Sunday, May 29, 2022

MỘT CUỐN SÁCH NÊN THU HỒI (Phạm Hoàng Quân)

 



Một cuốn sách nên thu hồi    

PHẠM HOÀNG QUÂN 

24/5/2022 19:00 GMT+7

https://cuoituan.tuoitre.vn/van-hoa-giai-tri/mot-cuon-sach-nen-thu-hoi-1648318.html

 

TTCT - Cuốn Địa danh làng xã Việt Nam qua tài liệu địa bạ triều Nguyễn, tập IV-Nam Kỳ nằm trong bộ 4 cuốn, do Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước - Trung tâm Lưu trữ quốc gia I chủ trì biên soạn (nhóm biên soạn: Nguyễn Thu Hoài - Hoàng Thị Nguyệt - Lê Thị Thông, thẩm định nội dung: Phan Phương Thảo - Vũ Văn Sạch, NXB Hà Nội xuất bản quý 4-2021, 540 trang, in 300 cuốn, sách không bán) đầy rẫy những lỗi sai.

 

Địa danh làng xã Việt Nam qua tài liệu Địa bạ triều Nguyễn, Tập IV - Nam Kỳ (gọi tắt là Bản dịch Địa bạ 2021) là một bước lùi trong việc công bố tư liệu gốc nhằm phục vụ nghiên cứu. 

 

So với 6 cuốn Địa bạ lục tỉnh (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đứng tên xuất bản hồi năm 1994 thì Bản dịch Địa bạ 2021 chẳng những vẫn giữ những lỗi sai cũ, mà còn phát sinh thêm nhiều lỗi khác nữa.

 

https://static.tuoitre.vn/690/0/tto/r/2022/05/26/9bd35f66.jpg

Cuốn Địa danh làng xã Việt Nam qua tài liệu Địa bạ triều Nguyễn, Tập IV - Nam Kỳ. Ảnh: Hồ Viên

 

Đọc sử… lộn

 

Sau bài nghiên cứu đầu sách, ở phần “Tổng danh mục”, trong mục viết về tỉnh Định Tường, nhóm biên soạn viết: “Định Tường xưa là đất Vũng Cù và Mỹ Tho, năm 1679 đời chúa Nguyễn Phúc Tần, Dương Ngạn Địch là tướng nhà Minh xin quy phục, chúa cho ở đất Mỹ Tho, dựng nhà cửa tụ họp dân cư kết thành làng xóm. Sau đó dựng 9 trường biệt nạp là Qui An, Qui Hóa, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Gian Thảo, Hoàng Lạp, Tam Lạch, Bả Cạnh [sic], Tân Thịnh cho dân lập ấp khai khẩn ruộng đất cày cấy để nộp thuế. Năm Nhâm Thìn 1772 đời chúa Nguyễn Phúc Thuần lấy đất Mỹ Tho lập thành đạo Trường Đồn. Đời Thế tổ Cao Hoàng đế năm Kỷ Hợi 1779 lấy 9 trường biệt nạp đặt thành huyện Kiến Khang, lập dinh Trường Đồn đặt các chức Lưu thủ, Cai bạ, Kí lục để cai trị. Năm 1781 đổi dinh Trường Đồn thành dinh Trấn Định” (tr.74). 

 

Đoạn văn này, so với nhiều nghiên cứu hay kết luận sai trật trước đây, đã sai nhiều hơn mấy bực.

 

Đầu tiên phải kể là do đã tin theo sự biên chép nhầm lẫn trong Gia Định thành thông chí (1820), nên các tác giả lặp lại việc 9 khố trường (kho thuế) đều thuộc Định Tường. Về mặt thẩm định và phê phán sử liệu, ở đây lặp lại trường hợp sai lầm khá nặng, điển hình và dai dẳng.

 

GĐTTC 1820, Quyển 3, Cương vực chí - Định Tường, chép: “Trấn Định Tường lúc mới khai thác, dân chia thuộc nhiều mối, vì đất Nông Nại rất rộng lớn nên mộ dân đến ở. Ban đầu đặt hai huyện Phước Long, Tân Bình, chưa quy hoạch rõ ràng, mà đất ấy cách trấn Biên Hòa, trấn Phiên An rất xa, nên tình thế không thể vội buộc theo khuôn phép, nên phải tính toán nhiều cách. Mới làm riêng ra sổ biệt nạp, gồm 9 khố trường (九庫塲別納): Quy An (歸安), Quy Hóa (歸化), Cảnh Dương (景陽), Thiên Mụ (天姥), Gian Thảo (菅草), Huỳnh Lạp (黄臘), Tam Lạch (三瀝), Bả Canh (把耕), Tân Thạnh (新盛), rồi cho dân tùy tiện lập ấp cày cấy, cốt cho đều khắp”. 

 

Rồi cũng chính tác giả Trịnh Hoài Đức, đến Quyển 6, Thành trì chí - Biên Hòa, lại viết: “Ba kho trường biệt nạp Tân Thạnh, Cảnh Dương, Thiên Mụ. Xưa đặt làm chỗ cho dinh Trấn Biên trưng thu tô thuế để chuyển về kinh, ở bờ đông Tam Giang Nhà Bè”. Quyển 3 nói 9 kho ở Định Tường, Quyển 6 nói 3 kho ở Biên Hòa, cho thấy trước sau bất nhất.

 

Về việc lập 9 kho (1741) và bãi 9 kho (1779), cả Trịnh Hoài Đức và các sử quan soạn Đại Nam Thực lục đều phải dựa vô một nguồn sử liệu nào đó, có thể do nguồn ấy chép nhập chung sự kiện bãi bỏ 9 kho và sự kiện lập dinh Trường Đồn cùng năm 1779, nên Trịnh Hoài Đức đọc ẩu rồi chép lại sai (Gia Định nhầm ra Định Tường). 

 

Nhưng Thực lục thì chép không sai, xem kỹ nội dung này trong Thực lục Chánh biên sẽ thấy được đây là hai nội dung riêng, tuy xảy ra cùng năm. Đại Nam Thực lục Tiền biên chép: “Tân Dậu (1741). Buổi quốc sơ, tùy đất mà đặt kho (kho ở xã nào thì lấy xã ấy mà đặt tên) thu chứa tiền thóc và sản vật để tiện cho dân chở nộp… Lại cho rằng Gia Định đất rộng, lập 9 khố trường nộp riêng chở riêng (Quy An, Quy Hóa, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Quản Thảo, Huỳnh Lạp, Tam Lạch, Bả Canh, Tân Thạnh), cho dân tùy tiện lập ấp vỡ ruộng cày cấy nộp thuế và đặt quan lại để trưng thu”.

 

Từ đoạn văn chép sai trong GĐTTC 1820, về sau, các sử quan soạn Đại Nam nhứt thống chí - tỉnh Định Tường đã chép theo, nên cũng viết là cả 9 khố trường đều thuộc trấn Định Tường. Và đến nay thì vô số công trình chép theo sai y chỗ nầy.

 

Kế đến là việc diễn giải sử liệu. Viết như Bản dịch Địa bạ 2021, nhứt là qua câu “tụ họp dân cư kết thành làng xóm”, dễ khiến người đọc nghĩ/hiểu rằng di dân người Hoa đến đất Định Tường mở mang khai phá. 

 

Chuyện nhóm người Dương Ngạn Địch đến định cư ở đất Mỹ Tho năm 1679 hoàn toàn không thể gắn với việc khẩn hoang cả đạo Trường Đồn hay dinh Trấn Định, càng không liên quan tới chủ trương lập 9 kho thuế.

 

Trong sự kiện hai nhóm người Minh sang đầu chúa Đàng Trong, sử chép chung rằng nhóm Trần Thượng Xuyên và nhóm Dương Ngạn Địch đưa đến Gia Định tổng cộng 3.000 người với 50 thuyền, nhóm Trần Thượng Xuyên có vẻ đông hơn nên mở mang đất Biên Hòa khá hơn; còn Dương Ngạn Địch với phó tướng Huỳnh Tấn thì tranh giành lục đục, đến năm 1688 đã ra mặt đánh giết nhau và tan rã.

 

Phỏng tính thì số người Minh đến ở quanh Mỹ Tho năm 1679 chỉ độ 1.000, đa số vẫn trong quân ngũ, lại chia phe oánh đấm cả chục năm, chết chóc không ít, cuối cùng thì một số theo Huỳnh Tấn bỏ chạy. Nhìn chung, so với các tỉnh trong lục tỉnh thì dấu ấn người Hoa ở Định Tường rất mờ nhạt, và trong cuộc khẩn hoang lập ấp càng thưa thớt hơn nữa.

 

https://static.tuoitre.vn/690/0/tto/r/2022/05/26/7091e2fd.jpg

 Địa danh Nam Bộ, nhất là những tên cổ, là một vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi sự nghiên cứu hết sức cẩn trọng. Ảnh: Cương Trần

 

Làm địa bạ mà không tham khảo dân địa phương

 

Về chất lượng tư liệu, Bản dịch Địa bạ 2021 kém hẳn Bản dịch Địa bạ 1994 ở chỗ đã lược bỏ tất cả tên xứ (tên dân gọi) vốn kèm theo tên thôn (tên hành chánh), đồng thời lược bỏ 90% địa danh sông, rạch, giồng, gò tứ cận những thôn xã ấy. Nói chung là sách mới đã cắt bỏ tất cả dữ liệu những thông tin cần thiết để nghiên cứu lịch sử địa lý hành chánh.

 

Với 10% địa danh tự nhiên còn chừa lại thì viết sai hơn phân nửa, có những địa danh rất phổ biến mà lại dịch sai hoặc chuyển âm sai, như sông Cần Thơ thì viết là “sông Cần Trực” (tr.124), rạch Mương Đào dịch ra “sông Mang Đào” (tr.188), sông Cà / Kỳ Hôn dịch ra “sông Ỷ Hôn” (tr.193), sông Mỹ Tho thì viết là “sông Mỹ Thu” (tr.194), rạch Bàu Bèo thì viết là “sông Bàu Biều” (tr.199), rạch Vũng Liêm thì viết là “đà Vịnh Xuân”… 

 

Ngoài dịch sai địa danh, sách còn sai nhiều lỗi về cách dùng danh từ chung, chẳng hạn như viết lung tung các từ đà, sông, sông nhánh, mà trong nhiều trường hợp buộc phải dùng từ rạch.

 

Phần chánh, là phần biên dịch địa danh hành chánh trong Địa bạ 1836 ra chữ quốc ngữ, thì trật lất trùng trùng lớp lớp. Tính đổ đồng lỗi chánh tả cùng lỗi dịch sai địa danh thì với trang ít nhứt cũng 1 lỗi, trang nhiều cỡ 15 lỗi, khắp 6 tỉnh đều sai như vậy. 

 

Có chỗ sai do lỗi đọc chữ Hán non kém, như “thôn Long Mỹ Đông mới lập” thì dịch là “thôn Thủy Lập Long Mỹ Đông” (thủy lập nghĩa là mới lập, lại tưởng là tên riêng, lỗi lặp lại nhiều lần, tr.79, 175).

 

Có chỗ sai do dịch ẩu, thôn Mỹ Toàn (美全) dịch ra Mỹ Kim (tr.184); Tổng Bình Quới thì gõ chữ Hán sai là “兵貴總” (Binh Quới tổng) (tr.330). Nhiều chỗ mắc mứu do không tra cứu đối chiếu nên sai, khi người đọc tư liệu không nắm được những đặc điểm trong tên thôn xã Nam Kỳ. 

 

Tỉ như có một số chữ, âm Nam Kỳ đọc khác, như “” (Phúc) luôn đọc là Phước, “” (Thịnh) đọc Thạnh, “” (Nhất) đọc Nhứt, “” hoặc “” (Chính) đọc Chánh. Nhưng lại có những chữ "bất quy tắc": không phải chữ “” (Quý) nào cũng đọc Quới (vẫn có nơi gọi Quý), tương tự là An - Yên, Thanh - Thinh, Thái - Thới, Long - Luông, Hoa - Huê… 

 

Các chữ đó thuộc dạng lệ làng, ngay lúc đầu chuyển từ tên thôn chữ Hán sang tên làng chữ quốc ngữ đã định dạng như vậy, và vì nó là địa danh hành chánh, nên không được viết trật. Đáng nói là có rất nhiều tên thôn trong Địa bạ 1836 còn gọi đến nay lại bị viết sai!

 

So với bộ Bản dịch Địa bạ 1994 thì Bản dịch Địa bạ 2021 có nguy cơ được tham khảo trích dẫn nhiều hơn, một phần do độ hoành tráng của cơ quan chủ trì thực hiện, nên có thể nhiều tiến sĩ tương lai sẽ khoái trích dẫn và ghi vô thư mục hơn. Bởi vậy, cuốn sách này đã sai sót nhiều tới mức có thể phải nghĩ tới chuyện thu hồi.

 

Địa bạ triều Nguyễn ra đời đã gần 200 năm, nên coi nó là di sản của toàn dân. Để góp phần giải quyết những phức tạp của chánh tả địa danh, tôi kêu gọi Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước nên số hóa và cung cấp tư liệu địa bạ về các địa phương, để người am hiểu mỗi nơi có ý kiến đóng góp. 

 

Chớ như hiện nay, các chuyên gia nơi quý cơ quan, nghiên cứu tổng quan thì lôi thôi, mà dịch tư liệu chi tiết cũng sai bét, làm sao bi giờ.

 

Địa danh ở Nam Kỳ, hành chánh hay tự nhiên, trong lịch sử hay hiện nay, rất đỗi phức tạp lắt léo. Đọc sách du ký biên khảo Đồng bằng sông Cửu Long của ông Phan Quang (từng làm tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam), mới thấy người cẩn trọng và đàng hoàng như ông nay thật quá hiếm. 

Ngay trang đầu sách, ông viết: “Tác giả chân thành cảm tạ cố nhà văn Sơn Nam, theo đề nghị của người viết, đã vui lòng đọc bản thảo trước khi in lần thứ nhất (Nhà xuất bản Văn Hóa 1981) và góp ý chỉnh lý một số địa danh Nam Bộ cho khớp với tên gốc”. Kỹ lưỡng đến vậy mà sách ông vẫn còn một số ít lỗi về địa danh, cho thấy sự phức tạp của nó.





No comments: