Monday, July 30, 2018

HIỆP HAI CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG (Nguyễn Ngọc Sẵng - Danlambao)





Trong giai đoạn một, Mỹ - Trung dùng biện pháp tăng thuế trên những hàng nhập khẩu của đối phương. 

Giai đoạn hai bắt đầu bằng việc hạ giá tiền tệ, tạo lợi thế trong xuất khẩu, mà đồng Quan của Trung Cộng đã giảm giá 6% gần đây, việc nầy được bộ Tài Chánh Mỹ lưu ý.

Theo hãng tin RIA Novosti (Nga) lúc mới bắt đầu cuộc chiến thương mại, Bắc Kinh dùng chiến thuật “ăn miếng trả miếng” để phản kích một cách có trật tự, nhưng giờ đây Trung Cộng đã bắt đầu loạn thế trận, không có trật tự.

Nhà bình luận Dmitry Kiselyov (Nga) phân tích, nhìn vào những hành động thực tế gần đây của Trung Cộng cho thấy họ đang cố gắng lôi kéo quan hệ với châu Âu, đồng thời ký kết các hiệp định thương mại. Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra hôm 20/7, cũng là cơ hội tốt mà Bắc Kinh muốn dùng để lôi kéo, mở rộng phe cánh của mình.

Ông Trump và nhiều lãnh đạo Châu Âu gần đây chỉ trích gay gắt nhau, nhưng Trung Cộng và Châu Âu khó có thể hình thành bất kỳ một loại liên minh nào để cùng chiến đấu chống lại Mỹ vì Trung Cộng và phương Tây có các giá trị và hệ thống xã hội hoàn toàn khác nhau.

Trong bài trước tôi có đề cập đến khoảng nợ tín dụng 760 tỷ USD để kích thích tín dụng toàn dân, mà hầu như không thể đòi được. Nhà cầm quyền Trung Cộng thiết lập trang mạng điện tử liệt kê tên họ những người thiếu nợ với mục đích làm họ “mắc cỡ” để trả nợ. 

Hôm 26/7/2018 trên tờ South China Morning Post đưa thêm tin về việc nầy trong bài viết toà án nhân dân ở Kaifeng Longtin, tỉnh Hồ Nam Trung Cộng dùng kỹ thuật Video lồng nhạc, tên tuổi, địa chỉ, số tiền nợ đưa ra công chúng xem để thúc đẩy việc trả nợ. Chỉ trong tuần lễ đầu đã có 8,000 lượt người xem hình nầy! Tháng trước, toà án nhân dân ở Douyin, nam tỉnh Quảng Tây đã dùng cùng biện pháp, tỉnh Anhui, tỉnh Sichuan cũng tương tự. Nhà cầm quyền Trung Cộng đang sỉ nhục nhân dân họ. Trung Cộng đang gặp khó khăn lớn về nợ tín dụng, nợ công, lẫn tín dụng đen trong xã hội.


Hình và tên con nợ trong Video, trích trong bài viết “Tik Tok, Tik Tok: Chinese court uses video platform to give debtors the hurry-up South China Morning Post” phổ biến ngày 26 tháng 7, 2018.

Trung Cộng không còn cách nào đòi số nợ khổng lồ nầy, nên “sáng tạo” những cách đòi nợ “mang sắc thái Trung Cộng”. Chẳng những không đòi được, vì món tiền vạy mượn nầy được chi dùng phần lớn cho du lịch, họ còn mang hình ảnh xấu xí người Tàu khạc nhổ, tiểu tiện, gây ồn ào nơi công cộng đi khắp nơi trên thế giới.

Ông Lui He, người cầm đầu nhóm chuyên gia trong chiến tranh thương mại Mỹ Trung đã thất bại trong việc điều đình với Mỹ, ông đã mất chức và hiện là “kiến trúc sư” cho chương trinh thúc đẩy tiêu thụ nội địa để đối phó với chiến tranh thương mại đang tiếp diễn.

Có phải chăng chính quyền Trump chọn đúng thời điểm để bắt đầu cuộc chiến thương mại, cho dù thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ đã xảy ra hơn thập kỷ? Đây có phải là thời điểm tốt nhất để bắt đầu vì Trung Cộng đang sa lầy trong kế sách “một vòng đai một con đường”, chương trình mà họ tiêu tốn nhiều trăm tỷ mà chưa thấy kết qủa cụ thể, thiết thực cho sự phát triển đất nước?.

Bình luận gia kinh tế Fraser Howie, hôm 27 tháng 7 nói rằng Trung Cộng không biết cách nào để đối phó với ông Trump, họ chỉ dùng lại cách cũ họ từng làm khi đánh hơi biến cố sắp xảy đến. Ông nói trong quá khứ, Bắc Kinh mở cửa tín dung cho dòng tiền chảy ra để đối phó khi có biến cố kinh tế, và hiện tại họ đang làm như cũ cho dù hậu quả của những khủng hoảng trước chưa giải quyết xong.

Ông dẫn chứng rằng tuần qua Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc đã tuồng vào những doanh nghiệp nhỏ 74 tỉ USD để tiếp hơi cho họ. Và Ban Cố Vấn Trung Ương đã thông báo sẽ chi 200 tỉ USD vào chương trình nâng cấp hạ tầng cơ sở trên toàn quốc, đồng thời họ giảm giá trị đồng Quan 6% để đối phó với việc đánh thuế của Mỹ. Đó là những phương cách họ từng dùng.

Tương tự như cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008, họ mở rông tín dụng để kích thích kinh tế. Biện pháp kích thích nầy, vào thời điểm đó, được tán thưởng như là một cứu tinh cho việc phát triển, nhưng chính nó để lại núi nợ cho đến bây giờ chưa giải quyết được hậu quả.

Một số nhận xét khác, những biện pháp tài chánh, ngân sách kịp thời nầy là sức mạnh của Bắc Kinh: chủ động, quyết đoán và có đủ tiềm năng tài chánh để đảo ngược nguy cơ. Nhưng trên thực tế đó là chỉ dấu của rối loạn.

Vài dấu hiệu khác của sự rối loạn

Một bài báo trong South China Morning Post ngày 27/7 với tựa đề: “Trung Cộng huy động 60,000 công ty thu mua hàng hoá nước ngoài để giữ thị trường Trung Cộng vẫn sinh hoạt, trước Hội Chợ Nhập Cảng" (từ ngày 5-10 tháng 11 tại Thượng Hải). 

Thứ Trưởng bộ Thương Mại Wang Bingnan cho biết sẽ huy động những chuyên viên nhập cảng, các nhà buôn, những đại lý bán sỉ, bán lẻ, nhà sản xuất, và những nhà cung cấp dịch vụ nhập cuộc để mua những sản phẩm mà Trung Cộng cần.

Hiện tại làn sóng di dời những xưởng sản xuất từ Trung Cộng đến Mã Lai, Việt Nam đang gây lo âu, xáo trộn trong giới công nhân, giới tài chính Trung Cộng.

30 năm trước đây làn sóng di dời hãng xưởng từ Hồng Kông đến Hoa Lục xảy ra ồ ạt, hôm nay họ lại gắp rút di dời hãng xưởng từ Hoa Lục đến các nước Đông Nam Á để tìm chỗ an toàn, giá thành rẻ cho những sản phẩm của họ như công ty làm đồ chơi trẻ em, đồ dùng điện tử, hàng may mặc, dụng cụ bằng nhựa để tránh ảnh hưởng cuộc chiến thương mại Mỹ Trung.

Đợt di chuyển đầu tiên nầy sẽ ảnh hưởng đến 1 triệu công việc làm và 25, 5 tỷ USD, ông Clara Chan Yuen-Shan giám đốc Hội Đồng Thương Mại các Xí Nghiệp Trẻ và Tổng Giám Đốc cộng ty cổ phần Lee Kee ở Hồng Kông tuyên bố. Họ lo ngại nếu cuộc chiến càng leo thang thì chiến dịch “tái định cư” các hãng xưởng càng lên cao. 

Trung Cộng không tìm được sách lược hữu hiệu đối phó với Hoa Kỳ, họ bị động, lúng túng và chỉ dùng những cách đỡ gạt cũ kỹ, kém hiệu quả. Vì vậy nếu cuộc chiến thương mại càng kéo dài, họ sẽ nhanh chóng kiệt quệ và sự thất bại chỉ còn là lúc nào mà thôi.

Mấy ngày nay một hiện tượng chính trị gây ồn ào, bất lợi cho chinh quyền Trump là việc ông tỏ ra thân thiện với Tổng Thống Nga Putin và mời ông đến Mỹ trong mùa hè (đã dời đến năm 2019). Có phải chăng Tổng Thống Trump muốn hòa hoãn với Liên Xô để rảnh tay triệt hạ “Con Rồng Đỏ” phương đông, một chiến lược mà cố Tổng Thống Nixon dùng để hạ bệ Liên Xô? Báo chí lề phải, một số nhà lập pháp Hoa Kỳ, giới anh ninh tình báo Mỹ chỉ trích nặng nề việc nầy, nhưng đừng đánh giá hời hợt động thái nầy của ông Trump!

Một nhà bình luận chính trị người Trung Quốc Ông Tang Hao mới đây đã trao đổi với Epoch Times rằng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang nỗ lực cải thiện mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin để cô lập Trung Cộng. 

Ông Hao nói thêm, nếu Mỹ có thể đạt được hợp tác với Nga, và tách Bắc Hàn ra khỏi chế độ cộng sản Trung Quốc, thì tình huống đó sẽ gây rất nhiều khó khăn mang tính toàn cầu cho Đảng Cộng sản Trung Quốc

Cùng nhận định trên, Ông Wen Zhao cho rằng cải thiện mối quan hệ Mỹ – Nga sẽ là cách kéo Nga ra xa Trung Quốc. 

Chúng ta hẳn còn nhớ việc Nixon-Kissinger đã thực hiện chiến lược hoà Trung chống Nga trong thập niên 70 cuối thiên niên kỷ trước, Mỹ kéo Nga vào cuộc chạy đua vũ khí để sau cùng Nga sụp đổ về kinh tế, và buộc Nga phải từ bỏ chủ nghĩa cộng sản.

Ai biết được đầu thiên niên kỷ 21 Tổng Thống Trump hòa hoãn với Nga, dồn toàn bộ sức lực vào cuộc chiến thương mại để làm tan rã nền kinh tế lớn thừ 2 trên thế giới, từ đó biến Trung Cộng thành đế quốc cộng sản sau cùng sụp đổ.

Nixon xoá sạch cộng sản Đông Âu, Liên Xô, hy vọng Trump sẽ xoá sạch cộng sản Châu Á. Nếu Trump thành công thì chính hai nhân vật lịch sử nầy ra tay xoá sổ chủ thuyết cộng sản đã từng gieo rắc nỗi kinh hoàng, từng tiêu diệt 100 triệu người dân vô tội trên hành tinh nầy!

31.07.2018








No comments: