Thứ Bảy, 03/30/2019 - 19:10 — songchi
Tuổi trẻ thế giới và vấn đề môi trường
Greta Thunberg, nhà hoạt động trẻ người Thụy Điển, một
tiếng nói nổi bật trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đã được đề cử giải
Nobel Hòa bình năm nay. Nếu chiến thắng, cô sẽ trở thành người trẻ tuổi nhất đoạt
giải này, 16 tuổi, trẻ hơn cả Malala Yousafzai, người Pakistan 17 tuổi khi nhận
giải vào năm 2014.
Thunberg bắt đầu đình công và không đến trường vào mỗi
thứ Sáu mùa hè năm 2018, và thay vào đó đã biểu tình trước Quốc hội Thụy Điển để
yêu cầu các biện pháp hiệu quả hơn chống lại biến đổi khí hậu.
Sau bài phát biểu tại hội nghị về biến đổi khí hậu của
Liên Hợp Quốc ở Ba Lan và tại diễn đàn Davos, cô đã trở thành tấm gương cho nhiều
người trẻ trên toàn thế giới, những người từ đó đã thúc đẩy các sáng kiến tương
tự.
Nhưng còn trẻ hơn nữa, là Victor, người Pháp, đã huy
động được hàng ngàn người xuống đường vào ngày 9.3 ở Metz (Pháp) để bảo vệ môi
trường, cũng như đã viết thư gởi Tổng thống Pháp và các thị trưởng, yêu cầu coi
bảo vệ môi trường là ưu tiên (“Marche pour la biodiversité à Metz : Victor
savoure son succès”, Daily Motion)
Được truyền cảm hứng từ Greta Thunberg, rất nhiều cuộc
biểu tình với sự tham gia của giới trẻ, học sinh đã diễn ra ở hàng trăm thành
phố khác nhau trên thế giới, từ châu Âu, châu Á, Mỹ, Úc, Canada…nhằm kêu gọi
chính phủ nước mình và các tổ chức khác nhau trên thế giới hãy có những biện
pháp mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn để cứu vãn trái đất, và để nâng cao nhận thức của
con người về môi trường. Những phong trào này có tên gọi Friday for future,
Youth for Climate, Youth Strike 4 Climate.
Tôi đã từng bắt gặp ít nhất một lần vào ngày thứ Sáu
15.3, hàng ngàn người trẻ đang tập trung trước cửa Tòa Thị Chính ở Leeds, nước
Anh, nơi tôi đang sống, để tham gia cuộc tuần hành về biến đổi khí hậu này.
Và tất nhiên không có giới trẻ VN.
Giới trẻ VN từng nhiều lần đổ xuống đường hàng ngàn
người, nhưng là để cổ vũ cho đội tuyển bóng đá nước nhà trong một trận đấu ở
khu vực hoặc châu lục, hoặc để đón chào thần tượng của mình là các ca sĩ nhạc
Hàn Quốc K-Pop.
Tôi không trách giới trẻ VN. Sống trong một quốc gia
lạc hậu, đi ngược dòng chảy của nhận loại và luôn luôn đứng bên lề của hầu hết
mọi hoạt động dân chủ, tích cực, tiến bộ, nhân văn của thế giới, các em chẳng
được dạy phải quan tâm đến môi trường sống, cũng như không được dạy vô số điều
khác. Nhận thức là cả một quá trình. Mặt khác, sống trong một xã hội thế nào
thì con người sẽ bị ảnh hưởng như thế. Bản thân tôi cũng chỉ ý thức về môi trường
từ khi ra sống ở nước ngoài.
Ở các nước tiến bộ, từ chính phủ cho đến người dân đều
có ý thức quan tâm bảo vệ môi trường. Nhất là trong thời đại ngày nay, khi vấn
đề biến đổi khí hậu đã thực sự gây ra những thiên tai, bất ổn cho nhân loại.
Ý thức về môi trường-bắt đầu từ những việc nhỏ…
Ý thức quan tâm bảo vệ môi trường được nhắc nhở hàng
ngày, bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất. Ví dụ như rác. Ở các nước tiến bộ
người dân rất có ý thức không xả rác ở ngoài đường, nơi công cộng. Một đứa trẻ
khi thấy một cái rác ngoài đường cũng tự động cúi xuống lượm đem vứt vào thùng
rác. Mọi nơi mọi chỗ đều có thùng rác công cộng. Ở VN người ta chỉ giữ sạch đẹp
ngôi nhà của mình, còn con ngõ chung, con đường chung, cho tới công viên… thì hết
sức thoải mái. Không hiếm những cảnh người lớn thản nhiên vứt rác xuống đường,
ngay trước mặt con em mình, cha mẹ hành xử như vậy thì làm sao dạy được con? Cứ
mỗi lần sau một dịp lễ hội, ngày Tết tại một khu vực nào đó bao nilon, giấy gói
kẹo, rác các loại… vứt bừa bãi khắp nơi, hoa thì bị bẻ, ngắt…
Ở các nước rác thải hàng ngày thường được chia làm
nhiều loại, bỏ vào những loại bao bì, thùng rác khác nhau: nào rác hữu cơ và vô
cơ, rác có thể tái chế, không thể tái chế v.v…
Các nước Bắc Âu như Na Uy họ xử lý rất tốt vấn đề
rác thải. Rác sinh hoạt hàng ngày của các hộ gia đình thường có 3 loại bao bì
và ba loại thùng rác: rác thực phẩm, rác giấy các loại, rác linh tinh các loại,
riêng chai lọ, kính…lại phải để riêng. Như vậy dễ cho nhân viên đổ rác khỏi phải
mất thì giờ phân loại. Sợ người dân lười không mua các loại bao rác khác nhau,
nhà nước cấp các loại bao rác miễn phí từng cuộn, để ở các siêu thị, khi đi mua
hàng, người dân chỉ việc lấy đem về dùng.
Riêng bao nilon, các chai nước ngọt, lon nước ngọt…là
những thứ có thể tái chế, để khuyến khích người dân trả lại chai, lon, nhà nước
có chính sách cứ đổi vỏ chai thì được trả lại tiền. Có những người siêng để
dành hàng đống chai, lon, mỗi lần đem đến siêu thị bỏ vào máy đổi, cũng được
kha khá tiền lẻ. Dân không nhà, đi ăn xin thường chịu khó nhặt lon, chai từ vô
số các thùng rác công cộng để đem đổi lấy tiền.
Để hạn chế người dân sử dụng bao nilon vốn là thứ rất
lâu bị tiêu hủy, ở các nước, khi đi siêu thị, đi mua bất cứ thứ hàng gì bạn phải
trả tiền nếu muốn lấy bao. Làm như vậy người dân sẽ có thói quen tiết kiệm dùng
lại bao hoặc mua các loại túi xách để không phải xài bao.
Trong khi ở VN rác không hề được phân loại, rất khổ
cho nhân viên ngành vệ sinh. Ngay rác thải y tế với bông băng, kim tiêm, tiềm ẩn
bao nhiêu mầm bệnh tật…việc quản lý, xử lý cũng đang đặt ra rất nhiều vấn đề về
sự ô nhiễm môi trường.
Người VN dùng bao nilon vô cùng thoải mái, bao nilon
luôn luôn là thứ đi kèm với món hàng mua, không phải trả tiền, mà bao nilon ở
VN thường là tái chế, nhiều khi bọc thức ăn không biết có vệ sinh, an toàn hay
không. Người Việt lại ăn nhậu, uống bia nhiều, lon chai sử dụng số lượng lớn
nhưng chắc chả có mấy cá nhân nghĩ đến chuyện đem đổi trả lại lon.
Không chỉ bao nhựa, chai nhựa, lon thiếc…mà cả áo quần
cũ cũng là những thứ tái chế được. Chính phủ Na Uy khuyến khích người dân đem đồ
cũ tặng cho những cửa hàng bán đồ cũ để người thu nhập thấp có thể mua dùng, hoặc
tặng để tái chế…
…cho tới những chuyện lớn
Bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt như vậy cho tới
chuyện lớn hơn. Thiên nhiên, môi trường sống ở VN đang bị hủy hoại, tàn phá
hàng ngày hàng giờ với mức độ khủng khiếp, nhưng từ đa số người dân cho tới
chính nhà cầm quyền, chả ai quan tâm. Ngược lại, nhà cầm quyền còn là thủ phạm
góp tay đắc lực nhất. Khắp nơi từ nông thôn đến thành thị, từ rừng sâu đến biển
cả, từ Nam ra Bắc đều có thể chứng kiến mức độ phá hoại này.
Những thành phố lớn thì ngày càng ô nhiễm vì khói bụi,
xăng xe, rác thải sinh hoạt…, có được con đường đẹp rợp bóng cây xanh nào là chặt
trụi để xây cất, có được khoảng thở như công viên, quảng trường, hồ…nào là lấn
chiếm, san lấp, khiến mức độ ngột, ô nhiễm càng tăng. Rừng bị tàn phá bừa bãi,
những nhà máy công nghiệp xả khói đen mù lên bầu trời, xả thẳng chất độc hại ra
sông, biển…
Thảm họa môi trường do nhà máy Formosa gây nên chỉ
là một vụ nổi bật trong vô vàn sự phá hoại, hay nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2,
Bình Thuận gây ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân,
rồi nhà máy khai thác bauxite ở Tây Nguyên: “Nguy cơ ô nhiễm ở hai dự
án bô xít Tây Nguyên” VNExpress, “Bauxite Tây Nguyên: Bộ TN-MT
cảnh báo nhiều nguy cơ về sự cố môi trường”, Dân Trí…Như chúng ta biết, từ
khi dự án này còn nằm trên giấy nhiều tầng lớp trí thức, nhân sĩ, các nhà
chuyên môn đã lên tiếng can ngăn, cảnh báo nhà cầm quyền không nên thực hiện dự
án nhưng họ vẫn làm, bất chấp dư luận.
Và rất nhiều trong những dự án, công trình, nhà máy
gây ô nhiễm hay phá hoại môi trường là của Trung Cộng.
Người ta thản nhiên xây cất nhà cửa, biệt phủ, khu
resort…trên rừng phòng hộ: “Sóc Sơn cấp 229 sổ đỏ 'xẻ thịt' hàng chục
ha rừng phòng hộ”, Zing.vn, “Tan nát rừng phòng hộ Sóc Sơn”,
Thanh Niên, “'Mẹ rừng' phòng hộ Sóc Sơn đang từng ngày chảy máu!” An
ninh Tiền tệ, Thanh Hóa: “Xóa sổ 2.000 ha rừng phòng hộ”,
Người Lao Động...
Người ta “băm” cả núi, đồi: “'Băm nát' núi để
xây biệt thự ở Khánh Hòa", VNExpress, “Đất đồi ở Vân Phong bị
san lấp trước thông tin thành đặc khu", VNExpress v.v…
Sự phá hoại không sao kể xiết. Hậu quả là bão lũ càng năm càng dữ dội, sông
ngòi, biển, đất đai bị ô nhiễm, cá và các sinh vật biển chết, cây cối bị nhiễm
độc, sức khỏe của con người ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Người Việt Nam nhiều khi không ý thức được rằng mình
may mắn như thế nào so với nhiều quốc gia khác (ví dụ như các nước Bắc Âu
một năm có đến 4,5 tháng tuyết phủ trắng xóa, lạnh cóng), khi được sống
trên một đất nước với khí hậu nhiệt đới có thể trồng trọt quanh năm, sinh thực
vật phong phú, đất đai đồng bằng nhiều đủ khai thác nông nghiệp, lại có biển…Chả
thế mà ông cha ta từng nói “đất nước ta rừng vàng biển bạc”. Nhưng chỉ sau mấy
chục năm dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản VN, tài nguyên của đất nước đã bị
khai thác cạn kiệt, rừng, biển, môi trường sống đều bị tàn phá.
Ở đây không phải là sự ngu dốt, thiếu hiểu biết. Mà
là sự tham lam, vô trách nhiệm đến tận cùng của những người lãnh đạo đảng và
nhà nước VN bao nhiêu năm qua, từ trung ương đến địa phương. Với lối tư duy chỉ
biết có tiền, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, không nghĩ gì đến tương lai, tài
sản ông bà để lại có bao nhiêu xài, phá cho bằng hết. Các thế hệ sau liệu còn
được gì?
No comments:
Post a Comment