Saturday, February 28, 2009

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH ASEAN 14

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH ASEAN
Cam Bốt và Miến Điện cản hai nhà đấu tranh nhân quyền tiếp xúc với các lãnh đạo Asean
Bảo Thạch, Thanh Phương, Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 28/02/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 28/02/2009 17:36 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/110/article_2681.asp
Hội nghị thượng đỉnh Hua Hin trên nguyên tắc mở đường cho việc hình thành một khối tương tự như Liên hiệp châu Âu. Nhưng các ngoại trưởng ASEAN vẫn bất đồng về cơ chế sẽ giám sát việc tôn trọng nhân quyền.

Ngày 28.02.09, thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã khai mạc hội nghị thượng đỉnh hiệp hội ASEAN tại Hua Hin. Trong bài diễn văn khai mạc, ông Abhisit đã nhấn mạnh đến ưu tiên trước mắt của hội nghị thượng đỉnh lần này là vạch ra chiến lược đối phó với khủng hoảng kinh tế, tại một vùng mà nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu.
Hội nghị thượng đỉnh Hua Hin trên nguyên tắc sẽ mở đường cho việc hình thành một khối tương tự như Liên hiệp châu Âu. Nhưng các ngoại trưởng ASEAN vẫn bất đồng về cơ chế sẽ giám sát việc tôn trọng nhân quyền.
Vấn đề này vẫn phản ánh sự cách biệt về mặt chính trị giữa các nước thành viên, thể hiện qua việc hôm nay tướng Thein Sein, thủ tướng Miến Điện và Hun Sen, thủ tướng Cam Bốt đã doạ sẽ tẩy chay một cuộc họp giữa các lãnh đạo ASEAN với các đại diện xã hội công dân, nếu hai nhà hoạt động nhân quyền của hai nước này dự cuộc họp. Hai người không được chấp nhận là ông Pen Somony, điều phối viên một chương trình tình nguyện viên ở Cam Bốt và bà Khin Omar, chủ tịch Hiệp hội đấu tranh cho nữ quyền ở Miến Điện.

Biểu tình vì hòa bình và dân chủ cho Miến Điện sát tại nơi đang diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Asean lần thứ 14 - Hua Hin. (Ảnh : Reuters)
http://www.rfi.fr/actuvi/images/110/asean_burma_protest.jpg

Trước thái độ cứng rắn của hai thủ tướng Miến Điện và Cam Bốt, Thái Lan áp dụng một giải pháp thỏa hiệp. Cuộc họp giữa toàn thể các lãnh đạo Asean với đại diện xã hội công dân vẫn tiến hành, nhưng không có mặt ông Pen Somony và bà Khin Omar. Thế nhưng, song song với cuộc họp đó, riêng thủ tướng Thái Lan cũng có cuộc tiếp xúc với các đại diện xã hội công dân trong đó có cả hai người bị chính quyền Miến Điện và Cam Bốt gạt bỏ.

Trả lời phỏng vấn của đặc phái viên Bảo Thạch sau cuộc gặp với thủ tướng Thái Lan, bà Khin Omar đã ngỏ lời cám ơn thủ tướng và ngoại trưởng Thái Lan, đồng thời cho rằng lẽ ra các lãnh đạo Asean khác không nên chiều theo đòi hỏi của phiá Miến Điện và Cam Bốt:
'' Chúng tôi rất biết ơn thủ tướng và ngoại trưởng Thái Lan bởi vì hai người đã bảo đảm cho chúng tôi không bị gạt ra bên ngoài cuộc họp này. Họ đã giữ đúng lời cam kết, đã dành thì giờ tiếp xúc với chúng tôi, lắng nghe ý kiến chúng tôi và cũng trả lời chúng tôi. Đã thực sự có đối thoại giữa chúng tôi với thủ tướng và ngoại trưởng Thái Lan.
Lẽ dĩ nhiên, thời giờ có hạn, chúng tôi không nói được tất cả những gì chúng tôi muốn đề cập tới, nhưng điểm chủ yếu là thái độ của chế độ Miến Điện, muốn gạt bỏ chúng tôi ra ngoài cuộc họp này, đã được nêu bật.
Đó là một bằng chứng rõ ràng về việc chính quyền Miến Điện nuốt lời cam kết khi phê chuẩn bản Hiến chương Asean, vốn cho phép chúng tôi hiện diện ở đây, để đối thoại với các lãnh đạo trong vùng Đông Nam Á.
Chúng tôi hoàn toàn không vượt quá giới hạn cho phép, thành ra khi gạt bỏ chúng tôi, chế độ Miến Điện đã cho thấy thái độ khắc nghiệt của họ.Đó cũng là bằng chứng cho thấy là chế độ Miến Điện vẫn bác bỏ các kêu gọi liên tiếp nhằm tái lập đối thoại giữa chính quyền và lãnh tụ Aung Sann Suu Kyi.
Tôi hy vọng là các lãnh đạo khối Asean thấy rõ trách nhiệm của chế độ Miến Điện, và đảm bảo sao cho Miến Điện có được dân chủ. Có như vậy thì cả khối Asean mới có thể trở thành một khu vực lấy dân làm gốc.
Quả là tôi rất thất vọng khi bị chính quyền Miến Điện phủ quyết, nhưng hành động của họ không phải là một điều gì đáng ngạc nhiên.
Điều đáng thất vọng là lẽ ra các lãnh đạo khác trong khối Asean cần phải cùng nhau đứng lên thuyết phục Miến Điện để họ đừng gạt bỏ chúng tôi. Lẽ ra họ phải nói với Miến Điện rằng đây là một không gian dành cho xã hội công dân, nên dành 30 phút đồng hồ để lắng nghe. Tôi tin chắc rằng chính quyền Thái Lan, tức là thủ tướng và ngoại trưởng Thái, đã nỗ lực làm điều đó và tôi rất biết ơn họ.
Những một lần nữa, lẽ ra các lãnh đạo Asean khác nên làm như Thái Lan, sao cho sự tham dự của chúng tôi không bị gạt bỏ.

Sự cố xẩy ra hôm nay một lần nữa nêu bật bất đồng quan điểm ngay trong nội bộ Asean trong lãnh vực nhân quyền. Các khác biệt này đã chi phối cuộc thảo luận hôm qua giữa các ngoại trưởng Đông Nam Á về Cơ chế Nhân quyền Asean.
Từ Hua Hin, đặc phái viên Bảo Thạch tường trình :
« Tuy dự trù sẽ được hoàn tất trước cuối năm, Cơ chế Nhân quyền Asean vẫn chỉ là một chiếc bóng vô hình, vô dạng thậm chí vô danh. Cho dù các lãnh đạo Đông Nam Á có ghi trong chương trình nghị sự việc thảo luận về cơ chế này, xong các quan sát viên nhận định rằng : « hội nghị lần này khó mà quyết định được điều gì cụ thể ».
Đầu tiên hết, cần nhắc lại việc thành lập cơ chế này đã được dự phóng khi Hiến chương Asean được thông qua từ cuối năm ngoái. Thế nhưng cho đến bây giờ chưa ai đồng ý với ai về cái tên của nó, cũng như về thành phần dân sự, nhiệm vụ và quyền hạn của họ.
Đây sẽ là một Ủy ban, hay là một Hội đồng ? Nhân sự do các chính phủ chỉ định hay sẽ bao gồm nhiều nhân vật độc lập đến từ xã hội công dân ? Vai trò của họ bị giới hạn ở chỗ quảng bá một số giá trị hay là trách nhiệm của họ sẽ bao quát hơn và họ sẽ có khả năng điều tra về các vụ vi phạm nhân quyền tại Đông Nam Á ? Đó là một số câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh ai cũng biết các chính phủ Asean chỉ sẽ đạt được đồng thuận trên các tiêu chuẩn tối thiểu mà thôi, và không có một cơ chế nào của Asean có khả năng đi ngược lại với nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ các nước thành viên.
Nếu ai còn nghi ngờ điều này thì ngày hôm nay, tại Hội nghị cấp cao Hua Hin có thể rút kinh nghiệm về sự cố Cam Bốt và Miến Điện đã đe doạ tẩy chay cuộc họp giữa các lãnh đạo Asean và một số đại diện xã hội công dân.
Nguyên nhân như sau : ông Hun Sen của Cam Bốt giận dữ trước việc ông Pen Somony, điều phối viên chương trình Người Cam Bốt thiện nguyện cho xã hội công dân (Cambodia Volunteers for Civil Society), có mặt trong cuộc họp. Còn thủ tướng Miến Điện, ông Thein Sein thì từ chối đối diện với bà Khin Omar của phong trào Màng lưới vì Dân chủ và Phát triển (Network for Democracy and Development), một hiệp hội đấu tranh cho nữ quyền tại Miến Điện.
Do bất đồng vừa kể, cuộc họp giữa lãnh đạo Asean và các hiệp hội bảo vệ nhân quyền, vào phút chót đã buộc phải thay đổi chương trình và chia thành hai cuộc tiếp xúc riêng biệt. Trong buổi tiếp xúc đầu tiên, toàn thể các lãnh đạo Asean, trong đó có ông Hun Sen và ông Thein Sein, gặp mặt các hiệp hội mà không có sự tham dự của hai đại diện Cam Bốt và Miến Điện vừa kể. Sau đó trong một cuộc tiếp xúc thứ nhì, thủ tướng Thái, ông Abhisit Vejjajiva, gặp gỡ toàn thể các hiệp hội phi chính phủ trong đó có đại diện Cam Bốt và Miến Điện là ông Pen Somony và bà Khin Omar.
Thoả hiệp này cho phép nước chủ nhà là Thái Lan, xuất hiện như người bênh vực nhân quyền trong khối Asean mà không khiến cho thủ tướng Hun Sen và Thein Sein mất thể diện.
Cách giải quyết vừa kể, một lần nữa minh chứng cho thực tế khó phủ nhận : Asean bao gồm nhiều quốc gia phát triển không đồng đều, có sự cách biệt rất lớn lao giữa các nền dân chủ khá tiên tiến như Indônêxia, Thái Lan, Philippine, bên cạnh nhà nước độc tài là Miến Điện cùng với các chế độ độc đoán như Cam Bốt và độc đảng như Việt Nam».





No comments: