp vùng sa mạc và rong ruổi mãi đến tận châu Âu với những chiến thắng vẻ vang. Vì thế quân Đại Việt ban đầu bị đánh lui, vua Thái Tông phải bỏ Thăng Long rút xuống phía nam. Vua muốn nhờ Tống giúp chận đứng quân Mông nên hỏi Thái sư Trần Thủ Độ. Ông trả lời một câu bất hủ, “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!” Vào lúc thế giặc mạnh như nước lũ, câu trả lời vững chải đầy tự tin của ông đã giữ vững được tinh thần quyết thắng của quân dân Đại Việt. Không đầy một tháng sau, quân ta phản công và đẩy lui được đại binh Mông cổ buộc chúng phải rút chạy về nước.
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng là một vị tướng tài dưới triều vua Trần Thánh Tông. Ông ba lần (1258, 1285, và 1287) đánh tan quân Nguyên Mông từ phương bắc lăm le muốn thôn tính nước Nam. Hốt tất Liệt lúc bấy giờ không những là chúa tể trên cánh đồng cỏ mà còn là một hung thần đối với các nước Hồi giáo ở Trung Á, nước Nga và các nước lân cận. Lãnh thổ của quân Nguyên trải dài từ vùng Viễn Đông, kể cả Triều Tiên (Đại hàn bây giờ) đến tận Mac-tư-khoa, Muhi (Hungary), Tehran (Iran), Damascus (Syrie); từ Bắc Á xuống sâu đến biên giới Ấn độ và Miến điện. Hốt tất Liệt đánh bại dễ dàng nhà Nam Tống và Bắc Tống chiếm trọn nước Tàu. Thế mà khi tràn quân xuống phía Nam, đạo quân Mông bách chiến bách thắng lại chuốc lấy thảm bại. Với khí thế của quân Mông, vua Thánh Tông có ý định hàng giặc và Trần Hưng Đạo dõng dạc tuyên bố, “Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi trước đã!” Chờ cho địch cạn lương, mỏi mệt, và hàng ngũ rối loạn, Hưng Đạo Vương mới cho quân phản công bằng mưu kế lợi dụng thủy triều cắm cọc nhọn trên sông Bạch đằng đâm thủng thuyền bè quân địch và đại thắng. Nhờ câu nói bất hủ đầy bất khuất của Trần Hưng Đạo, từ vua đến tôi đều quyết chí một lòng và đó là lý do quân Đại Việt thắng trận vẻ vang.
Một trong những tướng tài của Hưng Đạo Vương là Trần bình Trọng bị quân Nguyên bắt sống cũng thốt lên một câu nói bất hủ khi giặc Nguyên dụ hàng, “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc.” Thời vua Thánh Tông được tiếng là thịnh trị vì có quá nhiều nhân tài ra giúp nước. Uy vũ bất năng khuất. Những vị tướng với lòng dũng cảm không hề run sợ trước sức mạnh của đoàn quân phương bắc như Trần bình Trọng thì chuyện giặc Nguyên thảm bại đến ba lần cũng là điều dễ hiểu.

Nguyễn thái Học, người sáng lập Việt Nam Quốc dân Đảng năm 1927. Câu nói bất hủ của ông chất chứa một chút chua chát: “Không thành công cũng thành nhân”. Và ông đã “thành nhân” khi bị Pháp xử trảm ngày 17 tháng 6, 1930 khi cuộc khởi nghĩa chống Pháp tại Yên Bái thất bại. Tuy thất bại nhưng ông đã để lại một tấm gương sáng cho những nhà ái quốc sau này, dứt khoát đánh đuổi bọn thực dân Pháp, đưa dân tộc thoát khỏi vòng đô hộ.

Lênin, ông tổ cộng sản cũng có một câu nói bất hủ, “Vô sản các nước, đoàn kết lại!” Khi đám lãnh tụ các nước thuộc địa nghèo nàn lạc hậu vớ được câu nói này và lấy nó làm phương châm hành động thì tương lai kinh tế của những quốc gia này bỗng trở nên “vô sản” thật. Không những đám lãnh tụ cộng sản thành công khi vô sản đại đa số dân chúng nhưng họ còn phá sản hoàn toàn những giá trị tinh thần truyền thống ở mỗi quốc gia, làm mất hẳn vẻ đẹp đặc thù của mỗi dân tộc, theo đúng giấc mơ “đại đồng” hão huyền, không tưởng. Ôi! Chỉ vì một câu nói mà hơn nửa nhân loại trong suốt 73 năm (1917 – 1990) sống trong nghèo đói triền miên, đau khổ trầm luân với một hoàn cảnh đầy nghiệt ngã. Chưa kể đến con số 100 triệu người phải lót thân trên con đường “cách mạng” cuồng vọng của đám lãnh tụ cộng sản.

Martin Luther King, một mục sư cổ võ cho quyền bình đẳng của các sắc dân thiểu số, đã mở đầu bài diễn văn hùng hồn vào ngày 28 tháng 8, 1963 bằng câu nói bất hủ: “Tôi có một giấc mơ… tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng…” Bài diễn văn của mục sư King không những đã gây ảnh hưởng lớn lao trên khắp nước Mỹ mà còn là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi nỗ lực tranh đấu quyền bình đẳng cho những nhà hoạt động nhân quyền sau này. Giấc mơ của mục sư King đã trở thành hiện thực khi chính quyền Hoa kỳ chấp thuận thông qua Civil Rights Act (Đạo luật Quyền Dân sự) vào ngày 2 tháng 7, 1964, mở đầu một trang sử mới tôn trọng quyền của những người da màu trong lịch sử Hoa kỳ.

Tổng thống Nguyễn văn Thiệu cũng để lại cho dân miền Nam một câu nói bất hủ, “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm!” Câu nói để đời này gói trọn những kinh nghiệm xương máu về cộng sản của vị tổng thống thứ hai của nền cộng hòa miền Nam non trẻ. Thế mà có mấy ai để ý đến câu nói bất hủ của ông. Sự thật về câu nói của ông chỉ được phơi bày trần truồng sau năm 1975 và mãi đến bây giờ vẫn còn giá trị khi chủ nghĩa cộng sản còn trơ trẽn rơi rớt lại trên mảnh đất Việt khốn khổ. Ngày nào nhà nước cộng sản còn áp đặt một thứ quyền hành quái đản lên đồng bào, câu nói của ông vẫn là một minh chứng hùng hồn cho sự tàn bạo vô luân của một chính quyền thối nát không bút nào tả nổi. Cho dù sau này chế độ cộng sản có chết mất xác đâu đó trong nền văn minh thăng hoa của nhân loại, câu nói bất hủ của ông vẫn giúp những nhà sử học viết thay cho dòng kết khi viết lại những trang sử bi thương của dân tộc Việt sống dưới ách cộng sản từ năm 1930.

Tổng thống Hoa kỳ Ronald Reagan khi đứng trước bức tường ô nhục Bá linh vào ngày 12 tháng 6, 1987 đã thách thức Tổng Bí thư Liên sô Gorbachev bằng câu nói bất hủ, “Hỡi ông Gorbachev, hãy đập đổ bức tường này!” Hơn hai năm sau, ngày 9 tháng 11, 1989 nhà nước cộng sản Đông Đức cho phép dân chúng thăm viếng Đông Bá linh và Tây Đức. Dân chúng đã dùng búa đập nát bức tường ô nhục, đánh dấu bước sụp đổ đầu tiên của chế độ cộng sản tại Âu châu.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng thốt lên một câu nói bất hủ khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nga sô Brezhnev lăm le định đưa Hồng quân sang Ba lan để dẹp tan Công đoàn Đoàn kết, “Nếu Liên sô tiến quân sang Ba lan, tôi sẽ cởi áo giáo hoàng và trở về Ba lan để chiến đấu bảo vệ quê hương tôi.” Nhờ câu nói đanh thép của vị Giáo hoàng dũng cảm, Brezhnev đã từ bỏ ý định xâm lăng.

Giáo phận Vinh (bao gồm Nghệ an, Hà tĩnh, và Quảng bình) được Đức cha Phaolô Maria Cao đình Thuyên cai quản từ năm 2000. Xảy ra vụ chiếm đất bất hợp pháp của chính quyền cộng sản tại Thái Hà vào tháng 9 năm 2008, toàn thể Hội đồng Giám mục Việt nam lên tiếng hiệp thông, bênh vực cho Đức Tổng Giám mục Hà nội Ngô quang Kiệt và phản đối nhà nước đã dùng luật rừng để chiếm đoạt tài sản của giáo hội. Các giám mục ở các giáo phận trên toàn lãnh thổ cũng lên tiếng hiệp thông và phản đối bằng cách gửi văn thơ đến Nhà Chung Hà nội và Ủy ban Tôn giáo nhà nước. Có những giám mục khác tích cực hơn, thân chinh đến nơi để hiệp thông cầu nguyện với giáo dân Thái Hà. Trong số các giám mục này có sự hiện diện của Đức cha Cao đình Thuyên, lúc ấy 81 tuổi, không ngại đường xa đã cùng với linh mục đoàn của giáo phận Vinh đến hiệp dâng thánh lễ. Bao vây Thái Hà là những dãy hàng rào chắn và lực lượng cảnh sát cơ động vũ trang với nét mặt lạnh lùng, Đức cha Thuyên đã tuyên bố một câu bất hủ, “Việc của Thái Hà là việc của Vinh.” Có lẽ không một câu nói nào tỏ tình hiệp thông vững mạnh như thế. Một ông cụ đã quá bát tuần lại có thể thốt được một câu hùng hồn đến thế trong một hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng thì quả thật tuyệt vời. Câu nói bất hủ của ngài thể hiện được tinh thần huynh đệ, nói lên mầu nhiệm chi thể của Đức Kitô, chia sẻ nỗi đau của giáo dân Thái Hà đang bị áp bức quá bất công. Mọi giáo dân dù bất cứ ở đâu đều là một phần của Hội thánh trong nhiệm thể của Đức Giêsu và chân lý đó đã thể hiện qua câu nói bất hủ của Đức cha Cao đình Thuyên.

Ngày 20/7/2009, một lần nữa, chính quyền cộng sản lại đàn áp giáo dân Quảng bình cũng chỉ vì miếng đất nhà thờ Tam Tòa tại thành phố Đồng hới. Một bên không có nơi thờ phượng đã bao nhiêu năm nên phải tạm dựng một chiếc lán nhỏ trên nền đất của ngôi nhà thờ đã bị sụp đổ vì chiến tranh, một bên dùng quyền hành chiếm đoạt mảnh đất của giáo dân Tam Tòa bằng cách ngang nhiên trưng dụng để làm chứng tích tội ác của đế quốc Mỹ. Lý do Tỉnh ủy Quảng bình đưa ra không hợp lý vì tại sao không trưng dụng ngay từ sau ngày 30 tháng 4, 1975; ngày cộng sản cưỡng chiếm thành công miền Nam mà phải đợi mãi đến năm 1997 – sau khi thị xã Đồng hới được nâng lên cấp thành phố – mới có quyết định như trên. Lý do nữa không hợp hiến vì bất cứ chỗ nào trên đất Bắc muốn biến thành chứng tích tội ác đều phải có quyết định từ trung ương; đằng này Tỉnh ủy Quảng bình đơn phương ra quyết định.

Đừng nói đến chứng tích tội ác của đế quốc Mỹ vì nhà nước cộng sản “có công” đánh đuổi Mỹ nhưng không bao lâu lại trải thảm đỏ mời họ vào. Đuổi cửa sau nhưng lại mời vào cửa trước. Đừng nói đến chứng tích tội ác của đế quốc Mỹ vì những tờ đôla xanh vẫn nằm đầy trong tủ sắt của đám cán bộ nắm quyền sinh sát trong tay, đặc biệt đám cán bộ và công an tỉnh Quảng bình. Mà nếu thật sự muốn biến mảnh đất Tam Tòa thành chứng tích tội ác của đế quốc Mỹ thì một tấm bia cũng đủ nhắc nhở những thế hệ sau này, cần gì phải chiếm trọn mảnh đất chỉ còn trơ lại bức tường rêu phong lỗ chỗ dấu đạn bom. Những nơi khác trên khắp đất Bắc hứng chịu bom Mỹ cũng có những tấm bia như thế để tưởng niệm, để nhắc nhở. Thế thì lý do gì mà Tỉnh ủy Quảng bình nhất định phải chiếm cho bằng được toàn bộ khu đất của nhà thờ Tam Tòa?

Lý do duy nhất mà ai cũng biết là vì khu đất nhà thờ Tam Tòa đột nhiên có giá trị kinh tế nhảy vọt. Từ ngày thị trấn Đồng hới được trung ương nâng lên cấp thành phố, dân cư đổ về làm ăn buôn bán sầm uất, đường sá được nới rộng, và mảnh đất nhà thờ Tam Tòa nằm ngay trung tâm thành phố, nhìn ra sông Nhật Lệ trông thật thơ mộng bỗng trở nên có giá, rất có giá. Với giá nhà đất tăng vùn vụt đến độ chóng mặt ở những nơi thị tứ vì nhu cầu làm ăn buôn bán, miếng đất này phải tính đến hàng ngàn cây vàng, vài triệu đô la là chuyện thường. Giống như miếng đất Tòa Khâm sứ cũng nằm ngay trung tâm thành phố Hà nội, giá cả mảnh đất là miếng mồi ngon mà đám cán bộ nhà nước không thể nào bỏ qua. Vì thế họ mới dùng mọi thủ đoạn đê tiện để cướp đoạt trắng trợn.

Một trong những thủ đoạn đê tiện là dùng đám công an ở các nơi khác được bí mật điều về mặc thường phục để chận đánh giáo dân. Tỉnh ủy tỉnh Quảng bình gọi đám người này là “nhân dân tự phát”. Không những giáo dân chân yếu tay mềm bị đánh, đám “nhân dân tự phát” này còn dám đánh trọng thương luôn cả hai vị linh mục với những lời lẽ hạ cấp. Đang ung dung thăm hỏi giáo dân Vinh ở Hoa kỳ, Đức cha Cao đình Thuyên đành phải bỏ dở chuyến đi và trở về với đàn chiên đang bị bầy sói vây hãm. Thật chưa bao giờ con dân Vinh lại nức lòng mừng đón vị cha già trở về như vậy. Chỉ còn mấy ngày nữa là đến ngày mừng lễ Quan Thầy (Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời) của giáo phận Vinh nên vị cha già đã mời gọi toàn thể giáo dân thuộc hai tỉnh Hà tĩnh và Nghệ an về Tòa Giám mục để cầu nguyện, chỉ riêng giáo dân Quảng bình vì đường sá xa xôi nên mừng lễ tại chỗ. Cuối lễ, trong phần nhắn nhủ hơn 200 nghìn con chiên, Đức cha Thuyên có nhắc lại một câu nói bất hủ của một linh mục Vinh khi ngài ở hải ngoại gọi về để thăm hỏi, “Đức cha cứ an tâm tiếp tục thăm hỏi giáo dân ở nước ngoài, bên này chúng con không phải có một Đức cha Thuyên nhưng có đến 500 nghìn Đức cha Thuyên.” Khi vị linh mục nói đến 500 nghìn Đức cha Thuyên, ngài muốn nói đến sự đoàn kết, đồng lòng nhất trí của toàn thể giáo dân Vinh về vụ Tam Tòa. Tuy nghe vậy nhưng Đức cha Thuyên vẫn thấy sự có mặt của ngài tại quê nhà trong giây phút đau thương này là cần thiết. Và ngài đã lập lại câu nói bất hủ của vị linh mục nào đó (ngài không nêu danh tánh) như một khẳng định về lập trường của ngài và 500 nghìn giáo dân Vinh qua sự hiệp thông cầu nguyện, đối thoại, tha thứ, và tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa Thánh Linh.

Rồi từ đây, với lời cầu nguyện của 500 nghìn Đức cha Thuyên ở giáo phận Vinh sẽ như hương thơm tỏa lan trước nhan thánh Chúa. Cũng từ đây, với ánh sáng tình yêu của 500 nghìn Đức cha Thuyên sẽ đẩy lui được bóng đêm hận thù. Và cuối cùng, với 500 nghìn Đức cha Thuyên một lòng một ý sẽ tranh đấu công lý cho một Tam Tòa đang trên đà hồi sinh.

----------------------------------------------

Chú thích :

1 “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ bẩy tung trái đất này.” Archimedes (287 BC – 212 BC).
2 “Phong trào dòi hỏi dân quyền gặt hái được nhiều thắng lợi nhưng Rosa Park (người đàn bà da đen từ chối nhường chỗ cho người da trắng trên xe bus) luôn được tưởng nhớ như một chất xúc tác trong công cuộc đấu tranh đòi hỏi dân quyền.” Jim Costa (1952 – ), Dân biểu bang California.
3 “Bất cứ điều gì anh cảm thấy khó thực hiện nhất, thì hãy làm với tất cả con tim của anh.” Dalai Lama (1935 – ),Đại đức, vị lãnh đạo tinh thần của Tibet.

Sơn Nghị




No comments: