Tuesday, February 24, 2009

GIỚI THIỆU BÁO SINH VIÊN YÊU NƯỚC (Số 1)

Giới Thiệu Báo Sinh Viên Yêu Nước - Số 1

Thư Gửi Sinh Viên Học Sinh
Ban Biên Tập Báo SVYN

Các bạn thân mến,
Sau thời gian dài chuẩn bị, tờ báo Sinh Viên Yêu Nước cũng đã ra đời, nhằm bày tỏ tiếng nói của tuổi trẻ, thanh niên sinh viên và học sinh Việt Nam trước vận mệnh đất nước.
Chúng tôi cũng như các bạn, một số đã ra trường, dù đang đi làm nhưng vẫn trở lại để học xong mảnh bằng hậu Đại Học; có bạn vẫn còn đang miệt mài ở các trường Đại Học, người đang ở Hà Nội, có bạn tận Sài-Gòn, có kẻ đang du học xa xôi tại Nhật, Mỹ, Pháp, Đài Loan v.v... Mỗi người một phương, nhưng dù ở đâu thì chúng tôi vẫn nặng lòng với quê hương xứ sở, cùng hội tụ nơi đây để góp tay hình thành tờ báo Sinh Viên Yêu Nước. Người đang ở trong nước thì đau xót trước thảm cảnh đất nước mình mỗi ngày một nhục, khi thấy ngoại bang cứ lấn đất dành biển, xua đuổi nhân dân. Người du học ở nước ngoài thì ngậm ngùi cho thân phận công dân Việt, bị thua kém, tụt hậu, bị ngoại bang khinh khi, nhìn mình bằng nửa con mắt vì những vụ án tham nhũng, ăn cắp, buôn lậu ở Việt Nam cứ xảy ra như cơm bữa.

Các bạn thân mến,
Chúng tôi đã từng cùng các bạn xuống đường tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của đất nước. Đã từng chua xót, chảy nước mắt khi thấy lòng yêu nước của mình bị nhà nước Việt Nam ngăn chận. Có đất nước nào trên thế giới này mà lòng yêu nước của nhân dân lại bị chính chế độ ngăn cấm ? Có đất nước nào mà lòng yêu nước của nhân dân bị chế độ coi là tội phạm ? Có đất nước nào mà lòng yêu nước của nhân dân phải đồng nghĩa với yêu kẻ xâm lược ? Có đất nước nào mà kẻ xâm lược được ca ngợi và bảo vệ ? Còn người yêu nước thì phải ngồi tù ?
Ngày 23 tháng 2 năm 2009

Báo Sinh Viên Yêu Nước -

Điện thư: Baosinhvienyeunuoc@gmail.com

Tải về :
Báo Sinh Viên Yêu Nước - Số 1

http://ykien.net/pdf/BaoSVYN_01.pdf




GIỚI TRÍ THỨC, HỌ LÀ AI ?

Trần Việt

(Nguồn: Báo Sinh Viên Yêu Nước)

Trí thức thường được hiểu là một người có trình độ nhất định và bằng cấp chính thức về một lĩnh vực nào đó. Ở Việt Nam, có thể coi trí thức là những người có bằng cấp cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sỹ hoặc giáo sư trong một ngành chuyên môn nào đó. Tuy nhiên, hiểu một cách chính xác thì trí thức là những người, ngoài kiến thức chuyên môn, còn có kiến thức tổng quát về tình hình xã hội. Họ có khả nhân nhận thức độc lập, có khả năng phản biện xã hội. Ngoài ra trí thức còn phải biết quan tâm và có trách nhiệm với vận mệnh tổ quốc và sự phát triển chung của xã hội.
Những người trí thức thường được xã hội nhìn nhận qua bằng cấp, học vị và những cống hiến của họ cho tổ quốc, cho xã hội. Học vị càng cao, cống hiến càng nhiều thì uy tín càng lớn và vì vậy, giá trị lời nói của họ càng cao trong công chúng. Là những người có trình độ, có kiến thức và tinh thần trách nhiệm và cống hiến cho xã hội nên những nhận định và chính kiến của giới trí thức thường được nhiều người ủng hộ. Chính vì vậy, giới trí thức thường là những người khởi xướng và dẫn dắt dư luận. Ngay khi phát hiện những sai trái trong xã hội, với những phát biểu, những bài viết, họ khơi nguồn và dẫn hướng dư luận mà người dân, vì tin tưởng vào họ, sẽ đi theo.
Những luồng dư luận, được khởi sự bằng những nhà tri thức có học vị, uy tín càng cao thì luồng dư luận sẽ càng lớn càng mạnh mẽ. Những người trí thức am hiểu các vấn đề kinh tế xã hội đang diễn ra trên quê hương đất nước của mình cũng như sự thay đổi trên toàn thế giới. Họ là những người đầu tiên phát hiện và đón những cái mới cũng như nhận ra sự sai trái của xã hội, của chính phủ. Cũng do họ là những người có trách nhiệm trước sự tồn vong và phát triển của xã hội nên họ sẽ là những người đầu tiên giống lên tiếng nói cho các phong trào đấu tranh nhằm thay đổi xã hội.

TRÍ THỨC VIỆT NAM

Đối với xã hội Việt Nam ngày nay, do có những gian dối trong việc mua bán bằng cấp cũng như sự yếu kém của hệ thống giáo dục, giới trí thức được nhận biết một cách cảm tính nhiều hơn do những người có bằng cấp, học vị chưa hẳn là những người có trình độ, có kiến thức và hơn cả là có lương tâm và trách nhiệm trước xã hội, đất nước.
Do phải gánh chịu sự khủng hoảng kinh tế từ sau 1975 đến 1986, phần lớn tầng lớp trí thức trong xã hội còn nặng gánh cơm áo tiền mà quên đi trách nhiệm công dân của mình đối với tổ quốc, đối với xã hội. Sau khi giảm thoát khỏi ít nhiều những khó khăn về kinh tế, giới trí thức lại bị bịt mắt bởi đường lối tuyên truyền mị dân của cộng sản khiến nhiều nhà trí thức nhận thức lệch lạc và mơ hồ. Và cũng do tính chất xã hội và hệ thống chính trị Việt Nam mang tính độc tài và trấn áp dã man, những người càng có học vị cao càng có kiến thức cao lại càng né tránh trách nhiệm của mình trước xã hội. Phần lớn những người có trình độ và trí thức ở Việt Nam ngày nay, phần vì muốn an phận, phần thì chưa tìm được tiếng nói chung với những nhà trí thức khác, phần thì do hệ thống thông tin chịu sự khống chế hoàn toàn của đảng Cộng sản và chính phủ nên họ không dám lên tiếng, không dám bảo vệ chính kiến của mình.
Ngày nay, khi mà cái ăn, cái mặc không còn là mối bận tâm bức thiết của tầng lớp trí thức, họ bắt đầu quan tâm nhiều hơn về cộng đồng, xã hội và tổ quốc. Cùng với sự phát triển nhanh của hệ thống thông tin, giới trí thức đã có cái nhìn khách quan hơn về tình hình đất nước và thế giới. Khả năng tìm kiếm và tụ họp những người cùng chí hướng cùng quan điểm cũng trở nên dễ dàng đã làm cho giới trí thức mạnh dạn hơn và hàng loạt các tổ chức và chính đảng ra đời nhằm đấu tranh cho dân chủ nhân quyền cho nhân dân Việt Nam.

TRÍ THỨC VIỆT NAM VÀ CON ĐƯỜNG ĐẤU TRANH DÂN CHỦ

Nhận định về xã hội Việt Nam ngày nay

Xã hội Việt Nam ngày nay có thể nói là suy sụp hoàn toàn từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, giáo dục.
Thật vậy, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu, năng lực cạnh tranh của Việt Nam được đánh giá rất thấp (91/178 theo đánh giá của ngân hàng thế giới). Các tập đoàn, công ty quốc doanh được cổ phần hóa vẫn chịu sự quản lý của nhà nước (nhà nước chiếm hơn 51% cổ phần) phần lớn làm ăn thua lỗ lại nhận được những ưu tiên của chính phủ đã khiến các thành phần kinh tế tư nhân bị hạn chế khả năng cạnh tranh.
Hệ thống hành chánh và luật pháp vẫn còn rất nhiêu khê và không theo kịp đà phát triển của xã hội Việt Nam và thế giới đã ngăn cản và hạn chế khả năng thâm nhập thị trường thế giới của các công ty Việt Nam cũng như làm giảm bớt các dự án đầu tư trực tiếp cũng như kế hoạch giải ngân của các công ty đầu tư nước ngoài.
Văn hóa xã hội Việt Nam ngày càng suy đồi nghiêm trọng. Con người đối xử với nhau ngày càng giả dối và xảo trá. Các doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bán rẻ lương tâm và trốn tránh trách nhiệm của mình trước xã hội. Người công nhân đi làm thờ ơ với công việc, vì đồng tiền mà bán rẽ nhân phẩm của mình. Tuổi trẻ ngày nay mất phương hướng và không lý tưởng.
Giáo dục yếu kém và nặng về hình thức. Học sinh bị nhồi nhét trong một chương trình giáo dục không phù hợp gây nên tình trạng căng thẳng và hình thành xu hướng đối phó trong học tập thay vì sự khao khát muốn hiểu biết. Với lối tuyên truyền xảo trá, mị dân đã khiến cho nhận thức của giới trẻ ngày càng lệch lạc. Giáo viên do chạy theo hình thức và đồng tiền đã dần đánh mất đạo đức nghề nghệp vốn là nghề cao trọng nhất trong xã hội. Hầu như không còn tình nghĩa thấy trò trong mối quan hệ thiêng liêng cao quý này.
Một hệ thống tham nhũng hình thành xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Điều đáng sợ là tội tham nhũng lại được bao che và dung dưỡng bởi chính nhà nước từ cấp cao nhất. Một nền chính trị yếu kém, nhu nhược và tàn bạo. Đối với nhân dân thì đàn áp dã mãn, đối với ngoại bang thì cúi đầu vâng dạ. Trước một Trung Quốc ngang ngược và tham lam, chính phủ Việt Nam đã bao nhiêu lần cắt đất tìm sự hậu thuẩn cho đường lối chủ nghĩa xã hội mang nhiều khiếm khuyết.

Trí thức Việt Nam và con đường đấu tranh dân chủ

Một cá nhân luôn luôn phải sống trong lòng xã hội, phát triển trong sự liên thông với sự phát triển của dân tộc của quốc gia. Một quốc gia có được độc lập, tự do thì mỗi công dân trong quốc gia đó, trong dân tộc đó mới được tự do. Một quốc gia, một xã hội có văn minh thì sự văn minh đó chính là môi trường thúc đẩy cho sự văn minh tiến bộ của mỗi thành viên trong xã hội đó. Một quốc gia có tạo được uy tín và sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế thì công dân nước đó mới cộng đồng quốc tế được tôn trọng.
Nước Việt Nam chúng ta ngày nay có được tự do hay không? Đã bao nhiêu lần nhân dân Việt Nam chúng ta chấp nhận đổ máu, phơi xương cho độc lập dân tộc, cho thống nhất nước nhà. Thế mà ngày hôm nay người dân Việt Nam vẫn phải chịu nô lệ, chịu sự áp bức của chính những con người Việt Nam cộng sản. Quyền con người bị chà đạp, mạng sống người dân thì mỏng manh trong bàn tay cộng sản. Lãnh thổ quốc gia ngày càng nhỏ lại dưới sự lấn át và cướp đoạt của Trung Cộng. Một chính phủ bù nhìn bạc nhược hết lần này đến lần khác cắt đất dâng biển để ôm chặt cái ghế và quyền lợi của riêng mình.
Nước Việt Nam chúng ta được thế giới nhìn nhận và đánh giá như thế nào? Việt Nam ngày nay được cả thế giới đặc biệt quan ngại về tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng. Việt Nam ngày nay được nhiều nước ưu ái viện trợ chống đói nghèo. Việt Nam ngày nay có hàng vạn hàng vạn người đua nhau ra nước ngoài làm lao dịch. Việt Nam ngày nay có những quan to lấy tiền viện trợ đi đánh bài, đi xây nhà nghỉ đến mức bị cắt viện trợ nữa chừng. Việt Nam ngày nay bị cấm cấp visa qua Séc (Tiệp Khắc) vì tình hình tội phạm người Việt tăng cao. Việt Nam ngày nay có những nhân viên đại sứ quán buôn lậu. Việt Nam ngày nay có những cô gái được đem ra nước ngoài rao bán như những món hàng.

Đâu rồi một Việt Nam với lịch sử hào hùng 4.000 năm văn hiến?
Đâu rồi một dân tộc Việt Nam đầy bất khuất, trung kiên?

Người dân Việt nam hôm nay có thể sống tự do hay không? Có thể sánh vai với anh em thế giới hay không? Trước bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, tầng lớp trí thức phải là những người đầu tiên hiểu rõ sự suy tàn của dân tộc, của đất nước. Giới trí thức phải cảm nhận được nỗi đau của đất nước, sự thống khổ của nhân dân, sự tàn ác của chế độ.
Không ai trong chúng ta có thể chấp nhận được sự suy tàn của xã hội Việt Nam ngày nay. Không ai trong chúng ta có thể chấp nhận được sự độc đoán và tàn ác của chế độ cộng sản. Bởi vì sự suy tàn của xã hội làm cho người dân bị thế giới khinh khi. Bởi vì sự tàn ác và độc tài của chế độ cộng sản làm cho người dân Việt Nam bị quốc tế ghê sợ, xa lánh. Người dân Việt Nam dưới chế độ cộng sản không còn là những con người thực sự. Chúng ta bị cấm nói, cấm nghe và bị tước đoạt mọi quyền sống cơ bản của con người. Vì vậy, tầng lớp trí thức phải hiểu rõ trách nhiệm và sứ mạng của mình trước vận mệnh của dân tộc, quốc gia. Trí thức phải là những người đầu tiên giống lên những hồi chuông cảnh tỉnh xã hội. Trí thức phải là những người đi tiên phong cho các phong trào đấu tranh cho sự tự do, dân chủ và thăng tiến của dân tộc, của quốc gia.

Con đường đất tranh cho tự do và sự tồn vong của dân tộc hôm nay là một con đường đầy khó khăn và gian khổ, là một quá trình kéo dài không hạn định.

Con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ hôm nay không của riêng ai, không phải của đảng này hay đảng khác, không phải của cá nhân này hay cá nhân khác.

Con đường đấu tranh cho tự do và dân chủ hôm nay là của tất cả mọi người mà vai trò lãnh đạo và đi tiên phong là của những người trí thức, ý thức được trách nhiệm của mình trước vận mệnh của quốc gia và nỗi đau của dân tộc.

Hơn ai hết, những nhà trí thức phải thấy rõ vai trò và trách nhiệm của mình trên đoạn đường gian khó này mà chấp nhận những bước đi tiên phong, nhằm khơi lên những làn sóng dư luận và hướng dẫn cho toàn dân tham gia đấu tranh để có thể đi tới thắng lợi cuối cùng.

Đâu rồi những cử nhân, những kỹ sư, những bác sĩ? Đâu rồi những giáo sư, tiến sĩ, những nhà trí thức của dân tộc Việt Nam ? Hãy cất lên tiếng nói của chính mình cho vận mệnh của đất nước, cho sự tồn vong của dân tộc.

Việt Nam, ngày 30 tháng 1 năm 2009


No comments: