Tuesday, March 26, 2019

BẢN TIN NGÀY 26/3/2019 (Báo Tiếng Dân)




26/03/2019

Tin Biển Đông

Báo Tuổi Trẻ có bài: Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, Philippines nói chỉ có thể phản đối mạnh mẽ. Theo đó, “thông điệp này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc xua đuổi ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough. Ngoài ra, hồi đầu tháng 3 có thông tin nói rằng tàu Trung Quốc cũng ngăn ngư dân Philippines tiếp cận các khu vực gần đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam”.
Ông Salvador Panelo, người phát ngôn Phủ tổng thống Philippines nói: “Chúng ta chỉ có thể bày tỏ phản đối như bất kỳ nước nào đang tranh chấp chủ quyền. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm, hoặc nếu các anh muốn chúng ta phải tuyên bố chiến tranh với họ à?”


Bộ Công an: Trương Duy Nhất có liên quan đến Vũ ‘nhôm’

Báo chí trong nước hôm nay được phép đưa tin về Trương Duy Nhất. Các tờ báo quốc doanh dẫn lời trung tướng Trần Văn Vệ, Chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, cho biết, ông Nhất “có liên quan đến vụ án Vũ nhôm”, nhưng không xác định ông Nhất đã bị bắt hay chưa. Báo Tuổi Trẻ có bài: Ông Trương Duy Nhất có liên quan đến vụ án Vũ ‘nhôm’.

Tướng Vệ cho biết, lúc còn là trưởng đại diện của báo Đại Đoàn Kết ở TP Đà Nẵng, “ông Nhất đã lợi dụng giấy tờ của báo Đại Đoàn Kết để mua nhà đất không qua đấu giá, gây thất thoát lãng phí”. Bên cạnh đó, theo tướng Vệ, Vũ “nhôm” có liên quan đến 6 vụ án do Bộ Công an điều tra, nghĩa là Vũ sẽ còn tiếp tục hầu tòa và sẽ còn có nhiều quan chức vướng vòng lao lý vì liên quan tới Vũ trong các vụ “ăn” đất ở Sài Gòn và Đà Nẵng.

BBC có bài: Ông Trương Duy Nhất bị công an điều tra vì ‘liên quan Vũ Nhôm’. Hiện tại chỉ có một số ít nguồn tin “hành lang” xác nhận rằng ông Nhất đang bị giam tại trại T16 ở huyện Thanh Oai, Hà Nội. Theo người nhà ông Nhất và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, ông Nhất bị đưa vào đó ngay sau khi bị bắt ngày 28/1/2019. Cô Trương Thục Đoan, con gái ông Nhất, cho biết, một người giấu tên đã báo tin về ông Nhất cho gia đình cô hôm 15/3.


“Củi” ở Thành Hồ

Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM vừa quyết định cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với cựu Phó chánh Văn phòng Thành ủy, báo Thanh Niên đưa tin. Ông Phạm Văn Thông, cựu Phó Văn phòng Thành ủy, nhiệm kỳ 2015-2020, dù chưa hết nhiệm kỳ nhưng đã thành “cựu” và bị cách hết chức vụ trong Đảng do sai phạm khi đề xuất chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận “thực hiện hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án Khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè”.

Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá, “vi phạm của ông Phạm Văn Thông là rất nghiêm trọng”. Bài viết lưu ý: Ngày 6/7/2018, UBKT Thành ủy TP HCM đã kỷ luật cảnh cáo ông Thông và đề nghị cho thôi chức Chủ tịch HĐQT Saigonbank.

Báo Người Đưa Tin có bài: Hàng loạt sai phạm rất nghiêm trọng của Phó Chánh VP Thành ủy TP.HCM Phạm Văn Thông. Bên cạnh sai phạm dự án Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè, ông Thông còn ký chấp thuận cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng 45% vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất tại dự án khu dân cư phường Tân Phong, quận 7, chấp thuận cho Công ty Phú Nhuận chuyển nhượng dự án Khu nhà ở phường An Phú, quận 2.


