Các
bài học về thất bại Afghanistan
Thụy
My -
RFI
Đăng ngày: 30/08/2021 - 17:37
Sự phân chia thế giới được đẩy nhanh ở châu Á,
trung tâm của chiến tranh lạnh mới, với hai liên minh. Một bên là Trung Quốc,
Nga, Iran, Pakistan, Afghanistan của Taliban, và bên kia là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật
Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Đài Loan.
https://s.rfi.fr/media/display/8a8a42d6-09a3-11ec-b756-005056bfb2b6/w:900/p:16x9/my_03-1.webp
Tổng thống Joe
Biden chào vĩnh biệt khi quan tài của một thủy quân lục chiến Mỹ tử thương
trong vụ khủng bố ở phi trường Kabul được đưa về căn cứ không quân Dover, Hoa Kỳ,
ngày 29/08/2021. AP - Carolyn Kaster
Bên cạnh việc bàn luận về chính trường Pháp
trước cuộc bầu cử tổng thống sang năm, báo chí Paris tiếp tục đề cập đến những
hệ lụy của việc Mỹ rút khỏi Afghanistan.
Đến lượt Taliban đối
mặt với khủng bố
Le Monde nhận
xét « Đến lượt Taliban phải đối mặt với thách thức khủng bố » :
Trái với những khẳng định, phe này không diệt trừ được tổ chức Nhà Nước Hồi
Giáo (IS, Daech) tại Afghanistan, và nay phải chật vật với những chia rẽ nội bộ
và sự hiện diện của «LKGFDSQ người bạn » Al Qaida.
Sự xuất hiện đột ngột của IS trên sân khấu là
trở ngại lớn cho phe Taliban đang muốn chứng tỏ là người đối thoại đáng
tin cậy. IS không hề bình luận gì về chiến thắng của Taliban hôm 15/08, trong
khi tất cả các nhóm thánh chiến khác đều lên tiếng hoan nghênh. Theo Liên Hiệp
Quốc, IS tại Afghanistan thiết lập được các tiếp xúc với những nhóm khủng bố
khác, nhất là tại Pakistan, vốn thường xuyên tấn công các tiền đồn Pakistan dọc
theo biên giới.
Bên cạnh đó, bất đồng trong nội bộ Taliban được
nhận ra năm 2015 khi một nhóm ly khai mang tên Fedai Mahaz Tahrik Islami
Afghanistan (Mặt trận Tự sát) công bố về cái chết của nhà lãnh đạo Taliban là
giáo chủ Omar cách đó hai năm, dù ban lãnh đạo Taliban không muốn, để phản đối
đường hướng của giáo chủ Mansour đang lãnh đạo trong bí mật. Hai bên đấu súng
khiến Mansour bị thương nặng. Khi bắt đầu thương lượng với Mỹ tháng 10/2018,
cũng đã có những đấu khẩu giữa phe muốn hòa giải và phe muốn tiếp tục chiến
tranh, còn từ khi Kabul sụp đổ, là tranh cãi về một chính phủ « hòa hợp ».
Cạnh tranh với IS, nhưng mối quan hệ với Al
Qaida vẫn gây lo ngại cho tương lai của Afghanistan trong tay Taliban. Quân
thánh chiến Al Qaida lợi dụng mạng lưới tài chính ngầm của Taliban để đa dạng
hóa nguồn thu, và có được sự trợ giúp đắc lực của thủ lãnh quân sự Taliban hiện
nay, Sirajuddin Haqqani.
Afghanistan, bước
ngoặt lịch sử như Sài Gòn 1975
Trong bài « Afghanistan :
Các bài học từ một thất bại » đăng trên Le Figaro,
tác giả Nicolas Baverez nhận định, 20 năm sau các vụ khủng bố ngày 11 tháng
Chín, Taliban lại kiểm soát được Afghanistan, và việc triệt thoái của Hoa Kỳ trở
thành cuộc tháo chạy tán loạn, đặc biệt với vụ khủng bố tự sát của quân thánh
chiến ở phi trường Kabul. Nước Mỹ của Biden rời Afghanistan không chỉ bằng thất
bại mà còn bị hạ nhục.
Chiến thắng của Taliban là một bước ngoặt lịch
sử, có thể so sánh với sự kiện kênh đào Suez năm 1956, hay Sài Gòn sụp đổ năm
1975.
Đối với 40 triệu dân Afghanistan, đó là sự
quay lại của thời kỳ đen tối trước đây, đất nước này lại trở thành hang ổ cho
khủng bố quốc tế. Ngược lại, Taliban đã học được cách lãnh đạo và có kinh nghiệm
ngoại giao. Họ tìm cách bù đắp lại việc mất viện trợ quốc tế chiếm 22% GDP qua
việc bán cho Bắc Kinh các mỏ đồng, cobalt, lithium ; muốn dựa vào mối quan
hệ với Trung Quốc, Nga, Iran, Pakistan để tránh bị cô lập như thời trước.
Sự sụp đổ của Kabul kích hoạt việc ngả sang một
thế giới hậu Hoa Kỳ. Cung cách rút lui thảm hại làm mất uy tín của chính quyền
Biden, làm lung lay niềm tin về việc bảo đảm an ninh của Mỹ. Bắc Kinh ngay lập
tức lớn tiếng đe dọa Đài Loan. Cũng như hồi năm 2013, Barack Obama đặt ra lằn
ranh đỏ với chế độ Damas, nhưng rốt cuộc thối lui không trừng phạt, đã mở đường
cho việc Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông và Nga xâm lược Crimée.
Hai liên minh của
chiến tranh lạnh mới ở châu Á
Nguy cơ hiện nay là Trung Quốc dùng vũ lực tấn
công Đài Loan để thử nghiệm quyết tâm của Mỹ. Sự phân chia thế giới được đẩy
nhanh ở châu Á, trung tâm của chiến tranh lạnh mới, với hai liên minh. Một bên
là Trung Quốc, Nga, Iran, Pakistan, Afghanistan của Taliban, và bên kia là Hoa
Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Đài Loan.
Sau khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch
Covid, thất bại Afghanistan là lời cảnh báo cho các nền dân chủ với mối đe dọa
khủng bố và các thế lực đen tối đang lên. Theo tác giả Baverez, cần khẩn cấp
tái lập một liên minh các quốc gia tự do, dựa trên ba cột trụ Mỹ, Âu, Á, không
chỉ lệ thuộc vào Hoa Kỳ.
Sau thất bại ở Việt Nam, các nước này đã cùng
với tổng thống Ronald Reagan thành công trong việc vượt qua khủng hoảng chính
trị, đổi mới mô hình kinh tế, xây dựng lại quân đội, dẫn đến việc Liên Xô sụp đổ
năm 1989 do hai điểm yếu là sản xuất và công nghệ. Tình hình hiện nay rất khác.
Hoa Kỳ đã đúng đắn khi đối đầu với Bắc Kinh,
nhưng sức mạnh Mỹ đang đi xuống và quốc gia đang chia rẽ. Ngược lại, mối đe dọa
Trung Quốc đáng ngại hơn Liên Xô cũ vì dựa vào tư bản và công nghệ chứ không chỉ
ý thức hệ và năng lực quân sự. Về phía châu Âu đang là trung tâm hoạt động của
quân thánh chiến, Mỹ triệt thoái mà không quan tâm đến các đồng minh. Không còn
ảo tưởng về Joe Biden, châu Âu cần phải tự chủ chiến lược qua việc thành lập một
liên minh an ninh. Riêng đối với Pháp, vấn đề an ninh trong và ngoài nước sẽ là
chủ đề hàng đầu trong các cuộc tranh luận nhân kỳ bầu cử tổng thống 2022.
Trong cuộc chiến
Afghanistan, thời gian đứng về phía Taliban
Nhà chính trị học Dominique Moisi trên Les
Echos cho rằng « Afghanistan là một bi kịch đến từ
xa ». Từ đầu thập niên 80, chính quyền Mỹ muốn biến Afghanistan
thành « Việt Nam của Liên Xô ». Washington đã thành
công, nhưng nay Afghanistan lại trở thành « Việt Nam thứ hai của
nước Mỹ ».
Theo tác giả, phương Tây phải trả giá cho sự
ngạo mạn và thiếu kiên nhẫn. Một tù nhân Taliban từng nói : « Các
vị có đồng hồ, nhưng chúng tôi có thời gian ». Tại các nước dân
chủ, các nhà lãnh đạo cần kết quả cụ thể và hầu như tức thời.
Bị cuốn theo người tiền nhiệm J.F.Kennedy vào
cuộc chiến Việt Nam, tổng thống Lyndon Johnson chọn không ra tái ứng cử năm
1968. Ông Joe Biden khó thể biện minh với cử tri, không phải vì quyết định triệt
thoái khỏi Afghanistan, mà vì sự nhục nhã khi ra đi : an ninh của các quân
nhân Mỹ lệ thuộc vào IS và « lòng tốt » của Taliban. Phải chăng đó là
« sự trở lại của nước Mỹ » ? Ông Moisi cho rằng không nên rơi
vào cái bẫy bình thường hóa vô điều kiện với Taliban, vì như vậy là phản bội
người Afghanistan thêm một lần nữa.
Việt Nam tháng Tư
1975 : Cuộc di tản ngoạn mục từ Cần Thơ
Về vấn đề di tản, trong bài viết « McNamara,
vị lãnh sự Mỹ không bỏ rơi ai ở Việt Nam », Le Figaro cho biết ở
tuổi 93, nhà cựu ngoại giao theo dõi thảm kịch Afghanistan và nhớ lại cuộc
phiêu lưu lịch sử của mình. Tháng Tư năm 1975, chống lại chỉ thị của cấp trên,
Terry McNamara, lãnh sự Mỹ ở Cần Thơ, đã cứu hàng ngàn người Việt bị Việt Cộng
đe dọa, đưa các cộng sự ra đi bằng đường thủy.
Trong chiến dịch tấn công của quân Bắc Việt
mùa xuân năm ấy, các thành phố lớn của Miền Nam lần lượt thất thủ, thủ đô Sài
Gòn bị đe dọa. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa thiếu đạn dược trầm trọng, hỗ trợ về
logistic và tài chính của Hoa Kỳ không còn, dù được cam kết khi ký hiệp định
hòa bình năm 1973.
Người Mỹ âm thầm vạch ra kế hoạch di tản
« Frequent Wind » (Gió Lốc), nhằm đưa tất cả công dân Mỹ khỏi Việt
Nam, nhưng không báo cho các cộng sự người Việt. Đối với Cần Thơ, ba chiếc trực
thăng được dành cho việc di tản 18 nhân viên lãnh sự trong đó có các nhân viên
USAID, CIA và 6 thủy quân lục chiến. Nhưng Terry McNamara phản đối, nói với đại
sứ Graham Martin ở Sài Gòn là sẽ đưa tất cả mọi người ra đi.
Bằng quan hệ, McNamara tìm được hai chiếc xà
lan đổ bộ có sườn chống đạn chắc chắn, loại Mike Boat hay LCM (Landing Craft
Mechanized), đưa về Cần Thơ, thận trọng cho đậu cách xa nhau. Cả hai được đổ đầy
nhiên liệu, trữ lương thực và đạn dược. Trong suốt tháng Tư, ông lặng lẽ đóng cửa
dần 16 chi nhánh ở đồng bằng sông Cửu Long, gởi từng nhóm người Mỹ và Việt ra
đi ở Tân Sơn Nhứt theo những chuyến bay của Air America – biệt danh của công ty
hàng không được CIA tài trợ, dành cho các hoạt động ở Đông Nam Á. Tổng cộng có
3.000 người, có những gia đình ra đi toàn bộ. Song song đó, ông liên lạc với Hải
quân để có được điểm hẹn với một chiến hạm chỗ cửa sông đổ ra biển.
Những « boat
people » đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa
Sáng 29 tháng Tư, đài phát thanh quân đội phát
ra thông điệp mã hóa về việc di tản khẩn cấp công dân Mỹ « Nhiệt độ
ở Sài Gòn là 105 độ và đang tăng lên », cùng với bài hát I’m
Dreaming of a White Chrismas (Tôi Đang Mơ Một Giáng Sinh Tuyết Trắng). Ở
Cần Thơ, những loạt đại bác bỗng nã vào trung tâm thành phố. Terry McNamara ra
khỏi nhà, để nguyên tất cả đồ đạc để tránh nghi ngờ, cùng với những xấp đô la
trong bao thư như đền bù cho những người phục vụ. Tại Tân Sơn Nhứt, nhiều trực
thăng bị Việt Cộng bắn rơi, hai thủy quân lục chiến tử thương vì đạn moọc-chê.
Lãnh sự Cần Thơ gọi cho Jake Jacobson, người
điều phối chiến dịch di tản, báo rằng sẽ ra đi bằng đường sông cùng với nhiều
người Việt, không dùng đến ba chiếc trực thăng được phân bố. Dù bị phản đối kịch
liệt, rốt cuộc ông thuyết phục được cấp trên. Khi khởi hành, ông ra lệnh tước tất
cả vũ khí của hành khách, để tránh những cảnh như đã xảy ra ở Đà Nẵng, Nha
Trang.
Rắc rối đầu tiên : Hai khinh hạm của Hải
quân Việt Nam Cộng Hòa áp sát đòi cho quay lại vì nghi ngờ hai chiếc Mike Boat
chở lính đào ngũ, nhưng rốt cuộc được ra đi nhờ một cấp trên của họ can thiệp
qua bộ đàm. Đi qua một nhóm đảo, rốc-kết của Việt Cộng bắn ra như mưa, thủy
quân lục chiến Mỹ bắn trả, may mắn là mưa lớn ập xuống khiến hai bên không còn
thấy nhau ở cách 10 mét.
Ra đến điểm hẹn, không có chiến hạm nào chờ đợi :
Hải quân Mỹ đã quên họ. Những « thuyền nhân » đầu tiên của Việt Nam Cộng
Hòa quyết định vẫn ra khơi. Đến tối, họ được chiếc Pioneer Contender vớt, đây
là chiếc tàu được CIA gởi đi di tản nhân viên ở Đà Nẵng. Terry McNamara được
coi như người hùng, nhưng ông bị Washington khiển trách vì bất tuân thượng lệnh.
Nay thì chuyện cũ với bộ Ngoại Giao đã qua, nhưng không ai tham vấn ông về việc
di tản khỏi Afghanistan. Nhà cựu ngoại giao mỉm cười : « Tôi
hiểu. Ở Kabul, không cần đến nhà hàng hải ».
Đại sứ Pháp tận tụy
vì người di tản Afghanistan
Cũng về di tản, một nhà ngoại giao khác được Le
Figaro khen ngợi là ông David Martinon. Ông đã phục vụ đất nước đến
giây phút cuối, tại vị trí nguy hiểm là đại sứ Pháp tại Afghanistan. Vì lý do
an ninh, đại sứ sống một mình không mang theo vợ con, di chuyển bằng xe bọc
thép và mang áo giáp chống đạn.
Đại sứ Martinon vừa rời Kabul tối thứ Sáu, khi
Pháp kết thúc cầu không vận đã giúp di tản khoảng 100 người Pháp và 2.834 người
Afghanistan. Ra được phi trường đã là một thành công vì đại sứ quán Pháp nằm
sát Dinh tổng thống Afghanistan đã bị Taliban chiếm.
Thật ra nhờ quan sát kỹ tình hình tại chỗ,
David Martinon đã tổ chức cho công dân Pháp và cộng sự người Afghanistan lần lượt
ra đi từ tháng Năm, dù phải gánh chịu một số chỉ trích. Cựu đại sứ Pháp tại Mỹ
Gérard Araud ca ngợi « thái độ gương mẫu của đại sứ và ê-kíp, làm
bổn phận tại chỗ cho đến phút cuối », còn triết gia Bernard-Henri Lévy
nhận xét « một vị thuyền trưởng là người cuối cùng rời khỏi con
tàu sắp bị đắm ».
No comments:
Post a Comment