Nguyên
Phong
Thứ năm, 21/03/2019
Có Luật nhân quả hay
không, luật nhân quả theo quan điểm Phật giáo là thế nào? Sau khi con người chết
đi thành các vong linh, họ có nhớ được tiền kiếp hay không, và nhân quả báo ứng
có từ kiếp này sang kiếp sau phải trả hay không? Thực chất các vấn đề trên thế
nào theo quan điểm Phật giáo?
HỎI:
Luật nhân quả là một lý thuyết của Phật
giáo mà tất cả vạn vật trong vũ trụ đều hoạt động, vận
hành theo quy luật đó. Vậy, luật nhân quả là
gì? Luật nhân quả có phải do Đức Phật đặt ra, như một số quốc
gia đặt ra luật đi đường chăng?
ĐÁP:
Luật nhân quả thực
ra có trước đạo Phật. Tuy nhiên, khi Đức Phật thành đạo dưới
cội bồ đề, ngài chứng được Tam minh, lục thông, thấy được
do nguyên nhân nào con người luân hồi trong sáu nẻo,
thấy được vô lượng kiếp quá khứ, như người đứng trên lầu cao, nhìn xuống
ngã ba, ngã tư, có đông người qua lại. Do đó, luật nhân quả được giáo
lý của đạo Phật hoàn chỉnh và luôn luôn được đề cập trong Tam tạng
kinh điển, cho nên luật nhân quả trở thành lý thuyết căn bản,
là chánh kiến quan trọng trong Phật giáo. Luật nhân quả là
một chân lý hiển nhiên, luôn luôn đúng trong ba thời: quá khứ, hiện
tại, vị lai, không lệ thuộc thời gian và không
gian, áp dụng cho tất cả mọi sự sự vật vật.
Trong khi các quốc
gia đặt ra luật đi đường chỉ để áp dụng trong phạm
vi quốc gia của mình, trong thời hiện tại mà thôi. Về
sau, luật đi đường đó có thể sửa đổi, tu chính cho thích hợp với
sự tiến hóa của xã hội. Quốc gia khác có thể
không áp dụng cùng luật đi đường như vậy, đôi khi còn ngược hẳn lại.
HỎI:
Nếu "nhân nào quả nấy", tại sao có người cả
đời hiền từ mà lại gặp lắm tai nạn khổ sở, trái lại người
hung ác sao vẫn được an lành và nhiều may mắn?
ĐÁP:
Thường thường, chúng
ta thấy gieo nhân nào thì gặt quả nấy, một cách nhãn tiền. Thí dụ như:
sinh sự thì sự sinh, gieo gió thì gặt bão, ở hiền thì gặp lành, làm thiện thì
hưởng phước. Gieo hột cam ngọt thì gặt quả cam ngọt, gieo hột chanh chua
thì gặt quả chanh chua.
Tuy nhiên, cũng có nhiều
người thắc mắc: Tại sao có người ăn hiền ở lành, tu tâm dưỡng tánh, thường
xuyên đi chùa, hay đi nhà thờ, không làm việc gì bất nhơn thất đức, nhưng
cứ bị nạn, bệnh hoạn liên miên, họa vô đơn chí, xui xẻo dồn dập? Trái
lại, có rất nhiều người, điêu ngoa hung tợn, lừa thầy phản bạn, làm đủ
mọi chuyện tồi tệ, ném đá giấu tay, không chừa bất cứ thủ đoạn, phương
tiện gian manh nào, nhằm đoạt cho bằng được mục đích vị kỷ của
họ, tại sao họ vẫn cứ nhởn nhơ phây phây, bình yên vô sự, ăn nên làm ra, gặp
nhiều may mắn, tậu nhà sắm xe?
Luật nhân quả giải
thích được các việc đó trong ba thời: quá khứ, hiện tại và vị
lai. Có những nguyên nhân được tạo ra trong quá khứ, kết quả
hay hậu quả nhận được trong hiện tại. Có những nguyên
nhân được tạo ra trong hiện tại, kết quả hay hậu quả nhận được
trong vị lai.
Người hiền
lành đang gieo nhân lành trong hiện tại, kết quả tốt chưa kịp đến thì
hiện nay phải đền trả quả báo xấu do nghiệp nhân xấu đã gây
tạo trong quá khứ. Khi quả báo xấu hết rồi, vận xui qua rồi, con
người bắt đầu gặp may mắn, gặp vận hên, gặp số đỏ, gặp
quới nhơn, ăn nên làm ra, tiền vô như nước, vạn sự hanh
thông. Do đó, sách có câu: "Hết cơn bỉ cực tới hồi thới lai", chính
nghĩa như vậy.
Những người hiện đời đang
gieo nhân ác, tạo tội tạo nghiệp, hậu quả xấu chưa kịp trổ,
nhưng hiện tại đang thụ hưởng phước báo lành do nghiệp
nhân tốt đã gieo trong quá khứ. Khi hưởng hết phước báo rồi, con
người bắt đầu đền trả nghiệp báo, tai nạn triền miên, tán
gia bại sản, lâm bệnh ngặt nghèo, hay chết thê thảm. Các vị quốc
vương, hay tổng thống bị đảo chánh và ám sát, các tay tài phiệt bị phá
sản phải tự tử, các hoàng gia, công nương, công tử bị bất đắc kỳ tử
trên xa lộ, dưới biển sâu, hay trên núi tuyết, cho thấy rằng luật nhân quả không
chừa bất cứ ai, không có ngoại lệ, không hề sai chạy!
Trong Kinh A Hàm, Đức
Phật có dạy:
Dục tri tiền thế nhân, đương kim thọ
giả thị.
Yếu tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị.
Nghĩa là:
Muốn biết kiếp trước mình đã gieo nhân gì,
hãy nhìn việc mình thọ nhận hiện tại.
Muốn biết kiếp sau mình sẽ nhận quả nào,
hãy nhìn việc mình đang làm hiện tại.
Nếu hôm nay mình dốt
nát nghèo nàn khốn khổ, gặp tai nạn liên miên, thậm chí chết
người, thì đó là quả của cái nhân tạo ác nghiệp và không biết làm
việc phước thiện trước đây. Nếu hôm nay mình thông minh, đủ
ăn đủ mặc, thì đó là quả của cái nhân tu tâm dưỡng tánh, tích
phước tích đức trước đây, nhiều đời và đời này. Hôm nay mình được bình
an là quả của cái nhân mình không tạo sự bất an cho kẻ khác, dù
đó là kẻ thù. Hôm nay mình được hạnh phúc là quả của cái
nhân mình không phá hoại hạnh phúc kẻ khác, dù đó là kẻ
thù.
HỎI
Con người sau khi chết có một cái hồn tồn tại và rồi
đi đầu thai, chứ không có nghiệp báo gì hết. Họ nói như thế có đúng
không?
ĐÁP
Vấn đề sau khi chết, linh
hồn tồn tại hay không tồn tại và linh hồn người chết sẽ đi về đâu? Đây là một vấn
đề rất phức tạp, thật khó chứng minh. Vấn đề này, có nhiều luận giải quan niệm
khác nhau, tùy theo quan niệm giải thích của mỗi tôn giáo và tùy theo niềm tin
của mỗi người. Tuy nhiên, người Phật tử khi đặt định niềm tin theo một điều gì,
chúng ta cần nên phối kiểm tìm hiểu vấn đề bằng lý trí và qua sự sát nghiệm luận
cứ kỹ càng, chứ không nên nghe đâu tin đó. Nhất là đối với những người nói bừa
không có một luận cứ vững chắc và không có một niềm tin nào cả. Tốt hơn hết là
chúng ta nên cẩn trọng khi nghe người khác nói.
Qua câu hỏi trên, nếu phải
luận giải cặn kẽ rõ ràng, thì thật là dài dòng. Ở đây, chúng tôi chỉ dựa theo
quan điểm của Phật giáo, mà xin được trình bày góp ý qua một vài nhận xét thô
thiển của chúng tôi, còn vấn đề tin hay không là tùy ý ở nơi mỗi người.
Bảo rằng, con người sau
khi chết còn có một cái hồn tồn tại và rồi đi đầu thai, chứ không có nghiệp báo
gì hết, theo Phật giáo, thì quan niệm lý giải đó không thể chấp nhận được. Phật
giáo không chấp nhận có một linh hồn bất tử. Vì đó là lối chấp của ngoại đạo.
Ngày xưa, thời Phật, có 2
phái ngoại đạo nêu ra 2 chủ thuyết: một là "Thường kiến" hai
là "Đoạn kiến". Phái Thường kiến cho rằng, linh hồn con
người mãi mãi là con người, dù có tạo tội ác đến đâu, chết rồi cũng tái sinh trở
lại làm người.
Ngược lại, phái Đoạn kiến
thì cho rằng, con người sau khi chết là không có linh hồn tồn tại đời sau,
nghĩa là mất hẳn. Họ chấp như thế, nên Phật gọi họ là phái Đoạn diệt hay Đoạn
kiến. Vì quan niệm và tin như thế, nên họ tha hồ làm ác, vì không có tội lỗi quả
báo ở đời sau. Đây là 2 phái gây tác hại lớn làm đại loạn trật tự an bình cho
xã hội.
Hai phái này, theo chủ
trương của họ là, không có nhân quả báo ứng. Nhưng chúng ta đừng quên rằng,
nhân quả là một chân lý phổ biến, tiềm tàng trong mọi sự vật và chi phối tất cả.
Không một loài nào thoát khỏi nhân quả. Do Phật sau khi giác ngộ chân lý, Ngài
nói ra cho chúng ta biết như thế.
Vì căn cứ theo luật nhân
quả mà nhà Phật nêu ra thuyết nghiệp báo. Hễ chúng ta gây tạo nghiệp nhân gì, sớm
hay muộn gì cũng phải có kết quả. Phật giáo không chấp nhận có một linh hồn bất
tử như thế. Vì như thế là rơi vào lối chấp thần ngã của ngoại đạo như đã nói ở
trên.
Năng tàng là thức này có
khả năng hay dung chứa tất cả pháp. Sở tàng là khả năng để đựng chứa chủng tử
các pháp. Do 2 công năng này, nên khi chúng ta gây tạo nghiệp thiện ác, thì tất
cả những hạt giống thiện ác đó đều được huân chứa vào cái kho Tạng thức này. Đến
khi đủ nhân duyên, thì những chủng tử ấy phát khởi hiện hành. Những chủng tử (hạt
giống) được cất giữ vào trong kho nầy gọi đó là nghiệp thức. Chính cái nghiệp
thức này là chủ động theo duyên mà tiếp nối thọ sinh đời sau. Nhà Phật gọi đây
là tiếp nối vòng sinh tử luân hồi trong Lục đạo (Trời, người,
A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh ).
Như vậy, theo thuyết nghiệp
cảm duyên khởi và A lại da duyên khởi của Phật giáo, thì mỗi ý
nghĩ, lời nói, hành động của 3 nghiệp: thân, miệng, ý tạo tác của chúng ta, đều
được cất giữ trong cái kho Tạng thức này hết, không sót mất một hạt giống thiện
ác nào.
Dụ như một thửa đất chúng
ta gieo nhiều loại hạt giống khác nhau, khi mới gieo xuống ta không thấy chúng
nẩy mầm lên, vì không thấy nên ta tưởng là chúng bị mất hay không lên, nhưng
khi gặp mưa ướt đất, đủ duyên, thì chúng lại nẩy mầm lên. Khi nẩy mầm lên, thì
giống nào nẩy mầm theo giống nấy. Như hạt cam, hạt ớt, hạt ổi…mỗi thứ lên khác
nhau, chúng không bao giờ lộn lạo. Khi chưa đủ duyên, chúng nằm yên đó, chớ
không bao giờ mất.
Cũng thế, nếu hiện đời,
chúng ta huân tập nhiều hạt giống lành như niệm Phật, làm lành, làm phước… vào
Tàng thức, thì chính những hạt giống đó nó có công năng dẫn dắt chúng ta đến cảnh
giới lành sinh ra, để tiếp tục hưởng những quả báo tốt đẹp mà do chúng ta đã
gây tạo trong hiện đời nầy. Nhà Phật gọi đó là nghiệp dẫn. Ngược lại, nếu chúng
ta tạo nghiệp ác thì cũng như thế. Nên nói, tùy nghiệp thọ sanh là vậy. Nên biết,
nghiệp là hành động lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen. Chính thói quen
này khi thuần thục, thì nó có một sức mạnh phi thường để tùy duyên chiêu cảm thọ
sinh.
Về điểm này, trong Quy Sơn Cảnh Sách, Tổ Quy Sơn
cũng có nói: “Như nhân phụ trái, cường giả tiên khiên, tâm tự đa đoan, trọng xứ
thiên trụy”. Nghĩa là: Như kẻ mắc nợ, ai mạnh kéo trước, trong tâm nhiều mối, nặng
đâu sa đó.
Thường ta nghe trong kinh
nói, người khi chết, thần thức xuất ra. Nói thần thức, chính là cái nghiệp thức
A lại da, nói rõ ra là những chủng tử thiện hoặc ác đã kết thành nghiệp. Và
chính nghiệp thức nầy là đầu mối của việc thọ sinh đời sau đó vậy.
Theo Tỳ kheo Thích Phước
Thái: Như vậy, Phật giáo không chấp nhận có một cái linh hồn trước sau như
nhất và càng không chấp nhận cái hồn đó đi đầu thai, như người đời lầm tưởng.
Còn bảo rằng không có nghiệp báo gì hết, quan niệm nầy, theo Phật giáo cho đó
là thuộc hạng người Nhất xiển đề, tức bất tín cụ. Đây là hạng người
họ không có lòng tin nhân quả. Chẳng những không tin mà họ còn bài bác nhân quả
nữa. Hạng người như thế, thật chúng ta khó trao đổi luận giải với họ được.
Như đã nói, thuyết nghiệp
báo là đặt định trên chiều thời gian nhân quả mà nói. Người nói như thế, thiết
nghĩ, họ chưa tìm hiểu về thuyết nghiệp báo. Và chưa hiểu nghiệp là gì. Nếu vì
chưa hiểu, thì tốt hơn hết là nên tìm hiểu, chớ không nên nói càn bướng mà chuốc
lấy khổ lụy vào thân. Thật là một tai hại vô cùng và thật đáng thương xót lắm
thay!
Ngoại trừ những bậc Giác
Ngộ từ A La Hán trở lên thì không một ai (kể cả vong linh, thánh thần, ma quỷ,
tiên giới) có thể biết được quá 3 kiếp luân hồi.
Bệnh tật, tai ách do rất
nhiều nguyên nhân mà đến, có loại là do nghiệp báo, cũng có loại là do Ách Kiếp.
Có những bệnh do chính
mình huân tập từ tạp tính sanh sống không nghiêm chính, do môi trường, do tâm
lý.
Phần rất nhỏ là do
Nghiệp Báo nhưng sẽ không có một ai có thể (cúng tế) để giải trừ nếu mình không
tự thay đổi cách sống: Hành thiện, tích đức do chính mình tác tạo mới là sự
chân thành chân chánh nhất của hạnh Bố Thí.
Nguyên Phong
No comments:
Post a Comment