Wednesday, April 24, 2019

CÁCH MẠNG XANH, MỘT CÁCH MẠNG MÔI SINH (Việt Nguyên)





Việt Nguyên
April 17, 2019

Tổng Thống Donald Trump đã giữ lời hứa trong kỳ vận động tranh cử, làm cuộc cách mạng đập đổ các nền tảng đã được thiết lập của các tổng thống tiền nhiệm. Sau tuần lễ thất bại về hòa đàm với Bắc Hàn, ông Trump đổi thế thủ sang thế công khi bản tường trình của Công Tố Viên Đặc Biệt Robert Mueller được nộp lên Bộ Tư Pháp.

Với thiên tài, Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr đọc 400 trang nhanh như gió, hai ngày sau tường trình bốn trang cho biết ông Trump vô tội. Bàn đạp này giúp ông Trump tuyên bố sẽ hủy bỏ hoàn toàn chương trình y tế Obama, đóng cửa biên giới Mễ-Hoa Kỳ, không ủng hộ chương trình kinh tế môi trường xanh (green new deal) của đảng Dân Chủ.

Một tuần sau cũng chính Tổng Thống Trump tuyên bố biên giới Mễ-Hoa Kỳ vẫn mở (khi đảng Cộng Hòa cho thấy Hoa Kỳ thiệt hại về kinh tế) và không đụng đến chương trình y tế Obama cho đến sau ngày bầu cử tổng thống 2020.

Chương trình y tế Obama bất hợp biến vì bắt buộc mọi người phải mua, giới trẻ không dùng bảo hiểm y tế như người già và hãng xưởng phản đối vì giá bảo hiểm quá đắt. Nhưng muốn sửa đổi chương trình y tế, Tổng Thống Trump phải có một chương trình y tế khác thay thế.
Đảng Cộng Hòa đã thua đảng Dân Chủ trong kỳ tranh cử giữa nhiệm kỳ ở Hạ Viện chính vì lý do này và đây cũng là điểm bất đồng của cựu Thượng Nghị Sĩ John McCain, ông không đồng ý với chương trình y tế Obama nhưng không ủng hộ Tổng Thống Trump và đảng Cộng Hòa hủy bỏ chương trình y tế sẵn có khi chưa có một chương trình thay thế.

Theo thống kê mới nhất có đến 61% người Mỹ nay đồng ý với một chương trình bảo hiểm thay vì nhiều chương trình bảo hiểm y tế như hiện tại. Chương trình y tế Obama đắt vì bảo hiểm có chương trình y tế phòng bệnh như soi ruột già, khám sức khỏe hằng năm. Các hãng bảo hiểm không được từ chối bán khi bệnh nhân có bệnh trước khi mua bảo hiểm, thay đổi thói quen trong bao nhiêu năm không được mua bảo hiểm khi có bệnh sẵn (dự luật đang đưa ra ở Thượng Viện của Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell bảo vệ điều kiện này) cuối cùng người bệnh phải trả tiền bệnh viện bằng tiền túi mà chi phí bệnh viện ở Mỹ quá cao.

Thống kê cho thấy người Mỹ trong năm 2018 nợ $88 tỷ về chi phí y tế. Chương trình y tế Obama đắt vì bao hết chi phí không giới hạn như các chương trình bảo hiểm cũ giới hạn 1-2 triệu tối đa tùy người mua. Giới trung lưu đã nhận thức họ là những người được lợi với y tế Obama, những người nghèo được Medicaid còn những người trung lưu lương từ 70-80 ngàn khi bệnh nặng nằm nhà thương lâu chi phí lên đến bạc triệu trước đây phải bán nhà trả nợ nhà thương, với chương trình y tế Obama họ được Medicaid ở các tiểu bang nhận Obamacare người nhà không phải trả nợ.

Thua đảng Dân Chủ về chương trình y tế Obamacare, Tổng Thống Trump và đảng Cộng Hòa vẫn tiếp tục phải đương đầu với chương trình kinh tế xã hội xanh mới với hai phát ngôn viên đảng Dân Chủ, dân biểu trẻ tuổi Alexandria Ocasio-Cortez (New York) và Thượng Nghị Sĩ Ed Markey (Massachussetts). Chương trình được hầu hết các ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ năm 2020 ủng hộ. Chương trình có tên giống như chương trình kinh tế xã hội mới của tổng thống Franklin D. Roosevelt năm 1933-1936 để chấm dứt thời kỳ kinh tế suy thoái.

Chương trình năng lượng xanh nhằm loại chất than ra khỏi kỹ nghệ năng lượng qua các cuộc nghiên cứu, giảm chất hơi phế thải đầy thán khí và Methane. Trong một thập niên các nhà khoa học đã chứng minh được khí hậu toàn cầu thay đổi vừa do trời đất vừa do bàn tay con người, thiên tai và nhân tai.

Từ sau cách mạng kỹ nghệ khí hậu toàn cầu đã tăng lên 1 độ C nếu tăng lên 1 1/2 độ C thảm họa xảy ra ngoài đá Bắc Băng Dương hiện nay tan nhanh, các san hô sẽ biến mất gây lụt lội trên khắp các quốc gia quần đảo như Philippines, Indonesia.

Ở Mỹ, bảy thành phố có thể biến mất dưới trận Đại Hồng Thủy: New Orleans, Miami, Houston, Atlantic City, Charleston, Boston và Virginia Beach. Tình trạng sẽ xảy ra như trong sách “Bức Tường” (The Wall) của John Lancaster. Thiên tai lụt lội xảy ra, đảo lộn trật tự đời sống xã hội. Các quốc gia phải can thiệp bằng cách xây bức tường không phải bức tường biên giới mà là bức tường chặn sóng biển, ngăn chận nước biển và những người tị nạn như Anh đã xây bức tường cao 5 thước quanh bờ biển.

Có 70% người Mỹ tin thời tiết đang thay đổi, chỉ có 2/3 đảng viên Cộng Hòa chưa tin. Tổng Thống Trump không tin vào khoa học, chỉ tin Thượng Đế. Tuần lễ Thượng Viện bàn cãi về chương trình năng lượng xanh, ông Trump đã gọi ông Sean Hannity của đài Fox là: “Năng lượng nhà máy gió không kết quả vì đôi khi gió không thổi.” Sau đó ông lại nói: “Tiếng động từ nhà máy gió gây ung thư!”

Ngày 30 Tháng Ba, 2019, chánh án liên bang Alaska đã chận chương trình của Tổng Thống Trump, nhằm mở lại khai thác dầu và hơi đốt vùng Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương. Kỹ nghệ năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch (than, dầu hỏa, hơi đốt thiên nhiên) có lẽ đến thời kỳ tột đỉnh theo như bản tường trình của Kingsmith Bond hồi Tháng Chín, 2018.

Đây có lẽ là câu hỏi kinh tế chính trị quan trọng nhất đầu thế kỷ 21: Khi nào kỹ nghệ năng lượng xanh mới sẽ thay thế hẳn năng lượng hóa thạch mặc dù giá dầu đã trở lại trên $60 một thùng, dân sẽ tiếp tục dùng dầu gây thảm họa môi sinh thiêu hủy địa cầu? Kỹ nghệ năng lượng xanh cũng như những kỹ nghệ kỹ thuật trong quá khứ. Xe hơi thay thế xe ngựa. Thuyền chạy bằng hơi nước thay cho thuyền buồm. Điện thoại di động thay thế điện thoại dùng đường dây trên đất liền. Trong vòng 20 năm khi đầu xe lửa ở Anh thông dụng các con sông đào vẫn tiếp tục được xây, đường thủy dài 4,000 dặm ở Anh sau đó nhường bước cho đường xe hỏa. Năm 1830, xe lửa ở Mỹ thay thế cho xe ngựa, sau đó xe ngựa được xe hơi và xe vận tải thay thế. Các giai đoạn kỹ thuật chuyển tiếp phải mất một thời gian. Khi ông James Watt phát minh máy hơi nước chạy bằng than năm 1776, than cung cấp dưới 5% năng lượng toàn cầu cho đến năm 1840 và phải đợi đến năm 1900 than mới cung cấp 50% năng lượng toàn cầu.

Trong vòng thập niên qua năng lượng do mặt trời và gió và pin lithium dùng để chứa năng lượng xuống giá nhờ đó mà kỹ thuật năng lượng xanh được phát triển nhanh, mặc dù vẫn thua nhiên liệu hóa thạch. Năm 2017 năng lượng gió và mặt trời chỉ cung cấp 6% điện lực toàn cầu nhưng chiếm đến 45% mức độ gia tăng và giá điện từ các nhà máy gió và mặt trời tiếp tục giảm khoảng 20% trong khi năng suất tăng gấp đôi, bản tường trình Bond nghĩ rằng trong vài năm nữa dân sẽ xài năng lượng gió và mặt trời thay thế cho dầu hỏa, than và hơi đốt. Giai đoạn chuyển tiếp thấy rõ qua các mỏ than.

Công ty khai thác mỏ than lớn nhất thế giới Peabody trong danh sách Fortune năm 2008, phá sản năm 2016. Ấn Độ không ký hiệp định Paris về thời tiết, tin vào năng lượng than nghĩ rằng năng lượng than sẽ tăng lên gấp ba vào năm 2030. Dân Ấn phải chịu nạn ô nhiễm môi sinh và nhà máy điện chạy bằng gió bắt đầu hoạt động nhiều hơn. Năm 2017, giá điện do năng lượng gió và mặt trời giảm 50% từ $35 đến $40 mỗi megawatt/giờ không phải vì chính phủ trợ cấp mà vì kỹ sư giỏi chế tạo các tấm điện mặt trời (solar panel) hiệu quả hơn.

Ở Mỹ, Tổng Thống Donald Trump với chính sách “Mỹ Trên Hết” hứa sẽ đem lại công việc cho kỹ nghệ than nhưng trong hai năm qua các nhà máy điện chạy bằng than đóng cửa, mỏ than đã đóng không mở lại, công nhân mỏ than thất nghiệp so với nhiệm kỳ đầu của Tổng Thống Barack Obama. Năm 2018 tiêu thụ than của dân Mỹ giảm 4%. Năm 2017, viện bảo tàng nhà máy than lại gắn tấm điện mặt trời trên nóc, tiết kiệm tiền điện $10,000 mỗi năm!

Khí đốt thiên nhiên thải thán khí ít hơn nhà máy than, nhưng từ năm 2010 đến 2014 kỹ nghệ lỗ lã lên đến $200 tỷ. Hãng G. E. cũng lỗ vì kỹ nghệ than và hơi đốt chiếm phần lớn trong dịch vụ của công ty.

Kỹ nghệ dầu hỏa ít bị ảnh hưởng hơn than và hơi đốt. Kinh tế Texas vẫn lên nhờ dầu hỏa. Dân vẫn chạy xe bằng xăng nhưng xe chạy bằng xăng đang bị xe chạy điện canh tranh. Năm 2017 chỉ có 3 triệu xe chạy bằng điện trong tổng số 800 triệu xe nhưng chiếm 22% tăng trưởng tính theo số xe bán. Các nhà bán xe bắt đầu cảnh cáo giới tiêu thụ trước khi mua xe phải suy nghĩ vì giá xe chạy bằng xăng mất giá nhanh trong vòng ba năm tới.

Cổ phiếu kỹ nghệ dầu hỏa chiếm phần quan trọng trong thế kỷ qua nhưng trong vòng năm năm qua lại tăng thấp nhất trong thị trường chứng khoán.

Ở Âu Châu, từ đầu thế kỷ thứ 21, chính phủ Đức bắt đầu chương trình loại bỏ chất than ra khỏi năng lượng qua phụ cấp cho các công ty điện lực chạy bằng năng lượng mặt trời và gió, giá điện giảm từ từ, các nhà máy điện chạy bằng than và hơi đốt lỗ, kỹ nghệ điện lỗ hơn $150 tỷ. Ở Nhã Điển ba nhà máy than cuối cùng sắp đóng cửa vào năm 2030.

Câu hỏi quan trọng cho cả thế giới nhất là cho tiểu bang Texas: Kinh tế có bị sụp đổ trong giai đoạn chuyển tiếp từ năng lượng hóa thạch qua năng lượng mặt trời và gió? Tỷ phú đầu tư đồng thời là nhà hoạt động đấu tranh gìn giữ môi sinh Tom Steyer tự tin cho rằng kỹ thuật mới thay đổi kỹ thuật cũ không gây ra xáo trộn kinh tế cũ như lịch sử đã cho thấy. Trong 20 năm qua kỹ thuật thông tin mạng lưới thay thế kỹ thuật truyền thông cũ, kinh tế thế giới thịnh vượng hơn cũng như theo luật đào thải những người không chạy theo được tiến bộ của khoa học sẽ bị thua kém.

Kinh tế thị trường sẽ quyết định. Năm 2015, thống đốc ngân hàng Anh Mark Carney cảnh báo: “Đợi đến khi thay đổi khí hậu trở thành một yếu tố quyết định kinh tế tài chánh thì đã trễ.” Các nhà đầu tư, ngân hàng và hãng bảo hiểm đang chuẩn bị giai đoạn chuyển tiếp. Ở Úc, các các ngân hàng đã có chính sách cho kinh tế môi sinh khác với ba năm trước hoặc ra khỏi đầu tư vào các mỏ than hoặc giới hạn cho vay. Ở Trung Quốc, chính quyền đang cố đóng cửa các nhà máy than vì các thành phố ô nhiễm nặng nhưng các công ty Trung Quốc lại lấy kinh nghiệm đi xây các nhà máy than ở các nước khác phần lớn là vì các chính quyền tham nhũng ăn hối lộ không cần biết đến an sinh của dân!

Chính trị dĩ nhiên vẫn đóng vai trò quan trọng nhất là ở Mỹ. Các công ty dầu hỏa có thế lực chính trị mạnh ở Texas trong khi ở California năng lượng thiên nhiên mặt trời và gió phát triển mạnh. Một tiểu bang Cộng Hòa, một tiểu bang Dân Chủ, hai tiêu biểu đối nghịch. Anh em nhà Koch (Cộng Hòa) và công ty Exxon vẫn còn nhiều tiền vẫn chận phong trào kinh tế mới xanh nhưng đang bị áp lực chính trị và kinh tế trên thế giới. Các ngân hàng như Wells Fargo và J. P. Morgan Chase bị áp lực ngưng tài trợ cho các đường ống dẫn dầu mới. Quan tòa liên bang Alaska ngày 30 Tháng Ba ngăn không cho Tổng Thống Trump nhắm khai thác dầu ngoài khơi Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương.

Yếu tố quan trọng nhất là kỹ nghệ năng lượng mặt trời và gió sẽ tạo công ăn việc làm cho dân địa phương. Với 80% dân số trên thế giới sống trong các quốc gia phải nhập cảng dầu, than, hơi đốt thiên nhiên, năng lượng thiên nhiên sẽ đem đến sự thay đổi lớn cho họ về kinh tế và môi sinh. Con đường cách mạng xanh đương nhiên sẽ lắm chông gai với các quốc gia giàu nhờ dầu hỏa như Nga và Saudi Arabia đứng chận đường tiến. (Việt Nguyên)






No comments: