Thursday, June 30, 2011

HOA KỲ CÓ E NGẠI HÀNG KHÔNG MẪU HẠM "THI LANG" CỦA TRUNG QUỐC ? (Foreign Policy)



H.S (theo Foreign Policy, 27.6.2011)
Ngày 30.06.2011, 07:38 (GMT+7)
SGTT.VN - Ngày 29.6, tàu sân bay của Trung Quốc phải hoãn thời gian hạ thuỷ do có vấn đề về linh kiện. Trước đó tạp chí Foreign Policy của Mỹ ngày 27.6 có bài nhận định về ảnh hưởng của tàu sân bay của Trung Quốc với khu vực và thế giới. Xem ra giấc mơ tàu sân bay của Trung Quốc chưa thành hiện thực. SGTT lược dịch bài báo này.

Sáu tháng trước, tướng Liu Huaqing – cha đẻ của hải quân hiện đại của Trung Quốc và chỉ huy hải quân từ 1982 - 1988 đã qua đời. Liu tìm cách xây dựng lực lượng hải quân của Trung Quốc thành một hạm đội hoạt động ở các đại dương xa và muốn có một tàu sân bay. Liu đã thề rằng: "Tôi sẽ chết không nhắm mắt nếu tôi không thấy một tàu sân bay Trung Quốc trước mặt tôi".
Nay tại xưởng đóng tàu ở quân cảng Đại Liên, phía đông bắc Trung Quốc, tàu sân bay đầu tiên của hải quân Trung Quốc (PLAN) sẽ sớm ra khơi lần đầu tiên. Và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như Mỹ, lại sôi nổi tranh luận về tác động của chiếc tàu sân bay này.

Đô đốc Robert Willard, tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tháng 4.2011 với hãng tin Bloomberg rằng ông "không quan tâm" về việc chuyến hải hành đầu tiên của chiếc tàu sân bay của Trung Quốc, nhưng cho rằng: "Dựa trên những phản hồi mà chúng tôi nhận được từ các đối tác và đồng minh của chúng tôi trong Thái Bình Dương, tôi nghĩ rằng sự thay đổi trong nhận thức của khu vực sẽ là đáng kể". Nhật báo Asahi Shimbun của Nhật Bản trích dẫn một nguồn tin quân sự cho biết: "Trung Quốc đang chi tiêu ngân sách quân sự rất lớn để xây dựng tàu sân bay... Với sức mạnh hải quân, Trung Quốc cố gắng để chống lại Hoa Kỳ và có thể dẫn đến xung đột quy mô nhỏ với lực lượng của Mỹ hoặc Nhật". Tướng Úc John Frewen bình luận: "Các hậu quả ngoài ý muốn của tàu sân bay Trung Quốc đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với sự hài hòa trong khu vực trong những thập kỷ tới". Còn báo Hindustan Times dẫn lời một sĩ quan hải quân cấp cao Ấn Độ cho rằng Trung Quốc với tàu sân bay đầu tiên sẽ có nhiều lợi thế so với Ấn Độ.

Nhiều dữ liệu cho thấy tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ gần như không có khả năng như tàu của Mỹ. Chiếc tàu sân bay này (Varyag, mua từ Ukraine hồi 1998) có kích thước nhỏ hơn, và đặc biệt là đường băng dốc nên sẽ không thể triển khai máy bay hạng nặng hơn, vốn đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của máy phóng để cất cánh. Có vẻ Varyag chủ yếu sẽ được sử dụng để mở rộng việc bảo đảm không phận từ bờ biển của nó (đối lập với sức mạnh hơn hẳn của các tàu sân bay Mỹ, từ oanh kích trên bộ hoặc tấn công các mục tiêu hải quân).
Ngoài những thiếu sót kỹ thuật của nó, một tàu sân bay duy nhất sẽ có tiện ích quân sự rất hạn chế. Ngay cả lần thử nghiệm nếu được hoàn thành, chiếc tàu này sẽ phải được bảo dưỡng trong vài tháng của năm. Ngoài ra, Trung Quốc đang thiếu các phi công hải quân và thủy thủ có kinh nghiệm cần thiết để điều khiển tàu sân bay thành công và an toàn.

Tuy nhiên, nếu tập trung vào những thiếu sót của tàu sân bay quân sự mới của Trung Quốc mà hoàn toàn bỏ qua các đặc điểm của sự phát triển của nó là không nên. Trên tất cả, Varyag là một biểu tượng của sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Nhiều quan chức Trung Quốc và các học giả khi trả lời phỏng vấn đã miêu tả tàu sân bay là biểu tượng quyền lực lớn của Trung Quốc. Một cựu quan chức PLAN nhấn mạnh: "Tàu sân bay là một hệ thống vũ khí rất phức tạp và chứng minh sức mạnh quốc gia. Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc chưa có tàu sân bay".
Cuối cùng, Varyag rõ ràng là tàu sân bay "khởi động" của Trung Quốc. Trung Quốc đã xây dựng một tàu sân bay thế hệ thứ hai, mà chiếc đầu tiên bộ Quốc phòng Mỹ dự đoán có thể sẵn sàng hoạt động vào đầu năm 2015. Trung Quốc chắc chắn sẽ học được nhiều bài học từ kinh nghiệm của tàu sân bay Varyag và có thích ứng tiếp theo cho phù hợp.

Đối với Mỹ, các tác động quân sự trực tiếp của một tàu sân bay Trung Quốc là khá hạn chế. Hải quân Mỹ là khá chuyên nghiệp trong các mục tiêu tấn công lớn, và một tàu sân bay Trung Quốc sẽ không thể tồn tại trong những giờ đầu của một cuộc xung đột nói chung với Mỹ. Một tàu sân bay cũng sẽ có các tiện ích rất hạn chế trong một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan vấn đề Đài Loan, nơi mà Trung Quốc có ưu thế hơn Đài Loan về không quân với các căn cứ trong nội địa.

Tuy nhiên, ý nghĩa chiến lược của tàu sân bay Trung Quốc là đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và đặc biệt có tiềm năng đáng kể tại Biển Đông, nơi đang có những căng thẳng hơn bao giờ hết. Trung Quốc đã ngày càng hung hăng hơn trong các tranh chấp với Việt Nam và Philippines trên Biển Đông, và tàu sân bay Varyag sẽ làm các nước phải gia tăng đáng kể khả năng quốc phòng để bảo vệ mình khỏi sự tấn công của Trung Quốc trong vùng biển này.
Với Đông Nam Á, những tác động chính trị của một tàu sân bay Trung Quốc là rất căng thẳng. Các nước này có thể sẽ tìm đến Hoa Kỳ như một sự cân bằng, và Washington phải chuẩn bị để đáp lại như cách bảo vệ các lợi ích của mình.

Sẽ là một sai lầm để phóng đại những hậu quả mang tính chiến lược từ chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Nó sẽ không làm thay đổi cân bằng quân sự cơ bản trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng không đe dọa sự thống trị quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, nó là một báo hiệu quan trọng của những điều sắp tới. Khi sức mạnh hải quân của Trung Quốc tiếp tục mở rộng và khi các tàu sân bay Trung Quốc và tàu hộ tống dàn trải trên vùng biển Tây Thái Bình Dương, Biển Đông và Ấn Độ Dương với tần số ngày càng tăng, Washington sẽ buộc phải xem xét lại sức mạnh quân sự ở nền tảng chiến lược lớn của mình. Hiện nay với áp lực cắt giảm ngân sách, tư duy rõ ràng về những lợi ích lâu dài và những thách thức của nước Mỹ là đặc biệt cần thiết. Tương lai bắt đầu từ bây giờ.

H.S (theo Foreign Policy, 27.6.2011)

-----------------------------------------





.
.
.

No comments: