Thursday, April 25, 2019

JOE BIDEN - ĐỐI THỦ ĐÁNG GỜM CỦA DONALD TRUMP? (VOA Tiếng Việt)




VOA Tiếng Việt
26/04/2019

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người vừa tuyên bố ra tranh cử Tổng thống Mỹ, là một đối thủ mà Tổng thống Donald Trump phải hết sức thận trọng bởi vì bề dày chuyên môn và kinh nghiệm chính trị sâu rộng của ông trong suốt hơn 40 năm, các chuyên gia nhận định.

Ông Biden là người mà ông Trump cho rằng sẽ đối đầu với ông vào năm 2020

Trên tờ Foreign Policy, tác giả Michael Hirsh nhấn mạnh vào việc ông Biden là người được cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa kính trọng và tin tưởng vì hiểu biết của ông về các vấn đề đối ngoại.

Bài báo này nhắc lại rằng vào năm 1998, Thượng viện Mỹ có cuộc bỏ phiếu đầu tiên về mở rộng NATO kể từ Chiến tranh Lạnh. Thượng nghị sỹ Joe Biden của tiểu bang Delaware lúc bấy giờ là đầu mối liên lạc bên Đảng Dân chủ trong khi phía Cộng hòa cũng cần một người đứng ra cầm trịch về vấn đề này với các thượng nghị sỹ trong đảng của họ, người có khả năng tập hợp sự ủng hộ trong đảng cho một hiệp định vốn đưa một số nước Đông Âu vào khối đồng minh Tây phương. Lãnh đạo Đảng Cộng hòa bàn bạc định chỉ định Thượng nghị sỹ John McCain hay một số chính khách được kính trọng trong đảng của họ.

Thế rồi cuối cùng Đảng Cộng hòa yêu cầu ông Biden ra xử lý dự luật cho họ. Nên nhớ rằng Biden là người của Đảng Dân chủ.

“Thật là không thể tin được,” ông Michael Haltzel, người là trợ lý cao cấp cho ông Biden vào lúc đó, nói. “Khi tôi kể lại câu chuyện đó vào ngày nay, mọi người nhìn vào tôi như thể họ nghe lầm. Đảng Cộng hòa biết rằng ông Biden là người có chuyên môn nhất. Hơn thế nữa, họ tin tưởng Biden. Đó là điều mà không ai trong số 18 hay 19 ứng cứ viên Dân chủ còn lại có thể sánh được nếu xét về chuyên môn ngoại giao.”

Khi ông Biden, 76 tuổi, loan báo hôm 25/4 rằng ông sẽ thử sức một lần nữa trong cuộc đua vào Nhà Trắng, vị cựu Phó Tổng thống này có thể được xem là người nhất thiết phải đánh bại trong cuộc đua bên Đảng Dân chủ với các cuộc thăm dò đều cho thấy ông đang dẫn đầu các ứng viên Dân chủ. Đó không chỉ là vì ông Biden vượt hơn tất cả những người đồng đảng của ông về kinh nghiệm đối ngoại và các vấn đề trong nước chưa tính Tổng thống Donald Trump. Suy cho cùng, lần bỏ phiếu quan trọng đầu tiên của ông ở Thượng viện đã diễn ra từ thời Chiến tranh Việt Nam.

Nếu được Đảng Dân chủ đề cử ra tranh cử, Biden và Trump nhiều khả năng sẽ đưa ra hình ảnh hai nước Mỹ hoàn toàn khác biệt: một nước Mỹ tự tin với tầm ảnh hưởng toàn cầu và một nước Mỹ thu mình lại giữa hai đại dương và quay trở lại thế kỷ 19. Như ông Biden đã nói trong thông điệp ra tranh cử: ‘ông sẽ chiến đấu cho linh hồn của đất nước và vị thế của chúng ta trên trường quốc tế’.

Nếu đánh bại Bernie Sanders (người đang xếp thứ 2 bên Đảng Dân chủ) và các ứng viên khác trong Đảng của ông và đối mặt với Trump vào năm 2020, nhiều khả năng Joe Biden sẽ nói rằng vị Tổng thống đương nhiệm của Mỹ là ‘dốt nát về kinh tế và địa chính trị’. Có lẽ ông sẽ nói rằng Trump có vẻ như không hiểu rằng khi ông áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc không phải người Trung Quốc gánh chịu mà người dân Mỹ lãnh đủ. Ông sẽ nói rằng khi ghẻ lạnh NATO và các liên minh lâu đời khác của Mỹ, Trump không hiểu rằng Mỹ sẽ tốn kém ít hơn khi triển khai quân ở nước ngoài so với để quân ở nhà do các nước có Mỹ đóng quân sẽ trang trải chi phí. Ông sẽ lập luận rằng NATO đã là và vẫn là liên minh thành công nhất trong lịch sử khi đẩy đường biên giới ổn định xa hơn nữa về phía Đông Âu. Vốn là một trong những người lên tiếng mạnh mẽ nhất về trừng phạt Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chính quyền của ông Barack Obama, ông Biden sẽ tấn công vào những chỗ yếu của Tổng thống Donald Trump trong mối quan hệ không rõ ràng của ông với người Nga.

Biden ‘toàn sai’
Về phần mình, ông Trump có một lợi thế so với Biden. Ông sẽ nói rằng Biden chính là một phần của vấn đề khiến nước Mỹ phải cô lập mình như hiện nay và bằng chứng là lịch sử bỏ phiếu trước giờ của Biden mà nhiều khi là bỏ phiếu sai lầm. Ông Trump có thể chỉ ra rằng chính Biden đã bỏ phiếu bật đèn xanh cho cuộc chiến tai hại của Mỹ ở Iraq. Ông sẽ lập luận rằng Biden đã khiêu khích Nga một cách liều lĩnh. Nhiều khả năng Trump sẽ khoái chí dẫn lại lời của những người chỉ trích Biden, nhất là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, người đã từng viết trong hồi ký hồi năm 2014 rằng Biden ‘đã sai lầm trên hầu như tất cả những quyết định quan trọng về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia trong vòng bốn thập niên qua’.

Tuy nhiên, Biden sẽ bật lại rằng trên những vấn đề gây tranh cãi ông là người ‘thận trọng, kỹ lưỡng và khôn ngoan’ trong từng bước đi. Bà Hillary Clinton từng viết trong hồi ký của bà rằng Biden là một trong số ít những người cứng đầu vẫn nghi ngờ về việc phát động cuộc tấn công tiêu diệt Osama bin Laden hồi năm 2011.

Như ông đã làm với ứng cử viên Hillary Clinton hồi năm 2016 cũng như với tất cả đối thủ Cộng hòa của ông trong kỳ bầu cử sơ bộ, Trump có lẽ sẽ bắt đầu công kích Biden về việc ông bỏ phiếu ủng hộ cuộc chiến Iraq của Tổng thống George W. Bush hồi năm 2002. “Biden là người đầu tiên nói rằng không phải ông làm gì cũng đúng,” Antony Blinken, cựu cố vấn an ninh quốc gia cho Biden và giờ là cố vấn chiến dịch tranh cử của ông nói. “Ông hối tiếc sâu sắc rằng lá phiếu ông ủng hộ ngoại giao cứng rắn với Iraq và để cho các thanh sát viên vũ khí hoàn thành công việc bị lạm dụng cho một cuộc chiến không cần thiết.”

Một điều gần như đã bị quên lãng là ông Biden – một lần nữa làm việc xuyên đảng phái một cách thông suốt với Thượng nghị sỹ Cộng hòa Richard Lugar – đã thúc đẩy mạnh mẽ cho một nghị quyết trong thời gian sắp sửa nổ ra chiến tranh Iraq để yêu cầu chính quyền Bush trì hoãn sử dụng vũ lực cho đến khi Liên Hiệp Quốc phê chuẩn một nghị quyết giải giáp Saddam Hussein một cách hòa bình hoặc chứng minh rằng mối đe dọa của Iraq là nghiêm trọng đến mức cần thiết phải sử dụng vũ lực.” Nỗ lực này của ông Biden đã bị ngăn cản bởi chính đồng đảng của ông – Dick Gephardt, lãnh đạo khối thiểu số (Dân chủ) tại Hạ viện, người đã nghe theo phe diều hâu trong chính quyền với việc ủng hộ một nghị quyết cho phép ông Bush đưa quân vào Iraq bằng cách chỉ tuyên bố với Quốc hội rằng ‘tiếp tục con đường ngoại giao là vô ích’.

Bồ câu hay diều hâu?
Đó chính là quan điểm cơ bản của Biden – khẳng định sức mạnh của Mỹ chỉ khi nào tất cả các lựa chọn khác đã được xem xét kỹ lưỡng, và nếu Mỹ cần phải sử dụng vũ lực thì chỉ đánh với quân số ít nhất và xong xuôi thì rút về. Nhưng không phải lúc nào Biden cũng là bồ câu. Ông là một trong những người đầu tiên ủng hộ mạnh mẽ cho việc can thiệp nhân đạo vào Bosnia và Kosovo trong những năm 90. Tuy nhiên, ở Afghanistan, ông kêu gọi Tổng thống Barack Obama khiển trách Bộ Quốc phòng và không cho tăng thêm quá nhiều binh lính Mỹ.

“Trong trường hợp Afghanistan, đó thật sự là nỗ lực tập trung vào việc tại sao lính Mỹ có mặt ở đó ngay từ đầu, và đó không phải là tái xây dựng đất nước này tốt đẹp hơn mà là giải quyết mối đe dọa do al Qaeda gây ra với một chiến dịch chống khủng bố hẹp hơn nhiều. Ngay từ sớm Biden đã tin rằng việc xây dựng lại Afghanistan một cách bền vững nằm ngoài khả năng của Mỹ.”

Vì lẽ đó, có lẽ Biden sẽ khó lòng mà chỉ trích ông Trump, người cũng xem có thái độ giống vậy về Afghanistan và đã ra lệnh đàm phán hòa bình với phiến quân Hồi giáo Taliban, điều mà Biden từng đề xuất, và tìm cách giảm phân nửa sự hiện diện vốn đã ít ỏi của quân Mỹ ở quốc gia này.

Khi còn là Phó Tổng thống, Biden đã liên tục chất vấn các quan chức Lầu Năm Góc trong phòng Tình huống: “Cơ bản là mỗi năm quân đội cứ nói với chúng ta là: ‘Chúng tôi cần một năm nữa’. Chúng ta sẽ trở lại đây trong vòng một năm nữa và quý vị cũng vẫn sẽ nói như vậy,” Blinken thuật lại lời ông Biden.

Ảnh hưởng lớn với Obama
Biden cũng có kinh nghiệm điều hành nhiều hơn rất nhiều so với bất cứ ai ra tranh cử ngoại trừ ông Trump. Trong 8 năm cầm quyền của ông Obama, ông Biden đã chứng tỏ ông là một trong những Phó Tổng thống có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Mỹ. Ông thường là ‘người cuối cùng còn lại trong phòng họp’ với Tổng thống trước khi ông đưa ra quyết định hệ trọng. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Obama kể lại trong một cuộc họp ở Nhà Trắng, ‘bất thình lình Obama dừng lại và nói ‘Joe sẽ giải quyết vấn đề Iraq. Joe biết rõ về Iraq nhiều hơn bất cứ ai’.

Biden cũng là người chỉ dẫn cho Obama thậm chí trước khi Obama trở thành Tổng thống. Tại một phiên điều trần hệ trọng với Tướng David Petraeus vào mùa xuân năm 2008, khi đó Thượng nghị sỹ Barack Obama đã nghe theo lời khuyên của ông Biden để hạ thấp kỳ vọng về việc rút quân Mỹ khỏi Iraq. Ông Obama sau đó đã được báo chí khen ngợi khi nói với ông Petraeus: “Khi chúng ta có nguồn lực giới hạn, chúng ta phải xác định mục tiêu chặt chẽ và khiêm tốn. Tôi không phải muốn nói rằng chúng ta kéo hết quân về cùng một lúc. Tôi muốn biết điểm kết thúc.” Biden nói rằng đó chính là những lời mà ông khuyên Obama nói.

Tuy nhiên trong cộng đồng an ninh quốc gia của Mỹ, ông Biden có nhiều người chỉ trích, và ít có có ai chỉ trích ông quyết liệt như ông Robert Gates. Ông Gates từng nói rằng vị thượng nghị sỹ 32 tuổi mới toanh vào năm 1975 này là ‘một trong những người Dân chủ chết nhát vốn làm cho nước Mỹ không còn cơ hội chặn đứng quân Bắc Việt khi ông ấy bỏ phiếu chống việc tiếp tục viện trợ cho Sài Gòn’. Gates cũng chỉ trích Biden đã bỏ phiếu chống Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất và phản đối phần lớn chương trình xây dựng quốc phòng của Tổng thống Ronald Reagan trong những năm 1980 vốn thường được xem là chính sách giúp Mỹ giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh.

Giành cử tri của Trump
Trong khi đó, nhà báo Leslie Marshall của Fox News nhận định rằng với sự tham gia vào cuộc đua của Joe Biden, có thể ông Trump sẽ trở thành ‘Tổng thống một nhiệm kỳ’.

Theo bà Marshall, điều đáng ngại cho ông Trump là Biden cũng nhận được sự hưởng ứng của các cử tri lao động nam giới da trắng không có bằng đại học – thành phần ủng hộ ông Trump mạnh mẽ và phản đối bà Clinton quyết liệt, một trong những lý do khiến bà Clinton thất bại.

“Việc bà Hillary không chịu tranh thủ nhóm cử tri này bất chấp lời khuyên của phu quân bà – cựu Tổng thống Bill Clinton – có thể là cơ hội cho ông Biden. Nhiều người trong nhóm cử tri này hiện giờ đang bất mãn với ông Trump vì những lời hứa mà ông không thực hiện được. Ông Biden ở một vị thế tốt để tranh thủ họ, nhất là ở các tiểu bang Wisconsin, Michigan và Pennsylvania. Nếu ông làm được điều này thì rất có thể ông sẽ bước vào Nhà Trắng,” Marshall nhận định.

“Đảng Cộng hòa xem ông Biden là mối đe dọa đối với ông Trump và muốn làm sao để ông không ra tranh cử. Đa số những người Cộng hòa mà tôi biết đều nói với tôi rằng ông Biden là mối đe dọa lớn nhất đối với Trump.”

Đảng Cộng hòa đã tung ra một quảng cáo nhắm vào ông Biden giữa lúc có những cáo buộc ông có hành vi không đúng mực với phụ nữ. Có tựa đề ‘Joe Đáng sợ’, đoạn quảng cáo này cho thấy những đứa trẻ đang nhìn Biden ôm và chạm vào nhiều phụ nữ khác nhau trong khi ở phía sau Lucy Flores đang trả lời phỏng vấn về những gì đã xảy ra với bà.

“Tuy nhiên những người Cộng hòa nên cẩn thận vì phe Dân chủ có thể tung ra quảng cáo về Tổng thống Trump với hết hình ảnh này đến hình ảnh khác về những lời bình luận, những dòng tweet của ông Trump về phụ nữ và đừng quên đoạn băng Access Hollywood khét tiếng (mà trong đó ông Trump có lời lẽ thô tục về việc sàm sỡ phụ nữ),” nữ nhà báo của Fox News bình luận.

-------------------------

LIÊN QUAN

Tổng thống Donald Trump hôm 25/4 nói rằng ông sẽ sớm đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhà Trắng, mở ra khả năng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đạt một thỏa thuận.
Đại diện thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin sẽ tới Bắc Kinh để đàm phán thương mại từ ngày 30/4.
Reuters dẫn thông cáo của Nhà Trắng hôm 23/4 nói rằng Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ dẫn đầu phía Trung Quốc và ông cũng sẽ tới Washington để đàm phán thêm từ ngày 8/5.






No comments: