Friday, January 30, 2015

Văn hoá là gì? (Nguyễn Hưng Quốc)





29.01.2015

Trong nhiều bài viết, trên blog cũng như trên facebook, tôi hay dùng các khái niệm như văn hoá dân chủ và văn hoá độc tài, văn hoá chiến tranh và văn hoá tham nhũng, văn hoá vô cảm, và văn hoá chụp giựt, v.v… Một số bạn đọc ngạc nhiên, hơn nữa, phản đối: Với họ, văn hoá là những gì tốt đẹp, do đó, không thể đi chung với những khái niệm như độc tài, tham nhũng, vô cảm hay chụp giựt được.

Thật ra, nếu những bạn ấy biết tiếng Anh và hay đọc sách báo tiếng Anh sẽ không thấy cách dùng của tôi có gì bất thường. Trong tiếng Anh, ngay trên báo chí phổ thông, người ta cũng dễ dàng bắt gặp vô số kết hợp kiểu văn hoá chính trị (political culture), văn hoá thể thao (sport culture), văn hoá McDonald’s (McDonald’s culture) văn hoá bạo động (violence culture), văn hoá nhà tù (prison culture), thậm chí, văn hoá hiếp dâm (rape culture), v.v…
Những cách nói và hiểu khác nhau ấy gắn liền với một vấn đề căn bản hơn: cách hiểu về khái niệm văn hoá.

Ở đây, xin nói ngay, cách hiểu khái niệm văn hóa của người Việt thường khá hẹp, và thành thực mà nói, khá lỗi thời. Trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam do Trần Quốc Vượng chủ biên (1), văn hóa được định nghĩa là “sản phẩm do con người sáng tạo, có từ thuở bình minh của xã hội loài người” (tr. 17). Trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (2), Trần Ngọc Thêm định nghĩa: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình.” (tr. 27). Trong khi cách hiểu thứ nhất chỉ tập trung vào sản phẩm, cách hiểu thứ hai chỉ tập trung vào khía cạnh giá trị của văn hóa. Cả hai, tuy là những yếu tố quan trọng, nhưng chắc chắn không phải là nội dung duy nhất, hoặc, thậm chí, quan trọng nhất của văn hóa.

Khái niệm văn hóa, thật ra, rộng và phức tạp hơn thế rất nhiều. Theo Raymond Williams, “văn hóa là một trong hai hoặc ba chữ phức tạp nhất trong tiếng Anh” (3).

Nó phức tạp, trước hết, vì nó thường xuyên thay đổi theo thời gian. Thoạt kỳ thủy, ít nhất cho đến thế kỷ 17, quan niệm văn hóa mang tính cá nhân (individual concept of culture), ở đó, nó mang ý nghĩa như một sự đào luyện tâm trí để giúp vượt lên trên thế giới tự nhiên, bao gồm cả bản năng của con người. Từ thế kỷ 17 trở đi, một quan niệm mang tính tập thể về văn hóa (collective concept of culture) được hình thành, ở đó, yếu tố nổi bật nhất là tính đẳng cấp: một số người hoặc một số dân tộc được xem là có văn hóa và một số khác thì không hoặc nếu có, có rất ít (thường bị gọi là man rợ) và cần được khai hóa (Cách nhìn này còn ảnh hưởng ở Việt Nam với sự đồng nhất giữa giáo dục và văn hóa – với cách gọi “trình độ văn hóa” để chỉ trình độ giáo dục – và với những khái niệm như “vô văn hóa” hay “thiếu văn hóa” thông dụng). Từ thế kỷ 19 trở đi, một quan niệm mang tính thẩm mỹ về văn hóa (aesthetic concept of culture) được ra đời, với một nội hàm mới: bao gồm những thành tựu về văn học, nghệ thuật, âm nhạc, v.v... của một cộng đồng, từ đó, dẫn đến việc hình thành khái niệm văn hóa cao cấp (high culture) và văn hóa bình dân (popular culture) (4).

Khái niệm văn hóa phức tạp còn là vì nó vô cùng đa dạng. Ngay từ năm 1952, hai nhà nhân chủng học người Mỹ, A.L. Kroeber và Clyde Kluckholn đã sưu tập được 164 định nghĩa khác nhau về văn hóa. Điều đặc biệt là các định nghĩa ấy có xu hướng tăng dần theo thời gian. Chẳng hạn, theo Kroeber và Kluckholn, số lượng định nghĩa về khái niệm văn hóa xuất hiện, từ năm 1871 đến 1920, là sáu; trong thập niên 1920, là 22; trong thập niên 1930, là 35; còn trong thập niên 1940, là một trăm (5). Theo chiều hướng phát triển ấy, người ta có thể đoán số lượng các định nghĩa mới về văn hóa kể từ lúc Kroeber và Kluckhohn xuất bản công trình nghiên cứu của họ hẳn còn nhiều hơn nữa.

Giới nghiên cứu thường sắp xếp các định nghĩa ấy theo một số khuynh hướng chính như sau:
  • Theo đề tài (topical approaches): nhìn văn hóa theo từng phạm trù như tôn giáo, ẩm thực, văn học, điêu khắc, kiến trúc, v.v...
  • Theo lịch sử (historical approaches): nhìn văn hóa như một truyền thống hay di sản vốn được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
  • Theo cách ứng xử (behavioural approaches): nhìn văn hóa như những phong thái ứng xử được học tập và chia sẻ trong một cộng đồng.
  • Theo quy phạm (normative approaches): nhìn văn hóa như những lý tưởng hoặc quy luật cần thiết cho cuộc sống.
  • Theo chức năng (functional approaches): nhìn văn hóa như những cách thức ứng xử nhằm thích nghi hoặc đối phó lại môi trường và những điều kiện sống nhất định.
  • Theo tâm thức (mental approaches): nhìn văn hóa như những thói quen được di truyền từ đời này sang đời khác.
  • Theo cấu trúc (structural approaches): nhìn văn hóa như hệ thống các biểu tượng, ý tưởng và thực hành.
  • Theo biểu tượng (symbolic approaches): nhìn văn hóa như một hệ thống ý nghĩa tuy mơ hồ nhưng được cả xã hội chia sẻ.

Trong tất cả các khuynh hướng ấy, quan niệm được nhiều nhà nhân học và văn hóa học đồng ý và sử dụng nhiều nhất là quan niệm cho văn hóa, trước hết, là một hệ thống biểu trưng và ý nghĩa (system of symbols and meanings) mà một cộng đồng đã tạo ra, và đến lượt nó, góp phần tạo ra cộng đồng, trong đó, mọi người tồn tại không phải như những cá nhân riêng lẻ mà là những thành viên của cộng đồng: Tất cả đều sử dụng một khung nhận thức và một bảng tiêu chí chung để diễn dịch và đánh giá thực tại, để phán đoán quan hệ giữa người và người, từ đó, phân biệt thiện và ác, đạo đức và vô luân, đẹp và xấu, hay và dở, những điều thích và những điều không thích, v.v... Chính trên cơ sở hệ thống biểu tượng và ý nghĩa như vậy, người ta mới dần dần tạo dựng và củng cố các hệ thống niềm tin và giá trị; và trên cơ sở các hệ thống niềm tin và giá trị ấy, xây dựng các hệ thống thiết chế xã hội và chính trị cũng như các phong cách ứng xử, bao gồm từ ngôn ngữ thân thể đến cách ăn mặc, ăn uống và các phong tục tập quán khác; cuối cùng, dần dần hình thành các sản phẩm văn hóa như văn học, âm nhạc, nghệ thuật, văn hóa dân gian, v.v...

Với cách hiểu văn hóa như một hệ thống biểu trưng và ý nghĩa như vậy, chúng ta sẽ thấy những cách nói như văn hoá tham nhũng, văn hoá độc tài hay văn hoá bạo động không có gì mâu thuẫn hay ngược ngạo cả. Đó là những cách nhìn, cách nghĩ, cách diễn dịch và cách đánh giá của cả một tập thể, lớn hay nhỏ, về một số hiện tượng nào đó. Ví dụ, chuyện tham nhũng không phải chỉ là một động tác rút tiền từ túi mình để nhét vào tay người khác mà còn bao hàm, đằng sau động tác ấy, những quan niệm đã thành nếp, chẳng hạn, người ta tin hành động hối lộ ấy, một mặt, không có quan hệ gì đến đạo đức hay danh dự; mặt khác, nó sẽ giải quyết vấn đề một cách rẻ và nhanh chóng hơn, v.v… Cái gọi là văn hoá độc tài cũng vậy, nó bao hàm những cách hiểu khác nhau về quyền (rights), về thẩm quyền (authority) và về quyền lực (power) để người cai trị tự tin là mình làm đúng và những người bị trị hoặc chấp nhận hoặc đứng lên phản kháng.

***

Chú thích:
  1. Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2004.
  2. Nxb Thành phố HCM, 1997.
  3. Keywords, A Vocabulary of Culture and Society, London: Fontana Press, 1983, tr. 87.
  4. Xem Karen Risager (2006), Language and Culture: Global Flows and Local Complexity, Clevedon: Multilingual Matters, tr. 35-37.
  5. Xem Bernardo Bernardi (biên tập) (1977), The Concept and Dynamics of Culture, The Hague: Mouton Publishers, tr. 10.
  6. Xem Karen Risager (2006), sđd., tr. 12-16.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ





No comments: