Tuesday, July 24, 2018

SỰ KIỆN LÊ MỸ HẠNH : 'Ở ĐÂY ĐÉO CÓ DÂN CHỦ ĐÂU' (Ánh Liên - VNTB)





Khi người Việt rời bỏ quê hương, thì đó gọi là tha hương. Khi người Việt bị trục xuất khỏi quốc gia vì lý do chính trị, hay thậm chí trong địa hạt địa phương thì người ta gọi là sự chối bỏ của chế độ.

Nếu cưỡng ép như Gs Phạm Minh Hoàng, thì đó được xem là tống khứ các thành phần gây rối trong mắt chính quyền, tương tự - biện pháp này cũng được áp dụng cho số đông những nhà hoạt động dân chủ - nhân quyền Việt nam, mới nhất là đối với nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh, người gần đây bị phía an ninh Huế cưỡng ép lên chiếc xe khách để vào Sài Gòn.

Nhưng chưa dừng tại đó, theo cô Lê Mỹ Hạnh chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, viên trưởng Đồn Công an phường Xuân Phú – Tp. Huế đã tuyên bố: 'Ở đây đéo có dân chủ đâu, mày câm miệng lại đi. Tao sẽ cho mày biến khỏi thành phố Huế ngay lập tức'.
'Chúng tao đã nhận được giấy báo tạm trú của mày nhưng tao chưa chấp nhận cho mày ở cái đất Huế này nên mày phải đi. Hiểu chưa?'

Nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh từng bị đánh đập bởi đối tượng côn đồ Phan Sơn Hùng - người tự nhân danh tìm và diệt phản động.

Tình trạng cưỡng ép người được cho là ‘phản động’ ra khỏi địa phương được xem là cách làm rất nghiệp vụ của ngành công an hiện tại nhằm tránh mọi rắc rối đem lại. Nó không khác gì việc Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh - cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) người từng tiến hành biện pháp truy bắt tội phạm bằng cách… hẹn gặp và đưa phong kỳ cùng lời căn dặn nhóm giang hồ: Các chú cầm lấy ít tiền, qua bên kia phà Tân Đệ, về Thái Bình, Hải Phòng… hay đi đâu đó mà làm ăn, để đây cho anh yên tí. Lỡ có 'móm' thì về, anh lại cho một ít.

Tống khứ người hoạt động ra khỏi địa phương bất chấp các quy định của pháp luật trở thành xu hướng của đấu tranh chống phản động hiện nay. Nhưng bản chất của vấn đề này là sự đùn đẩy trách nhiệm về mặt pháp lý, ở khía cạnh khác thì chính việc làm và phát ngôn của những người như viên trưởng đồn công an phường Xuân Phú vừa thể hiện tính quyền lực, vừa là tính sợ hãi, vừa tính chối đẩy trách nhiệm; vừa tước cả quyền tự do đi lại và tự do cư trú của công dân.

Facebooker Cường Phạm đã bình luận về cách hành xử thô bạo của lực lượng công an Huế: Đây là lời lẻ của một thằng lưu manh, thất học chừ không phải của một viên chức chính quyền.

Rõ ràng, người dân cần nhiều lắm một sự ôn hòa và hành xử đúng luật cũng như tính văn minh trong hành xử của phía cơ quan hành pháp, tuy nhiên, đúng như nhiều bài viết trước đó, sự trao quyền quá nhiều đối với lực lượng hành pháp đã dẫn đến nạn lậm quyền lực, biến họ trở thành những ông trời con, và hành xử hoàn toàn theo những nghiệp vụ (kể cả nghiệp vụ phi nhân quyền) mà họ đã học.

Quay trở lại với câu nói ‘ở đây đéo có dân chủ đâu’, những nhà hoạt động nên tuyên dương viên trưởng đồn công an phường Xuân Phú, bởi thuộc tính thật thà và chất phác làm bộc lộ toàn bộ những quan điểm phản ánh hiện thực khách quan về yếu tố dân chủ - nhân quyền không tồn tại trong não trạng và trong cả hệ thống chính trị - xã hội ở TP. Huế nói riêng và tại Việt nam nói chung.

‘Ở đây đéo có dân chủ dân’ cũng là câu nói cần được nhắc đi nhắc lại nhiều lần để qua đó tái tạo dân chủ, nói cách khác, càng không có dân chủ thì càng phải tiến hành những cuộc đấu tranh liên tục, đấu tranh đó bao gồm hiện thực hóa cơ bản quyền dân chủ của nhân dân, từ việc không bị phân biệt đối xử vì là nhà hoạt động hay cần tôn trọng quyền tự do đi lại của người dân.

Lê Mỹ Hạnh hay nhiều nhà hoạt động khác còn 1 chặng được dài để những giá trị tự do phổ quát được hiện diện, nhưng không phải đối với đối tượng là công an viên, mà chính là từ phía người dân. Chỉ cần dân trí nhận thức được tính dân chủ, thì quan điểm của tầng lớp công an viên trong xã hội cũng sẽ được uốn nắn theo. 

Và đó là một cuộc chạy đua dài hơi trong phổ cập dân trí về quyền nhân dân, cái mà hiện nay vẫn bị nhà nước coi là 'nhạy cảm', hệ quả là nhiều nhà hoạt động bị sách nhiễu, đánh đập, đe dọa, bắt giam và đi tù.

Nhưng dù sao đó cũng thể hiện đặc tính vùng đất ‘đéo có dân chủ đâu’, tạo cơ sở thúc đẩy các nhà hoạt động tiến lên mạnh mẽ hơn, thu hút sự chú ý - quan tâm của dư luận và chuyển họ từ những người 'thù ghét phản động' hay thậm chí là vô cảm với thời cuộc trở thành những người quan sát và lên tiếng. 

Trở lại với nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh, với những gì cô trải qua tại Tp. Huế, nó làm nổi bật lên đức tính cao quý của nhà hoạt động nhân quyền, vận động dân chủ tại Việt nam, đó chính là những người luôn trong trạng thái sẵn sàng sống chết cùng quê hương, những người 'quyết không hề phản bội quê hương' bằng sự im lặng trước bạo lực, bất công và phi nhân tính.

Cần nhắc lại, trước đó không lâu, cô Lê Mỹ Hạnh và những người bạn của mình đã bị nhóm người tự xưng là 'Cờ đỏ, dư luận viên' - đứng đầu là Phan Sơn Hùng xông vào đánh tại chỗ ở riêng.







No comments: