Con gái Mác đã có lần viết thư hỏi cha: “Cha hiểu hạnh
phúc là gì?”. Ông đã trả lời: “Hạnh phúc là đấu tranh”. Đối với nhiều người
ngoài đời sống riêng, chưa từng trải qua một lần bước xuống đường để làm một việc
có ý nghĩa cho cộng đồng, cho dân tộc thì khó mà hiểu được câu nói này của Mác.
Dù không đồng tình nhiều điểm trong học thuyết của Mác, nhưng tôi phải thừa nhận
là điều này ông ấy nói đúng.
Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện này và bạn có thể
hình dung ra tại sao Mác đã đúng. Ngày hôm qua là một ngày rất vui của dân đấu
tranh Hà Nội. Có khoảng hơn 100 cô chú bác và anh chị em, những người từng bám
Bờ Hồ trong các cuộc biểu tình yêu nước đã tụ hội cùng nhau để chung vui trong
ngày cưới của Nguyễn Văn Phương. Nếu ai từng theo dõi 11 cuộc biểu tình mùa hè
đỏ lửa năm 2011 sẽ biết Nguyễn Văn Phương, người thanh niên trẻ này năm ấy đã
thay mặt cả ngàn người biểu tình yêu nước, đứng trên thềm Nhà hát lớn Hà Nội để
dõng dạc đọc những lời đanh thép trong bản tuyên cáo lên án những hành động gây
hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Từ năm 2011 đến năm 2019 là một quãng thời gian chưa
phải là dài so với dòng chảy lịch sử của dân tộc, nhưng nếu ai thấu hiểu đời sống
cũng như hoạt động của người đấu tranh mới thấy cả gần 1 thập kỷ qua là một chặng
đường rất dài, đầy những chông gai, những hiểm nguy, những cạm bẫy nghẹt thở mà
chúng tôi phải vượt qua. Trong bức ảnh trong lễ cưới mà tôi gắn kèm theo đây
còn thiếu rất nhiều người thuộc diện “quản lý” của bộ Công An. Từ những người
già cả như bác Khánh – Trâm, bác Nghiêm Việt Anh hay những bạn rất trẻ trong bức
ảnh… mỗi khi ở Bờ Hồ có chuyện lớn thì ở cửa nhà mỗi người dù là già trẻ hay lớn
bé đều có khoảng hơn chục an ninh và dân phòng canh giữ sát sao. Hãy ngắm nhìn
kỹ những gương mặt này. Họ cũng rất bình thường như bao người dân khác, nhưng
trừ cô dâu ra thì ai cũng từng bị bắt bớ, đánh đập, tra khảo, nhục mạ trong các
trận biểu tình… và nhiều người phải vào ra đồn công an, trại phục hồi nhân phẩm
Lộc Hà rất nhiều lần.
Không chỉ có vậy, trong đời sống riêng của mọi người,
ngoài việc mưu sinh kiếm sống thì tất cả đều gặp phải những khó khăn rất lớn mà
người ngoài khó có thể tưởng tượng được. Từ những chuyện bị phá nơi làm việc, bị
ép trong việc thuê nhà cửa, bị đuổi học… đến những chuyện như bị tuyên truyền ở
tổ dân phố là phản động, bị doạ dẫm thúc ép với họ hàng và người thân… Nhưng
sau tất cả, vượt qua mọi nghịch cảnh, họ vẫn có mặt ở đây cùng nhau, để cùng cười,
để cùng khóc, để ôm lấy nhau và chung vui trong ngày trọng đại này. Chính vì thế,
đám cưới của Nguyễn Văn Phương không còn chỉ là ngày vui riêng của gia đình, mà
còn là ngày những bạn bè đấu tranh xưa cũ gặp lại nhau với niềm hạnh phúc, niềm
vui và bao nhiêu kỷ niệm tuyệt vời.
Mùa hè đỏ lửa năm ấy giờ đã thành kỷ niệm, nhưng sức
sống của phong trào đấu tranh vẫn âm ỉ cháy. Gặp nhau không chỉ từ biểu tình chống
Trung Quốc năm 2011, số người tham gia hoạt động xã hội ngày càng nhân lên
trong các phong trào đấu tranh, qua nhiều hình thái khác nhau mà tiêu biểu như
phong trào cây xanh, Fomosa, đòi sửa đổi hiến pháp, đòi ứng cử đại biểu quốc hội,
đòi xoá bỏ BOT bẩn, chống cưỡng chế ruộng đất. Giờ đây tuy mỗi người đã có đời
sống cũng như hoạt động riêng rẽ tuỳ hoàn cảnh, nhưng ngọn lửa trong tim được
nhen nhóm từ buổi ban đầu ấy vẫn cháy mãi, lan mãi, không bao giờ dừng, và nhất
định có ngày sẽ hội tụ lại để trở thành ngọn lửa lớn nhằm xua tan vĩnh viễn
bóng đêm đang bao phủ trên đất nước này./.
No comments:
Post a Comment