Kinh
tế Việt Nam trước các trào lưu mới của thế giới
Hoàng Minh ghi nhận - Kinh Tế Saigon
Online
26/05/2022
09:41
https://thesaigontimes.vn/kinh-te-viet-nam-truoc-cac-trao-luu-moi-cua-the-gioi/
LTS:
Cách mạng công nghệ, đại dịch và những biến động kinh tế, chính trị trên thế giới
đang thúc đẩy những trào lưu mới và xu hướng này sẽ ảnh hưởng tới một nền kinh
tế có độ hội nhập cao như Việt Nam như thế nào? Đây là nội dung chia sẻ của GS. Trần Văn Thọ (Nhật Bản)
tại buổi thuyết trình với đề tài “Suy nghĩ về kinh tế Việt Nam trước các trào lưu mới của thế giới”;
và giới thiệu sách “Kinh tế
Nhật Bản – giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973” do chính GS. Trần Văn
Thọ là tác giả. Sự kiện diễn ra vào ngày 23-5 tại hội trường Tạp chí Kinh tế
Sài Gòn. Tại sự kiện này, Công ty Kizuna đã tặng 100 cuốn sách của GS. Trần Văn
Thọ cho các khách tham dự.
https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2022/05/8-4.jpg
Quang cảnh buổi thuyết trình “Suy nghĩ về
kinh tế Việt Nam trước các trào lưu mới của thế giới”; và giới thiệu sách “Kinh
tế Nhật Bản – giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973”. Ảnh: LÊ VŨ
Những trào lưu mới của thế giới
Thứ nhất, chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi giá trị
toàn cầu đang có sự dịch chuyển. Từ thập niên 1990, cùng với sự phát triển của
công nghệ thông tin, xuất hiện sự phân công quốc tế mới trong sản xuất công
nghiệp với các khái niệm “chuỗi cung ứng toàn cầu” (Global supply chain – GSC)
và “chuỗi giá trị toàn cầu” (Global value chain – GVC).
Các nước
đi sau có thể phát triển nhanh nếu thành công trong việc tham gia GSC và GVC, với
điều kiện cải thiện được năng lực hạ tầng, cung cấp lao động có kỹ năng và đầu
tư vào năng lực công nghệ của doanh nghiệp trong nước. Ngày nay, theo GS. Trần
Văn Thọ, công nghệ và môi trường thế giới thay đổi rất nhanh nên các nước muốn
thành công cần phản ứng mau lẹ trong các quyết định chính sách.
Thứ hai, cách mạng công nghệ và cung – cầu lao
động có nhiều thay đổi. GS. Trần Văn Thọ phân tích, từ hơn 10 năm nay, công nghệ
thông tin, kỹ thuật số, tự động hóa đã làm thay đổi sâu sắc cung – cầu lao động.
Ước tính, đến năm 2030 thế giới có tới 400 triệu lao động bị thay thế bằng tự động
hóa. Từ 400 triệu đến 1 tỉ lao động hiện đang làm việc sẽ phải tự thay đổi kỹ
năng để thích ứng.
Việc sử dụng
robot và thiết kế tự động hóa làm giảm nhu cầu lao động. Tại nhiều nước, sản lượng
công nghiệp vẫn tăng nhưng số lượng nhân công giảm. Công nghệ thông tin thúc đẩy
việc di chuyển dịch vụ lao động mà không cần di chuyển lao động. Thông qua hiện
diện từ xa (telepresence), người máy điều khiển từ xa (telerobotics), lao động
tại nước này hoàn toàn có thể làm việc ở nước khác.
Thứ ba, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc
tới thế giới, trong đó, GS. Trần Văn Thọ cho rằng hai điểm quan trọng nhất tác
động trực tiếp tới Việt Nam là ảnh hưởng của đại dịch tới toàn cầu hóa và tới
hướng phát triển của công nghệ nhìn từ cầu lao động.
Khuynh hướng
chững lại của toàn cầu hóa càng mạnh hơn kể từ đầu đại dịch năm 2020, khi nhiều
chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Thực tế, toàn cầu hóa đã gặp thách thức sau cuộc khủng
hoảng tài chính thế giới năm 2008 khi các hoạt động kinh tế thế giới chịu nhiều
rủi ro hơn. Tỷ lệ mậu dịch của nhóm FDI trên GDP toàn cầu giảm.
Đại dịch
cũng làm trầm trọng thêm các vấn đề về lương thực. Một số nước tiêu thụ lương
thực nhiều hiện có khuynh hướng phụ thuộc vào lượng nhập khẩu. Tỷ lệ tự cung cấp
lương thực của Trung Quốc giảm từ 95% năm 2000 xuống 75% năm 2020. Ông chỉ ra
việc đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến công nghiệp mà
còn tác động trực tiếp tới sản xuất và phân phối lương thực thế giới. Mục tiêu
năm 2030 thế giới không còn người thiếu ăn của Liên hiệp quốc bất khả thi với
tình hình hiện nay.
Quá trình
tự động hóa đang diễn ra càng được đẩy nhanh dưới sự tác động của đại dịch. Để
tránh lây lan virus, các nước sẽ ít nhập khẩu lao động mà thúc đẩy thiết kế tự
động hóa, dùng robot và telerobotics. GS. Thọ nhận định các công ty có khuynh
hướng giảm lao động chính thức, gắn kết lâu dài, thay vào đó là tăng lao động
làm khoán ngắn hạn và lao động đồng thời làm việc cho nhiều công ty theo các
nhu cầu khác nhau.
Thứ tư, quan hệ kinh tế, chính trị thế giới
nhiều biến động. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc cùng cuộc tranh chấp thương
mại Mỹ – Trung năm 2018 tác động tới toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng. Nhìn kỹ
hơn vào nước láng giềng, GS. Trần Văn Thọ chỉ ra hai điểm cần lưu ý là yếu tố
Trung Quốc trong quan hệ quốc tế và vai trò công xưởng thế giới của Trung Quốc.
Nền kinh tế
lớn thứ 2 thế giới này mang tham vọng trở thành cường quốc có ảnh hưởng lớn
trên vũ đài quốc tế, theo chiến lược được tuyên bố tháng 10-2017. Doanh nghiệp
– đặc biệt là những công ty đa quốc gia, doanh nghiệp FDI có thể được sử dụng để
tạo các ảnh hưởng. Chính phủ Trung Quốc có khả năng can dự vào hoạt động của
các doanh nghiệp, kể cả khối tư nhân. Các hoạt động đầu tư ra nước ngoài, kể cả
qua FDI của Hồng Kông, cũng là một cách để mở rộng ảnh hưởng. Trung Quốc cũng
tích cực tiếp cận TSMC (Đài Loan) – doanh nghiệp sản xuất bán dẫn chiếm thị phần
lớn nhất thế giới.
Bên cạnh
đó, vai trò công xưởng thế giới của Trung Quốc nhiều năm qua có tác động chặt
chẽ tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngày nay, quy mô công nghiệp của Trung Quốc rất
lớn, cơ cấu công nghiệp đa dạng, thâm sâu. Dưới sự ảnh hưởng của nước này, gần
đây, một số doanh nghiệp tìm thêm cơ sở để mở rộng sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
Tuy nhiên hiện tượng này vẫn còn hạn chế.
Căng thẳng
giữa Nga và NATO, sau đó là cuộc chiến Nga – Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng
lương thực và năng lượng thế giới. Hai nước chiếm tới 30% lượng lúa mì xuất khẩu
thế giới. Thiếu hụt nguồn cung cấp và giá tăng vọt làm cho vấn đề lương thực và
năng lượng thế giới trầm trọng hơn. Là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên và dầu
thô hàng đầu thế giới, cuộc chiến của Nga đẩy giá năng lượng năm 2022 lên cao.
Với những
xu hướng trên, hầu hết các nước đều ban hành các quy định nhằm đảm bảo an ninh
kinh tế cho riêng mình như tăng cường tự cung tự cấp, đẩy nhanh quan hệ để chủ
động hơn trong sản xuất chip bán dẫn. “Hiện tượng hồi quy về chủ nghĩa dân tộc
đang diễn ra”, GS. Trần Văn Thọ nhận định.
Việt Nam nhìn về 2045
Phân tích
các đặc tính của nền kinh tế, GS. Trần Văn Thọ bày tỏ quan ngại khi nền kinh tế
Việt Nam dễ bị ảnh hưởng từ đại dịch và các trào lưu mới của kinh tế chính trị
thế giới.
Trong
trung hạn, ông Thọ cho rằng Việt Nam cần chú trọng hơn thị trường trong nước,
làm thâm sâu (deepening) công nghiệp hóa, tăng cường sản xuất và củng cố mạng
lưới các mặt hàng thiết yếu (thực phẩm, y tế), quan tâm đến an ninh kinh tế và
ưu tiên các nguồn lực cho đào tạo lao động.
Ông phân
tích, công nghiệp Việt Nam hiện nay còn yếu và mỏng. Gần 50% cấu thành hàng
công nghiệp của Việt Nam phải nhập khẩu từ trung gian, tỷ lệ này ở Nhật Bản chỉ
là 10%. Chưa tới 10% hàng công nghiệp của Việt Nam được các nước dùng làm sản
phẩm trung gian trong sản xuất.
Nhìn vào
cán cân thương mại các sản phẩm công nghiệp giữa Việt Nam với ba nước khu vực
Thái Bình Dương, GS. Thọ chỉ ra tam giác cân nhưng không cân xứng khi giá trị
xuất khẩu sang Mỹ bằng tổng giá trị nhập khẩu từ hai thị trường Trung Quốc và
Hàn Quốc. Cơ cấu công nghiệp thiếu bền vững khi xuất khẩu là các sản phẩm tiêu
dùng, trong khi đó nhập khẩu hầu hết nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
“Cần làm
thâm sâu công nghiệp hóa, đẩy mạnh thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc
để chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và giảm phụ thuộc vào hai nước này, từng bước
phá bỏ tam giác Thái Bình Dương. Dòng chảy vốn FDI cũng cần định hướng theo mục
tiêu ấy”, GS. Trần Văn Thọ khuyến nghị.
Cùng với
đó, Việt Nam cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia mạnh mẽ vào quá trình
thâm sâu công nghiệp hóa, mũi đột phá là khu vực phi chính thức và doanh nghiệp
nhỏ và vừa. Đây cũng chính là tiền đề để đổi mới sáng tạo. Chính sách này đạt
được một mục đích nữa là giảm phụ thuộc nhiều vào FDI. Việt Nam cần chú trọng
tăng cung cấp lao động chất lượng cao để thúc đẩy quá trình này. Ông Thọ gợi ý
có thể sử dụng lực lượng thực tập sinh lành nghề lao động tại Nhật Bản.
Về dài hạn,
Việt Nam cần thay đổi tư duy phát triển, đổi mới sáng tạo để tăng trưởng nhanh
và bền vững, thoát bẫy thu nhập trung bình. Thay vì tư duy tuần tự, ngày nay
nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ cần đồng thời phát triển. “Tập trung vừa phải”
là từ khóa mới cho vấn đề đô thị hóa để vừa tập trung vừa giãn cách. Thay vì
các giá trị truyền thống như con cái phụng dưỡng cha mẹ, Việt Nam nên tập trung
về hướng thúc đẩy an sinh xã hội, chăm sóc cho người già.
Ở khía cạnh
đổi mới sáng tạo, ông chỉ ra bốn điểm cần cách tân: đổi mới quy trình (process
innovation); đổi mới sản xuất (product innovation); đổi mới tiếp thị (marketing
innovation) và đổi mới quản lý/tổ chức (management/organizational innovation).
Trong đó, đổi mới quản lý/tổ chức là yếu tố then chốt trong giai đoạn hiện nay,
quyết định tới ba yếu tố trước đó. Không chỉ đổi mới trong doanh nghiệp, đổi mới
quản lý/tổ chức còn cần thiết trong các cơ quan chính phủ để các nguồn lực được
phân bổ hiệu quả cao.
Ngoài các
chính sách củng cố nội lực nói trên, vị giáo sư lưu ý cần ban hành các đạo luật
cần thiết trong quan hệ kinh tế với nước ngoài.
No comments:
Post a Comment