Lãnh đạo Công ty Nhiệt điện Quảng Ninh vào “lò”

Công an tỉnh Quảng Ninh vừa bắt khẩn cấp Chủ tịch HĐQT công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh, theo báo Người Đưa Tin. Ông Lương Phúc Sơn, Viện trưởng VKSND tỉnh cho biết, cơ quan này đã phê chuẩn quyết định bắt khẩn cấp ông Lê Duy Hạnh, cựu Chủ tịch HĐQT công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh.

Ông Sơn nói: “Ông Hạnh bị bắt vì hành vi làm giả nhiều loại giấy tờ. Việc những loại giấy tờ làm giả có liên quan đến hoạt động của công ty hay không còn phải chờ kết quả điều tra của cơ quan công an”.

Ông Lê Duy Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh, trở thành củi. Ảnh: Nguyễn Quý/ DV


Cán bộ trục lợi, bức tử các doanh nghiệp tư nhân

Bài thứ 5 trên trang Pháp Luật VN đưa tin vụ chính quyền bức tử doanh nghiệp: “Kỷ lục vô lý” 11 ha cây cối được đền… 184 triệu. Đó là vụ bà Lê Thị Phương Mai, từng sở hữu hàng trăm ngàn m2 đất tại ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, nhưng rồi bị chính quyền địa phương cưỡng chế thu hồi, giao cho Dona Coop “khai thác mỏ đá, dù doanh nghiệp của cụ chưa nhận một xu bồi thường”.

Con trai bà Mai kể: “Mười một ha đất nhà tôi phủ kín tràm. Mỗi ha trồng ban đầu khoảng 3.200 cây, cứ tính rơi rụng thoải mái đi còn 2.800 cây, riêng số tràm đã lên tới hơn 30 ngàn cây từ 2 – 5 năm tuổi. Chưa kể khoảng 300 cây xà cừ 30 năm tuổi, cả trăm cây sao khác, riêng số tiền cây cối nhà tôi đã trị giá ít nhất 4 tỷ. Mồ hôi, nước mắt, xương máu trồng cây hàng chục năm, vậy mà họ tính ra giá trị chưa tới 6.000 đồng/cây”

32 ngàn gốc cây lớn nhỏ được Biên Hòa tính toán bồi thường 184 triệu đồng. Nguồn: PLVN

Báo Người Đưa Tin đặt câu hỏi về sai phạm ở Hà Nam: Một Phó chủ tịch UBND tỉnh bị doanh nghiệp tố lạm quyền?Đó là vụ một doanh nghiệp địa phương tố cáo ông Trương Quốc Huy, Phó chủ tịch UBND tỉnh “có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đe dọa doanh nghiệp”. Ông Huy “ưu ái” công ty của người thân mình nên đã ép buộc doanh nghiệp này phải chấm dứt hợp đồng ở cầu cảng của nhà máy xi măng Bút Sơn, dù thiệt hại có thể đến hàng chục tỉ.

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi về vụ ngã giá để làm hộ chiếu nhanh: “Cán bộ không nhận tiền sẽ thiếu… nhân văn”?Ông Đỗ Văn Huân, Trưởng phòng Quản lý XNC, Công an Bắc Giang thừa nhận, thông tin về “người chụp ảnh trong phòng quản lý xuất nhập cảnh tỉnh Bắc Giang ngã giá và nhận tiền công khai để làm hộ chiếu nhanh là đúng sự thật”. Tuy nhiên, ông Huân cho rằng cán bộ có thể được nhận tiền “bôi trơn” từ người dân: “Chi phí đi lại, người dân phải chi trả cho cán bộ. Chứ chả lẽ, cán bộ lại bỏ tiền túi để đi làm?”


Luật rừng VN: Loay hoay với cán bộ làm nhục dân

Báo Lao Động có bài: Cán bộ từng bắt dân chui qua háng vẫn giữ chức danh Hội thẩm nhân dân. Theo đó, ông Vì Văn Hà, cựu Chủ tịch MTTQ thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa, sau khi vướng hàng loạt sai phạm, bao gồm chuyện công kích các “đồng chí” của ông và làm nhục người dân, “đã bị cho thôi tất cả các chức vụ trong Đảng. Tuy nhiên, được biết, hiện ông Hà vẫn giữ chức danh Hội thẩm nhân huyện”.

Ông Lê Viết Tám, Chánh án TAND huyện, xác nhận thông tin trên và giải thích: “Tòa không quản lý về Hội thẩm nhân dân. Chức danh này do Hội đồng nhân dân huyện bầu ra. Hiện tại, đơn vị chưa nhận được văn bản hoặc thông báo về việc vi phạm của ông Hà”.


Tin nhân quyền

Trong phiên xử ngày 25/3/2019, TAND tỉnh Bình Thuận tuyên y án 13 bị cáo gây rối trật tự công cộng ở Bình Thuận, VTC đưa tin. Đó là nhóm 13 người bị buộc tội “gây rối trật tự công cộng trước trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận” trong cuộc tổng biểu tình phản đối dự luật đặc khu ngày 10/6/2018.

Nhiều người đã khẳng định, những người biểu tình ở Bình Thuận vì lòng yêu nước, vì sự lo lắng trước dự luật có thể trao đất cho Trung Quốc đến 99 năm. Tuy nhiên, vì tinh thần phản kháng trong cuộc tổng biểu tình nên họ bị kết án nặng, không có tình tiết giảm nhẹ nào.

Zing đưa tin: Bị can đâm chết người treo cổ trong buồng giam. Theo đó, bị can Dương Văn Lợi, ở huyện Giồng Trôm vừa “tử vong trong tư thế treo cổ tại buồng giam. Sự việc được cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Bến Tre phát hiện 5h ngày 24/3”. Cũng như các vụ người chết trong đồn công an hay trại tạm giam khác, công an không thừa nhận trách nhiệm.

RFA bàn về vụ “tự tử” vừa diễn ra ở Trại tạm giam của Công an Bến Tre: Thanh niên treo cổ chết trong buồng giam bằng “những sợi vải xé ra từ quần thun”. Theo đó, “nạn nhân kết liễu đời mình bằng chiếc quần thun của một người bị tạm giữ trước đó bỏ lại trong tủ”, chưa thấy công an tiến hành thực nghiệm xem chuyện đó có khả thi không.


Phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp

Chuyện xảy ra ở Đà Nẵng: Phóng viên bị côn đồ tấn công trước mặt công an khi đang tác nghiệp, theo báo Người Lao Động. Bài báo cho biết, chiều 25/3, tại đường Nguyễn Tất Thành, TP Đà Nẵng, xảy ra vụ tai nạn giao thông, PV Vĩnh Quyên “cùng 2 phóng viên khác có mặt để tác nghiệp. Khi anh Vĩnh Quyên cầm máy lên để quay phim, chụp ảnh thì bất ngờ bị một nhóm người, có người xăm trổ bao vây phóng viên Vĩnh Quyên. Nhóm người này yêu cầu anh Quyên xóa tất cả hình ảnh, clip mà anh ghi được”.

Phóng viên Vĩnh Quyên – báo Người Lao Động – đến công an trình báo sự việc. Ảnh: LĐ

Công an có mặt tại hiện trường chỉ can ngăn rồi để “nhóm người này tiếp tục kẹp cổ anh Vĩnh Quyên, lôi vào quán nhậu sát hiện trường rồi bất ngờ đánh tới tấp vào mặt”. Sau đó anh Quyên được đưa về đồn công an phường Xuân Hà làm tường trình, còn những kẻ hành hung thì chạy thoát.


Cán bộ bắt tay lâm tặc phá rừng

Báo Dân Việt đặt câu hỏi về vụ phá rừng vừa diễn ra ở huyện Tương Dương, Nghệ An: 10m3 gỗ rừng phòng hộ bị chặt, kiểm lâm không nắm rõ? Ông Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết: “Cuối tháng 1/2019, trên địa bàn xã Xiêng My có xảy ra một vụ chặt một cây gỗ bộp… Hiện vụ việc trên theo báo cáo của kiểm lâm địa bàn là chưa xác định được đối tượng khai thác”.

Tuy nhiên, bài viết lưu ý: “Sự việc phá rừng phòng hộ trên địa bàn bản Đình Tài, xã Xiêng My, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã xảy ra gần 2 tháng nay. Một lượng lớn gỗ tại rừng phòng hộ bị cắt xẻ từng miếng nhỏ để vận chuyển”.

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Chủ tịch xã nhận hàng trăm triệu đồng để tiếp tay phá rừng như thế nào? Theo đó, từ cuối tháng 8/2017, dù chưa được UBND huyện Tuy Đức, Đắk Nông, đồng ý nhưng bị can Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND xã Đắk R’tih vẫn cho phép một số người dân xã khai thác thông ở khu vực thôn 4. Sau khi nhận hàng trăm triệu, Minh đã chỉ đạo một số cán bộ xã làm hồ sơ hợp thức hóa chuyện khai thác rừng, tổng cộng “có 3.003 gốc cây thông bị cắt hạ”.


Giáo dục VN: Gian lận và bạo lực

Vụ gian lận điểm thi tại Sơn La: Một thiếu tá công an tỉnh bị tước danh hiệu, VTC đưa tin. Sáng 25/3, công an tỉnh đã công bố quyết định của Bộ trưởng Công an về kỷ luật tước danh hiệu CAND của thiếu tá Đinh Hải Sơn, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ. Ông Sơn bị kỷ luật “vì liên quan đến sai phạm gian lận thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La”. Bên cạnh đó, “có một trung tá khác cũng vừa bị miễn nhiệm chức vụ công tác”.

Trước đó, ngày 16/2, Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố cựu Trung tá Đỗ Khắc Hưng vì “đã thông đồng mở khóa phòng để một số người sửa chữa điểm bài thi. Tháng 9/2018, ông Hưng nghỉ hưu”.

VTC đặt câu hỏi: Có nên công khai danh tính thí sinh gian lận ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang. Ông Phạm Thái Sơn, GĐ tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng, “không nên công bố công khai danh sách thí sinh được nâng điểm vì ảnh hưởng đến tâm lý của các em”.  Sợ “ảnh hưởng đến tâm lý của các em“, hay ông Sơn sợ công khai tên các thí sinh kia sẽ giống như hủ mắm bị khui?

                    https://www.youtube.com/watch?v=Cp8oe8GSCkk

Trang Đời Sống và Pháp Luật dẫn lời ông của nữ sinh lớp 8 bị tát thủng màng nhĩ: Cháu tôi bị dọa đủ thứ, bắt đứng im để 3 bạn nữ tát vào mặt. Bài báo cho biết: Nữ sinh L.N.U.T vừa được đưa đi khám “với kết quả thủng màng nhĩ hình giọt nước, ứ đọng ít máu đông bên tai trái và chấn thương phần mềm má”. Ông L cho rằng “đây là hậu quả mà cháu ông bị 3 nữ sinh khác thay phiên tát vào mặt chiều ngày 21/3 vừa qua”.

Cháu T được kết luận bị thủng màng nhĩ sau khi bị các bạn đánh hội đồng. Nguồn: DT/ĐS&PL

Lãnh đạo Trường THCS Gia Hiệp cho biết, 2 học sinh của trường là V và G “đã làm bản tường trình và thừa nhận việc đánh hội đồng em T”, vụ này “vẫn đang tiếp tục được điều tra, làm rõ để có hướng xử lý cho đúng quy định”.


***







No comments: