Trọng Nghĩa – RFI
Đăng ngày 29-03-2019
Dù
không chiếm lĩnh vị trí đầu trong dòng thời sự quốc tế trong những ngày gần
đây, nhưng vấn đề Đài Loan tiếp tục gây xáo động trong quan hệ Mỹ-Trung vào lúc
hai bên bước vào điều có thể gọi là giai đoạn cuối rất gay go của vòng đàm phán
nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại. Giới quan sát ghi nhận một loạt động
thái ngoại giao-quân sự của Washington mang dụng ý thị uy trên hiện trường, bên
cạnh rất nhiều bài bình luận trên báo chí Mỹ cảnh báo Trung Quốc trên vấn đề
Đài Loan.
Một trong những phân tích đáng chú ý gần đây là của
trung tâm tham vấn chiến lược Stratfor, trụ sở tại Austin (Texas – Hoa Kỳ), gắn
liền hai điểm nóng trong quan hệ Mỹ-Trung vào lúc này là Biển Đông và Đài Loan
để khẳng định rằng “Washington đang cân nhắc về khả năng hiện diện quân sự
trên một hòn đảo Đài Loan”. Bài phân tích này đã được tạp chí bảo thủ Mỹ
The National Interest đăng lại ngày 22/03/2019 dưới một tựa đề đầy ấn tượng : “Phải
chăng ác mộng khủng khiếp nhất đối với Trung Quốc là Hoa Kỳ hiện diện quân sự tại
Đài Loan? - China's Worst Nightmare: A U.S. Military Presence
on Taiwan?”
Mỹ tăng hiện diện hải quân ở eo biển Đài Loan và Biển
Đông
Theo phân tích của Stratfor ngay từ cuối năm ngoái
2018, chiều hướng mà Mỹ đang theo đuổi là tiếp tục củng cố sự hiện diện hải
quân của họ ở Biển Đông, và tiếp tục xây dựng các mối quan hệ quốc phòng và
kinh tế với các láng giềng trên biển của Trung Quốc từ Đài Loan đến Đông Nam Á.
Trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn đẩy mạnh chiến lược cô lập
Đài Loan, Washington sẽ tiếp tục tìm cách tăng cường quan hệ với Đài Bắc trong
nỗ lực đối phó với Bắc Kinh trong khu vực.
Nhận định đầu tiên của Stratfor là hợp tác an ninh
được tăng cường giữa Đài Loan và Hoa Kỳ có khả năng được mở rộng rất dễ dàng nhờ
việc hai bên đều muốn cân bằng sự hiện diện quân sự gia tăng của Trung Quốc tại
hai vùng eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Đài Loan sẵn sàng xem xét việc cho Mỹ tiếp cận đảo Ba
Bình
Hai khu vực này đã được Đài Bắc đặt trong sự tương
quan chặt chẽ với nhau gắn khi vào ngày 5 tháng 11 năm 2018, bộ trưởng Quốc
Phòng Đài Loan, tướng Nghiêm Đức Phát (Yen Teh Fa) xác định tại Nghị Viện Đài
Loan rằng chính quyền Đài Bắc sẵn sàng xem xét việc cho phép Hải Quân Hoa Kỳ tiếp
cận đảo Ba Bình (tên tiếng Hoa là Thái Bình) nếu Washington yêu cầu.
Nhận xét này theo Stratfor không hề có nghĩa là Đài
Loan đã đồng ý, mặc dù bộ trưởng Đài Loan nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ có thể được quyền
ghé Ba Bình trong các hoạt động nhân đạo hoặc vì an ninh khu vực nếu phù hợp với
lợi ích của Đài Loan.
Đối với Stratfor, việc cho phép Hoa Kỳ sử dụng đảo
Ba Bình có khả năng làm thay đổi nguyên trạng trong khu vực vào thời điểm Hải
Quân Mỹ đang đẩy mạnh sự hiện diện tại vùng eo biển Đài Loan.
Ngay từ cuối năm ngoái, tàu hải quân Mỹ đã hai lần
đi qua eo biển Đài Loan trong một nỗ lực được cho là nhằm áp đặt những cuộc tuần
tra thường xuyên, thậm chí mở đường cho một hải đội tàu sân bay đi qua khu vực.
Các hoạt động khởi sự từ năm ngoái đã tiếp tục được
đẩy mạnh trong ba tháng đầu năm nay. Ngày 25/02 vừa qua, hai chiếc tàu hải quân
Mỹ, bao gồm khu trục hạm Stethem và tàu chở hàng và đạn dược Cesar Chavez đã đi
qua eo biển Đài Loan, làm dấy lên những lời phản đối từ phía Trung Quốc.
Không đầy một tháng sau đó, ngày 24/03 vừa qua, lại
có thêm hai chiến hạm Mỹ xẻ dọc eo biển Đài Loan. Trong chiến dịch tuần tra này,
Hoa Kỳ đã có dấu hiệu gia tăng áp lực khi lần đầu tiên, tàu của lực lượng Tuần
Duyên Mỹ được huy động vào chiến dịch tuần tra ở vùng biển nhạy cảm này.
Đây có thể được xem là một bước dấn thân mạnh mẽ hơn
của Mỹ vào vùng biển quanh Trung Quốc, trước đây chỉ do Hạm Đội 7 phụ trách,
sau này được thêm Hạm Đội 3 tiếp ứng, và bây giờ là Lực Lượng Tuần Duyên.
Giá trị chiến lược của Ba Bình
Theo nhận xét của Stratfor, đảo Ba Bình mà Đài Loan
kiểm soát ở vùng quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, có một giá trị chiến lược
quan trọng.
Đảo nằm giữa Biển Đông này là một địa điểm lý tưởng
để đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển, và để thiết lập một sự hiện diện
trong khu vực đang tranh chấp.
Ba Bình còn sở hữu nguồn thủy sản dồi dào và là hòn
đảo duy nhất ở khu vực Trường Sa có nguồn cung cấp nước ngọt trên đảo.
Nhờ vào vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên đó, Ba
Bình có thể đẽ dàng đóng vai một căn cứ hậu cần quan trọng.
Việc tiếp cận Ba Bình sẽ hỗ trợ đáng kể cho hoạt động
của Hoa Kỳ ở Biển Đông, qua đó khuyến khích các nước như Việt Nam hay
Philippines mạnh dạn hơn trong việc chống lại các yêu sách lãnh thổ của Bắc
Kinh.
Theo Stratfor, một sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ
trên Ba Bình hoặc trên đảo Đài Loan, sẽ là một hành động khiêu khích nghiêm trọng
đối với Bắc Kinh, luôn luôn coi Đài Loan là một tỉnh ngỗ nghịch đòi ly khai, và
coi quan hệ Washington - Đài Bắc là mối đe dọa đối với chủ quyền của Trung Quốc.
Phản ứng lo ngại của Trung Quốc
Bắc Kinh đã cực lực phản đối các động thái hậu thuẫn
của Mỹ đối với Đài Loan, thâm chí từng đe dọa tấn công Đài Loan nếu để cho chiến
hạm Mỹ ghé cảng.
Vào lúc này, Đài Loan và Trung Quốc là hai bên tranh
chấp khác nhau ở Biển Đông. Hy vọng sâu xa của Bắc Kinh là trong tương lại, sau
khi họ thống nhất được với Đài Bắc, Ba Bình cũng như một vài đảo đá khác trong
tay chính quyền Đài Loan sẽ đương nhiên trở về dưới trướng của Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc rất lo ngại trước hai
khả năng: Một là Đài Loan không đủ sức bảo vệ Ba Bình, để đảo này bị một đối thủ
tranh chấp nào đó chiếm mất, và hai là Đài Loan bật đèn xanh cho các đối thủ của
Trung Quốc như là Việt Nam hay là Mỹ sử dụng đảo Ba Bình.
Về phần mình, Đài Bắc trong thời gian qua đã không
ngừng nỗ lực tang cường sức mạnh để kháng lại sức bành trướng của Bắc Kinh.
Trong hai năm gần đây, áp lực của Trung Quốc trên Đài Loan không ngừng gia
tang, thúc đẩy chính quyền Đài Bắc xem hợp tác với Hoa Kỳ là một phương án tốt
bảo đảm quyền kiểm soát của Đài Loan trên đảo Ba Bình và kháng lại sức mạnh
quân sự của Trung Quốc tại Eo biển Đài Loan.
Một số học giả Đài Loan từng cho rằng chính quyền
nên cho quân đội Mỹ thuê đảo Ba Bình, một động thái chắc chắn sẽ làm cho Bắc
Kinh nổi cơn thịnh nộ làm cho tình hình căng thẳng leo thang.
No comments:
Post a Comment