Saturday, March 30, 2019

KHÔNG KHÍ HÀ NỘI, TP.HCM ĐANG Ô NHIỄM ĐẾN MỨC NÀO? (Người Đô Thị)




Người Đô Thị 
Thứ bảy, 30/03/2019

Khi Hà Nội tiếp tục đứng trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, khẩu trang và máy lọc không khí cháy hàng ở Bangkok, người dân Singapore vẫn sống chan hòa với thiên nhiên.

Ông Veerachai Roopsuwanakul, chủ một cửa hàng trái cây ở Bangkok, cho biết lần nào đi mua máy lọc không khí, mặt hàng này cũng luôn ở trong trạng thái “hết hàng”. “Chúng tôi không thể ngờ không khí có thể trở nên tồi tệ đến mức này. Tất cả cửa hàng bán lẻ lẫn trực tuyến đều không còn hàng để bán”, người đàn ông này vừa đeo khẩu trang vừa nói.

Đây là năm thứ hai thủ đô Bangkok phải vật lộn với vấn đề gia tăng ô nhiễm không khí theo mùa, dẫn đến tình trạng gần 10 triệu người dân đổ xô đi mua các loại mặt nạ, khẩu trang và máy lọc không khí. Các trung tâm mua sắm lớn đến các cửa hàng bán lẻ đều trong tình trạng thiếu hàng và tìm kiếm các nguồn cung cấp mới.

Máy lọc không khí cháy hàng ở Bangkok, trẻ em Bắc Kinh không thể chơi ngoài trời
Từng sống ở Bắc Kinh, Thượng Hải và đang sống ở Bangkok, nhà báo nổi tiếng Hannah Beech của tạp chí TIME nói đùa rằng gia đình mình chuyển khỏi Bắc Kinh với tư cách những người tị nạn ô nhiễm. Khi ở Trung Quốc, cô luôn cảm thấy bất lực khi những đứa con của mình phải đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi, thậm chí có những ngày chúng còn không thể ra ngoài chơi vì khói bụi. Trong suốt nhiều năm, người dân Bắc Kinh đã cố phủ nhận rằng khói bụi ở đây chỉ là sương mù.

Gia đình cô đã chuyển đến Thượng Hải khi không khí ở Bắc Kinh ngày càng tệ hơn, sau đó chuyển đến sinh sống ở Bangkok. Nhưng cô cho rằng giống như Trung Quốc, Thái Lan đang có những phản ứng theo một chu kỳ tương tự: phủ nhận vấn đề đã rõ ràng, đưa ra các giải pháp không hiệu quả để rồi sau đó mới ngỡ ngàng nhận ra rằng các khí độc ô nhiễm sẽ không tự mất đi một cách dễ dàng.

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở thủ đô Bangkok. Ảnh: EPA

Đầu tháng 2, chính quyền Thái Lan cũng đã phải cho hơn 400 trường học tạm nghỉ do chất lượng không khí giảm mạnh. Bangkok có lúc đã đứng ở vị trí thứ 4 trong số các thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới dựa trên số liệu của AirVisual.

Vấn đề ô nhiễm không khí ở đây chưa nghiêm trọng như New Delhi (Ấn Độ) nhưng nhận thức về tình trạng ô nhiễm đã được lan truyền một cách nhanh trong cộng đồng cư dân Bangkok. Hơn 2 triệu người dân thủ đô đăng ký theo dõi tình hình không khí ở Bangkok trên ứng dụng IQAir AirVisual, trong khi con số này ở New Delhi là 80.000 người. Người dân thành phố thường xuyên chia sẻ nỗi thất vọng về chất lượng không khí trên mạng xã hội xoay quanh các vấn đề về hô hấp cũng như sự bất bình với những phản ứng chậm trễ từ phía chính phủ. 

Thập kỷ trước, Thái Lan là một trong những quốc gia hiếm hoi ở châu Á có không khí sạch nhờ vào lệnh cấm các phương tiện giao thông gây ô nhiễm. Nhưng giờ điều này không còn nữa, đến nay, Bangkok đã nằm trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất hành tinh.

Cùng với Bangkok, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc cũng là một trong những thành phố thường xuyên được “gọi tên” trong bảng xếp hạng những khu vực ô nhiễm nhẩt thể giới trong nhiều năm nay. Cũng như Bangkok, máy lọc khí và khẩu trang luôn là sản phẩm được ưa chuộng tại đây và dần dần trở thành những vật dụng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày.

Như nhà báo Hannah Beech chia sẻ về việc những đứa con của cô không thể ra ngoài chơi vì không khí quá ô nhiễm, đời sống của người dân đã và đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ vấn đề không khí. Một nghiên cứu năm 2018 của quốc gia này đã khẳng định tình trạng ô nhiễm không khí dẫn đến cái chết sớm của khoảng 1 triệu người và gây giảm thiểu 20 triệu tấn lương thực bao gồm gạo, lúa mì, ngô, đậu nành..., tổng thiệt hại kinh tế lên đến khoảng 38 tỉ USD mỗi năm.

Cô bé Sofia 8 tuổi sống ở Bắc Kinh cũng đã quay một video dài 1 phút để mô tả cuộc sống bình thường của một đứa trẻ ở thủ đô của Trung Quốc diễn ra như thế nào trong bối cảnh chất lượng không khí luôn ở mức rất thấp. Trong video của mình, Sofia kể rằng, ở nhà chiếc máy lọc không khí sẽ giúp cả gia đình chống chọi lại với các luồng khí độc, còn khi ra ngoài, khẩu trang lọc không khí là vật bất ly thân của mọi người.

Cô bé cũng đã chia sẻ một sự thật đến đau lòng của những đứa trẻ ở Bắc Kinh bằng câu hỏi: “Khi nào thì chúng ta không thể vui chơi ngoài trời, khi trời mưa phải không, nhưng ở Bắc Kinh thì là những ngày khói bụi nặng nề”.

Chuyện gì đang diễn ra ở Hà Nội, TP.HCM?
Nhiều ngày gần đây, người dân Hà Nội cũng gặp phải cảnh tượng tương tự khi ra đường "không khí như chìm trong sương sớm". Nhưng chỉ số AQI ở mức 270-310 đã thể hiện bản chất của hiện tượng này, với lời cảnh báo chất lượng không khí của thủ đô ở mức nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

AQI là chỉ số để báo cáo chất lượng không khí hàng ngày đối với 5 chất ô nhiễm cơ bản gồm bụi PM10, SO2, NO2, CO và O3. Theo đó, mức xấu từ 201-300, khuyến cáo nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già, người mắc bệnh đường hô hấp) tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài. Mức nguy hại (trên 300) khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.

Theo dữ liệu từ Air Visual, trang cung cấp thông tin về chỉ số chất lượng không khí (AQI) của các thành phố trên thế giới, trong sáng sớm ngày 30.3, Hà Nội có điểm AQI lên đến 162, tương đương với thành phố ô nhiễm thứ 8 trên thế giới ngày hôm nay là Vũ Hán (Trung Quốc), con số này ở TP.HCM là 138.

Sáng sớm ngày 30.3, Hà Nội đã là một trong số những thành phố có mức chỉ số AQI cao nhất trong khu vực. Ảnh chụp màn hình

Các thành phố có chỉ số AQI cao nhất sáng ngày hôm nay lần lượt là Chiang Mai (Thái Lan) 426, thủ đô New Delhi (Ấn Độ) 189, Lahore (Pakistan) 186. Có thể thấy, các khu vực có chất lượng không khí kém trong ngày đều tập trung ở các quốc gia châu Á.

Một số thành phố lớn trong khu vực lân cận như Singapore và Bangkok có chỉ số AQI lần lượt là 75 và 79, chất lượng không khí ở mức trung bình.

Cũng trong ngày 30/3, theo trang WeatherOnline chỉ số tia cực tím (UV) của TP.HCM ở mức 10, đứng ở mức cao trong khu vực, bằng với Singapore. Chỉ số này ở thủ đô Bangkok của Thái Lan là 11 và ở New Delhi (Ấn Độ) là 9. Mặc dù so với những ngày trước đó, chỉ số UV ở TP.HCM đã giảm tuy nhiên đây vẫn là mức vượt ngưỡng an toàn, có thể gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe.

Ngoài ra, theo dữ liệu được tổng hợp từ trang Weather Atlas, chỉ số UV của TP.HCM thường xuyên ở mức cao trong năm. Trung bình, từ tháng 2 đến tháng 10 hàng năm, con số này luôn ở mức 12, nguy cơ gây hại từ tia cực tím cực cao. Ba tháng còn lại là tháng 11, tháng 12 và tháng 1 chỉ số UV ở đây cũng ở mức 10.

Giải pháp nào cho tình trạng ô nhiễm môi trường?
Hơn 10 năm trước, 16 thành phố của Trung Quốc nằm trong danh sách 20 thành phố ô nhiễm nhất hành tinh. Tuy nhiên, theo dữ liệu được công bố năm 2018 của ứng dụng hàng đầu về không khí IQAir, đất nước đã gây bất ngờ khi tình hình ô nhiễm không khí đã được cải thiện hơn rất nhiều. Một lần nữa, quốc gia này lại được chú ý với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và chi phí khổng lồ dành cho việc giải quyết các vấn đề về môi trường.

Năm 2014, trước sự phẫn nộ của công chúng đối với khói bụi ở thủ đô Bắc Kinh, các lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố giải quyết vấn đề và đến năm 2020 sẽ đạt được những tiến bộ đồng thời về kinh tế và môi trường.

Bộ trưởng Sinh thái và Môi trường Trung Quốc ông Li Ganjie mới đây đã phân tích chiến lược của chính phủ bao gồm thắt chặt luật pháp, tăng cường phòng chống ô nhiễm cùng với các biện pháp kiểm soát tình hình.

Với quyết tâm chấm dứt vấn nạn ô nhiễm do sự tăng trưởng nhanh chóng của hơn 40 năm qua, chủ tịch Tập Cận Bình đã bỏ ra 38,1 tỷ USD để chống lại ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, giới quan sát cũng cảnh báo quốc gia này không nên vui mừng quá sớm trước kết quả này bởi quá trình cải thiện ô nhiễm vẫn còn diễn ra chậm ở một số khu vực nhất định. Nhiều quan chức trong nước cũng thừa nhận các đợt ô nhiễm nặng về vẫn diễn ra vào thời điểm mùa thu và mùa đông. Đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc, mức độ ô nhiễm đã tăng cao vào tháng 1 và tháng 2 vừa qua, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giống như Trung Quốc, chính phủ Thái Lan cũng bắt đầu chấp nhận vấn đề và đưa ra một số các biện pháp để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, đồng thời quốc gia này cũng đang phải đối mặt với mùa hè được cho là nắng nóng nhất trong lịch sử. 

Khẩu trang được xem là vật bất ly thân của người dân Thái Lan mỗi khi ra đường. Ảnh: The New York Times

Chính quyền thành phố Bangkok và các cơ quan hữu quan đã tiến thành một số biện pháp nhằm khắc phục tình hình ở một khố khu vực khói bụi dày đặc như cấm các phương tiện thải ra khí thải đen, hạn chế người dân đốt lửa ngoài trời. Ngoài ra các quan chức ở quốc gia này cũng đã bắt đầu theo dõi sát sao các nhà máy công nghiệp, đảm bảo không có khói độc hại thải ra môi trường và tưới đường thường xuyên với hy vọng sẽ giảm được khói bụi.

Thành phố này đã dùng vòi rồng trên các xe bồn để xả nước xuống đường với hy vọng giảm đi phần nào tác động của khói bụi nhưng biện pháp này thậm chí còn khiến tình hình tệ hơn khi đường phố trở nên ngập lụt và nhớp nháp. Ngoài ra, đầu tháng 2, hơn 400 trường học ở đây đã phải đóng cửa trong nhiều ngày để tránh ô nhiễm cho học sinh. 

Cuối tháng 1, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã chính thức đưa ra lời xin lỗi đến người dân: “Chính phủ rất lấy làm tiếc vì đã gây ra sự bất tiện này, rất cảm ơn mọi người vì đã ủng hộ và phối hợp.” Ông cũng kêu gọi chủ sở hữu các phương tiện chạy bằng dầu diesel chỉ lái xe trong trung tâm khi thật sự cần thiết và hứa hẹn sẽ cải thiện hệ thống giao thông công cộng cũng như các nguồn nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Đối với vấn đề nắng nóng gay gắt của mùa hè 2019, các cơ quan chức năng cũng như các phương tiện truyền thông đã sớm  và thường xuyên cảnh báo người dân về việc đảm bảo sức khoẻ và áp dụng các biện pháp chống nắng an toàn.

Tiến sĩ Chantana Padungtod, Cục trưởng Cục phòng chống bệnh nghề nghiệp và bệnh môi trường, đã kêu gọi người dân thận trọng khi hoạt động ngoài trời và uống nước thường xuyên để tránh say nắng cũng như cách chăm sóc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong thời tiết nắng nóng. 

Là một quốc đảo nhỏ, mật độ dân cư đông và tỷ lệ đô thị hóa là 100%, mức độ phủ xanh của thành phố này lên đến khoảng 30%, đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau thành phố Tampa (Florida, Mỹ) theo số liệu năm 2018.

Trong khi các quốc gia láng giềng đang vật lộn với bài toán về ô nhiễm không khí, Singapore hàng năm vẫn đứng ở vị trí cao trong danh sách những thành phố xanh nhất thế giới.

Khái niệm "thành phố xanh" có thể mang nhiều ý nghĩa trên các khía cạnh khác nhau nhưng Singapore dường như có được tất cả yếu tố: môi trường tươi tốt, năng lượng tái tạo và tiềm năng phát triển bền vững.

Bà Yvonne Yoh, Chủ tịch Hội đồng các tòa nhà xanh Singapore, cho biết người Singapore rất yêu thiên nhiên và các không gian xanh. Các nhà khoa học cũng khẳng định những tán cây xanh là một phần quan trọng và không thể thiếu trong cuộc sống đô thị hiện nay. Cây xanh giúp giảm nhiệt độ khắc nghiệt, cung cấp những khoảng không trong lành để giảm thiểu tác động của giao thông, tiếng ồn và đông đúc, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống cho con người.

-------------

Tia cực tím, hay còn gọi là bức xạ cực tím, là các tia vô hình, một phần của năng lượng đến từ mặt trời, có thể đốt cháy da và gây ung thư da. Bức xạ UV được tạo thành từ 3 loại tia - tia cực tím A (UVA), tia cực tím B (UVB) và tia cực tím C (UVC).
Tia UVB thường ảnh hưởng đến lớp ngoài của da, gây tổn thương da. Nó có thể dẫn đến một số loại ung thư da như ung thư tế bào hắc tố, ung thư biểu mô tế bào đáy và vảy. Tia UVA có cường độ thấp hơn nhiều so với tia UVB nhưng có khả năng tiếp cận vào các lớp sâu hơn của da khoảng 50 lần và gây tổn thương nhiều hơn so với tia UVB.

Các ảnh hưởng cấp tính của UVA và UVB thường ngắn và có thể phục hồi được như cháy nắng và sạm da. Các ảnh hưởng lâu dài của tia UV nghiêm trọng và nguy hiểm hơn nhiều, có thể đe dọa tính mạng, bao gồm quá trình lão hóa của da, ức chế hệ thống miễn dịch, tổn thương mắt và ung thư da.

Hải Tuệ





No comments: