Thursday, February 26, 2009

THAM NHŨNG CẢN TRỞ KẾ HOẠCH KÍCH THICH KINH TẾ

Tham nhũng cản trở kế hoạch kích thích kinh tế
DCVOnline – Time by Martha Ann Overland
26-02-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6062

HÀ NỘI - (Time) Trong khi nhiều chính phủ trên thế giới đang tung ra hàng ngàn tỷ đô la kích cầu để đối phó với suy thoái kinh tế thì vấn đề gây tranh cãi là liệu số tiền đó sẽ giúp thúc đẩy kinh tế dài hạn hay không, và số tiền đó có bị lãng phí hay không. Giống như hầu hết các quốc gia Châu Á, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, ngay cả cách kích cầu trực tiếp nhất, đó là tặng tiền cho người dân, cũng chỉ giúp cho các quan tham nhũng tại địa phương.

Với số người bị lâm vào cảnh nghèo khó gia tăng và nhiều báo cáo cho thấy có nhiều người bị thiếu ăn, chính quyền cộng sản Việt Nam gần đây cứu trợ cho hàng triệu người nghèo với số tiền là 12 đô la một người vào dịp Tết Nguyên Đán.

Tết tại Việt Nam, cũng giống như Giáng Sinh tại các quốc là Âu Mỹ, là một ngày lễ để gia đình tụ họp và tiêu xài nhiều cho các món quà. Nhưng năm nay, rất nhiều trong số các món tiền do chính phủ phân phát lại bị các tham quan bỏ túi riêng.

Theo công an địa phương, trong nhiều trường hợp, số tiền mà nhà nước phát ra bị đánh thuế hoặc trừ các khoản lệ phí đến độ khi tiền đến tay người dân thì chẳng còn là bao nhiêu. Nhiều gia đình tại Quảng Bình than phiền họ bị bắt buộc phải ký biên nhận là đã lãnh tiền, nhưng nhiều nông dân nói hơn 90 phần trăm số tiền cứu trợ bị các tham quan ăn chận. Tại tỉnh Quảng Ngãi, hàng chục người nhận cứu trợ bị bắt buộc phải đóng tiền cho một quỹ gọi là quỹ giao thông nông thôn. Nhiều nông dân túng thiếu khác cũng nói họ phải đóng tiền cho một quỹ dành cho người nghèo. Các cuộc điều tra về các vụ kể trên và các vụ khác đã được bắt đầu trên toàn quốc.

Trong chương trình cứu trợ hiếm có này, những người sống dưới mức nghèo khổ (được chính phủ định nghĩa là những người có thu nhập dưới 15 đô la một tháng) được nhận số tiền 2 trăm ngàn đồng Việt Nam, tương đương 12 Mỹ kim. Một gia đình được lãnh tối đa 57 đô la. Số tiền này không đáng là bao, nhưng đối với khoảng 10 triệu người nghèo tại Việt Nam, đây là một điều may mắn bất ngờ trong dịp Tết. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là nơi chịu trách nhiệm phân phát tiền. Thứ trưởng Ngô Trường Thi của bộ này nói: "Cứu trợ cho những người nghèo cũng là một trong những biện pháp để kích thích kinh tế."

Sự suy thoái kinh tế trên toàn cầu hiện nay làm chậm đà tăng trưởng kinh tế liên tiếp trong một thập kỷ của Việt Nam. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund) dự báo rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm xuống còn 5 phần trăm trong năm nay, so với cao điểm là 8,5 phần trăm trong năm 2007. Khu vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nhất là khu vực gia công hàng xuất khẩu, là khu vực từng giúp đưa nhiều triệu người ra khỏi cảnh nghèo với những công việc trả lương tương đối cao. Đơn đặt hàng từ nước ngoài giảm bắt buộc nhiều nhà máy mới được xây lên phải đóng cửa, làm cho nhiều công nhân phải trở về lại nông thôn.

Chương trình kích thích kinh tế của Việt Nam là khiêm tốn so với gói kích thích 787 tỷ đô la mà quốc hội Mỹ thông qua hồi tuần trước, nhưng Việt Nam đang làm những gì có thể làm để thúc đẩy nền kinh tế. Việc cứu trợ người nghèo diễn ra tiếp theo sau kế hoạch hồi tháng Mười Một của chính phủ là sẽ dùng 1 tỷ đô la để trợ cấp lãi xuất cho các doanh nghiệp và giảm thuế để thu hút đầu tư và tạo thêm việc làm.

Nhưng một mình Hà Nội thì không thể làm thay đổi được các diễn biến trên toàn cầu, ông Alex Warren-Rodriguez, một nhà tư vấn về chính sách kinh tế cho Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội, nói như thế. Việt Nam quá lệ thuộc vào những gì đang xẩy ra tại Hoa Kỳ và Châu Âu. Ông Warren-Rodriguez nói thêm: "Ngay cả việc giảm lãi xuất để kích thích đầu tư cũng không giúp được gì, bởi vì không có gì để đầu tư vào cả. Những cách đó giúp rất ít cho việc kích thích kinh tế."

Mặc dù vậy, quan niệm của công chúng về việc chính phủ làm thế nào để đối phó với các cuộc khủng hoảng là cực kỳ quan trọng. Ông Vũ Thành Tự Anh, giám đốc phụ trách nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại thành phố Hồ Chí Minh, nói tiền cứu trợ rõ ràng là được phân phát cũng vì lý do chính trị, không chỉ là vì các lý do kinh tế. Ông Tự Anh cũng nói: "Một điều rất quan trọng là cho người dân thấy rằng chính phủ có một hành động nào đó. Áp lực chính trị là rất nặng."

Đến lúc này, chính phủ đường như đang bị thất bại trong việc tạo niềm tin trong công chúng. Ông Tự Anh nói tuy Bộ trưởng Tài chánh công bố kế hoạch kích thích cách đây vài tháng nhưng các việc làm cụ thể mới được áp dụng trong vài tuần nay. Bây giờ thì uy tín của chính phủ càng bị ô uế thêm khi các quan chức địa phương ăn cắp tiền cứu trợ những người mà chính phủ đang cố gắng giúp đỡ.

Hiện tại thì không biết số tiền bị thất thoát là bao nhiêu. Một quan chức tỉnh Lâm Đồng vừa bị bắt tuần rồi, và hàng chục quan chức ở nhiều địa phượng khác trên cả nước cũng bị giáng chức hoặc mất chức vì tham nhũng tiền cứu trợ. Hàng trăm cuộc điều tra cấp tỉnh đang diễn ra.

Ông Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội, nói: "Có rất ít người ngạc nhiên với quy mô của việc ăn cướp tiền này."

Các quan chức Việt Nam ở tất cả các cấp có tiếng xấu là hay tham nhũng. Năm ngoái, một cuộc thăm dò về tham nhũng trong khu vực công do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) thực hiện đã xếp Việt Nam vào hạng 121 trong số 180 quốc gia về tính minh bạch, tức là tham nhũng hạng thứ 60 trên thế giới.

Ông Tương Lai phát biểu: "Ăn cắp tiền từ người nghèo không phải là chuyện mới mẻ gì. Nhưng sau một năm khó khăn, quà Tết được xem như một cử chỉ để giúp tăng niềm tin của người dân đối với chính phủ nhưng hành động đó bị đã phá hoại."

© DCVOnline

---------------------------

Nguồn:
(1)
Corruption Undermines Vietnam's Stimulus Program. Time, by Martha Ann Oveland, 23 February 2009



No comments: