Năm
2015 mới qua đi, năm 2016 vừa đến. Trong lúc giao thời tống cựu nghinh tân,
chúng ta thử nhìn lại năm cũ và phóng tầm mắt về năm mới để xem tình trạng đất
nước Việt Nam của chúng ta ra sao và có gì hứa hẹn cho tương lai.
Trong
năm vừa qua, điều đáng ghi nhận nhất là chế độ cộng sản chưa đi đến chỗ tan vỡ
nhưng bị nhân dân chống đối một cách mãnh liệt. Những tổ chức dân sự như Liên
Đoàn Lao động VN Tự Do, Hội Nhà Báo tự do, Mạng lưới Bloggers VN, Dân oan... đã
được tổ chức và kết hợp ở cấp toàn quốc, công khai hoạt động dù không được nhà
nước cho phép, đang trở thành một sức đối trọng với quyền hành nhà nước. Điều
này đã khiến nhà nước rất e ngại. Bằng chứng là họ đã gia tăng đàn áp, bắt bớ.
Những nhà đấu tranh trẻ và kiên cường như Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Phương Uyên
đã bị bắt, bị đánh đập dằn mặt, trước khi được thả. Luật sư Nguyễn Văn Đài cũng
bị hành hung có thương tích và bị bắt lại sau 4 năm bị tù và 3 năm quản chế vừa
hết. Nhà cầm quyền viện điều 88 Luật Hình sự kết tội ông phá hoại an ninh quốc
gia.
Dân
chúng công khai đương đầu với công an, cảnh sát tại Sài Gòn ngày 5/11/15
(Hình
Huy Phan)
Nhìn bề
ngoài, người ta có thể hời hợt nhận xét là đa số quần chúng giữ thái độ dửng
dưng với tình hình đất nước. Dân chỉ lo kiếm sống. Lớp khá giả hơn thì chỉ bận
tâm tới việc kiếm tiền bằng mọi cách để hưởng thụ. Nhưng một sự kiện không thể
chối cãi là lòng dân không mấy ai ưa chế độ. Nhà nước làm gì cũng bị dân chê, từ
phản đối chặt cây xanh, chống việc bỏ môn sử ở học đường, đến đánh cảnh sát
giao thông và mang cả quan tài chặn xa lộ. Thêm vào đó, hầu như ai cũng chống đối
nhà nước về thái độ hèn yếu với Trung Quốc trong việc bảo vệ lãnh hải và các đảo
ở Biển Đông. Thậm chí 127 trí thức và các cựu đảng viên cao cấp cũng mới ra kiến
nghị đòi đổi tên đảng, đổi tên nước và thực hiện tự do dân chủ nhân dịp đại hội
đảng sắp tới. Có thể nói, dân Việt Nam đã chán chế độ cộng sản lắm rồi, mong sớm
có thay đổi. Cộng sản rất sợ một sự thay đổi đến từ áp lực nhân dân
Năm cũ
cũng đánh dấu việc quản trị kinh tế lỏng lẻo nếu không nói là vô trách nhiệm.
Dù tổng sản lượng nội địa có thể tăng 5 hay 6%, nhiều ngân hàng đã bị đóng cửa,
có ngân hàng được rao bán với giá 0 đồng. Ngân sách nhà nước đã cạn. Bộ Trưởng
Kế Hoạch và Đầu Tư Bùi Quang Vinh cho biết ngân sách trung ương năm 2016 chỉ
còn 45,000 tỷ Đồng. Nếu dùng trả nợ thì không còn tiền trả lương công chức, cán
bộ. Trong hai năm, ngân sách phải trả hơn 16 tỷ Mỹ-kim nợ trái phiếu. Tỉnh Bạc
Liêu đã hết tiền hoạt động. Tỉnh Cà Mau cũng cạn ngân sách và nợ như chúa Chổm.
Huyện Thới Bình, Cà Mau, không còn tiền trả lương cho các giáo viên. Chính phủ
đã yêu cầu Quốc Hội nâng mức bội chi ngân sách lên 5,3% và trần nợ công 65% so
với tổng sản lượng nội địa cho năm tới. Để có tiền điều hành quốc gia, chính phủ
phải vay nợ đầm đìa. Vay thì sẽ phải trả, cả vốn lẫn lời. Ai sẽ trả đây, nếu
không phải là dân?
Ngoài
lý do quản lý kinh tế yếu kém, một số những nguyên nhân khác đã được chính các
đại biểu Quốc Hội tố cáo trong khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội ngày
24-10-2015:
- Bộ
máy chính quyền cồng kềnh với 3 cấp (hành chánh trung ương, hành chánh địa
phương, đảng bộ từ trung ương tới địa phương). Dân làm sao nuôi nổi bộ máy khổng
lồ này? (Đại biểu Trần Du Lịch). Cần ghi nhận là Việt Nam có 2.8 triệu công chức,
cán bộ cho 91 triệu dân, trong khi Hoa Kỳ có 1.8 công chức cho trên 300 triệu
dân. Bình thường, một đảng chính trị phải tìm lợi tức hợp pháp (quan trọng nhất
là sự đóng góp của chính các đảng viên) để nuôi cán bộ và tài trợ các hoạt động
của mình, không thể lấy tiền từ ngân sách quốc gia để làm việc này.
- Có ít
nhất 1/3 cán bộ, công chức dư thừa, chỉ có việc sáng cắp ô đi chiều cắp ô về. Vậy
phải giảm biên chế (ĐB Đỗ Văn Đương).
- Có
nhiều người bỏ ra vài trăm triệu để chạy vào công chức, dù lương thấp. Vậy chỉ
tạo điều kiện cho tiêu cực (tham nhũng) phát sinh (ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm).
- Đi nước
ngoài công cán và nghiên cứu bằng tiền ngân sách cho những cán bộ sắp về hưu.
Quản lý kinh tế khó hiểu, mở cửa cho tham nhũng, cụ thể như từ chối những dự án
đầu tư tiền vốn lên vài ngàn tỷ đồng, rồi sau lại thấy những dự án này chen được
vào danh sách phê duyệt. "Có những doanh nghiệp ma qua xuất nhập
khẩu trong một ngày đã quay vòng hơn 25 tỷ tiền thoái thuế" (Phó
Chủ Tịch nước Nguyễn Thị Doan).
Đó là mới
chỉ kể vài nguyên nhân do chính những người trong guồng máy nói ra. Không ai
dám nói tới những lãng phí hàng ngàn tỷ dùng để xây tượng đài Hồ Chí Minh trên
khắp nước, và những đại công trình bị rút ruột nên sớm hư hỏng, như tường gốm
dài nhất thế giới, xa lộ xi măng cốt gỗ, cầu xi măng cốt tre, xây các trụ sở
hành chánh quận và tỉnh huy hoàng tráng lệ...
Tường
gốm ở Hà Nội bong lở chỉ sau vài năm
Thành
quả duy nhất là Việt Nam được nhận vào TPP với giá rất rẻ tôn trọng nhân quyền.
Hiệp ước chưa được thi hành, và giá cũng chưa phải trả ngay, hay mới trả tượng
trưng. Nhưng từ nay tới ngày hiệp ước có thể đem lại lợi ích cho kinh tế Việt
Nam thì tình hình Việt Nam sẽ biến chuyển ra sao? Liệu có những thay đổi tích cực
để hòa nhập với thế giới văn minh?
Năm
2015 cũng là năm việc xâu xé trong nội bộ đảng cộng sản được công khai hóa như
chưa từng thấy. Không nói ra nhưng hai phe Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng
đã sát phạt nhau không thương tiếc. Đã có hai vụ mất mạng của Phạm Quý Ngọ và
Nguyễn Bá Thanh. Vụ Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc Phòng, cũng kết thúc ly kỳ.
Là một người năng nổ, hay tuyên bố, xuất hiện nhiều, đầy hứa hẹn trong việc
thăng quan tiến chức trong đại hội đảng sắp tới, vậy mà chỉ trong một cuộc đi
Paris, sự nghiệp của Phùng Quang Thanh như đang bị chôn vùi. Đầu tiên là tin bị
ám sát với đầy đủ chi tiết. Sau đó là tin vẫn còn sống trở về. Nhưng về rồi là
ngậm miệng, không tuyên bố vung vít như trước, ít xuất hiện. Bây giờ chỉ còn giữ
vai trò làm vì. Con trai ông này cũng là một đại tá, đứng đầu một cơ sở kinh
doanh rất lớn của quân đội, nghe đâu cũng đã mất hết chức quyền. Sập bẫy của ai
mà tang thương thế?
Tháng
12-2015, Ban Chấp Hành Trung Ương đảng họp để đề cử nhân sự Bộ Chính Trị cho đại
hội sắp đến, tức là chọn sẵn những người ở cấp lãnh đạo tối cao để Đại Hội đảng
lần thứ 12 bỏ phiếu chấp thuận cho có lệ, khỏi cần ứng cử, đề cử, lựa chọn cho
mệt. Ông Bùi Tín đã phải thốt lên: "Chuyện thật mà cứ như đùa. Vì
không thể tưởng tượng được cả 2 cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng CS là Ban Chấp
Hành Trung Ương và Bộ Chính Trị khóa XI lại mù mờ về Điều lệ đảng đến như vậy...
Không hề có điều khoản nào quy định Ban Chấp Hành Trung Ương khóa trước lại họp
đề cử, như là bầu chính thức Bộ Chính Trị khóa tiếp theo. Theo Điều lệ đảng
CSVN đó là hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Đại hội XII, sẽ họp vào tháng
1-2016" (diendantheky.net, 18/12/2015).
Ông Bùi
Tín ơi! Ông ở với đảng cộng sản suốt mấy chục năm mà ông không biết sao? Với cộng
sản, chuyện thật nào mà chẳng như đùa? Luật lệ đặt ra là để phục vụ kẻ đang nắm
quyền, có phục vụ mọi người đâu. Những lúc nhất trí thì làm bộ tôn trọng điều lệ,
nhưng mọi quyết định đều đã được lấy sau hậu trường cả rồi. Lần này, giải quyết
hậu trường không xong thì anh nào đang có quyền cứ làm càn bừa đi, gỡ gạc được
chút nào hay chút ấy. Không thể giặt khăn dơ trong bóng tối thì đưa ra giặt
ngoài ánh sáng. Tình trạng giành giật nội bộ trong đảng CS nó trầm trọng thế đấy.
Đại Hội sắp tới sẽ có nhiều màn ngoạn mục. Bà con ráng chờ để xem miễn phí.
Nói
chung, trong năm qua, thế nước lòng dân, nội bộ đảng đều suy xụp, không có gì để
bảo đảm cho một năm mới tươi đẹp. Năm mới sẽ có những vấn đề mới, đặc biệt là
thay đổi lãnh đạo.
Đường
lối chính trị nào cho năm 2016?
Tình
hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam trong năm mới cũng tùy thuộc vào
tình hình thế giới, nhưng phần lớn là vào thành phần lãnh đạo chóp bu Việt Nam.
Thành phần này sẽ được chọn lại trong đại hội đảng lần thứ 12 được diễn ra từ
ngày 21 đến 28-1-2016. Căn cứ vào tình trạng đấu đá trong nội bộ đảng trong năm
qua, mọi người đều thấy rõ đảng hiện có hai phe, hai khuynh hướng đang tranh
dành nhau: phe bảo thủ do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu và phe cải tổ do Nguyễn Tấn
Dũng là thủ lãnh. Gọi vậy cho tiện phân biệt, không ai biết rõ đó là những chủ
trương thiệt hay chỉ là những chiêu bài để tranh thủ đảng viên và quần chúng.
Phe bảo
thủ chủ trương giữ đảng và trung thành với những nguyên tắc và giáo điều lỗi thời
của chủ thuyết Mác Lê, những bài học của Lê Nin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí
Minh, cộng thêm việc dựa vào Trung Quốc là chính, liên lạc với Hoa Kỳ và Tây
Phương là phụ, chỉ để tìm lợi ích kinh tế. Chủ trương này không thuyết phục được
ai. Nó chỉ có tác dụng trấn an Trung Quốc, đảng viên và những nhóm lợi ích muốn
giữ nguyên trạng để tiếp tục nắm quyền và hưởng lợi. Nếu phe này thắng thế,
tình hình Việt Nam sẽ vẫn như cũ và chắc chắn càng ngày càng tệ.
Phe chủ
trương cải tổ có lợi thế dễ thu phục dư luận hơn vì tuyệt đại đa số dân Việt
Nam, kể cả rất nhiều đảng viên, đã chán chường với tình trạng hiện tại, muốn có
sự thay đổi, dù chưa biết thay đổi ra sao. Dù có lợi thế, phe cải tổ vẫn phải rất
thận trọng khi hành động. Trước hết phải nắm được quyền hành ở cấp cao nhất. Thế
của Nguyễn Tấn Dũng có dấu hiệu đang lên, làm lu mờ Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn
Sang, Nguyễn Sinh Hùng. Tuy nhiên thế lực chống Dũng vẫn còn mạnh. Dũng đã phải
cài đặt, ban thưởng, nuôi dưỡng đàn em khắp nước trong thời gian dài với hy vọng
nắm được đa số phiếu bầu trong đại hội đảng. Với chức vụ thủ tướng trong hai
nhiệm kỳ, Dũng có nhiều quyền hành và phương tiện để làm việc này. Tuy nhiên vẫn
không có gì bảo đảm chắc chắn vì còn yếu tố Trung Quốc với tiền và người mai phục
trong guồng máy đảng cộng sản VN.
Một khi
đã nắm được vai trò lãnh đạo chóp bu, kẻ chiến thắng không thể ra lệnh thực hiện
đường lối, chính sách của mình ngay lập tức. Việc đầu tiên là phải thu quyền hành
về một mối, tức từ từ loại bỏ những phần tử chống mình hay không đồng ý với
mình. Sau đó là thay đổi nhân sự chỉ huy ở các cơ quan trung ương và các lãnh đạo
địa phương, kể cả quân đội. Việc này Nguyễn Tấn Dũng đã thực hiện một phần
trong thời gian gần đây. Khi đã nắm chắc guồng máy trong tay, khi không còn mối
nguy chống đối, lúc đó kẻ chiến thắng mới có thể mạnh dạn đưa ra dường lối cải
tổ. Vì vậy, chúng ta đừng chờ những thay đổi xảy ra ngay sau đại hội đảng cuối
tháng Giêng 2016. Tình hình sẽ chỉ nhúc nhích, và những thay đổi thật sự, nếu
có, cũng chỉ xảy ra sau 6 tháng sau hay vào cuối năm.
Cải
tổ gì? Như thế nào?
Ba trường
hợp có thể xảy ra
1/
Cải tổ đảng để giữ đảng: Giữ sự thống nhất quyền hành của đảng và tập trung quyền
hành từ trung ương đến địa phương, cố gắng chấm dứt nạn xứ quân như hiện nay.
Không để các lãnh chúa địa phương làm vương làm tướng, như Nguyễn Bá Thanh làm
vua con ở Đà Nẵng. Cũng có thể cải cách một vài hình thức cai trị, bớt tham
nhũng, bớt làm khó dân để xoa dịu sự bất mãn của quần chúng và đáp ứng một phần
những đòi hỏi của những đối tác nước ngoài. Đó chỉ là cải tổ guồng máy và cách
vận hành nội bộ đảng. Đảng vẫn độc tôn. Nhà nước vẫn từ đảng duy nhất mà ra.
Không có tam quyền phân lập. Không có đa đảng. Không có các quyền tự do. Nhưng
nếu tưởng rằng đã nắm chắc quyền hành và vẫn hành động như cũ, đảng sẽ không
tránh khỏi phản ứng quyết liệt của nhân dân. Hãy nhớ vào cuối thập niên 80 của
thế kỷ trước, Gorbatchev đâu có muốn giải thể đảng cộng sản Liên Xô. Ông chỉ muốn
đổi mới bằng khẩu hiệu Perestroika (tái cấu trúc) và Glassnot (cởi mở, trong
sáng) để cứu đảng và cứu nền kinh tế Liên Xô. Nhưng một khi độc tài hé cửa là
cơn lũ quần chúng tràn vô. Đảng cộng sản phản công, ra lệnh đàn áp, nhưng công
an chìm nổi đã chạy hết rồi, quân đội không bắn vào dân, nhiều tướng tư lệnh sư
đoàn án binh bất động, dù đã nhận được lệnh đàn áp. Chế độ cộng sản Liên Xô sụp
đổ năm 1991.
2/
Cải tổ kiểu Putin:
Đổi tên đảng, hoặc có thể tuyên bố giải tán đảng cộng sản, công bố áp dụng chế độ
tự do dân chủ, nhưng vẫn giữ vai trò độc tài, độc tôn một cách trá hình. Trong
trường hợp này, một nền dân chủ giả tạo sẽ được thành hình. Cho phép chế độ đa
đảng nhưng chỉ cho phép những đảng nào mà nhà cầm quyền kiểm soát được. Đảng
nào đối lập thật sự sẽ bị làm khó dễ, bị phá phách, và lãnh tụ có thể bị bỏ tù
với luật lệ bị bóp méo, có khi còn bị thủ tiêu. Tự do ngôn luận được cho phép,
nhưng chỉ được phép phê bình nhà cầm quyền đến giới hạn nào đó thôi. Vượt qua
giới hạn là ở tù hay đi ngoại quốc không được trở về. Các nhóm lợi ích vẫn bao
quanh quyền lực để làm ăn chung và chia chác quyền lợi. Guồng máy công an, công
chức vẫn gồm đa số nhân viên của chế độ cũ. Hiến pháp được nhào nặn theo ý lãnh
tụ. Lãnh tụ Putin đã làm tổng thống hai nhiệm kỳ, không được phép làm liền nhiệm
kỳ thứ ba. Ông đưa đàn em ra làm tổng thống nhiệm kỳ kế tiếp. Còn ông giữ chức
vụ thủ tướng toàn quyền. Hết một nhiệm kỳ, tổng thống đàn em phải xuống, Putin
lại lên ngôi tổng thống hai nhiệm kỳ nữa. Cứ thế mà tiếp tục, Putin sẽ làm lãnh
tụ cho tới khi chết.
Câu hỏi
được đặt ra: tại sao dân được quyền bầu cử mà cứ nhắm mắt bầu Putin hoài? Câu
trả lời rất dễ: Không có dân chủ thực sự. Các đảng đối lập đã bị xiết cổ, các
lãnh tụ sáng giá đã đi tù hay chết, còn toàn những lãnh tụ đối lập hạng hai, hạng
ba phải đương đầu với kẻ có tiền, có quyền, làm sao có thể thắng? Những trò bầu
cử gian lận đã bị tố cáo nhưng chẳng có cơ quan nào có thẩm quyền xét xử. Thêm
vào đó, Putin chơi trò mị dân. Chiếm Crimée, đòi tách một phần phía đông Ukraine,
làm dân chúng bùng lên lòng yêu nước và tự ái dân tộc, không thèm biết bị Tây
phương chế tài vì tội xâm lăng khiến kinh tế suy xụp. Kinh tế khủng hoảng. Giá
dầu tuột dốc. Vậy mà Putin vẫn đưa máy bay và vũ khí đắt tiền tham chiến ở
Syria, gọi là để đánh quân khủng bố ISIS, nhưng thực tế là để bênh đồng minh độc
tài Assad và muốn được xí phần trong canh bạc máu. Nhưng với những hành động
này, dưới mắt dân Nga, Putin được coi là người hùng vĩ đại, một Nga Hoàng thời
đại mới..
Một
"người hùng" nào đó của Việt Nam có thể áp dụng biện pháp cải tổ và đổi
mới kiểu này. Nhưng khi kinh tế sụp đổ, khi dân mở mắt nhìn ra sự thật và những
trò lừa bịp, lúc đó dân Việt Nam cũng như dân Nga sẽ lại phải làm một cuộc nổi
dậy để thay đổi lớp cầm quyền.
3/
Cải tổ kiểu Miến Điện (Myanmar): Cách khôn ngoan nhất là cải tổ như Miến Điện.
Đó là những người đang nắm quyền chủ động cải tổ theo sách lược và lịch trình
do mình đưa ra, tránh bị áp đặt bởi một tình hình bất lợi. Đó là cách tập đoàn
quân phiệt Miến Điện, khi thấy cơn bão phẫn nộ của quần chúng đã dâng cao, biết
làm giảm cơn bão và tìm lối hạ cánh an toàn cho chính mình. Chưa nói đến chuyện
yêu nước hay thương dân.
Tiến
trình dân chủ hóa này được thực hiện trong bốn năm, khởi đầu từ 2011. Lúc đó, tập
đoàn lãnh đạo Miến Điện thấy không thể tiếp tục nhờ cậy Trung Quốc để phát triển
kinh tế, đã tìm cách "thoát Trung", hủy bỏ nhiều dự án đã ký kết với
Trung Quốc, trong đó có dự án xây đập Myitsone. Thoát Trung thì phải ngả sang
phía Mỹ và khối Tây Phương để có chỗ dựa. Ngả sang khối này thì không thể giữ
chế độ độc tài, bắt buộc phải mở cửa cho tự do dân chủ để có thể dễ dàng buôn
bán làm ăn và nhận viện trợ. Đó là lối suy luận hợp lý với cái nhìn thực tiễn.
Việc đầu
tiên là họ sửa đổi hiến pháp, chấp nhận đa đảng, cho phép các đảng phái tự do
hoạt động, tham gia các cuộc bầu cử. Nhờ đó, trong một cuộc bầu cử bổ túc một
phần dân biểu quốc hội, lãnh tụ đối lập, Bà Aung San Suu Kyi, người đã bị quản
chế 20 năm, được trả tự do, đã hướng dẫn đảng National League for Democracy
(NLD) chiếm hầu hết các ghế trong cuộc bầu cử này. Bà trở lại quốc hội với tư
cách thủ lãnh đối lập.
Tự do
báo chí, tự do tôn giáo, tự do kinh doanh được tái lập. Khi những áp lực được
giải tỏa, những căng thẳng chính trị và xã hội sẽ giảm thiểu, đem lại sự an
bình trong đời sống.
Trong
thời gian chuyển tiếp, tập đoàn quân nhân thành lập một chính phủ lâm thời với
tướng Thein Sein giữ chức vụ tổng thống. Sau 4 năm, ngày 18-11-2015, chính phủ
tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới. Dù quân đội đòi được biếu không 25% số ghế
không phải bầu, đảng NLD của Bà Aung San Suu Kyi vẫn chiếm đa số áp đảo với 348
ghế tại Hạ Nghị Viện, đánh bại đảng Union Solidarity and Development Party
(USDP) của quân đội. Đảng NLD cũng chiếm đa số ghế tại Thượng Nghị Viện.
Theo dự
trù của hiến pháp, tân tổng thống Miến Điện sẽ được lưỡng viện quốc hội bầu vào
tháng 2-2016 và nhiệm kỳ bắt đầu ngày 30-3-2016. Tổng thống sẽ chọn thủ tướng để
lập chính phủ. Không ai khác hơn là Bà Aung San Suu Kyi. Bà không thể ứng cử tổng
thống vì hiến pháp do mấy ông nhà binh soạn có điều khoản cấm tranh cử tổng thống
những ai có con với một người ngoại quốc (Bà có chồng người Anh đã mất và hai
con đã lớn). Tuy nhiên, với đa số dân biểu và nghị sĩ cả hai viện thuộc đảng
NLD, quyền hành của bà sẽ rất lớn.
Từ nay
đến ngày hoàn thành việc chuyển giao quyền hành vào cuối tháng 3, đầu tháng 4,
điều e ngại duy nhất là tập đoàn quân nhân không giữ lời hứa. Nhưng dân Miến Điện
đã được trấn an khi Tổng Thống đương nhiệm Thein Sein công khai chúc mừng Bà
Aung San Suu Kyi được nhân dân tín nhiện. Tướng Tổng Tư Lệnh Quân Đội Min Aung
Hlaing cũng đã tuyên bố: "Chế độ hiện tại đã hứa chuyển giao quyền hành
một cách hòa bình. Quân đội sẽ làm hết sức trong việc cộng tác với tân chính phủ
để thực hiện sự hòa giải quốc gia".
Nếu mọi
sự hoàn tất tốt đẹp, việc thay đổi chế độ ở Miến Điện coi như được diễn ra
trong hòa bình, không đổ máu, không hận thù, không hư hại tài sản quốc gia. Những
người nhận quyền là nhận từ dân. Những người chuyển quyền có thể ngửng mặt ra
đi an toàn, không sợ bị nguyền rủa hay đánh hội đồng.
Liệu những
người lãnh đạo đảng cộng sản VN sau đại hội đảng kỳ 12 có dám làm một cuộc thay
đổi cục diện đất nước như các tướng lãnh chỉ huy tập đoàn quân phiệt Miến Điện
đã làm không?
Liệu có
một cá nhân nào, Nguyễn Tấn Dũng hay ai khác, dám can trường lãnh trách nhiệm
xóa bỏ đảng cộng sản để cứu nguy đất nước và dân tộc?
Người
ta đã nói nhiều đến Nguyễn Tấn Dũng trong vai trò này suốt năm qua. Nguyễn Tấn
Dũng cũng có những lời nói và việc làm gây cảm tưởng đương sự sửa soạn đóng vai
trò này. Vấn đề đặt ra là đồ tể bỏ dao có thể trở thành Bồ Tát ngay được không?
Phản ứng của đa số đảng viên đảng cộng sản ra sao? Nguyễn Tấn Dũng đã có đủ thế
lực để trấn áp hay thu phục họ không? Kế hoạch "thoát Trung" đã sẵn
sàng chưa? Phản ứng của Trung Quốc sẽ thế nào? Thỏa thuận ngầm hay công khai với
Mỹ đã đủ để bảo đảm an toàn chưa? Nhiều câu hỏi cần giải đáp. Nhiều vấn đề cần
giải pháp. Người trong cuộc nếu dám làm thì phải hiểu và phải biết cách giải
quyết.
Dĩ
nhiên, thực hiện giải pháp này rất khó khăn, nhiều bất trắc. Nhưng ai thực tâm
dám làm sẽ được toàn dân đứng sau lưng, cộng thêm 3 triệu người Việt hải ngoại
sẽ đem cả sức mạnh tinh thần lẫn phương tiện hỗ trợ cho cuộc đổi mới, điều mà
Miến Điện không có.
Năm
2016 sẽ là năm đầy hy vọng cho dân tộc Việt Nam. Đã đến lúc phải thay đổi. Muốn
có thay đổi nhiều hay ít, tốt hay xấu, dân Việt Nam phải tỉnh thức, phải đóng
vai chủ động, không để bị áp đặt. Cũng đừng lóe mắt với vẻ bề ngoài để không
nhìn rõ sự thật. Thấy sự thật để đi đúng đường, ủng hộ đúng người. Và để tránh
ân hận vì lại bị lầm.
Điều
quan trọng khác là tìm ra được một Aung San Suu Kyi Việt Nam.
29-12-2015
No comments:
Post a Comment