Trọng Thành - RFI
Đăng ngày 28-10-2015
Đăng ngày 28-10-2015
Ngay
sau cuộc tuần tra bất ngờ tại Trường Sa, Biển Đông, trong khu vực 12 hải lý của
nhiều đảo nhân tạo mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền, hôm qua, 27/10/2015, Bộ trưởng
Quốc phòng Ashton Carter khẳng định : Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục các hoạt động tuần
tra như vậy tại bất cứ nơi nào theo luật pháp quốc tế.
Hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ : « Chúng
tôi xuất phát từ nguyên tắc là chúng tôi sẽ có các hoạt động trên không và trên
biển, và tất cả những nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, và chúng tôi tiến
hành các hoạt động như vậy khi cần thiết ».
Phát biểu nói trên được Bộ trưởng Ashton Carter đưa
ra trong một cuộc điều trần tại Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ. Vẫn theo
AFP, một giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ xin giấu tên khẳng định còn nhiều tầu chiến
Hoa Kỳ sẽ được cử đến làm nhiệm vụ tại khu vực này.
Cuộc tuần tra của Hải quân Hoa Kỳ trong khu vực 12 hải
lý nhiều đảo nhân tạo tại Trường Sa bị Trung Quốc cực lực phản đối, coi như một
hành động xâm phạm chủ quyền. Bắc Kinh đòi hỏi quyền kiểm soát trên gần như
toàn bộ Biển Đông. Bắc Kinh coi các đảo nhân tạo mới bồi đắp là những vùng lãnh
thổ thực thụ với phạm vi lãnh hải 12 hải lý.
Trong thời gian hai năm trở lại đây, đặc biệt là đầu
hè năm nay, Trung Quốc tăng cường mở rộng diện tích nhiều bãi san hô, đá ngầm,
và xây dựng nhiều công trình kiên cố có thể phục vụ cho mục tiêu quân sự.
Hành động của Trung Quốc khiến Hoa Kỳ và nhiều quốc
gia Đông Nam Á lo ngại Trung Quốc lấn tới để kiểm soát trên thực tế một trong
những tuyến đường hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới. Theo một số ước tính,
lưu thông hàng hóa qua ngả Biển Đông chiếm khoảng một phần tư khối lượng vận tải
hàng hóa toàn thế giới.
Việc Washington đưa tàu vào phạm vi 12 hải lý các đảo
Trung Quốc kiểm soát hôm qua được nhiều nước hoan nghênh.
-------------------------------------
Carla
Babb -
VOA
28.10.2015
Một
quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng có phần chắc Hải quân Mỹ sẽ thực hiện thêm các
cuộc tuần tiễu gần những hòn đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc và một số nước khác
tuyên bố có chủ quyền. Thông tín viên Carla Babb của đài VOA tường trình.
Hôm thứ ba, sau khi chiến hạm USS Lassen của Mỹ tiến
vào phạm vi 12 hải lý của một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây hồi gần đây
ở Biển Đông, một quan chức quốc phòng Mỹ yêu cầu được giấu tên nói rằng “Đây
không phải là cuộc tuần tiễu cuối cùng.”
Viên chức này cho biết vài chiếc tàu của Trung Quốc
đã theo dõi khu trục hạm Lassen như họ vẫn thường làm mỗi khi có tàu hải quân Mỹ
hoạt động ở Biển Đông. Ông nói “Tất cả những thao tác của các chiếc tàu và máy
bay Trung Quốc là an toàn và chuyên nghiệp. Không có gì bất thường”.
Trung Quốc đã lên án cuộc tuần tiễu này và cho rằng
đó là một hành động “diễu võ dương oai”, có tính chất “khiêu khích” trong vùng
biển vô cùng quan trọng đối với hoạt động thương mại quốc tế.
Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh hôm thứ ba nói rằng tàu Lassen
“xâm nhập trái phép” vào hải phận của Trung Quốc và đã triệu Đại sứ Mỹ Max
Baucus đến để chính thức phản đối.
Video tàu chiến Mỹ USS Lassen ở Biển Đông:
Video tàu chiến Mỹ USS Lassen ở Biển Đông:
Các giới chức quân sự ở Washington cho biết việc tiến
gần bãi đá Subi do Trung Quốc chiếm đóng là một hoạt động “tự do hàng hải”,
không liên quan gì tới vấn đề chủ quyền của những hòn đảo mà Trung Quốc, Việt
Nam và Philippines đều cho là lãnh thổ của mình.
Tại Washington, Thượng nghị sĩ John McCain nói rằng
hoạt động đó của hải quân Mỹ lẽ ra phải được thực hiện từ lâu.
Ông nói “Vì
Trung Quốc không ngừng thách thức tự do hàng hải trên khắp khu vực Á châu Thái
Bình Dương, nên Hoa Kỳ phải điều máy bay bay qua, phái tàu đi qua và hoạt động
tại bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép; đó là một việc quan trọng hơn
lúc nào hết. Và Biển Đông không thể là ngoại lệ.”
Ông đề nghị tiến hành những hoạt động tuần tiễu thường
xuyên trên không và trên biển trong những tuần lễ và những tháng tới đây để chứng
tỏ “quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ tự do hàng hải.”
Các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng hoan
nghênh việc tàu chiến Mỹ tiến gần những hòn đảo có tranh chấp chủ quyền ở Biển
Đông, tuy những ngôn từ họ sử dụng có tính chất dè dặt hơn.
Tại Manila, Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói
“bất kỳ sự di chuyển nào thông qua vùng biển này đều không thể bị cản trở bởi bất
kỳ thực thể nào”.
Nhật Bản cho biết họ tiếp tục quan tâm về những hoạt
động của Trung Quốc tại những phần đất và những vùng biển có tranh chấp. Chánh
văn phòng Nội các Yoshihide Suga nói “Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ các
thông tin tình báo của mình với Hoa Kỳ”.
Việt Nam chưa bình luận về diễn tiến này. Tuy nhiên,
ông Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển
Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, cho rằng “im lặng là đồng ý”. Ông nói “đây là một
chuyến đi mang tính biểu tượng để bảo vệ lợi ích của Mỹ về tự do hàng hải, và
phục vụ cho việc ổn định cũng như giữ nguyên trạng biển Đông”.
Cách nay nhiều tuần lễ các cgh Mỹ đã tỏ ý cho thấy Hải
quân sẽ phái tàu tiến vào vùng biển có tranh chấp chủ quyền. Các chuyên gia tin
rằng khoảng 200 binh sĩ Trung Quốc đang đồn trú ở bãi đá Rubi, là nơi vốn chỉ
cao hơn mặt nước biển khi thuỷ triều xuống thấp.
Bà Sheila Smith, một chuyên gia về Nhật Bản của Hội
đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington, cho biết hành động của hải quân Mỹ đã được
nhiều người trông đợi. Bà cho rằng phản ứng của Trung Quốc chứng tỏ “họ không
muốn giải quyết những vụ tranh chấp này một cách hoà bình” và việc Bắc Kinh
tăng cường sức mạnh quân sự và sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trên những
hòn đảo nhân tạo đó cho thấy họ muốn tạo ra “một sự đã rồi.” Bà nói “Họ chỉ muốn
chiếm những đảo này.”
Bà Smith cũng cho biết các nước khác đòi chủ quyền ở
Biển Đông không thể cạnh tranh với sức mạnh hải quân và không quân của Trung Quốc,
nên Hoa Kỳ không thể thoái lui mà phải nắm giữ vị thế lãnh đạo trong khu vực.
No comments:
Post a Comment