Monday, March 25, 2019

ĐÀ LẠT CỦA AI? Tâm Chánh





ĐÀ LẠT CỦA AI?
THỂ CHẾ CHỌN QUAN VÀ CHỌN DÂN

Đà Lạt trong thực tế đã là thủ đô mùa hè của Đông Dương, một đô thị nghỉ dưỡng lớn được người nước ngoài, người Pháp, người Việt quốc tịch Pháp và các gia đình thượng lưu người Việt chọn làm nơi nghỉ ngơi. 

( Đà Lạt từng nổi tiếng là một điểm đến tổ chức cưới, trăng mật, một trung tâm sinh hoạt dã ngoại và kéo dài sức hút ấy cho đến tận thời điểm 1975 ). 

Cả với thực thể Hoàng triều cương thổ, Đà Lạt cũng trở thành một kinh đô đặc biệt của triều Nguyễn thời Bảo Đại.

Trong giai đoạn đệ nhất cộng hoà của Ngô Đình Diệm, Đà Lạt đã kế tục, tôn tạo, và hoàn chỉnh bản sắc của nó, làm cho hồn vía Đà Lạt trở nên đặc biệt trong kí ức đô thị Việt Nam.
Trong những năm thuộc chính thể Việt Nam cộng hoà, Đà Lạt thiết lập các trường đại học lớn của quốc gia, hỗ trợ xây dựng các cơ sở tôn giáo lớn, tạo lập tiếp các thế hệ cư dân trí thức cho Đà Lạt. Cũng chính cơ sở cư dân này đã sáng tạo một đô thị độc đáo: thành phố tình nhân. 

Đà Lạt là cả pho di sản về vẻ lãng mạn và sự tôn vinh tình yêu trong lòng một đô thị hiện đại. Từ thiên nhiên thơ mộng trữ tình của mình và trong chính các thế hệ cư dân trường võ bị, trường chính trị kinh doanh, viện đại học Đà Lạt, từ những Bảo Đại, Nam Phương hoàng hậu, Nhất Linh, Nguyễn Vỹ, Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Lê Uyên Phương... Con đường Tình Nhân , có lúc là con đường Hoa Hồng, đường Cộng Hoà, một con đường nhỏ dẫn từ một khu vực trung tâm Hoà Bình, quanh co qua triền đồi rừng thông lên Dinh Tỉnh trưởng, là một địa chỉ từng gắn bó với bao lứa đôi Đà Lạt. 

( Phố tình nhân độc đáo ấy ngày nay là đường Lý Tự Trọng vô sắc, vô hồn, bị lãng quên và sẽ được xoá sổ khi nơi đây sẽ ken đặc những công trình khách sạn, trung tâm thương mại cao tầng được cho là điểm nhấn mới của Đà Lạt ). 

Đó chính xác là một khó báu đang để hoang phế.

Một thực tế về vai trò của năng lực thể chế ở đô thị trứ danh này đó là chính sách phát triển cư dân chọn lọc của Đà Lạt. 

Từ thời Pháp tới thời Hoàng triều cương thổ, người Việt lên Đà Lạt phải có giấy thông hành. Ngoài người Pháp và dân Tây ( người Việt quốc tịch Pháp, chủ yếu là tầng lớp thượng lưu Nam Kì ) có quyền lưu trú, mua bán sở hữu bất động sản tại đây, còn có giới chức quản lí người Việt cùng tuỳ tùng của Bảo Đại và triều đình Huế ở hành cung Đà Lạt. Tính chất thượng lưu của lớp cư dân này đã xúc tác tới những nhân tố cơ bản của một đô thị dịch vụ.
Trong các qui hoạch về phát triển cư dân, nhà cầm quyền xác lập chính sách phát triển cư dân trong nhóm ưu tiên đó và người dân bản địa.

Tuy vậy để bảo đảm nguồn nhân lực cho Đà Lạt, các viên chức quản lí Đà Lạt đã phối hợp với các địa phương tuyển mộ dân lên Đà Lạt khai khẩn đất đai có trọng điểm nhằm phục vụ trực tiếp cho sự phát triển Đà Lạt. 

Cách hình thành ấp Hà Đông, ấp Nghệ Tĩnh một kiểu xây dựng kinh tế mới rất thị trường từ sáng kiến của của các quan đốc lý Trần Văn Lý, Phạm Khắc Hoè, đều là những trí thức trọng thần của nhà Nguyễn. Chính các chương trình phát triển cư dân chọn lọc này đã hình thành ở Đà Lạt nghề trồng hoa, trồng hoa quả, nghề quản gia, giúp việc, làm vườn, chăm sóc hoa kiểng, buôn bán, vận chuyển, nấu ăn, dệt lụa, thêu may...hoàn thiện đặc trưng đô thị dịch vụ của Đà Lạt.

Đến thời Việt Nam cộng hoà, “visa Đà Lạt” bị bãi bỏ, chính việc xây dựng các trung tâm giáo dục lớn, các cơ sở khoa học, văn hoá, đào tạo quốc phòng, cùng với việc tiếp nối các qui phạm phát triển mà người Pháp tạo lập, đã góp phần quản lí được quá trình phát triển, tránh được tai họa nhân mãn, quá tải, giữ được nền nếp và lề lối của Đà Lạt.

Khó có thể nói khác, sự phát triển, trứ danh và truyền thừa của đô thị Đà Lạt được bảo đảm bằng chính năng lực thể chế tạo ra và quản lí nó. 

Đó là sự kết hợp giữa đẳng tầm nhìn lãnh đạo, trình văn minh thể chế, và tài hoa thiết kế, hoạch định. 

Một Paris ở Viễn Đông không chỉ là lối nói ví von về mục tiêu như thời nay thường nghe. Nó chứa đựng nội hàm rõ ràng về đẳng cấp và cả cách định vị. Vị trí thủ đô Liên bang Đông Dương được định chuẩn bằng một thành phố Âu châu cỡ lớn và nổi tiếng, đồng thời là một thành phố giáo dục, một trung tâm thanh niên. Đó là một tầm nhìn vượt lên không chỉ nhiệm kì mà cho đến cả chục thế hệ.

Đủ tri thức để thấu hiểu bức thư tiến cử Đà Lạt của nhà thám hiểm Yersin, Toàn quyền Paul Doumer còn tìm đúng nhân vật làm thị trưởng đầu tiên, khi Đà Lạt chỉ có 19 nóc gia người Lạch và vài chục công dân. 

Paul Champoudry, thị trưởng Đà Lạt từ 1901 đến 1908, khi được bổ nhiệm đã là một ông già nhưng đã từng là ủy viên Hội đồng thành phố Paris , người có kinh nghiệm về ngân sách, và là người tham gia điều hành kỳ đấu xảo quốc tế nổi tiếng tại Paris . 

Chính thị trưởng già này đã phác họa tầm nhìn của Paul Doumer thành bố cục các chức năng của Đà Lạt, và là người xúc tiến các khoản vay chính phủ lên tới 200 triệu quan mở đường lên Đà Lạt từ Tháp Chàm.

Trong thời kì bảo hộ, rồi trong thời Việt Nam cộng hoà, các thị trưởng Đà Lạt hoặc là các trọng thần triều đình dày dạn kinh nghiệm hay những nhà quản lí tiếng tăm và đều là những trí thức danh tiếng như Trần Văn Lý, Nguyễn Tiến Lãng, Phạm Khắc Hoè, Ưng An, Trần Văn Phước...

Đà Lạt thực tế như một dự án phát triển của quốc gia. 

Thời thuộc Pháp ngân sách kiến tạo cơ sở hạ tầng do Toàn quyền vay của Chính phủ và trả lại tiền thuế thu được của Đông Dương. 

Hay trong cách mở ấp Hà Đông, đốc lý Trần Văn Lý vận động tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu và được vị quan con trai đại thần Hoàng Cao Khải vay của Quỹ tương tế Bắc Kì. Một phần để tuyển mộ dân có tay nghề ở các làng nghề trồng hoa, dệt lụa, may thêu. Một phần nhiều được chuyển lên Đà Lạt để xây dựng nhà cửa, ruộng đất phục vụ cho những bà con “kinh tế mới” này. Tất nhiên Hà Đông sẽ phải trả các khoản vay. Các chức quan địa phương thuở ấy nhiệt tình hợp tác kiểu như vậy vì cơ hội mở mang thiết thực cho dân chúng và các làng nghề của nơi họ nhiệm trấn. 

(Khác với cách nhiệt tình của các quan địa phương thời nay dùng ngân sách để đóng góp xây dựng các kiểu chùa Bái Đính, lo chỗ điền viên cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp).

Tuy nhiên điều hành toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của Đà Lạt là một chính quyền đô thị, một thể chế dân chủ.

Đà Lạt có thị trưởng do Toàn quyền bổ nhiệm ( trong các thể chế tiếp nối là Quốc trưởng, Tổng thống bổ nhiệm ). Và hội đồng thị chính được bầu để thảo luận và quyết định dân chủ các chính sách phát triển, thu chi ngân sách, đại diện cho ý chí của người dân và giám sát quá trình thực thi pháp luật của bộ máy chính quyền đô thị. 

Cả hai câu chuyện kể dưới đây chỉ vắn lược thực chất vai trò và tác động của thể chế văn minh được áp dụng ở Đà Lạt.

Một trong những vấn đề tranh luận quyết liệt để thông qua đồ án qui hoạch Đà Lạt của E.Hébrard là vấn đề quyền cư trú của người Việt Nam. Các tranh cãi liên quan đến vấn đề này đều chăm chăm vào sự lụp xụp kém mỹ quan và tình trạng vệ sinh kém ở khu vực này là nguy cơ cho các bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng tới khu người Pháp. 

Hội đồng TP có 5 người, với chủ tịch và 2 đại diện người Pháp, 2 đại diện người Việt. Vào 1926, hai đại diện người Việt đã nổ lực tranh cãi để cuối cùng chính quyền quyết định xây dựng chợ Đà Lạt tại khu vực này. Người Việt được bảo đảm quyền cư trú bằng qui chuẩn nền nhà vườn 50x20m. 

Khu vực ấp Ánh Sáng và chợ Hoà Bình đã tồn tại, còn đóng vai trò trung tâm của Đà Lạt không phải với các kiến trúc nhà ở và cảnh quan kiểu Pháp mà bằng chính kiểu cư trú và sinh hoạt của người Việt và cư dân bản địa người Lạch. Đó hẳn là một tác phẩm ngộ nghĩnh và đặc sắc của Đà Lạt.

Chuyện thứ hai là khi xây dụng chợ mới Đà Lạt, nhà thầu người Việt cũng tranh thủ xây một khách sạn ngay sát địa điểm xây chợ. Ông chủ - nhà thầu đã khéo léo tận dụng thế của mình để cơi chiều cao vượt qui chuẩn thêm một tầng lầu. Việc làm này nhanh chóng được người dân phát hiện và tạo thành một dư luận mạnh mẽ. Cơ quan quản lí xây dựng của chính quyền Sài Gòn đã phải lên tiếng chính thức. Hội đồng thành phố đã diễn ra tranh luận và yêu cầu thực hiện nghiêm nhặt qui chuẩn xây dựng. Đà Lạt có ngôi chợ lầu to đẹp. Còn ông chủ thầu thì méo mặt dỡ bỏ tầng lầu tranh thủ của mình.

Chính quyền đô thị chính là trình văn mình mà đô thị Đà Lạt đã từng đạt đến một cách thực chất. 

Cùng với tầm lãnh đạo quốc gia, một thể chế tiệm cận được với trình độ tiên tiến về quản lí xã hội có thể nói là điều kiện then chốt cho những điều kì diệu làm nên một Đà Lạt trứ danh. 

Cũng là tiền đề cơ bản để Đà Lạt chọn được quan đã đành, mà còn chọn được cả dân, bảo đảm cho thế phát triển bền vững, dài lâu.

Từ một thủ đô của Đông Dương cho đến khi Đà Lạt trở thành thủ phủ của một tỉnh miền núi là quá trình đảo lộn Đà Lạt, phản ánh rõ nét về năng lực thể chế. Nổi bật là tiến trình trung tâm chợ Hoà Bình trong số phận Đà Lạt sau ngày đất nước thống nhất 1975. ( Còn biên...)


*
*

ĐÀ LẠT ĐANG SỐNG AI BIẾN THÀNH HOÀI NIỆM?

Những người có trách nhiệm gìn giữ hồn vía Đà Lạt nhất lại đang khuyên người dân đừng quá hoài niệm quá khứ.

Nhưng cái quá khứ ấy lại là phần tài hoa nhất của 125 phát triển đô thị Đà Lạt.
Giữa một châu Âu lộng lẫy là một hình thái văn hoá bản địa sống động.
Không đối lập mà hài hoà.
Không lọt thỏm quê mùa mà mạch lạc, sinh động.
Đó không đơn giản là một bản vẽ, mà là cuộc đời của Đà Lạt.
Không phải Paris.
Của Việt Nam.
Dù có được người Pháp tạo tác.

Đà Lạt rất may mắn được tạo tác vì con người, không phải vì những cỗ máy, cho dù là cổ máy kiêu hãnh, tàn bạo.
Không có cơn say cuồng đệ nhất, nên ngay làm dinh thự toàn quyền Đông Dương cũng ô trọc toà ngang dãy dọc như trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng.
Hãy biết khiêm tốn với tiền nhân hỡi những quan chức Đà Lạt, vì so với chúng ta họ biết trời, biết đất và con người hơn nhiều.

“Đừng quá hoài niệm quá khứ!”
Chỉ có sự dốt nát mới tìm kiếm sự đối lập trong thế phát triển của Đà Lạt.

“Đừng quá hoài niệm quá khứ!”
Chỉ có sự hỗn xược mới biến những giá trị sống của Đà Lạt thành hoài niệm.

Nói để cho các vị rõ, trong các giá trị Đà Lạt, chỉ có thể chế văn minh quản trị đô thị đã chết. Nhưng chẳng phải chúng ta cũng đang tìm cách hồi sinh nó đấy sao?







No comments: