Friday, February 27, 2009

SỐNG SÓT QUA GULAG BẰNG NIỀM VUI

SỐNG SÓT QUA GULAG BẰNG NIỀM VUI
[26.02.2009 00:58 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]
http://www.nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1785
(NCTG) Cha Olofsson Placid (93 tuổi) được coi là người sống sót CNCS cao tuổi nhất tại Hungary. Mười năm bị hành hạ trong các trại tù cải tạo Gulag của Liên Xô, sau đó bị đối xử tàn tệ tại quê hương, nhưng đến giờ người tu sĩ vẫn nhìn lại những tháng ngày cơ cực của mình với vẻ hóm hỉnh: "Tôi còn đây, nhưng Liên Xô thì đâu rồi?"

Dr. Olofsson Placid, tu sĩ thuộc Dòng tu Thánh Benedict
http://www.nhipcauthegioi.hu/uploads/2007/images/1235606608.nv.jpg

Ngày 25-2-2009 -
Ngày Tưởng niệm Các nạn nhân của CNCS tại Hungary - trên toàn đất nước Hungary đã diễn ra những hoạt động hồi tưởng quá khứ. Tại Bảo tàng Tưởng niệm ở thành phố Hódmezővásárhely (miền Nam Hungary), vào hồi 17 giờ, cha Placid đã hiện diện trên tư cách một nhân chứng sống của quá khứ Gulag.

Đúng vào ngày này cách đây hơn nửa thế kỷ (năm 1947), ông Kovács Béla (1908-1959), tổng bí thư Đảng Tiểu chủ Độc lập, một nhân sĩ nổi tiếng của phong trào dân chủ Hungary thời ấy, đã bị Điện Kremlin bắt cóc về Liên Xô và giam giữ tại các trại tù Gulag. Hungary coi đó là cái mốc hình thành của thế chế độc tài toàn trị ở nước này.

Tháng 11-1955, sau 8 năm bị cầm tù nơi xứ người, ông Kovács Béla được phóng thích và Liên Xô cho phép ông hồi hương. Cùng về Hungary với ông, có cha Olofsson Placid: hai người đã nằm cạnh nhau trên tấm đệm rơm trên đường về quê hương kéo dài 12 ngày. Khi ấy, Placid còn là một tu sĩ trẻ, còn Kovács Béla đã là một chính khách từng trải, hai người đã có dịp trò chuyện rất nhiều trên đường về nhà.

Olofsson Placid xuất thân từ một gia đình gốc Thụy Sĩ, có nguồn gốc từ thế kỷ XII. Năm 1939, ông được tấn phong cha cố. Sau Đệ nhị Thế chiến, cùng hơn nửa triệu đồng hương, Placid bị bắt sang Liên Xô và lao động cưỡng bức tại một trại trồng cây cách thủ đô Moscow 900 cây số. Ở Gulag, ông gày rộc đi, chỉ còn 42kg. Vị tu sĩ cho hay, ông quan niệm muốn sống sót, những nguyên tắc căn bản nhất là "không được bi thảm hóa sự chịu đựng, không được than vãn, vì như thế con người chỉ yếu đi - muốn sống sót, phải có niềm vui".

Trong những năm tháng bị tù đày tại Gulag, cha Placid đã duy trì ngọn lửa của đức tin và niềm hy vọng trong lòng những người bạn tù. Sau 10 năm, khi được phóng thích và trở về Hungary, ông được phát "lộ phí" gồm 1 vé tàu hỏa, một giấy chứng nhận đã qua khám phổi, 1 tờ 20 Ft, một bánh mì kẹp thịt trộn bột và một bao thuốc lá "Công nhân", như cha Placid kể lại: "Đây là "của hồi môn" của chúng tôi sau 10 năm lao động cưỡng bức".

Về tới Hungary, cha bị coi là phần tử "có vấn đề", không được dạy học, cũng không được hành nghề tu sĩ, cuối cùng ông làm thợ phụ trong một nhà máy cơ khí. Trong một thời gian dài, cha chỉ thực hiện được bổn phận của một tu sĩ một cách giấu giếm.

Sau khi Hungary thay đổi chế chế chính trị (1989), cha Placid không được phục hồi một cách chính thức. Sau năm 1990, cho dù ông có nhận được từ Tòa án Quân sự Tối cao Liên Xô - thông qua Bộ Tư pháp Hungary - một tờ chứng nhận in rô-nê-ô, theo đó ông đã được "tha bổng khỏi những cáo trạng trước đây". Tuy nhiên, cha Placid cho rằng đây không phải là sự phục hồi: "Ngoài ra, tôi chưa đến nỗi búi xùi tới mức để Moscow phục hồi!", ông nói với vẻ hóm hỉnh đặc thù.

Ngày 6-12-2006, cha Olofsson Placid đã được Đức Hồng y Erdő Péter, chủ tịch Hội đồng Giám mục của Giáo hội Công giáo Hungary trao tặng Giải Pro Ecclesia Hungariae vì những nỗ lực mang tính nhân bản và đức tin không gì đổi thay trong mọi hoàn cảnh. Trước đó, năm 2003, cha Placid cũng được bà Dalma (phu nhân nguyên tổng thống Hungary thời kỳ 2000-2004 Mádl Ferenc) trao tặng Huy chương ,,Parma Fidei'' (Lá chắn của đức tin), dành để tưởng thưởng cho các nhà tu hành đã giữ được đức tin và khí phách trong những hoàn cảnh gian nan dưới thời độc tài cộng sản.

Hoàng Nguyễn tổng hợp theo báo Hungary


No comments: