Friday, April 26, 2019

LỮ PHƯƠNG / NGUYỄN TRUNG TÔN / NGUYỄN CÔNG KHẾ & NGUYỄN THỊ BÌNH (S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến)




24/04/2019

Tôi sinh năm 1971, năm nay bước vào tuổi 44. Tuy chỉ mới độ tuổi này nhưng tôi đã từng nghe bố tôi kể lại và cũng đã phải trực tiếp chứng kiến cảnh gia đình tôi suốt 4 đời là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản.

Bút Ký Những Chuyến Ra Đi của ông Lữ Phương (nguyên) Thứ Trưởng Thông Tin Văn Hoá, Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam, có nhiều trang rất thú vị. Đọc lai rai vài đoạn cho vui, nếu rảnh:

Vào mùa khô năm ấy, tôi xin cơ quan cho tôi đến vùng biên giới Bố Bà Tây, liên hệ với gia đình. Lần này ngoài vợ và đứa con gái lớn, còn có em gái tôi cùng với hai đứa con gái nhỏ của nó đi theo, lúc nhúc một đoàn, không tưởng tượng nổi!
Nhờ chuyến thăm này tôi mới rõ được chuyện nhà từ lúc tôi ra đi. Vợ tôi ngoài việc đi dạy học còn tìm được việc làm ở một tòa án tỉnh nữa. Những người quen biết đều biết vợ tôi có chồng là VC, bị cảnh sát Sài Gòn o ép, dụ dỗ nhiều cách, nhưng đều hết lòng giúp đỡ, che chở (ngay cả những viên chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn): chẳng phải vì lý do gì khác hơn là ở đây người ta chưa có thói quen “chính trị hoá” mọi quan hệ xã hội.

Cái “chính quyền Sài Gòn” hồi đó, xem ra, khác xa (và khác hẳn) cái chính phủ  Hà Nội bây giờ. Tuần qua –  vào ngày 9 tháng 4 năm 2019 –  FB Trang Nguyen vừa buồn bã, và ái ngại cho hay: 
  
VỢ MỤC SƯ NGUYỄN TRUNG TÔN BỊ AN NINH THANH HÓA KHỦNG BỐ TINH THẦN
Không chỉ thường xuyên xua quân đi canh cửa, an ninh Thanh Hóa còn liên tục gửi giấy mời, giấy triệu tập như là một thủ trấn áp tinh thần bà Nguyễn Thị Lành - vợ của Mục sư, TNLT Nguyễn Trung Tôn.
Chồng bị bỏ tù, một mình bà Nguyễn Thị Lành phải vất vả gánh vác gia đình. Những ngày qua càng thêm vất vả bởi chăm mẹ chồng lớn tuổi mắc bệnh phải nhập viện, và con bị tật nguyền. Nhưng bà Lành vẫn liên tục bị an ninh tỉnh Thanh Hóa sách nhiễu, đe dọa…

Giấy Mời

Vợ chồng Nguyễn Trung Tôn chào đời không đúng chỗ, và cũng không đúng lúc (wrong time and wrong place) nên gặp phải lắm nỗi gian truân. Ông bà Lữ Phương sinh sống tại miền Nam (vào một thời điểm khác) nên cuộc sống của họ cũng hoàn toàn khác, êm thắm và khoẻ khoắn hơn nhiều.

Hồi đó bà Lữ Phương vẫn được mọi người, “ngay cả những viên chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn hết lòng giúp đỡ che chở.” Thỉnh thoảng, bà lại cùng cả đại gia đình “lúc nhúc một đoàn” kéo nhau vô bưng để thăm nom và chăm sóc cho đức phu quân – dù cuộc sống trong bưng biền không thiếu thốn hay nhọc nhằn chi cả: 

Các nhân vật trong “Mặt trận 2” này đã được Đảng chăm sóc một cách đặc biệt: bất cứ việc gì, từ sinh hoạt ăn uống, chỗ ở, quần áo, tiền tiêu vặt mỗi tháng đều được cung cấp chu đáo bởi cả một khung cán bộ và nhân viên chuyên lo việc tiếp phẩm và phục vụ phối hợp với một đội bảo vệ được tuyển khá kỹ lưỡng về thành tích và lý lịch.

Chả riêng chi ăn uống, ăn nói cũng thế, cũng được Đảng bao biện tất:

Riêng đối với những bài viết, bài phát biểu mà các vị trong Liên Minh phải trình bày hoặc trên báo chí, đài phát thanh hoặc trong các Hội nghị này nọ thì đều do một số nồng cốt thực hiện, cuối cùng bao giờ cũng được Huỳnh Tấn Phát xem và sửa chữa lại.
 
Thiệt là quá đã và quá đáng! Nhà nghiên cứu Lữ Phương “dấn thân” vào đến tận chiến khu để làm cách mạng mà sinh hoạt cứ y như trong nhà giữ trẻ vậy. Ông chắc là đẻ bọc điều nên lúc nào cũng được cuộc đời chiều đãi.
 
Năm 2018, năm Nguyễn Trung Tôn bị tuyên án lần thứ hai (“12 năm tù và ba năm quản chế ”) thì Lữ Phương được trao giải Giải Văn Hóa Phan Châu Trinh, vì đã có những công trình nghiên cứu sâu sắc về chủ nghĩa Marx.” Trong diễn từ nhận giải, ông phát biểu:

Như mọi người đều biết, học thuyết Marx đã được du nhập vào Việt Nam không phải trong một hoàn cảnh bình thường của một xã hội bình thường ở đó người ta có thể coi việc nghiên cứu Marx như một thao tác nghề nghiệp mang tính học thuật hàn lâm thuần tuý. Đất nước bấy giờ chìm đắm trong bóng tối của sự bất bình thường: nhà nước dân tộc bị tước mất chủ quyền, nhân dân sống trong nô lệ, trí thức thì bơ vơ, tuyệt vọng. Chủ nghĩa Marx đã đến với chúng ta (tnt tô đậm) trong tình thế đó, và mặc dù không có đủ điều kiện để tìm hiểu đến nới đến chốn, chúng ta đã tiếp nhận học thuyết ấy như biểu tượng của sự giải phóng chói loà ánh sáng: không phải chỉ mang đến cho dân tộc biện pháp xây dựng hiệu nghiệm cuộc sống mới mà còn giúp người trí thức lấp đầy được cái khát vọng ngàn đời của mình về sự tồn tại của một trần gian ở đó con người có thể hoà giải vĩnh viễn với nhau. Trong khung cảnh tinh thần đó, việc tìm đến Marx đối với chúng ta đã mang nội dung một cuộc dấn thân toàn diện và triệt để, bấy giờ thường được xưng tụng là “hiện thực và khoa học”, nhưng thực chất lại rất giống với một hình thức tín ngưỡng nào đó, đặt niềm tin tuyệt đối vào một đấng bậc phi phàm có thể dẫn đường một cách kỳ diệu cho các kế hoạch mà chúng ta vạch ra để cải tạo thế giới, làm lại con người.
 
Trong số “chúng ta” đã từng “tiếp nhận học thuyết chủ nghĩa Marx …  như biểu tượng của sự giải phóng chói loà ánh sáng” theo diễn từ thượng dẫn (dường  như) không có ông bà và cha mẹ của Nguyễn Trung Tôn – qua lời tự sự của chính tù nhân lương tâm này, trước khi bị giam giữ lần thứ hai:
 
“Tôi là một trong số hàng trăm triệu nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam. Câu chuyện mà tôi sắp kể ra đây chưa thể nào vạch trần hết tội ác của chủ nghĩa rừng rú này; nhưng cũng sẽ góp một phần nhỏ để những ai còn ngây thơ mù quáng đi theo nó sớm nhận ra và từ bỏ còn đường tăm tối được thêu dệt nên bằng những dối trá và tội ác.
Tôi sinh năm 1971, năm nay bước vào tuổi 44. Tuy chỉ mới độ tuổi này nhưng tôi đã từng nghe bố tôi kể lại và cũng đã phải trực tiếp chứng kiến cảnh gia đình tôi suốt 4 đời là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản.”
 
Cùng với hằng chục triệu gia đình “suốt 4 đời là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản” tại Việt Nam, ảo tưởng và sự nhầm lẫn về chủ nghĩa Marx – nói nào ngay –  cũng đã “vô tình” đem đến hào quang (cũng như danh lợi) cho không ít kẻ ở xứ sở này. Xin đan cử thêm một trường hợp nữa, rõ nét hơn nhiều: Nguyễn Thị Bình.

Chủ tịch Mao Trạch Đông của TQ đón Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình và Đại sứ Nguyễn Văn Quang tại Trung Nam Hải, Bắc Kinh. Ảnh & chú thích: BBC.

Bà nguyên là Phó Chủ Tịch nước CHXHCN Việt Nam, từ 1992 đến 2002, và hiện là Chủ tịch Hội Đồng Quản Lý Qũi Văn Hóa Phan Chu Trinh. Danh lợi bà có đủ, kể cả huân chương (Huy Hiệu 70 Năm Tuổi Đảng) cùng những lời khen thưởng không thiếu trên mọi phương tiện truyền thông.
 
Mới đây – vào ngày 12 tháng 04 năm 2019 – khi góp ý về vụ nhà nước VN thất kiện trọng vụ án Trịnh Vĩnh Bình, nhà báo Nguyễn Công Khế đã không quên tán dương công đức của “bà chị” như sau: “Tôi vừa ra Hà Nội thăm chị Bình, chân chị yếu nhưng trí tuệ chị thật minh mẫn. Tấm lòng của chị với đất nước này chưa bao giờ nguôi phai. Chị lo cho đất nước này như chăm lo cho một gia đình yêu quí nhất của mình.”

Thiệt là qúi hoá!
 
Chỉ có điều hơi đáng tiếc là dường như trong cái “đất nước này” của Nguyễn Thị Bình không bao gồm hằng chục triệu gia đình (“bốn đời là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản”) như trường hợp của tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Tôn, và cũng chả có phần nào biển đảo cùng lãnh thổ đã bị xâm chiến hay đang bị đe doạ cả. Thế nên dù dù trí tuệ “còn thật minh mẫn,” bà chị vẫn nhất định không hé môi nói lấy một lời – nửa lời cũng nỏ.
 
Riêng có cậu em Nguyễn Công Khế là vẫn cứ mồm năm mép mười – dù chả ai nhờ. Tuy chỉ thuộc thế hệ ăn theo cái “ảo tưởng và sự nhầm lẫn về chủ nghĩa Marx” nhưng cậu này cũng hoạn lộ hanh thông từ A tới Z. Nay đã may mắn hạ cánh an toàn song vẫn chưa chịu sống an thân, vẫn còn thích đóng vai kẻ sỹ – phù thế giáo một vài câu thanh nghị – và cố tình quên rằng chính mình đã góp phần (tích cực) trong việc tạo ra cái xã hội nhiễu nhương trước mắt.

Tưởng Năng Tiến





No comments: