Thứ bảy, 23/3/2019, 15:31
(GMT+7)
Mới đến gần cổng chùa Ba
Vàng, đã nghe rõ tiếng loa phát thanh đọc đi đọc lại nhiều lần về việc thỉnh
vong, oan gia trái chủ.
Đại đức Thích Trúc Thái
Minh, trụ trì chùa Ba Vàng từ chối trả lời phóng viên chúng tôi. Nhưng chùa
thông báo, ông sẽ thuyết giảng giải thích rõ những điều mà báo chí, dư luận
đang quan tâm.
Chùa tổ chức buổi nói
chuyện có sự tham gia của hàng trăm phật tử với báo chí. Khoảng 18h, cánh cổng
thép to lớn, luôn có bảo vệ túc trực ở nội tự điện được mở. Đại đức Thích Trúc
Thái Minh bước sang chính điện trong sự hoan hỉ của chư tăng, phật tử. Hàng
trăm phật tử mặc áo lam, có mặt từ sớm, xếp hàng ngay ngắn chờ đón buổi thuyết
giảng. Báo chí được mời dự và ưu tiên vị trí dễ theo dõi nhất. Những máy quay
phim chuyên nghiệp được chùa chuẩn bị sẵn cho cuộc livestream trên
Facebook.
Mở đầu buổi thuyết giảng,
sư Minh thừa nhận, thông tin nhà chùa tổ chức giải "vong báo oán"
đang gây "bão mạng". Nhưng ông khuyên phật tử bình tâm. "Sóng
gió gì rồi cũng qua". Ngay lập tức, phía dưới, phật tử đang chăm chú dõi
theo từng lời ông, không ai bảo ai, đồng thanh vỗ tay rền vang. Cứ như vậy, tiếng
vỗ tay là phần quan trọng suốt buổi thuyết giảng, vang lên mỗi khi trụ trì ngắt,
nghỉ, ngừng lời hoặc nói một ý nào đó tâm đắc.
Sư Minh nói, buổi thuyết
giảng sẽ phân tích, làm rõ ba vấn đề mà báo chí và dư luận đang quan tâm: thế
giới tâm linh có thật hay không; có vong linh hay không và tác động gì đến con
người; lễ oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng.
Vậy vong linh có hay
không đây? Sư Minh hỏi, rồi tự trả lời bằng cách trích nhiều đoạn Đức Phật nói
trong kinh Tương ưng bộ rằng chúng sinh, chư thiên, súc sinh... khi chết đi tái
sinh vào cõi ngạ quỷ rất nhiều. Người chết bị đoạ vào cõi ngạ quỷ, phải sống nhờ
hưởng đồ ăn của thân quyến hiến cúng.
Trong kinh Pháp hoa có những
bài kệ nói các loài quỷ còn ăn cả thịt người. Ác ma còn nhập vào một vị phạm
thiên quyến thuộc của Đức Phật, trong Trung bộ kinh. Ác ma đi vào bụng của tôn
giả Mục Kiều Liên, đệ tử bậc nhất của Đức Phật.
Dựa trên kinh Phật, đại đức
Thích Trúc Thái Minh kết luận, vong đi theo con người báo thù rất nhiều. Nó khiến
nhiều người phát điên, phát rồ, phát dại... Vì vậy, chùa Ba Vàng có pháp thỉnh
oan gia trái chủ đề thỉnh nó ra.
Trụ trì hỏi, đã ai từng
làm lễ oan gia trái chủ ở chùa? Ngay lập tức hàng trăm cánh tay giơ cao. Sau
đó, hàng chục phật tử được mời đứng lên kể câu chuyện bản thân đã chữa khỏi bệnh,
tai qua nạn khỏi sau khi làm lễ oan gia trái chủ.
Mỗi nhân vật một câu chuyện
khác nhau, nhưng trước khi bắt đầu, dường như muốn xua tan nghi ngại nhà chùa
mượn người, dựng chuyện thì ai cũng đọc lớn rõ ràng tên tuổi, số phòng, số nhà,
nơi làm việc, số điện thoại cá nhân.
Một phụ nữ kể bị bệnh tắc
và dính ruột đã lâu. Chị thậm chí đã bị bệnh viện trả về vì bệnh đã quá nặng.
May thay, được người mách tìm đến các sư chùa Ba Vàng thỉnh lễ oan gia trái chủ.
Sau khi cắt vong báo oán, chị mau chóng lành bệnh, đến nỗi các giáo sư, bác sĩ
cũng phải ngạc nhiên.
Một người khác quả quyết
mình bị ung thư, nhưng được chữa khỏi khi tìm đến chùa Ba Vàng. Tôi vẫn nhớ những
lời run run như xúc động của bà ấy khi thốt lên, chùa như bệnh viện cuối cùng của
những người vô phương cứu chữa về. Chị chưa kịp ngừng lời, tiếng vỗ tay vang
hơn, kéo dài hơn những đợt trước.
Một người đàn ông, tự nhận
là bác sĩ làm việc ở bệnh viện Bạch Mai, khi điều trị bệnh nhân dù đã đúng phác
đồ nhưng không tìm ra bệnh. Nhưng khi tìm đến chùa Ba Vàng thì điều thần kỳ xảy
ra, anh chỉ dùng hai liều men tiêu hoá, bệnh nhân đã khỏi bệnh. Lại có gia đình
phật tử từ miền nam đến tham dự, với câu chuyện chỉ cần thỉnh vong qua điện thoại
cũng thấy hiệu nghiệm bất ngờ.
Kết thúc buổi thuyết giảng
kéo dài hai tiếng rưỡi đồng hồ, tiễn trụ trì hồi hướng, các phật tử đồng quỳ gối,
tay chắp trước ngực. Một vài tiếng khóc bật lên, rồi nhiều hơn, vì "nỗi
oan nhà chùa". Những giọt nước mắt phật tử lăn dài. Ai cũng bày tỏ mong
chùa tiếp tục giữ pháp thỉnh trục vong, cắt oán.
Nhưng với báo chí thì còn
quá nhiều băn khoăn chưa được giải đáp. Trên đường sư Minh về nội tự điện, giữa
hai hàng chư tăng và phật tử hộ tống, nhiều phóng viên dù bị ngăn cản, vẫn cố
chạy theo hỏi với vào trong: Giáo hội khẳng định "trục vong" không có
trong giáo lý đạo Phật, đi ngược lại đạo đức xã hội, sư nghĩ sao? Sư nói thông
tin số tiền chùa thu về mỗi năm 100 tỉ không đúng, vậy số tiền thực sự là bao
nhiêu?
Nhưng trụ trì Thích Trúc
Thái Minh im lặng, từ chối trả lời tất cả những câu hỏi ấy.
Trên đường rời chùa, tiếng
vỗ tay đều tăm tắp suốt buổi thuyết giảng của sư Minh như vẫn văng vẳng trong
tâm trí, khiến tôi thêm trăn trở.
Trái ngược với quan điểm
của thầy Thái Minh, hoà thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự
Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại khẳng định, việc gọi vong, trừ vong không có
trong giáo lý nhà Phật. Ở góc độ quản lý nhà nước, Ban Tôn giáo Chính phủ có
văn bản nêu rõ, hiện tượng "trục vong", "gọi hồn" không có
trong truyền thống Phật giáo. Nếu các cơ sở thờ tự thực hiện là đang vi phạm Luật
Tín ngưỡng.
Nhưng, sẽ lý giải ra sao
khi những lý lẽ, lập luận của trụ trì chùa Ba Vàng được đưa ra đều dẫn trích từ
kinh Phật? Trên tất cả, thì hệ thống tư tưởng và hành vi của những người theo
Phật đều phải căn cứ vào kinh Phật, chứ không phải các nhận định dù là của Giáo
hội hay chính quyền. Có lẽ thông điệp của thầy Thái Minh cũng là như vậy.
Tôi không phải là người đọc
nhiều về Phật pháp. Và chắc nhiều người cũng như tôi, hoang mang trước một ma
trận các quan điểm đều được tuyên bố căn cứ trên "Phật pháp". Tôi
không có tư cách phản đối nếu ai đó trích dẫn một hệ thống lý luận đã tồn tại
hàng nghìn năm. Tôi chỉ có những câu hỏi. Nhưng chúng bị từ chối trả lời.
Nếu như những điều thầy
Thái Minh và các phật tử có mặt tại chùa Ba Vàng tuyên bố về công năng hóa giải
bệnh tật của trừ vong là có thật, thì nó là một phát hiện quan trọng của tôn
giáo: phương pháp luận này sẽ thay đổi cuộc sống của hàng triệu người, hỗ trợ
và thậm chí làm giảm gánh nặng của hệ thống Y tế - vốn đang là một bài toán đau
đầu của ngân sách. Ngay lúc này, với những người tin tưởng, nó đã thay đổi hành
vi của họ với bệnh tật, cuộc sống. Con số này sẽ còn tăng lên với đội ngũ truyền
thông tận tâm và hiện đại của chùa Ba Vàng. Đây không chỉ là vấn đề quan điểm của
sư Minh hay của Giáo hội, nó là một bài toán của xã hội.
Giáo hội, chính quyền và
chùa Ba Vàng đều sẽ trở nên vô trách nhiệm nếu một phát hiện quan trọng như vậy
chỉ gói gọn trong sân một ngôi chùa ở Quảng Ninh, được bảo vệ bằng dăm ba
"quan điểm". Đúng hay sai, cần những đối thoại ba mặt một lời, những
hội thảo khoa học và những chỉ đạo quyết liệt.
Bởi nếu câu trả lời là
"đúng", đây là một vấn đề quốc gia: năng suất lao động của toàn bộ xã
hội có thể được cải thiện bằng trừ vong. Nó cần được nhân rộng chứ không chỉ tổ
chức ở chùa Ba Vàng. Xã hội cần đầu tư cho thầy Thái Minh 100 tỷ USD để phát
triển công trình của mình, chứ không chỉ là 100 tỷ đồng.
Bởi nếu câu trả lời là
"sai", đây cũng là một vấn đề quốc gia: khung pháp lý nào cho những
hành vi đổi chác tiền bạc lấy niềm tin? Phải chăng chỉ cần lý do "tùy tâm
chứ không ép", thì bất kỳ ai có một luận điểm về thế giới tâm linh cũng được
phép thu tiền, trách nhiệm hoàn toàn phụ thuộc vào kẻ nhẹ dạ đã đưa tiền?
Và nếu không có câu trả lời
"đúng" hay "sai", đó cũng là một vấn đề quốc gia: một tôn
giáo với hàng triệu tín đồ, một tôn giáo đã song hành cùng lịch sử dân tộc, có
nguy cơ bị ảnh hưởng uy tín vì một cuộc tranh luận khiến người ngoại đạo hoảng
hốt.
Vũ Viết Tuân
------------------------------
XEM THÊM
Trúc
Nguyễn
24/03/2019
08:30 GMT+7
Nghe đã thấy sự "bá
đạo" của suy diễn, truyền bá mê tín gieo rắc lòng bất an để dễ bề kêu gọi
tiền công đức.
Chưa đi hết mùa lễ hội
năm 2019, chùa chiền trong nước xảy ra ít nhất 2 sự kiện gây đau lòng những phật
tử chân chính: Chùa Phúc Khánh ở Hà Nội ra bảng giá cúng sao giải hạn, từ chối
người thiếu lễ 50 nghìn đồng; và sự kiện đang “dậy sóng” là chùa Ba Vàng ở
Quảng Ninh thao túng đức tin người đi lễ, truyền bá mê tín thu lợi hàng chục tỷ
đồng... [1]
Điều đáng nói là nơi khởi
nguồn các sự việc tai tiếng là những chùa to nổi tiếng, người đứng đầu cũng là
những người có bằng cấp chức sắc cao trong giáo hội. Chùa Phúc Khánh vì tọa lạc
trung tâm thủ đô nên chỉ dừng ở mức "chùa to", còn chùa Ba Vàng có diện
tích hàng chục ngàn m2 và đang dính nghi án chiếm dụng đất rừng! [2]
Chùa to, chùa nổi tiếng,
chức sắc to, học vị cao... đáng ra phải là nơi mẫu mực của chánh đạo, nơi làm
nên những việc tốt đạo đẹp đời. Phải chăng đạo cũng như đời, bằng cấp, chức sắc,
hoành tráng... mà không biết thúc liễm thân tâm thì cũng sớm đi vào con đường lệch
lạc!?
Tháng trước, sau khi bài
viết của tôi Chùa
nhỏ, chùa to, chùa ‘siêu to’... chùa nào có Phật? được đăng tải,
xuất hiện clip trả lời báo chí của một nhà sư, cũng nổi tiếng bằng cấp cao. Ông
so sánh với các tôn giáo khác ở nhiều nước trên thế giới có nhiều cơ sở to lớn
thì tại sao chùa to ở Việt Nam bị phê phán.
Hàng chục lần nhà sư dùng
cụm từ "Cách mạng 4.0", "tư duy 0.4" để phản bác ý kiến báo
chí về tình trạng chùa to xuất hiện ngày càng nhiều... Đáng tiếc những vấn đề cốt
lõi là sự khiêm cung tiếp thu ý kiến từ dư luận cũng như câu hỏi tại sao chùa
nhiều, sư đông... mà xã hội đạo đức xuống cấp, bạo lực tràn lan đã không nghe
thấy nhà sư đề cập!
Quang cảnh lễ khai
hội Xuân chùa Ba Vàng 2019. Ảnh: TTXVN
Trong sự việc Chùa Ba
Vàng gây phẫn nộ dư luận hiện nay, vị trụ trì cũng "đăng đàn" bào chữa:
"Vì Ba Vàng là chùa to nên bị ghen ghét đố kỵ"! Chuyện đau khổ của
chúng sinh là do quả báo tiền kiếp, còn chuyện của chùa là do bị ghen ghét chứ
chùa không có gì sai!? Nhà sư còn nói: "Tôi có đầy đủ tang chứng vật chứng",
nhưng nói tiếp: "Chuyện tâm linh không phải ai cũng nói được mà chỉ có người
trong cuộc hiểu mà thôi" [3]...
Vậy tang chứng vật chứng
của chùa Ba Vàng phải chăng là những điều không thể kiểm chứng? Những lời bào
chữa lấy được cho thấy không có sự cầu thị tiếp thu, toàn ngụy biện, đổ vấy
trách nhiệm, càng nói nói càng xa kinh Phật.
Phật dạy tu học có 3 hình
thức giáo dục là "khẩu giáo" (dùng lời nói để giảng dạy), "thân
giáo" (cuộc sống đạo đức chính đạo của người tu chính là bài học sống động
cho tín đồ) và "ý giáo" (khi đệ tử tu đạt trình cao thì có thể lĩnh hội
được điều thầy muốn dạy từ trong ý nghĩ, như câu chuyện "Niêm hoa vi tiếu").
Ý kiến cho rằng chùa to là cần có để làm nơi giáo dục tâm tính con người hướng
thiện... chỉ là suy diễn.
Thiển nghĩ, chùa to tượng
lớn chẳng qua cũng chỉ là nhiều hay ít về khối lượng bê tông, sắt thép đồng...
Những thứ vô tri vô giác làm sao có chức năng giáo dưỡng, làm gì có "bê
tông giáo" trong kinh Phật!
Bà Yến chùa Ba
Vàng dẫn vụ án rúng động tính tàn độc, thay vì lên án những kẻ gây tội, đề
cao sự nghiêm minh của pháp luật... thì lại cho rằng kiếp trước cô gái nạn nhân
đã từng làm kẻ cướp, hiếp dâm nên bây giờ chịu quả báo... Nghe đã thấy sự
"bá đạo" của suy diễn, truyền bá mê tín gieo rắc lòng bất an để dễ bề
kêu gọi tiền công đức.
Nhìn đoạn phim những người
đi chùa bị kiểm xét thân thể quần áo đăng trên Báo Lao Động, tôi tự hỏi chẳng
lẽ đường về cực lạc cũng có “BOT” nữa sao!? Phật dạy chỉ những người tu đạt Tam
Minh, Lục Thông, Ngũ Nhãn mới thấy biết được kiếp trước của người khác. Ngay cả
10 đại đệ tử được Phật chứng nhận đắc quả A La Hán như các ngài A Nan, Ca
Diếp, Mục Kiền Liên... khi ra ngoài đi khất thực gặp sự kiện khó hiểu của xã hội
đều về hỏi Phật để ngài giảng dạy. Vậy mà nhà sư Thái Minh, Bà Yến có thể thấy
biết về kiếp trước của chúng sinh... quả là lộng ngôn, khẩu nghiệp!
Phật giáo là tôn giáo của
số đông ở nước ta nhưng sinh hoạt của tôn giáo này nhiều năm đang có phần “mất
dây cương”. Những điều lộ ra chỉ là phần nổi của tảng băng, nếu không kê
"một liều thuốc mạnh" thì còn tiếp tục gây nhiều nhiễu loạn nhân
tình, rối ren đất nước.
Xứ Huế lưu truyền câu
chuyện, có quan lớn và đoàn tùy tùng đến một ngôi chùa nhỏ trên núi, quan
sai người vào nói hòa thượng trụ trì ra tiếp. Lão hòa thượng nói chú tiểu ra
nói: cửa chùa rộng mở cho bá tánh thập phương không phân biệt sang hèn, ông lên
chùa thì mời vào lễ Phật! Hoà thượng còn gửi lời khuyên quan về nhà cố gắng niệm
Phật cho nhiều để có trí tuệ làm việc lợi ích cho dân cho nước. Người tu pháp Tịnh
độ khuyên niệm Phật ý là khuyên tĩnh tâm quán xét bản ngã!
Kinh Trường Bộ ghi, một
hôm đức Phật cùng đệ tử đứng chờ đò để đi qua sông thì gặp hai ông đạo sĩ già
khoe khoang tài nghệ dùng thần thông đi trên nước. Một ông nói đã tu luyện phép
thuật này 60 năm, đạo sĩ kia thì nói tu luyện phép thuật 70 năm... Khi đức Phật
qua bên kia sông rồi, ngài hỏi đệ tử đã trả tiền đò hết bao nhiêu, đệ tử thưa hết
2 xu. Ngài nói: họ mất một đời người tu luyện để làm một việc mà chúng ta chỉ mất
2 xu là có thể làm được"!
Cuộc đời Đức Phật nổi bật
nhiều bài học đạo đức trong đó có lòng khiêm cung và từ ái, tôn trọng quy
luật khách quan của tự nhiên và xã hội. Ngài cũng đứng đợi đò như bao người
khác, năm 80 tuổi ngài cũng rời cõi thế đi vào cõi chết chứ không lạm dụng thần
thông kéo dài sự sống để nhận "bằng kỷ lục" sống thọ nhất thế giới...
Ngài bình thường cho nên ngài vĩ đại!
Trúc Nguyễn
---------
[1] Vụ "vong báo
oán" chùa Ba Vàng: Kinh doanh trên sự mê tín của kẻ khác, Lao động online,
22/03/2019.
[2] Chùa Ba Vàng: 10 năm
biến thành nguy nga rộng hàng chục ngàn mét vuông, Tuổi trẻ online, 21/03/2019.
[3] Đại đức Thích Trúc
Thái Minh: Chùa Ba Và
No comments:
Post a Comment