Tuesday, June 28, 2011

KỊCH BẢN CỦA HUNTINGTON (CHO MỘT THẾ CHIẾN THỨ BA, CÓ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆT NAM)




09-05-2010 05:39 AM

Một cuộc chiến tranh toàn cầu với sự tham gia của các quốc gia nòng cốt chính yếu trong các nền văn hoá lớn trên thế giới là điều không dễ xảy ra, nhưng là điều có thể. Như đã dẫn giải, một cuộc chiến tranh thế giới mới có thể bắt đầu bằng sự leo thang xung đột sắc tộc giữa các nhóm trong các nền văn hoá. Dễ xảy ra nhất là có sự tham gia của một bên theo đạo Islam và bên kia là không thuộc Islam. Có nghĩa là các quốc gia nòng cốt theo đạo Islam sẽ ra tay cứu giúp những người anh em đồng đạo của mình.

Họ có thể bỏ qua và không can dự quá sâu nếu như những lợi ích thứ yếu ràng buộc. Sự dịch chuyển cán cân quyền lực giữa các nền văn hoá và các nước nòng cốt của nó chính là nguy cơ lớn nhất của chiến tranh giữa các nền văn hoá.

Nếu sự lớn mạnh của Trung Quốc tiếp tục cộng với sự tự tin là “vai kép chính trong lịch sử loài người”, nó sẽ là gánh nặng thực sự cho trật tự quốc tế vào đầu thế kỷ 21. Trung Quốc lớn mạnh hơn với ảnh hưởng sâu rộng hơn ở Đông Á và Đông Nam Á sẽ đối kháng với quyền lợi của Hoa Kỳ.

Kịch bản nào cho một cuộc chiến xung đột quyền lợi giữa Mỹ và Trung Quốc?

Giả thiết chúng ta đang ở năm 2010. Hai nước Triều Tiên đã thống nhất, quân đội Mỹ đã rút khỏi bán đảo Triều Tiên. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Nhật Bản cũng giảm đáng kể. Đài loan và Hoa lục cũng đạt được một thoả thuận, trong đó đảm bảo cho Đài Loan được phần lớn sự tự chủ của mình trên thực tế, nhưng Đài Loan phải công nhận chính thức quyền chủ quyền của Bắc Kinh. Ngoài ra, với sự giúp đỡ của Trung Quốc, Đài Loan được trở thành thành viên chính thức tại Liên hợp quốc, giống trường hợp của Ucraina và Belorussia hồi năm 1946.

Việc khai thác dầu tại Biển Đông được tiến hành gấp rút, đa phần dưới sự bảo trợ của Trung Quốc, nhưng trên một số vùng có sự kiểm soát của Việt Nam được các công ty của Mỹ triển khai.

Trung quốc với sự hăng hái tự tin về thực lực của mình đã ra tuyên bố quyền kiểm soát toàn bộ biển Nam Hải (Biển Đông), điều mà họ xưa nay vẫn yêu sách. Việt Nam bất bình dẫn đến hải chiến giữa tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam.

Trung quốc quyết tâm trả thù cho thất bại tại cuộc chiến biên giới 1979, đã cho quân tiến vào Việt Nam. Việt Nam yêu cầu sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Trung Quốc cảnh báo Mỹ không nên can thiệp, Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác tỏ ra lưỡng lự. Hoa kỳ tuyên bố phản đối việc chiếm đóng Việt Nam của Trung Quốc, kêu gọi trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc và gửi một trong số hạm đội tàu sân bay còn lại ít ỏi của mình vào vùng biển Nam hải (Biển Đông).

Trung quốc chỉ trích hành động đó là vi phạm hải phận của Trung Quốc và không kích hạm đội Mỹ. Những cố gắng của Tổng thư ký Liên hơp quốc và Thủ tướng Nhật bản cho một cuộc ngừng bắn đều không đạt kết quả. Chiến tranh lan sang các vùng khác ở Đông Á.

Nhật bản ra lệnh cấm Mỹ sử dụng căn cứ quân sự trên đất Nhật. Mỹ phớt lờ lệnh cấm. Nhật Bản tuyên bố giữ thái độ trung lập và phong toả các căn cứ quân sự. Không quân và tàu ngầm Trung quốc từ Đài Loan và Hoa lục gây cho tàu chiến và cơ sở quân sự của Mỹ ở Đông Á nhiều thiệt hại. Tiếp đó Trung quốc kéo quân vào Hà nội và chiếm đóng phần lớn Việt nam.

Mặc dù cả Trung Quốc lẫn Hoa kỳ đều đang nắm giữ nhiều tên lửa xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân nhưng cả hai đều ngầm giữ không sử dụng trong thời gian đầu của cuộc chiến.

Lo sợ trước một cuộc tấn công hạt nhân hiển hiện ở cả hai phía, nhưng căng thẳng hơn cả là phía bên Hoa Kỳ. Điều đó tạo ra mối quan ngại trong những người dân Mỹ, tại sao họ phải chịu đựng nguy cơ này. Nếu Trung Quốc muốn chiếm Nam Hải, Việt Nam hay toàn bộ Đông Nam Á thì liên quan gì đến họ? Đặc biệt là sự phản đối của các bang tây nam, nơi có nhiều người nói tiếng Tây Ban Nha. Với khẩu hiệu “Cuộc chiến này không phải của chúng ta” dân chúng và chính quyền các bang này muốn tránh bị lôi vào cuộc chiến giống như đã xảy ra tại tiểu bang New England năm 1812[1]…

… Trong khi đó chiến tranh đã bắt đầu gây ảnh hưởng đến các nước lớn của các nền văn hoá khác. Lợi dụng cơ hội Trung Quốc đang bận rộn với Đông Nam Á, Ấn Độ tấn công vào Pakistan trên diện rộng mục đích để dọn sạch kho vũ khí nguyên tử cũng như vũ khí thông thường của nước này. Thoạt đầu Ấn Độ không gặp trở ngai nào, cho đến khi có liên minh quân sự giữa Pakistan, Iran và Trung Quốc. Iran trợ giúp Pakistan với lượng quân sự khí tài hiện đại…

… Tất cả các cuộc chiến đều liên quan đến dầu mỏ. Mặc dù đầu tư rất nhiều vào năng lượng hạt nhân, Nhật bản còn vẫn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ nhập khẩu, điều đó làm cho Nhật thấy cần thiết phải hợp tác với Trung Quốc trong việc nhập dầu mỏ từ vùng Vịnh Ba tư, Indonesia và Biển Đông.

Cuộc chiến tiếp tục với qui mô lớn hơn. Các quốc gia khối Ả-rập ngày càng bị rơi vào vòng kiểm toả của lực lượng cuồng tín. Nguồn dầu mỏ từ vùng Vịnh cho phương Tây bị cắt, Phương Tây ngày càng bị phụ thuộc nhiên liệu từ Nga, Caucasus và miền Trung Á. Phương Tây muốn lôi kéo Nga về phía mình và buộc phải ủng hộ Nga mở rộng ảnh hưởng xuống các nước Islam ở miền nam.

Đồng thời Mỹ cố gắng lôi kéo sự trợ giúp toàn bộ của đồng minh Âu châu. Trên thực tế Tây Âu chỉ có cử chỉ ủng hộ về ngoại giao và kinh tế, ngoài ra thì trì hoãn về quân sự.

Trung quốc và Iran lo sợ khối Tây Âu cuối cùng sẽ đứng về phía Mỹ, giống như Mỹ đã từng cứu giúp Anh, Pháp thời Thế chiến thứ II. Để ngăn chặn điều này, họ bí mật chuyển dàn tên lửa tầm trung chứa đầu đạn hạt nhân đến Bosnia và Algeria và cảnh báo Tây Âu về việc tham gia cuộc chiến…

Một cuộc chiến toàn cầu gồm một bên là Hoa kỳ, châu Âu, Nga và Ấn độ và bên kia là Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước Hồi giáo. Kết cục sẽ ra sao?

Cả hai bên đều có trong tay rất nhiều vũ khí hạt nhân, ngay cả khi giả thuyết là sẽ không được sử dụng một tí tẹo nào thì một điều rõ ràng, các quốc gia chủ chốt sẽ bị tàn phá nặng nề.

Giả sử là cả hai bên biết kiềm chế, các bên tham chiến đã mệt mỏi đi đến một thoả thuận đình chiến, thì nó cũng không giải quyết được vấn đề chủ chốt, đó là đòi hỏi bá quyền của Trung quốc ở Đông Á. Nếu không phương Tây phải cố gắng khuất phục Trung quốc bằng chiến tranh qui ước. Liên minh quân sự với Nhật giúp cho Trung Quốc có được một hải tuyến phòng thủ ngăn chặn Mỹ tấn công vào miền duyên hải nơi có khu công nghiệp và đông dân. Lựa chọn khác là tấn công Trung Quốc từ phía tây.

Cuộc chiến của Nga với Trung Quốc là lý do để NATO kết nạp Nga vào khối quân sự và trợ giúp Nga chống lại cuộc tấn công của Trung Quốc vào Serbia, cũng như đảm bảo sự kiểm soát của Nga đối với các nước Islam giàu nhiên liệu vùng Trung Á. Giúp đỡ quân nổi dậy Tây Tạng, Uighuri và Mông cổ chống lại sự thống trị của Trung Quốc. Hỗ trợ chuyển quân đội của Nga từ phía tây nhằm hướng đông sang Siberi, từ đó đánh trận quan trọng vượt Vạn Lý Trường Thành vào Bắc Kinh vào sâu tận Trung Nguyên.

Bất cứ kết cục nào của cuộc chiến toàn cầu giữa các nền văn hoá này có được, tàn phá lẫn nhau bằng vũ khí nguyên tử, đình chiến vì mệt mỏi hay ngay cả khi quân đội Nga và phương Tây diễu binh trên quảng trường Thiên An Môn đi nữa thì hậu quả lâu dài chắc chắn sẽ rộng khắp. Tổn thất kinh tế, nhân mạng và sức mạnh quân sự nặng nề của các bên là không tránh khỏi.

Hậu quả là trung tâm quyền lực của thế giới theo thời gian chuyển dịch từ đông sang tây, và lại từ tây sang đông, nay lại từ bắc xuống nam. Kẻ hưởng lợi chính từ cuộc chiến này là những ai đứng ngoài. Trong khi phương Tây, Nga, Trung Quốc và Nhật bản bị tàn phá các mức độ khác nhau thì Ấn Độ, mặc dù có tham dự nhưng tránh được sự tàn phá, nay có thể rảnh tay để tái thiết lại thế giới theo trật tự của Ấn độ giáo.

Dân chúng Mỹ đổ lỗi cho sự tụt hậu là do giới bảo thủ Tin lành da trắng, dẫn tới việc dân Mỹ gốc Tây Ban Nha lên nắm quyền với lời hứa được nhận sự trợ giúp của các nước Mỹ-Latin. Một chiến dịch tương tự Kế hoạch Marshall[²] từ các nước Nam Mỹ. Các quốc gia mới nổi này đã không tham gia vào cuộc chiến.

Hoa Kỳ nhìn nhận sự can thiệp như thế là cần thiết, để bảo vệ luật pháp quốc tế, để chống lại một cuộc xâm lược, để bảo vệ tự do hàng hải, để đảm bảo quyền tiếp cận dầu mỏ của Mỹ ở Biển Đông và chống lại sự thống trị của một thế lực duy nhất tại Đông Á.

Đối với Trung Quốc lại là việc không thể chấp nhận được. Đó là âm mưu mà các nước phương Tây luôn ngạo mạn gây sức ép và muốn làm mất mặt Trung Quốc. Khiêu khích và chống lại vai trò chính đáng của Trung Quốc trên sân chơi chính trị ngay trong vùng ảnh hưởng đã được thừa nhận.

Chiến tranh giữa các nền văn hoá là điều cần tránh trong thời đại tới, đặc biệt các nước chính yếu không nên can dự vào các xung đột giữa các nền văn hoá. Đó là một sự thật khó chấp nhận, nhất là đối với những quốc gia như Hoa Kỳ. Nguyên tắc của sự đa dạng hoá, trong đó các nước chính yếu phải kiềm chế tránh can dự vào các xung đột tại các nền văn hoá khác là điều kiện tiên quyết cho một nền hoà bình trong một thế giới đa dạng và đa cực.

Điều kiện thứ hai cần có là nguyên tắc cùng hoà giải, trong đó có việc thỏa thuận giữa các nước nòng cốt để giảm thiểu hay kết thúc các cuộc xung đột sắc tộc giữa các nước hay các nhóm thiểu số trong các nền văn hoá.

Chấp nhận những nguyên tắc này cùng với một thế giới bình đẳng về nguồn gốc văn hoá là điều không dễ chấp nhận. Điều đó đúng với cả các nước phương Tây lẫn các nước thuộc nền văn hoá khác, những thế lực đang muốn cùng phương Tây chia sẻ hay thậm chí độc quyền vai trò thống trị.


© Samuel P. Huntington / Kampf der Kulturen

Le Viet Linh lược dịch

Nguồn: http://www.afmedien.de/news/publizis...erkulturen.php

http://anhbasam.com/2010/05/08/578-k...7a-huntington/

* Samuel P. Huntington là tác giả cuốn sách nổi tiếng The Clash of Civilizations đã được dịch ra tiếng Việt, tựa đề Sự va chạm của các nền văn minh, NXB Lao động, 2003.



[1] Bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận lẫn nhau của 2 cường quốc hải quân Anh-Pháp làm cho ngoại thương của Mỹ bị thiệt hại buộc Mỹ tuyên chiến với Anh quốc năm 1812. Người Mỹ bị lôi vào chiến tranh với lý do không rõ ràng.

[2] Kế hoạch Marshall là kế hoạch viện trợ nhằm vực dậy nền kinh tế các nước Tây Âu sau thế chiến thứ 2 mang tên Ngoại trưởng Hoa kỳ thời 1947-1949 Georg C. Marshall.

.
.
.

No comments: