Wednesday, February 25, 2009

DÂN TRÍ VÀ THỰC TIỄN

Dân Trí Và Thực Tiễn
Nguyễn Phương Anh
Đăng ngày 24/02/2009 lúc 18:53:56 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3559

Những lý luận về dân trí thấp để chần chừ tiến hành dân chủ, đa nguyên của độc tài cộng sản đưa ra thì bất cứ ai cũng hiểu đó là trò mị dân và để kéo dài thời gian. Nhưng để đánh giá vấn đề dân trí đang ở đâu, có song hành với dân chủ hay cái nào cần có trước thì ngay cả những cây lý luận thuộc phe dân chủ cũng chưa giải quyết rốt ráo vấn đề.

Hiện nay vẫn có những tổ chức, hội đoàn... xác quyết dân chủ phải có trước để tạo điều kiện cho dân trí phát triển, và cũng không hiếm những đoàn thể khác lại nâng cao tuyên truyền theo kiểu "khai dân trí" và họ cũng xác quyết trong thời gian này chỉ nên viết bài, phổ biến cho nhân dân nhằm nâng cao dân trí cho họ để dần dần đưa đến sự chuyển hoá độc tài.

Thực ra những lý luận như trên đều không sát thực tế. Vấn đề ở đây là do những lý luận đó xa rời thực tế đấu tranh trong nước, ôm đồm nhiều đặc tính của dân chủ mà không biết rằng để hoàn thiện cả mớ đặc tính đó cùng một lúc sẽ không bao giờ thực hiện được.

Để chứng minh, ta hãy trở lại những ngày Pháp thuộc, thời gian gần đây nhất đặc trưng cho việc "khai dân trí, chấn dân khí..." của cụ Phan Châu Trinh. Thời gian đó dân trí nước ta đâu có cần khai làm gì! Dân trí lúc đó có thể coi như là hoàn hảo 100%. Tại sao lại như vậy? Đó là: bất cứ một ai từ già đến trẻ đều hiểu rằng cần phải đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước, không cần bất cứ ai, hội đoàn nào dạy cho họ cả. Lúc đó họ cần độc lập, dân trí về độc lập là 100%. Nhưng kể cả khi đó, khi dân trí hoàn hảo đó mà phải mất đến cả 100 năm mới giành lại được độc lập. Tại sao lâu như vậy? Dân trí quá hoàn hảo rồi cơ mà?

Lịch sử loài người đã chứng minh rằng bất cứ một chế độ nào từ khi nó sinh ra là nó đã trì trệ nó đã thua dân trí của quần chúng ngay từ lúc đó. Do vậy lý do để thay đổi chế độ thời nào cũng có. Khả thi nhất là chế độ nó tự thay đổi, đừng quá thua cách xa so với dân trí của nhân dân thì sẽ tồn tại được lâu. Một điều nữa cần nhấn mạnh, đó là dân trí luôn đồng nghĩa với ước mơ. Một người hay đại đa số dân chúng mơ được tự do báo chí chăng? hay mơ một cái gì đó họ thiếu... Rõ ràng xã hội thực mà họ đang sống không là hình mẫu mà họ yêu thích.

Dân trí bao giờ cũng đi trước một bước so với ý thức hệ xã hội mà nhà cầm quyền đang muốn áp đăt. Đơn giản nhất, hãy hiểu là dân trí luôn phát triển theo đường đồ thị tuyến tính đi lên, đi trước như lịch sử loài người vốn đã thế, còn những luật lệ đi theo đường bậc thang bám sát. Lý do là muốn thay đổi luật thì cần thời gian trễ để biểu quyết, xác nhận, thi hành.

Đến thời điểm hiện nay, 2009, chúng ta phải công nhận rằng dân trí của nhân dân cao hơn hẳn tính áp đặt của chế độ chính trị hiện hành. Từ thời Pháp thuộc và cả VNCH dân ta đã biết sống với tự do báo chí, tự do tôn giáo. Có thể nói 100% nhân dân ta ghét tham nhũng. Có thể nói họ biết rõ ràng rằng chỉ có đảng viên cộng sản mới có khả năng tham nhũng. Phần khác, 100% nhân dân ta biết rõ ràng rằng bầu cử chỉ là trò hề, là việc đảng cộng sản mị dân. Rồi hàng loạt những việc khác đang vỡ lở ra như làm mất đất, biển, đảo... Nhân dân 100% không chấp nhận quản lý đất đai theo kiểu "đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý". Đã có nhiều nơi gây bạo động nhằm phản đối việc trưng thu, cướp đất.

Nếu tất cả những sự việc xấu xa xảy ra ngay giữa ban ngày như vậy, ngay trước mắt người dân như vậy, và người dân đều căm ghét, nhưng sao họ vẫn chưa thể làm gì? Liệu có cần nâng cao dân trí cho nhân dân nữa hay không? Và khi dân trí "đủ" thêm nữa thì lúc đó có phải là thời cơ chuyển hoá của chế độ?

Hoàn toàn không phải như vậy.

Cả trăm năm Pháp thuộc dân ta mới giành lại được độc lập. Không phải vì thiếu dân trí mới lâu như vậy, mà vì thiếu tính tổ chức và thiếu cả thời cơ. Hiện nay dân trí nước ta cao hơn cả sự áp đặt của chế độ, giống như sự phát triển của cơ thể cường tráng mà lại đang mặc một chiếc áo chật. Ý thức về việc thay đổi một chế độ tốt hơn, cạnh tranh chính trị, ít tham nhũng, tự do, hùng mạnh hơn... đã nằm sẵn trong máu của mỗi con người. Vấn đề còn lại chỉ là tính tổ chức, chiến thuật, chiến lược để đạt mục đích đề ra mà thôi. Vấn đề thời cơ cho việc chuyển hoá trong gian đoạn này đã đầy đủ. Sự sụp đổ dây chuyền các chế độ cộng sản nhiều năm trước, sự gia nhập với thế giới văn minh, các sức ép quốc tế về dân chủ, nhân quyền...

Nói chung lại, vấn đề tổ chức thực hiện, chiến thuật, chiến lược là điều mấu chốt của phong trào dân chủ hiện nay. Không thực hiện vấn đề này thì hàng trăm năm nữa vẫn không thể giải thể được độc tài cộng sản.
Phong trào dân chủ phải thông qua những việc làm thực tế, sát cuộc sống hàng ngày của đại đa số nhân dân để nhân dân biết rằng có một phong trào như vậy đang tồn tại và càng ngày càng phát triển, chứng tỏ sức mạnh của phong trào, chứng tỏ sự ưu việt cũng như kỷ luật. Phải làm sao nhân dân nể sợ và giúp đỡ phong trào.
Sự tự nguyện dựa vào trái tim của phần đông dân chúng chỉ có thể xảy ra khi mà họ chắc chắc thấy rằng đi theo phong trào là thắng lợi ngay trong tầm mắt. Có ai đó muốn nói rằng công an sẽ theo dân chủ thì hãy nhớ là họ chỉ theo khi thắng lợi dân chủ là tính bằng ngày, bằng giờ. Còn vấn đề trước mắt không thể làm cách nào để họ tham gia nhiều cho được. Họ cũng hiểu biết quá rồi, không cần nâng cao dân trí nữa. Vấn đề ở đây là sự dấn thân. Khi cách mạng tháng tám giành độc lập khỏi ách đế quôc thực dân Pháp, Nhật, lực lượng cộng sản chỉ có chưa đến 5000 đảng viên, nếu so sánh với con số công chức lúc đó hay rộng hơn là bộ máy chính quyền... thì rõ ràng không cân sức. Tính tổ chức kỷ luật, vận dụng thời cơ đã đưa đến thành công trước kẻ địch mạnh hơn cả ngàn lần.

Đầu năm 2008, tôi có viết bài
”Thế trận dân chủ năm 2008”, và tiên đoán rằng cộng sản sẽ phải ngồi lại với phong trào dân chủ. Sự thật đã được chứng minh rằng một số chủ tịch đảng và lãnh đạo các tập hợp, lãnh đạo báo chí... đã được các viên chức cấp cao chế độ độc tài cộng sản mon men tiếp cận. Đó mới chỉ là bước đầu, chưa phải là thành công, cũng chưa làm độc tài chùn bước. Lại cũng có nhiều nguồn tin nói rằng cộng sản sẽ chấp nhận cả trăm ghế quốc hội cho các yếu nhân ngoài đảng cộng sản. Nhưng như vậy có phải là dân chủ hay là chia chác quyền lợi mà phần thượng phong vẫn là số đông cộng sản? Cuộc cách mạng dân chủ sẽ phải khác hẳn! Chúng ta đã có trong tay cái gì để mặc cả với chế độ độc tài, để được chúng nể phục ngoài sự xác tín sẽ thành công mà tương lai xa hay gần vẫn chưa ấn định.

Nếu chỉ cố gắng viết bài để nâng cao dân trí thì dễ chừng trăm năm nữa cũng không lay chuyển được độc tài. Những người đấu tranh trẻ tuổi nếu chỉ viết bài thì hãy tưởng tượng xem, đến năm 70 tuổi họ sẽ là ai? Lúc đó lại chỉ dấm dúi cho nhau xem những bài viết của mình và ngồi mong cái đảng cộng sản tự vỡ. Sợ theo đuôi cộng sản qua khẩu hiệu “Nâng cao dân trí” nên giờ lại có trường phái theo chân cụ Phan Châu Trinh. Đó hoàn toàn là nguỵ biện. Hãy để tư tưởng đó của cụ yên nghỉ, có khêu dậy cũng không thể thắng lần này trước sự thật là đối mặt với độc tài, phát xít cộng sản. Hãy làm tuyên truyền đưa tương lai tươi sáng đến cho độc giả. Nhưng cũng phải hành động thì mới là tri hành hợp nhất. Nhiệm vụ này đặt nặng trên vai của bất cứ một chiến sỹ dân chủ nào. Có những người tự cho là dân chủ nhưng chỉ đưa lên những thân phận ngang trái, bị trù dập, đưa lên những điểm nóng đâu đó để đồng bào hải ngoại biết, để phản đối và để giúp đỡ. Họ lờ đi việc chính là phải tạo ra được các điểm nóng đó chứ không phải đến quay phim chụp ảnh tự phát. Và quan trọng hơn là từ mỗi điểm tự phát đó phải giành giật được các nhân tố tích cực để đưa vào hàng ngũ trước khi an ninh cộng sản bắt đi tù hay mua chuộc, vô hiệu hoá.

Cuộc đấu tranh dân chủ hiện nay đến 80% là đấu tranh theo kiểu báo chí, đưa tin nóng để khai dụng hình thức tố cáo những cái xấu xa của chế độ cho thế giới biết. Mà thế giới đã biết bản chất của các chế độ độc tài cộng sản là tội ác của nhân loại từ rất lâu rồi. Những việc làm để gây tiếng vang tốt trong quần chúng nhân dân của phong trào rất ít và chưa được cả phong trào coi như là bốn phận phải làm. Đây đó vẫn còn tiếng nói là "khiêu khích công an", "tạo cớ đàn áp"... Như chúng ta đã biết là dưới chế độ độc tài cộng sản thì bất cứ một tiếng nói không đi theo khuôn khổ của chế độ là đã bị ghi sổ đen và trấn áp. Vì vậy không thể nói hành động nào là tạo cớ hay hành động nào không tạo cớ. Không thể coi đấu tranh trong khuôn khổ pháp luật là đúng đắn mà phải coi đấu tranh tiến bộ là đúng đắn, kể cả việc đấu tranh nhằm thay đổi pháp luật, chẳng khác gì đấu tranh ngoài vòng pháp luật. Công an là tấm khiên và lá chắn là công cụ cho đảng cộng sản độc tài. Do vậy bất cứ một hành động gì tiến bộ, khác hơn ý chí của đảng cộng sản cũng đều là khiêu khích chế độ và công cụ chế độ sẽ lập tức ra tay.

Những chiến sĩ đấu tranh dân chủ hãy tưởng tượng một chút, giống như mình đánh đổi những năm tù lấy việc làm hiệu quả cho đất nước, cùng năm tù giống nhau nhưng làm được nhiều việc thì lúc nào cũng hơn hẳn và tất nhiên làm nhiều mà ít hay không đi tù thì cũng phải được công nhận là làm việc có hiệu quả.

Tất nhiên một phần đấu tranh của phong trào dân chủ là phải chống gián điệp và chống khủng bố. Chẳng một ai chấp nhận trong nội các dân chủ tương lai lại có vô vàn nhân viên tình báo của các quốc gia khác, và chẳng ai muốn tài trợ cho khủng bố để đấu tranh dân chủ. Nếu quá đáng lắm thì có thể có một vài nơi nào đó, một số đông nào đó gây bạo loạn như những sự việc chống thu hồi đất, thì ta cũng nên hiểu đó không phải là khủng bố mà là giành lại quyền chính đáng của nhân dân trước sự đàn áp của chế độ. Có thể đến một lúc nào đó những chiến khu hay "phiến quân" mọc lên nhan nhản thì trách nhiệm thuộc về độc tài. Độc tài đã đẩy nhân dân đến mức không thể sống chung dưới một gầm trời. Việc chủ động "đánh du kích" gây bất ngờ, tạo tiếng vang tuyên truyền và xác nhận sự tồn tại trong xã hội thực tế (không phải mạng Internet của thế giới ảo!) của một số các chiến sĩ dân chủ vẫn chưa được tôn trọng, đề cao đúng mức. Những vấn đề "ám ảnh" viên chức tàn ác, ác ôn vẫn chưa được đề cao. Việc thực thi
198 điều trong đấu tranh bất bạo động vẫn chưa quá được mấy điều.

Tính bí mật vẫn không được đề cao. Vấn đề tài chính cho phong trào thì mang nặng hình thức lấy tin, mặt nổi chứ chưa đi vào chiều sâu. Nhiều khi tài chính được đưa ra đua để giành một vài nhân tố mới ló ra công khai. Việc này đe doạ tính kỷ luật của từng tổ chức, dẫn đến tình trạng ai trả giá cao thì theo, tổ chức như một cái chợ, thích vào thì vào, thích ra thì ra. Tình trạng năm cha ba mẹ vẫn diễn ra và đặc biệt nguy hiểm là kể cả trong và ngoài nước an ninh cộng sản vẫn đang thao túng dược nhiều vấn đề. Nhận diện bạn thù bị coi thường. Có những ban biên tập một tờ báo nào đó đến hơn nửa là nằm vùng. Rồi những bí mật của các đảng phái cứ bị lộ hết và bị chặn, hay bắt người thực hiện ngay khi họ chưa kịp làm gì.

Lực lượng dân chủ ít nhưng tai hại là khi có ai đó đến với phong trào thì rất thiếu thốn địa điểm đào tạo, thiếu kinh phí tồn tại và y như rằng an ninh cộng sản đã dễ dàng phá vỡ nhanh được những mối liên kết mới sơ khai của người mới đến với phong trào. Như vậy làm cho số lượng không có tính bùng phát? Bây giờ đâu có một nơi kiểu như "An toàn khu" để truyền đạt kinh nghiệm cho những người mới mà không bị gây khó khăn, đàn áp?

Vấn đề còn lại của phong trào là chuyên nghiệp hoá tổ chức, kỷ luật, tính bí mật và kinh phí. Tổ chức cũng đã có, nếu là người mới tham gia phong trào, bạn hãy chọn một trong số các tổ chức có uy tín và thực lực để tham gia, đừng nên tạo lập một tổ chức mới. Hãy biết đứng trên vai người khổng lồ và học tập kinh nghiệm những người đi trước. Tính bí mật chính là "an toàn khu" ngay trong lòng chế độ độc tài. Nếu hành động bí mật được thì sẽ làm được rất nhiều việc và không gây hoang mang nghi ngại cho những người khác là bị bắt bớ liên tục, triền miên và cũng gây cho những kẻ ác ôn biết chùn tay, răn đe để chúng biết chúng gieo gió thì sẽ gặt bão. Nếu kinh phí đi vào chiều sâu, đúng người đúng việc thì sẽ mang lại sức mạnh cho phong trào qua những việc làm thiết thực hơn nữa của những chiến sĩ đấu tranh và đến một lúc nào đó kinh phí sẽ được đến 90% là do đóng góp ngay trong nước.

Hà Nội, 23/2/2009
Nguyễn Phương Anh
© Thông Luận 2009


No comments: