Lê Diễn Đức
Monday,
January 26, 2015 1:23:58 PM
Câu
chuyện thương tâm xẩy ra vào buổi sáng mùa Ðông ngày 22 tháng 1 năm 2015 tại vùng quê miền Bắc ở tỉnh Quảng Ninh.
Một người
thanh niên ở xã Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, bắt trộm một con
gà bị dân chúng hò nhau bắt trói vào cột điện, rồi dùng nước lạnh hắt lên người.
Toàn thân người thanh niên run lên vì lạnh…
Thế
nhưng bị trói và hắt nước lạnh vẫn còn là may mắn. Ngày 26 tháng 3 năm 2012, tại ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang, thị xã Long
Khánh (Ðồng Nai), một số dân làng tình nghi anh Vòng Tiến Ðạt bắt trộm gà nên
xông vào đánh anh tử vong.
Cách
đây không lâu, vào tối ngày 19 tháng 12
năm 2014, tại xã Thạch Bình, Thạch Thành, Thanh Hóa, dân làng Bằng Phú phát
hiện bốn thanh niên đi xe máy vào làng bắt trộm chó nên đã chặn bắt, rồi vây
đánh hội đồng khiến hai người chết, hai người trọng thương.
Chiều ngày 10 tháng 6 năm 2013, tại xã Tân
Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), dân chúng đã đuổi theo hai nghi phạm trộm
chó, đốt xe máy của họ và một trong hai nghi phạm bị dân đánh đến chết.
Sự việc
tương tự cũng xảy ra tại xã Hồng Phong và Nguyễn Huệ (thuộc Ðông Triều, Quảng
Ninh) vào ngày 3 tháng 1 năm 2015.
Hai kẻ trộm chó, Trần Văn Kha bị dân làng đánh chết và Bùi Ðình Ðăng bị thương
nặng.
Những
câu chuyện đại loại như trên đây khá phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện
nay.
Tại sao con người lại có thể đối xử với nhau
ác độc, man rợ như thế? Ðâu rồi kỷ cương và trật tự xã hội?
Ðành rằng,
ăn trộm, ăn cắp là hành vi xấu, pháp luật cần phải nghiêm trị, nhưng tại sao
dân chúng lại nổi cơn thịnh nộ và tự xử theo luật rừng?
Trên
báo chí trong nước, khắp nơi ở đâu chúng ta cũng thấy cái ác hoành hành. Cướp của,
giết người trở thành đề tài thường xuyên. Xã hội dường như liệt kháng trong cuộc
chiến chống lại cái ác. Chuẩn mực đạo đức xuống cấp trầm trọng.
Ðây là hậu quả sâu xa của nền giáo dục
xã hội chủ nghĩa
trong suốt mấy chục năm qua. Các giá trị tâm linh, tín ngưỡng bị coi thường,
luân thường đạo lý của gia đình và xã hội bị hủy hoại.
Thay vì
cổ vũ tình yêu thương, tôn trọng truyền thống “nhiễu điều phủ lấy giá gương,”
thì nền giáo dục quảng bá đấu tranh giai cấp, tiêu diệt các thế lực thù địch.
Con người nhìn thấy ở đâu cũng thấy kẻ thù. Tất cả những gì khác với tuyên truyền
của nhà cầm quyền đều bị cho là “phản động”!
Ở bất cứ đâu, mọi thứ liên quan đến cuộc
sống cũng được quy ra bằng tiền. Học hành, bằng cấp, tìm việc làm, thăng tiến... đều phải
thông qua văn hóa phong bì. Cuộc sống chạy theo danh vọng và đồng tiền choán hết
chỗ của lương tâm, vật chất ngày càng được coi trọng hơn giá trị tinh thần. Người
ta cao ngạo, hung hăng khoe của trong khi đời sống của người lao động lam lũ,
thiếu thốn đủ điều, học sinh vùng cao thèm khát một bữa cơm có thịt.
Bao
trùm lên đời sống con người là sự giả dối, lừa gạt, khiến trước khi có quyết định
gì người ta cũng phải cảnh giác. Từ miếng ăn hàng ngày đến cả... tình yêu!
Trưởng
thành trong một xã hội như thế, con người trở nên vô cảm, ganh ghét nhau, đối xử
với nhau bạc ác với nhau cũng không có gì là lạ.
Một nguyên nhân khác của các sự kiện
trên là người dân mất hiết niềm tin vào bộ máy tư pháp của chính quyền.
Công lý
trong chế độ Cộng Sản chỉ là một trò hề. Nó giống như trang bìa của cuốn sách về
luật dân sự có in hình diễn viên hài Công Lý!
Vi phạm
luật giao thông ư? Chỉ cần chi cho cảnh sát mấy trăm ngàn là yên! Những kẻ đại
diện cho pháp luật ngang nhiên khuếch khích dân chúng coi thường pháp luật.
Công
an, viện kiểm sát, tòa án đều là công cụ của Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Một mình một
sân, nhà cầm quyền vừa đá bóng vừa thổi còi. Luật pháp chỉ là thứ trang sức của
chế độ. Cựu Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trịnh Hồng Dương đã từng nói rằng,
luật dân sự Việt Nam xử thế nào cũng được!
Vì thế
mới có vụ tòa án huyện Ðức Trọng, tỉnh Lâm Ðồng, xử phạt ba người 13 năm tù về
tội ăn cắp hai con vịt.
Trong
khi đó, các vụ án chính trị thì tuyên bố xử công khai nhưng công an ngăn chặn
dân chúng, thậm chí cả người thân vào tham dự, còn bản án được sắp đặt trước
theo chỉ đạo.
Những vụ
công an đánh chết người thi được bao che và nhận những bản án không tương xứng
với tội phạm.
Tiềm lực của đất nước bị hao mòn thảm hại
vì nạn tham nhũng, mà thực chất là ăn cắp, ăn cướp, diễn ra ngày càng trầm trọng. Không chỉ một con
sâu làm rầu nồi canh mà cả bầy sâu thi nhau đục khoét, rút ruột công trình, trở
thành những “đường dây có tổ chức” (lời Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng).
Mới đây
Ngân Hàng Thế Giới (WB) xếp Việt Nam đứng thứ nhì về mức độ tham nhũng trong
189 quốc gia được xếp hạng. Ðiều này cho thấy, người dân phải đã trả giá đắt và
ôm món nợ nặng nề như thế nào từ việc xây dựng “phát triển” đất nước. 10 đến 40
% tổng số tiền đầu tư vào các công trình công bị rút ruột chảy vào túi riêng của
các quan chức!
Các tập
đoàn, tổng công ty nhà nước thất thoát thua lỗ hàng tỷ đôla như Vinashine,
Vinalines, Tổng công ty Sông Ðà, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, v.v...
thì chỉ xử lý vài quan chức nhỏ lấy lệ, các quan chức lớn trực tiếp lãnh đạo
thì vô can. Cuộc chiến chống tham nhũng chỉ thực hiện từ thắt lưng trở xuống!
Ôm cả một đống tài sản bất minh như cựu Tổng Thanh Tra Trần Văn Truyền cũng chỉ
bị cảnh cáo trong nội bộ đảng.
Người tố
cáo tham nhũng, tiêu cực thì bị đánh đến nứt sọ, cho nghỉ việc. “Nhiều nơi những
tiêu cực bị tố cáo rõ rành rành nhưng các cơ quan chức năng vờ đi, làm người tố
cáo bị cô lập.” Vụ Dược Sĩ Trần Thị Kiều Oanh, cư ngụ thị xã Ðồng Xoài, tỉnh
Bình Phước, nhân viên Phòng Giám Ðịnh Y Khoa tỉnh Bình Phước là một ví dụ (Người
Lao Ðộng Online 3.10.2013).
Ở Việt
Nam hôm nay ăn cắp, ăn cướp của công thực sự là đặc quyền của giới quan chức cộng
sản.
Một hiện
tượng đặc trưng của lực lượng công an “còn đảng còn mình” là thường xuyên sử dụng
côn đồ hoặc giả dạng làm côn đồ trấn áp dân chúng, đánh đập những người yêu nước.
Có nhiều
các chế độ độc tài, phát xít ở những quốc gia khác nhau, nhưng chưa thấy chế độ
nào sử dụng phương thức bần tiện, hèn hạ này. Tính chính danh của chế độ qua những
hành vi này đã bị vứt vào sọt rác!
Lực lượng
công quyền mà còn đốn mạt, đê tiện như thế, nói sao người dân không thèm chờ đợi
công lý, luật pháp mà tự ra tay giải quyết.
Tội ác
lớn nhất của chế độ Cộng Sản là phá hủy nền văn hóa, những truyền thống lâu đời
của dân tộc và di hại của nó còn đọng mãi sau nhiều thế hệ.
Ở Ba
Lan, mặc dù đã hơn 25 năm xóa bỏ chế độ Cộng Sản, xây dựng dân chủ, nhưng đâu
đó vẫn còn ảnh hưởng cách suy nghĩ của thời Cộng Sản. Vào các cơ quan nhà nước,
tâm lý xin-cho vẫn tồn tại ở những công chức lớn tuổi.
Mới đây
chính phủ Cộng Sản Việt Nam đã ra “nghị quyết ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã
hội.”
Mỉa mai
thay, sau mấy chục năm giáo dục, nhồi sọ, học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh,
nhà nước Cộng Sản Việt Nam đã phải ra một nghị quyết khôi hài như thế.
Trong
bài “Loạn
kỷ cương hay lệch chuẩn trong xã hội?” trên tờ Dân Trí ngày 12 tháng 8 năm
2014, tác giả Nguyễn Huỳnh Mai viết:
“Văn hóa không phải từ trên trời rơi xuống,
cũng không phải do một cơ quan quyền lực ấn định mà văn hóa đi từ dân tình
trong bối cảnh thiên nhiên, địa lý, lịch sử...; từ cách sống, cấu trúc tổ chức
và sinh hoạt xã hội, trật tự trên dưới, luật lệ và các giá trị phải tuân thủ.”
Ðúng vậy,
chẳng có nghị quyết hành chính nào của nhà cầm quyền có thể thay đổi được sự xuống
cấp đạo đức xã hội.
“Thượng
bất chính, hạ tắc loạn,” văn hóa xã hội của VIệt Nam dưới thời cai trị của đảng
Cộng Sản Việt Nam giống như ngôi nhà bị dột từ nóc, các rường cột nhân văn bị
xói mòn, mục rữa, không có cách gì vá víu, sửa chữa được. Môi trường nuôi dưỡng
và tạo nên văn hóa ứng xử và lối sống văn minh đã bị bức tử.
*
28.01.2015
Tôi từng nghĩ rằng mình rất may mắn được sinh ra và
lớn lên trong một thời kì đang phát triển của đất nước. Được nhìn thấy những đổi
thay và phát triển của một quốc gia, chẳng phải là điều rất đỗi hạnh phúc hay
sao? Thế nhưng, sự thật là đất nước này là một quốc gia bất hạnh. Và sự bất hạnh
đó xuất phát từ những con người không biết (hoặc là không muốn) cư xử cho đúng
quy luật phát triển của thế giới. Mới rồi rộ lên chuyện các bạn trẻ viết những
câu bậy bạ lên tấm bùa gỗ trong một lễ hội văn hóa Nhật Bản tổ chức ở Việt Nam.
Càng thấm thía hơn cái gọi là cách cư xử đúng mực của người trẻ Việt.
Viết nhăng viết cuội, thậm chí là viết bậy, dường
như là một nét truyền thống của người trẻ Việt Nam hiện nay. Từ nhà vệ sinh
công cộng đến các hàng quán cà phê, rồi ra đến ghế đá công viên, thậm chí là
trên các di tích văn hóa lịch sử, đâu đâu cũng thấy những câu chữ phản cảm và bậy
bạ của những người sinh ra không muốn làm người có văn hóa. Thật sự, những người
trẻ khi viết ra những câu chữ ấy có cảm thấy mình làm việc đó sẽ giúp mình hạnh
phúc hơn, hay chỉ làm cho văn hóa mỹ quan xuống cấp trầm trọng. Nên nhớ, chúng
ta là một dân tộc có hơn 4000 năm văn hiến, chúng ta không phải hạng hạ cấp của
toàn nhân loại, cho nên đừng tự mình hành động như thể dân tộc ta sinh ra không
có truyền thống văn hóa tốt đẹp.
Thật đáng xấu hổ khi đến thời buổi văn minh như thế
này mà còn có những người trẻ dốt và vô văn hóa đến mức đến Văn Miếu ở ngay
trung tâm Thủ đô văn hiến để viết xằng viết bậy. Đến cả văn hóa của dân tộc
cũng bị bôi nhọ thì chẳng hiểu nỗi người trẻ bao năm qua đã học gì từ nền giáo
dục quốc gia? Không tôn trọng văn hóa dân tộc của nước nhà và không tôn trọng
văn hóa của quốc gia khác là hai điều vô cùng cấm kỵ, thế mà người trẻ Việt Nam
đã vi phạm cả hai.
Người Nhật Bản là một dân tộc tự tôn rất cao, và họ
cực kỳ yêu quý truyền thống văn hóa dân tộc của họ. Thế mà những người trẻ Việt
Nam vô văn hóa và vô ý thức đó đã biến một lễ hội văn hóa thành vấn đề chỉ
trích, và biến chính họ thành những kẻ thấp kém trong mắt nhiều người khác. Những
tấm bùa gỗ, tượng trưng cho những điều ước mà người Nhật mong ước sẽ thành hiện
thực trong năm mới, và những người trẻ kia viết những câu viết nhảm nhí lên đấy.
Có thể họ cho rằng những điều này vô hại, hoặc có thể ước mơ của họ cũng bậy bạ
như chính bản thân họ. Cần phải nhìn rộng ra một chút về vấn đề viết, vẽ bậy
này. Đó là thói quen tùy tiện của đại bộ phận người trẻ trên mạng xã hội.
Gần đây xuất hiện hiện tượng một số người quay clip
và tung lên youtube với nội dung chửi đời chửi người rất phản cảm. Quan trọng
hơn là trong những clip đó có sự góp mặt của những em học sinh nhỏ, thậm chí là
học sinh cấp một. Nhưng clip chửi bới trên mạng xã hội như vậy mặc dù chẳng ảnh
hưởng về mặt thể chất đến ai, nhưng rõ ràng đang phản ảnh một phần tối của văn
hóa trẻ, và hơn nữa là ảnh hưởng về mặt tinh thần của người xem, nhất là những
bạn nhỏ. Tính lan tỏa của những clip này rất cao. Youtube thậm chí sẵn sàng trả
nhiều tiền cho những clip có lượng người xem lớn, vì vậy mà chẳng màn nội dung
có mang tính thẩm mỹ hay không, nhiều người vẫn cố tình đăng các clip mang nội
dung phản cảm, nhảm nhí để thu hút nhiều người comment chửi bới và từ đó tăng
lượt xem.
Mới đây nhất, trên Facebook một cô gái trẻ đã đăng
hình ảnh hỏa hoạn dữ dội tại một khu đông dân cư ở Sài Gòn kèm lời bình luận rất
thiếu ý thức, cô ta ví von đám cháy đó là pháo hoa mừng năm mới. Cũng theo đó,
có những status Facebook chửi cha mắng mẹ của những người trẻ chỉ vì không hài
lòng một số chuyện cá nhân. Chính sự suy đồi văn hóa đến mức tưởng khó chấp nhận
như vậy làm cho những ai chứng kiến phải lên tiếng. Để kết thúc bài viết này
xin mượn lời của một cư dân mạng để nói lên thực trạng đáng xấu hổ này:
"Sự thiếu
nghiêm túc, thiếu chuẩn mực trong lời ăn, tiếng nói đã khiến cho nhiều bạn trẻ
có thói quen đùa cợt, nhạo báng, bàn luận vô tổ chức, thậm chí chửi rủa tục tĩu
bất luận điều gì, bất chấp ở đâu. Mạng xã hội đã tiếp tay cho điều đó."
Nếu như trước đây, những kẻ “hiếu tục” chỉ có thể chọn
vỉa hè, quán nước hay bờ tường khu phố để “văng” ra những thứ bậy bạ, thì nay,
họ đã có thể văng mọi thứ lên mạng xã hội.
Nếu bạn tình cờ kết bạn với một nhóm “teen” trên
Facebook, bạn phải choáng vì mức độ tục tĩu trong các status, comment của họ. Họ
viết tục, chửi tục, bình luận tục tĩu trên đó như một cách thức để xả stress.
“Lên mạng chửi nhau đê” là thú vui của không ít bạn trẻ. Lâu dần thành quen. Và
trong một cộng đồng toàn những người tục tĩu nói chuyện với nhau, chẳng cần biết
trời cao đất rộng là gì (chỉ biết trên là status, dưới là comment) thì sự bậy bạ
có tính lây nhiễm và được nhân lên gấp bội.
Môi trường mạng xã hội đang bị nhiễm bẩn bởi sự tự
do thái quá của nó. Người xưa nói rất đúng: “Ở cạnh chợ lâu không biết cá
tanh”. Thói quen bừa bãi (thích gì nói đấy), nói văng mạng mà vẫn được Facebook
cho lên, khiến dần dà người ta không còn biết chuẩn mực ở đâu. Còn nhớ, sau khi
danh thủ Beckham sang Việt Nam, trên Fanpage của anh có đăng tải bức hình chụp
một phụ nữ Việt Nam, một tay vừa lái xe máy, một tay giơ giơ điện thoại chụp
Beck trong xe với vẻ mặt hớn hở… Bức ảnh đó đã gây sốt và cộng đồng mạng Việt
Nam đã nhảy vào like, comment tán loạn, tranh luận, cãi chửi nhau rất vô văn hóa
ngay trên “tường nhà của Beckham” (dĩ nhiên là bằng tiếng Việt), khiến cho nhiều
người phải cầu mong Beckham đừng “google translate” những gì cư dân mạng
“văng”. Nếu không thì nhục quốc thể.
Những lá bùa gỗ là vật linh thiêng theo quan niệm của
người Nhật Bản, là nơi để mọi người suy nghĩ và thể hiện ước mơ của mình. Nó
cũng là nơi ghi lại lời cầu chúc cho năm mới. Sự khác biệt văn hóa có thể khiến
bạn chưa cảm nhận hết điều đó, nhưng chí ít, đó cũng là sản phẩm văn hóa được
treo lên nơi công cộng, chứ không phải là bức tường Facebook đầy rác rến. Và
ngay cả trên bức tường Facebook, nơi trưng ra với cả thế giới, bạn cũng cần “viết
có ý thức” để khỏi làm vấy bẩn nó, và vấy bẩn cả tiếng Việt. Khi căn bệnh vô ý
thức trong lời ăn, tiếng nói, trong suy nghĩ, bình luận… đã nhiễm vào quá sâu
trong một bộ phận giới trẻ thì những gì thể hiện ra trên lá bùa gỗ chỉ là hậu
quả tất yếu.
*
Nguyễn Đình Cống
27/01/2015
(Trao đổi với Anh Vũ, tác giả bài “Vì sao đạo
đức xã hội xuống cấp như hiện nay”)
Tôi vừa
đọc bài viết của Anh Vũ trên trang Bauxite, xin góp thêm vài điều. Theo ý kiến
của cá nhân và trích dẫn thêm nhận xét của một số nhân vật đáng kính, Anh Vũ
cho rằng nguyên nhân sự xuống cấp của đạo đức nằm ở nền giáo dục, sự quản lý
nhà nước và thực thi pháp luật, ở chỗ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, sự cạnh
tranh không lành mạnh trong kinh tế thị trường, sự khen chê chưa đúng. Tôi đồng
ý với những ý kiến ấy và cho rằng đó mới chỉ là một số nguyên nhân trực tiếp. Nếu
đi tìm nguyên nhân trực tiếp thì còn có thể chỉ ra nhiều nữa chứ không phải chỉ
chừng ấy, thí dụ những nguyên nhân từ nền văn hóa mà Nguyễn Gia Kiểng đã viết
trong sách “ Tổ quốc ăn năn”. Nguyên nhân trực tiếp gắn với hiện tượng nên dễ
thấy, nhưng nếu chỉ biết và tác dụng vào nó thì không thể nào triệt để. Phải
tìm ra nguyên nhân gốc, có chữa được từ gốc thì mới có tác dụng cơ bản. Như một
cái cây có nhiều hoa xấu, nhiều quả độc, cái gắn với hoa quả ấy là những cành
nhỏ. Chặt từ từ từng cành nhỏ thì chặt chỗ này nó lại mọc ra chỗ khác, mà chặt
một lúc toàn bộ thì quá khó, nếu chặt được mà cây còn sống thì rồi nó cũng sẽ mọc
ra lớp cành mới khỏe hơn. Phải chữa cho cây từ gốc rễ. Để ngăn chặn và tiến tới
loại bỏ sự xuống cấp đạo đức thì phải tìm ra và chữa từ gốc. Tôi đã viết và
công bố bài “Nguyên nhân gốc của những tệ nạn”. Theo tôi thì nguyên nhân gốc của
sự xuống cấp đạo đức cũng là nguyên nhân gốc của những tệ nạn vì trong những tệ
nạn được nói tới thì sự xuống cấp về đạo đức là quan trọng nhất.
Trong
bài viết tôi mới chỉ nêu ra ý kiến theo sự cảm nhận để trao đổi với bạn hữu mà
chưa có dịp chứng minh đầy đủ. Tôi xin nêu lại và bàn thêm một chút để trao đổi
với Anh Vũ và các bạn khác quan tâm. Theo tôi “ Nguyên nhân gốc của những tệ nạn
của xã hội VN hiện nay là sự kết hợp, sự cộng hưởng của những thói xấu trong
tính cách người Việt và những nội dung độc hại trong Chủ nghĩa Marx Lenin”.
Người
Việt có nhiều tính cách tốt ( nhiều người thấy rõ, tôi xin không kể ra đây )
nhưng cũng có lắm tính cách xấu. Một số tính xấu vốn dĩ không phải riêng của
người Việt mà là của loài người nói chung. Trong thời thịnh trị của các triều đại,
của các chế độ, những tính xấu này bị kìm nén, bị hạn chế, bị xóa bỏ phần lớn
nhưng không bị tiêu diệt hoàn toàn, nó vẫn còn lại mầm mống. Đến thời suy vi của
xã hội thì những mầm mống này phát triển thành cây, thành rừng.
Chủ
nghĩa Marx Lenin vào VN theo con đường của những nhà yêu nước. Cốt lõi của nó
là đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, công hữu hóa tư liệu sản xuất, là
liên minh và lãnh đạo của công nông. Hãy phân tích lời của bài “Quốc tế ca” thì
thấy rõ. Nào là “Vùng lên hỡi nô lệ, bần hàn, quyết sống chết mà thôi, phá sạch
tan tành, bao nhiêu lợi quyến ắt qua tay mình...”. Marx cho rằng “Hạnh phúc là
đấu tranh”. Khi chúng ta cố vận dụng chủ nghĩa Marx về đấu tranh giai cấp vào Cải
cách ruộng đất, Cải tạo tư sản, trừ bỏ những bất đồng về tư tưởng, khi cố ép
xây dựng Hợp tác hóa nông nghiệp và mở rộng kinh tế quốc doanh thì không những
tạo ra các thất bại thảm hại về kinh tế mà còn phá hoại đạo đức một cách nặng nề.
Cải cách ruộng đất không những làm phá nát lực lượng sản xuất ở nông thôn, làm
hủy hoại đạo đức con người mà còn tạo ra một lực lượng chống cộng khét tiếng ở
Miền Nam trước đây. Có thể dẫn ra một số sự xuống cấp đạo đức bây giờ có nguồn
gốc từ Cải cách ruộng đất.
Rồi tàn
dư của chiến tranh. Trong chiến tranh nhân dân ta rất anh hùng nhưng cũng trong
chiến tranh người ta khuyến khích dùng mưu chước để lừa và tiêu diệt kẻ địch, để
chiến thắng. Tác hại về vật chất của chiến tranh dễ được khắc phục còn tác hại
về tâm lý bị kéo dài.
Trong
bài viết “Đuổi
hổ cửa trước, rước sói cửa sau ” và bài “Một
số nhầm lẫn của Mác” tôi cũng đã phân tích một số hạn chế và độc hại của chủ
nghĩa Marx Lenin.
Khi nói
“ nguyên nhân của A là sự kết hợp giữa B và C” thì sự kết hợp đó chỉ mới là một
phép cộng, có làm tăng lên ở mức vừa phải. Khi nói “nguyên nhân là sự cộng hưởng
giữa B và C” thì nên hiểu sự cộng hưởng này gần giống như trong vật lý khi một
vật dao động nhận lực kích thích có tần số gần trùng với tần số dao động riêng,
lúc đó biên độ dao động tăng lên rất lớn. Sự cộng hưởng giữa một số tính cách xấu
của người Việt với những độc hại của chủ nghĩa Marx Lenin mới thực sự là nguyên
nhân gốc của tệ nạn xuống cấp về đạo đức của xã hội hiện nay.
N.Đ.C.
Tác giả
gửi BVN
Được
đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:38
*
Anh Vũ, thông tín viên RFA
2015-01-25
2015-01-25
Chính
phủ vừa đặt mục tiêu đến 2020 ngăn chặn xong và đến năm 2030 đẩy lùi được sự xuống
cấp đạo đức xã hội, theo tinh thần Nghị quyết số 33 năm 2014 của Đảng CSVN.
Nguyên nhân do đâu đạo đức xã hội đã xuống cấp trầm trọng và đã trở thành vấn đề cấp nhà nước?
Nguyên nhân do đâu đạo đức xã hội đã xuống cấp trầm trọng và đã trở thành vấn đề cấp nhà nước?
Ở VN
trong thời gian qua, sự xuống cấp về đạo đức xã hội đã trở thành vấn đề được dư
luận xã hội hết sức quan tâm.
Thực trạng vấn đề đạo
đức xã hội hiện nay
Chưa
bao giờ các hành vi vô nhân tính, vô đạo đức trong các mối quan hệ xã hội, kể cả
giữa những người thân trong gia đình lại xuất hiện với một tần xuất dày đặc
trên báo chí như hiện nay.
Đứng
trước thực trạng này, Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về chương trình hành động
thực hiện nghị quyết số 33 của Trung ương Đảng. Theo đó, Chính phủ đã đặt mục
tiêu đến năm 2020 sẽ ngăn chặn xong và đến năm 2030 sẽ đẩy lùi được sự xuống cấp
của đạo đức xã hội.
Đánh
giá về thực trang vấn đề đạo đức xã hội ở VN hiện nay, PGS. TS. Sử học Hà Minh Hồng, Trường Đại học KH-XH & Nhân văn
thấy rằng, việc xuống cấp đạo đức xã hội là điều có thật. Ông cho biết:
“Cái
gọi là xuống cấp của đạo đức xã hội là điều có thật và cái dấu hiệu này thậm
chí còn được một số người quan trọng hóa cho rằng tình trạng xuống cấp nghiêm
trọng. Và người ta đánh động đến các ngành, đặc biệt là ngành giáo dục, đặc biệt
là hệ thống nhà trường, đặc biệt là những người được đào tạo, được giáo dục,
tôi cho rằng họ có cơ sở của người ta. Nhưng về phía tôi thì thấy rằng trong thực
tế chúng ta có nhiều cái tốt đẹp, nhiều cái thiện, nhiều người tốt, nhiều sự việc
thì trên thực tế nó bị chìm nghỉm đi. Còn những cái xấu kia thì nó nổi trội lên
như thế.”
Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó giám đốc
Sở VHTT cho biết suy nghĩ của mình, bà nói:
“Tôi
nghĩ một khi đạo đức xã hội xuống cấp thì mình phải thừa nhận nó thôi chứ chối
cãi thế nào được. Thế nào là xuống cấp? Tức là: vợ giết chồng, chồng giết vợ,
cha mẹ giết con cái, con cái giết cha mẹ chỉ vì không được chia một mảnh đất
cho nó công bằng, theo như nhận thức của họ. Theo tôi nghĩ, đạo đức xã hội thế
là xuống cấp rồi.”
Khi được
hỏi, phải chăng vấn đề giáo dục là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này?
Không đồng
ý với quan niệm đó, bà Nguyễn Thế Thanh
chia sẻ:
“Tôi
không tin điều đó đâu, thế cái ông BS. ở phòng mạch Cát tường là cái gì đấy?
Ông ấy có là trí thức không? Ông ấy là thạc sĩ y khoa đấy chứ! Cái anh chàng
sinh viên chặt tay người ta để cướp có là trí thức không? Trí thức đấy chứ! Cho
nên cái việc gây ra tội ác, người có lòng ích kỷ nó không chọn người có bằng cấp
hay người không có bằng cấp để nó chen vào. Tôi tin rằng sự tử tế nó có cả ở những
người chữ ít, nó có cả ở những người chữ nhiều. Vấn đề ở đây là gì? Là chúng ta
dạy họ làm người, đã làm người thì dù giàu hay nghèo, dù là nhiều chữ hay ít chữ,
thì là người chỉ được phép làm những điều như thế này thôi!”
Nguyên nhân xa gần
Trả lời
câu hỏi, nguyên nhân do đâu khiến cho đạo đức xã hội ở VN đã xuống cấp tới mức
báo động như hiện nay?
Khả
năng quản lý và thực thi pháp luật của nhà nước hiện nay không đáp ứng nổi là
nguyên nhân chính. TS. Kinh tế
Nguyễn Hữu Nguyên, cho biết:
“Tôi
cho rằng chính cái quản lý và thực thi pháp luật xuống cấp, chứ không phải pháp
luật của chúng ta xuống cấp. Nếu chúng ta giở các bộ luật Hình sự hay Hiến pháp
của các nước sẽ thấy, bao giờ Hiến pháp cũng hướng tới Chân, Thiện, Mỹ. Không
có Hiến pháp nước nào cho phép những cái đó cả. Nhưng mà ở ta nó vẫn diễn ra,
thì chứng tỏ bộ máy của cơ quan quản lý để thực thi pháp luật nó đã xuống cấp.
Xuống cấp ở cái đó, tôi cứ nói thẳng thắn là xuống cấp ở khả năng quản lý và thực
thi pháp luật. ”
Đây là
hệ quả của nhiều vấn đề, cả ở giáo dục, quản lý nhà nước kể cả về mặt lý luận. TS. Giáo dục Nguyễn Việt Hùng cho hay:
“Trong
trường học môn Đạo đức thì biến thành môn Giáo dục công dân, khô khan, công thức
và sơ cứng. Tôi còn không hiểu nổi, thì làm sao các cháu thiếu niên nhi đồng họ
hiểu được? Trong tổ chức đoàn thể chúng ta thử nhìn lại xem cơ quan nhắc nhở
nhau về đạo đức được mấy lần? Đi trễ về sớm triền miên, vi phạm quy định của tổ
chức hay có cách sống ích kỷ, vô cảm rất nhiều nhưng ai nhắc nhở? Và cuối cùng
là chuẩn thang giá trị về đạo đức thay đổi mà không ai đánh giá, không ai kiểm
soát và không ai nhắc nhở. Cho nên, những cái đó nó làm cho sự ích kỷ, vị kỷ của
con người trong KT thị trường trở thành bộc phát. Chính do như thế nó trở thành
thách thức xã hội.”
Theo Tạp chí CS, nguyên nhân chủ quan
của vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp là do: “Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng,
rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng,
trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà
nước ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói
không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ."
Việc cạnh
tranh không lành mạnh giữa các cá nhân, trong điều kiện chưa có nền tảng về đạo
đức, pháp luật là nguyên nhân cơ bản nhất, bà
Nguyễn Thế Thanh cho biết:
“Vì
sao nó xuống cấp thì là vì, khi chúng ta đi vào kinh tế thị trường thì chúng ta
phải chấp nhận có sự cạnh tranh, nhưng là sự cạnh tranh lành mạnh, có đạo đức,
có pháp luật. Nhưng ta chưa xây dựng đầy đủ cái nền tảng ấy cho nên người ta cứ
chăm chăm vào cái cạnh tranh mà thôi. Để có một đồng lương cao hơn, một chỗ làm
tốt hơn… thì người ta phải cạnh tranh rất nhiều. Nhưng thay vì cạnh tranh bằng
năng lực, bằng chuyên môn thì người ta có thể làm theo cách khác. Đó là có những
người đạo đức kém, năng lực thì vừa phải thậm chí kém nhưng vẫn được đưa vào những
vị trí quan trọng. Và khi họ vào những vị trí quan trọng ấy thì tự nhiên người
ta sẽ hành xử như cái đã đưa người ta lên”
Nói về
vai trò của truyền thông trong vấn đề góp phần chặn đứng sự xuống cấp của đạo đức
xã hội, TS. Nguyễn Việt Hùng cho
hay:
“Chúng
ta phải tôn vinh người làm nghĩa cử hào hiệp, tốt phải khen, xấu phải chê. Chứ
nếu còn không, người ta làm tốt không khen, người vi phạm đạo đức không chê,
không lên án thì tất cả mọi người ngang nhau, đồng thau lẫn lộn, Thiện Ác lẫn lộn.
Và như thế nó sẽ không tạo thành sức mạnh động lực để người ta tôn vinh cái
hay, cái đẹp.”
Đạo đức
là tập hợp những quan điểm về thế giới, về cách sống của một xã hội, nhờ đó con
người có thể điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích của
cộng đồng xã hội. Trong một xã hội có đạo đức chuẩn mực, thì lòng nhân đạo sẽ
lan tỏa, ngấm dần dần vào trong tâm hồn, vào hành động của mỗi con người. Như
thế, xã hội sẽ dần dần trở nên an bình, ổn định hơn và cái ác sẽ bớt dần đi,
lúc ấy cái ác sẽ không còn là điều phổ biến và tràn lan như hiện nay.
No comments:
Post a Comment