Thursday, January 29, 2015

Học thuyết quân sự mới của Nga và nỗi sợ Phương Tây (Trọng Thành - RFI)





Trọng Thành  -  RFI
Đăng ngày 29-01-2015 Sửa đổi ngày 29-01-2015 17:28

Quan hệ Nga và Phương Tây trở nên đặc biệt căng thẳng, sau biến cố một thành phố cảng chiến lược miền Đông Ukraina bị phe nổi dậy thân Nga tấn công cuối tuần trước. Báo Pháp dành nhiều chú ý cho chủ đề nước Nga. Le Monde hôm nay, 29/01/2015, có bài xã luận « Ukraina : Putin và chính sách của điều tồi tệ nhất », bình luận về thái độ cần phải có của Phương Tây trước khả năng « chiến tranh có thể bùng nổ tại miền Tây của Châu Âu » do lập trường ngày càng cứng rắn hơn của nước Nga. Cũng trong số báo này có bài phân tích đáng chú ý: « Học thuyết quân sự mới của Nga và thuyết âm mưu », ghi nhận « nỗi ám ảnh » về mối đe dọa Phương Tây khiến chính quyền Nga gia tăng các biện pháp đối đầu, chống lại mọi hoạt động mà họ cho là « đối lập ».

Cảnh sát trấn áp biểu tình ủng hộ Alexeï Navalny tại Mát xcơva ngày 30/12/2014. REUTERS/Tatyana Makeyeva

Phân tích của thông tín viên Le Monde tại Matxcơva nhắc trước hết đến học thuyết quốc phòng mới, hay « Sách trắng Quốc phòng » của Nga vừa được công bố. Chính quyền Matxcơva khẳng định nỗi lo ngại chế độ bị lật đổ, như phát biểu của người phát ngôn điện Kremlin trên tờ Argumenti i Fakty, ngày 20/01.

Theo phóng viên Le Monde, hành động cụ thể để đối phó với lo sợ trên là việc các nghị sĩ Nga bước đầu thông qua một dự luật cho phép phong tỏa các cổ phiếu và tài sản của bất cứ tổ chức nước ngoài nào được xếp vào loại « không được hoan nghênh », thậm chí cản trở họ giao thiệp với báo giới, một khi các tổ chức này bị nghi ngờ là « phát tán các tư tưởng không được chính thống ». Dự luật này được coi là « tập hai » của điều luật buộc hàng loạt tổ chức phi chính phủ Nga phải khai nhận là các « nhân viên ngoại quốc » năm 2012. « Nhân viên ngoại quốc » là một cụm từ vốn dùng để chỉ những người bị tình nghi làm gián điệp cho nước ngoài dưới chế độ Liên Xô trước đây.

Trong dự luật mới nhắm vào các tổ chức dân sự nói trên có đoạn : « Xung đột chính trị bên trong, xung đột quân sự và xung đột quốc tế, ngày càng lôi cuốn nhiều quốc gia trong thời gian gần đây, các tổ chức hủy diệt đã được lập ra trên lãnh thổ các nước này, Các tổ chức đó phát tán những tư tưởng khủng bố, cực đoan và dân tộc chủ nghĩa ». Cho dù không nhắc tới « các cuộc cách mạng màu », nhưng xuất phát điểm của dự thảo nói trên không phải là các tổ chức khủng bố như mô tả ở trên, mà chính là « nỗi lo hãi » các phong trào đối lập phát triển tại Nga.

Nhìn đâu cũng thấy kẻ thù

Điểm đặc biệt trong « học thuyết quốc phòng mới » của Nga khiến các lãnh đạo Phương Tây lo ngại là chính quyền đang nhắm vào « một kẻ thù bên trong », đặc biệt trên phương diện truyền thông. Thuyết an ninh Nga lên án ảnh hưởng của truyền thông khiến giới trẻ xa rời truyền thống, và tố cáo điều mà họ gọi là « đội quân nằm vùng của Phương Tây » tại Nga.

Lập trường đối kháng với Phương Tây, coi những người đối lập trong nước là kẻ thù, của chính quyền Putin vừa có thêm một lực lượng ủng hộ mới. Một phong trào « chống Maidan », do chủ tịch câu lạc bộ môtô Loups, một bạn thân của Tổng thống Putin, bắt đầu khởi sự ngày 15/01. Những người tham gia phong trào này sẵn sàng xuống đường để ngăn cản mọi cuộc tập hợp ủng hộ nhà đối lập Alexei Navalny, vừa bị kết án tù treo 3 năm rưỡi hồi cuối năm 2014.

Cũng trong hồ sơ nước Nga, Le Monde còn có bài « Matxcơva cáo buộc phương Tây ‘‘lên cơn chống Nga ». Để mô tả nỗi ảm ảnh về « âm mưu » lật đổ chế độ từ bên ngoài khiến truyền thống chính thức Nga nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Le Monde dẫn lại hàng tít trang nhất trên nhật báo Komsomolskaia Pravda, vài ngày sau vụ khủng bố Charlie Hebdo : « Tấn công khủng bố (tại Paris) phải chăng do Hoa Kỳ đạo diễn ? ». Le Monde cho biết thêm, ngày 27/01 vừa qua, nhà đối lập Nga Alexei Navalny kêu gọi dân chúng thủ đô tham gia cuộc tuần hành ôn hòa « chống khủng hoảng » ngày 01/03 tới, lên án chính quyền Putin đang đưa nước Nga vào ngõ cụt. Theo nhà đối lập, Matxcơva cần chấm dứt mọi hành động gây hấn nhắm vào Ukraina và « từ bỏ cơn lên đồng (chống Phương Tây) trên truyền thông ».
Bài « Điện Kremlin tung chương trình chống khủng hoảng, đúng vào lúc Nga khó huy động vốn » trên Les Echos ghi nhận việc Matxcơva gấp rút đưa ra chương trình chống khủng hoảng, với 60 biện pháp nhằm trấn an dư luận trong nước, sau khi bị công ty thẩm định tài chính Standard&Poor’s đánh tụt hạng.

Apple – doanh nghiệp có lãi nhất mọi thời đại
Về thời sự quốc tế, Le Figaro đặc biệt chú ý đến thành công của « Apple, doanh nghiệp có lãi nhất mọi thời đại », sau kết quả 18 tỷ đô la lãi ròng của hãng tin học trong quý vừa qua. Le Figaro, nhân dịp này, ca ngợi chủ nghĩa tự do kinh tế Mỹ và chỉ trích người Pháp : « Tại Hoa Kỳ, thường không ai lên án các ‘‘siêu lợi nhuận’’ của Apple, trong khi đó tập đoàn Total, với lời lãi ít hơn đến sáu lần, lại liên tục bị kiện tụng ». Xã luận Le Figaro phê phán « Người Mỹ không vặt lông các con chim bồ câu – ngầm chỉ những doanh nghiệp mạo hiểm -, … từ lâu họ đã hiểu rằng những hạt kim cương quý giá như Apple chắc chắn không thể nào nổi lên được trong một xã hội thuế khóa nặng nề mang tính tước đoạt và hết sức vô lý… ».
Cũng về kinh tế, trang nhất Le Figaro hôm nay giới thiệu cuộc phỏng vấn với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu với tựa đề « Juncker : Không có việc xóa nợ cho Hy Lạp ».
Nhân chuyến công du của Thủ tướng Pháp tại Trung Quốc, báo kinh tế Les Echos có điều tra, với hàng tựa « Trung Quốc, mảnh đất chinh phục của công nghệ Pháp ? », điểm lại những thách thức đối với các nhà đầu tư Pháp, với việc chỉ ra những đặc thù của xã hội Trung Quốc, nơi Nhà nước hiện diện khắp nơi, nơi nạn đánh cắp bản quyền là chuyện phổ biến.

Xã hội Pháp ít ngờ vực đạo Hồi hơn và tin tưởng vào truyền thông hơn
Dư luận trong nước cũng là một chủ đề khác được báo Pháp rất quan tâm hôm nay. Trang nhất Le Monde cho biết, theo kết quả điều tra dư luận của Ipsos, số người Pháp cho rằng đạo Hồi không thể đi được với nền dân chủ, giảm xuống từ 74% năm 2013 xuống còn 51% năm nay. Đây là thông tin được chú ý, trong bối cảnh sau hai cuộc khủng bố kép tại Paris, mà thủ phạm là các phần tử cực đoan Hồi giáo. Bên cạnh đó, 90% người Pháp muốn chính quyền tăng cường biện pháp chống lực lượng thánh chiến.
Cũng liên quan đến dư luận, nhưng đối với báo giới, trang nhất tờ La Croix chạy trên trang nhất « Tin tưởng vào truyền thông phục hồi», sau kết quả thăm dò dư luận hàng năm của hãng TNT Sofres. Tờ Công giáo bình luận : « Nỗi thèm thông tin cũng như sự tin tưởng vào báo chí đã gia tăng đáng kể. Hiển nhiên, nỗi nghi ngờ về tính độc lập của các nhà báo, về tính khách quan của các bài viết không thể ngay lập tức biến mất. Nhưng trước các biến cố nghiêm trọng vừa qua, người Pháp đọc báo, xem truyền hình, nghe đài, xem mạng, đặc biệt là báo viết…. Cho dù độc giả có thể có những quan điểm khác biệt với các nội dung được đăng tải trên một tờ báo, cuộc tấn công vào một tờ tạp chí đã đặt lại giá trị của các nền tảng căn bản của một đời sống dân chủ : đó là quyền tự do ngôn luận và tính đa nguyên của truyền thông. Các phản ứng của công chúng mang lại niềm tin cho một nền truyền thông, đang lo ngại về tương lai của mình ».
Cụ thể theo cuộc điều tra dư luận, mức độ « hài lòng »« rất hài lòng » đạt khoảng 65%. Về quyền tự do ngôn luận, 59% cho rằng hiện tại quyền này được luật pháp bảo đảm. Nhìn chung, hơn 80% nhận thấy các phương tiện truyền thông Pháp đã bảo vệ quyền tự do ngôn luận, và cho phép công chúng hiểu rõ về các biến cố xảy ra.

Truyền thông Pháp phản đối dự luật Macron ngăn cản tự do báo chí
Cũng liên quan đến tự do ngôn luận, Le Monde giới thiệu một hồi chuông cảnh báo của tập thể nhiều phóng viên và phương tiện truyền thông trong bài « Bí mật doanh nghiệp : thông tin không phải là phạm tội ! ».
Khuyến nghị nói trên lên án một điều luật trong dự luật Macro, có tên chính thức là « luật tăng trưởng và hoạt động », đang được thảo luận tại Quốc hội, dự kiến phạt tới ba năm tù và 375.000 euro đối với những nhà báo nào xâm phạm « bí mật doanh nghiệp ».
Tham gia ký tên vào khuyến nghị này có hầu hết các phương tiện truyền thông Pháp : hãng tin AFP, các hãng truyền hình TF 1, France 24, France 2.., các đài Radio France, RFI, France Inter, các nhật báo Le Monde, Le Figaro, Libération …
Về chủ đề này, báo l’Humanité chạy tít « Luật của giới chủ lớn chống tự do thông tin ».

« Không gì khó chia sẻ hơn nụ cười »
Thông tin truyền thông cũng là chủ đề chính của Libération. Nhân dịp khai mạc liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême lần thứ 42, Libération dành phần lớn nội dung số báo cho các tranh hoạt hình, biếm họa. Liên hoan hoạt hình nổi tiếng của nước Pháp năm nay mang chủ đề chính Charlie Hebdo. Đây là một dịp để tờ báo điểm lại lịch sử và những thách thức đối với nghệ thuật biếm họa Pháp, một loại hình nghệ thuật đang ngày càng ít được thực hành.
Tờ báo đưa ra một con số gợi suy nghĩ : hiện tại, trong số gần 37.000 phóng viên, nhà báo tại Pháp, chỉ có 77 người vẽ tranh, so với hơn 100 người 5 năm về trước.
Nếu như một bức họa tốt còn đáng giá hơn một bài báo thì khó khăn mà báo chí trào phúng phải đối mặt là môn nghệ thuật-báo chí này không dễ cảm thụ. Trong một cuộc phỏng vấn với Libération, một họa sĩ, nhà nghiên cứu-giảng viên trường Nghệ thuật và truyền thông Caen-Cherbourg, bà Sarah Fouquet, nhận xét: « Không có gì khó chia sẻ hơn cái cười ».
Libération giải thích : « Hiện nay, hài hước – đòi hỏi sự đồng cảm và sự luận giải – dường như là việc ngày càng khó hơn. Có hai nguyên nhân chính : do xu hướng phủ nhận văn hóa gia tăng, và do - trong một thế giới toàn cầu hóa - mỗi nền văn hóa thường đánh giá nền văn hóa láng giềng qua thước đo của mình thay vì đối thoại với nhau và tương đối hóa các góc nhìn của mỗi bên ».
Tựa lớn trang nhất của Libération là câu hỏi « Charlie : Đâu là những người tiếp nối ? ». Trả lời cho câu hỏi này, họa sĩ giảng viên về truyền thông và nghệ thuật Sarah Fouquet lo ngại về vị trí ngày càng bị thu hẹp của báo chí biếm họa trong xã hội Pháp hiện nay. « Sở dĩ tờ Charlie dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công, vì tờ báo quá đơn độc, các không gian dành cho tranh báo ngày càng trở nên hiếm hoi ». « Tương lai của báo biếm họa không phụ thuộc vào các họa sĩ, mà trước hết vào công chúng », bà Sarah Fouquet kết luận.
Sarah Fouquet là người tổ chức cuộc trưng bày tranh biếm họa mang tên « Charlie je crie ton nom » (Charlie tôi thét vang tên bạn) tại nhà văn hóa Maison Heinrich Heine, Cité Universitaire, Paris. Triễn lãm tập trung tranh của các nghệ sĩ, sinh viên, giảng viên vinh danh các nạn nhân vụ khủng bố. « Charlie je crie ton nom » sẽ mở cửa đến 23/02/2014.




No comments: