Thursday, October 21, 2010

XEM CỨU TRỢ LŨ LỤT Ở THÁI LAN NGHĨ VỀ VIỆT NAM (Kami)

Kami
21.10.2010

Đợt bão lũ trung tuần tháng 10 ở miền Trung Việt nam là cú bồi sau khi nước lũ đợt trước vừa rút được vài ngày, làm cho dân quê choa, quê bọ thân thiết của mình đã khổ lại càng khổ hơn. Đã đành rằng thiên tai khó mà tránh được, bão lũ là tại ở ông Trời không muốn cũng không được, nhưng giá như có sự phối kết hợp giữa nhà nước và các tổ chức xã hội trong vấn đề cứu hộ, trợ giúp nhân dân ở các vùng bị nạn ở các tỉnh Hà tĩnh, Quảng bình… những ngày vừa qua thì dân quê choa đâu có khốn khổ khốn nạn như hôm nay.
Mình ở xa quê nhưng những ngày này vẫn nghĩ tới bà con miền Trung, công việc chưa xong chưa thể về chia sẻ cùng họ được, nên tranh thủ viết mấy dòng cho nguôi nỗi niềm thương xót họ, những bà mẹ già, những em bé đang ở giữa biển nước mênh mông nhai trệu trạo mỳ tôm sống. Đã vậy mà đang ngồi viết thì anh bạn cùng phòng (đảng viên hẳn hoi nhé) đi đến ngồi xuống bên cạnh xem và bảo ” thôi ông viết làm cái đ’.. gì, kệ mẹ chúng nó. Nhà nước ngu mà dân cũng ngu theo thì cho chúng nó chết”.
Nghe vậy nghĩ buồn quá, người Việt mình đấy.

Thủ tướng Thái Abhisit Vẹajivar (chắp tay vái dân) khi thị sát lụt  tại tỉnh Corat(Ảnh Khomchatluk.net)

Những ngày này mình đang công tác ở Bangkok Thái lan, tuy xa miền Trung Việt nam nhưng vẫn cảm nhận được không khí của lũ lụt. Có lẽ một vài ngày nữa nước lũ mới về tới Bangkok vì các đập bắt đầu mở cửa xả lũ, vậy mà chính quyền thành phố Bangkok chuẩn bị chống lụt ghê quá. Chẳng là miền Trung nước Thái những ngày này cũng lụt nặng không kém gì Việt nam, 17 tỉnh vùng Đông bắc và miền Trung nước Thái đang chìm trong biển nước, có những nơi nước ngập trong thị xã đến 2,7 m nói gì đến nông thôn. Chương trình thời sự trên TV của họ tất cả các kênh đều dành tới 2/3 thời gian để truyền tải các phóng sự về hậu quả của nước lụt, công tác trợ giúp ở các vùng bị gặp nạn, thông báo cho dân chúng biết tỉnh A, vùng B họ thiếu cái gì để dân cả nước Thái hỗ trợ quyên góp theo nhu cầu.
Buồn cười nhất là bên Thái lan chỉ thấy chính quyền nhà nước họ lo cung cấp thuyền cá nhân, nhà xí di động (tàu dã chiến), lo thu nhặt rác thải, chất thải của người trong vùng lũ đưa đi xử lý bên ngoài, chứ đâu họ phải lo cái ăn cái uống cho dân cho dân các vùng lũ. Cái đó dân họ có thừa, nghe trả lời phỏng vấn của một người dân vùng lũ họ nhắn rằng “Đừng gửi đồ ăn, nước uống nữa quá thừa rồi gửi thuyền, thuốc chống nước ăn chân, băng vệ sinh phụ nữ, thuốc xoa chống muỗi v.v..”. Thế đấy nhu cầu dân vùng lũ của họ như thế chứ làm gì có cái cảnh ngồi trên nóc nhà nhai trệu trạo mấy gói mỳ tôm Hảo hảo như dân quê choa, quê bọ ở xứ mình.

Phu nhân của Đệ nhất Hoàng Thái tử Thái lan Xom Chaovali trực tiếp làm cơm hộp cho nhân dân vùng bão lụt tại một trạm cung ứng.

Chuyện ăn uống thì mỗi xã vùng lụt họ có một bếp ăn di động do các tổ chức xã hội (phi chính phủ), các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các Chùa nấu cơm hộp để phát đến từ hộ gia đình còn ở lại trong vùng bị ngập từng bữa, chuyện nước uống hay thuốc chữa bệnh thì đương nhiên nhà nước đã chịu trách nhiệm. Ở đây muốn nói tới cách tổ chức mang tính chuyên nghiệp của một chính quyền nhà nước của dân – Vương quốc Thái lan.
Làm gì có cảnh Thủ tướng chính phủ mang từng gói quà phát cho dân để chụp ảnh tuyên truyền, vì đó đâu phải là trách nhiệm chính của chính quyền nhà nước. Sau khi lụt lớn 2 ngày ông Thủ tướng Thái lan cùng nhóm trợ lý xuống thăm vùng Corat (Nakhor Raschima) thủ phủ của lực lượng áo đỏ đối lập với chính quyền hiện tại thăm dân chúng. TV chiếu ông ta ngồi xuồng cao su có lính kéo đi thị sát tình hình và chỉ thị, không có chuyện gặp gỡ dân chúng kiểu tay bắt mặt mừng, có chăng là vái nhau (kiểu chào chắp tay trước ngực) từ xa. Việc chính của ông Thủ tướng Thái là thị sát và chỉ thị, ông chỉ thị:
1. Cho Cục phòng chống thiên tai của Bộ Nội vụ cho mỗi tỉnh 100 triệu baht (3.5 triệu $), giải quyết các nhu cầu cấp thiết của dân chúng và gợi ý nếu thiếu báo cáo sẽ cấp bổ xung.
2. Đối với nông dân thống kê diện tích canh tác bị ngập lụt để nhà nước trả tiền 100% đền bù theo giá nông phẩm mà nhà nước bảo hiểm (*).
3. Không thu tiền thuê nhà của nhà nước trong vòng 4 tháng.
4. Nhà cửa dân hư hỏng do lũ lụt thì chủ nhân chỉ cần tự chụp ảnh và làm thủ tục thanh toán tiền sửa chữa.
v.v..
Các thông tin đó công khai trên truyền thanh truyền hình cho toàn dân biết.
Cái mấu chốt chính của họ là chuyên nghiệp hóa mọi vấn đề, ví dụ dùng lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, mà lực lượng nòng cốt là Bộ tư lệnh Lục quân kết hợp với Hải quân, Không quân và các tình nguyện viên. Những ngày này các lực lượng quân đội với các phương tiện hiện có tại các quân khu xảy ra lũ lụt đều vào cuộc với nhiệm vụ của những người đầy tớ tận tụy của dân. Đó là đưa người, tài sản của dân ra khỏi vùng bị ngập lụt, đảm bảo đưa cơm nóng, nước lạnh đóng chai và hỗ trợ các điều kiện sinh hoạt cần thiết cho những người còn ở lại từng bữa sáng trưa và chiều.

Một nhóm bạn trẻ tỉnh Jayaphum tự nguyện đóng gói quá cứu trợ cho dân vùng lụt

Vật phẩm cứu trợ cũng vậy, những ngày này các siêu thị ở trên toàn nước Thái, các đài truyền hình … là các điểm nhận trợ giúp, hàng hóa nhận được, được đóng túi để phát cho mỗi hộ gia đình vùng lũ. Các công ty, nhà máy xí nghiệp và các cá nhân thì ủng hộ hàng hóa, tiền bạc hoặc bằng phương tiện vận chuyện hàng hóa tới vùng lũ với tinh thần thương người như thể thương thân, cái mà Việt nam mình chưa có cần phải học họ.
Chỉ kể mấy chuyện tai nghe mắt thấy những ngày này cho bạn đọc nghe để so sánh cách thức làm ăn của họ, nhẹ nhàng như không vì toàn xã hội chung sức với điều kiện có thể của mỗi cá nhân, mỗi tập thể và cộng đồng chia sẻ nỗi lo toan của nhà nước. Ngược lại ở xứ ta thì các bố (của dân) chúng nó ngu, cứ thích ôm rơm cho dặm bụng, cứ giữ khư khư cái độc quyền cứu trợ cho vùng bị nạn, và chỉ biết ca bài ca mì tôm Hảo hảo muôn năm muôn kiếp. Vì họ nghĩ rằng phải độc quyền ban phát, để dân chúng mày thấy rời các bố (của dân) mày ra thì chúng mày lấy c. mà nhét vào mồm. Cứ xem mấy đợt bão lũ vừa qua thì thấy, 87 triệu người Việt nam chỉ biết trông vào nhất cử nhất động của một ông tác giả của idea trái tim Thánh Dóng, thì làm gì dân vùng lũ miền Trung chẳng khổ sở, chẳng khốn nạn.
Họ đâu biết rằng tình thương của con người với con người không có biên giới, không có giới hạn nhất là lúc hoạn nạn. Ngàn đời nay trong máu người Việt đã biết thương người như thể thương thân chứ đâu phải mới có 65 năm kể từ khi mấy ông cộng sản cầm quyền mới có. May mà hôm nay trên trang VNNet có bài “Trí thông minh người Việt so với thế giới có đoạn nói rằng trí thông minh của người Việt nam bằng 1/25 của người Thái thì tuy trong tâm tôi thấy nhục lắm, nhưng cũng không cãi nổi vì chỉ cần nhìn qua cái vụ cứu trợ bão lũ miền Trung  những ngày này.
Các bọ, các mẹ, các em ở miền Trung ơi, cắn răng mà chịu, mà chấp nhận khổ sở và ghi nhớ câu:
Bão lũ là tại thiên tai
Dân nhai Hảo hảo (là do) thiên tài Đảng ta.
Bangkok, 21/10/2010
————-

(*) Ở Thái lan đảng Dân chủ đang cầm quyền có chính sách (tranh cử) là bảo hiểm giá nông sản theo từng vụ, nhà nước công bố giá mua trước mỗi vụ cho từng loại nông sản. Đến vụ thu hoạch nông dân mang nông sản đến các kho của tư nhân do nhà nước ủy thác, cân và thu tiền theo giá đã công bố. Nếu giá thị trường thấp hơn nhà nước sẽ bù lỗ cho các đại lý ủy thác.

Hình ảnh lụt lội ở Thái lan những ngày vừa qua
.
.
.

No comments: