Tuesday, October 26, 2010

VỤ ÁN CỒN DẦU (Lê Tuấn Huy)

Lê Tuấn Huy
27/10/2010 | 12:52 sáng | 2 phản hồi

Theo dự kiến, ngày 27/10/2010, Đà Nẵng sẽ tiến hành xét xử sáu “bị cáo” của Giáo xứ Cồn Dầu. Liên quan đến vụ việc, ngày 22/10/2010, Chánh án Tòa án Nhân dân quận Cẩm Lệ ra công văn “từ chối việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa” cho hai luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ. Cũng ngày 22/10/2010, Giám mục Giáo phận Vinh, với tư cách Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã ký văn thư số 01/VT-UBCL-HB gửi các bên liên quan để bày tỏ quan điểm về sự việc Cồn Dầu.
Việc một buổi đưa tang diễn ra trong bạo lực, để rồi sau đó một người đột quỵ” sau những ngày làm việc tại công an sở tại, và có đến trên dưới bốn mươi người trốn chạy, tìm cách lánh nạn ở nước ngoài, không thể không là điều ít nhiều đánh động đến lương tri của những người quan tâm thời cuộc, của giáo quyền và chính quyền.
Không kể những tiếng nói không chính thức, trong nước, trước khi văn thư nói trên của Giám mục Nguyễn Thái Hợp được loan ra (25/10/2010), hầu như chỉ có TS. Cù Huy Hà Vũ công khai phản biện trước luồng thông tin “chính thống” về sự việc. Cả trí thức ngoài Công giáo và Công giáo có lẽ nên có chút hổ thẹn chăng, vì đã (đành) làm ngơ trước những vụ việc đạo-đời của người Công giáo trong khi họ vẫn không hề bỏ mặc mối lo đối với an nguy của đất nước, mà điển hình là cuộc vận động riêng của họ nhằm phản đối dự án bauxite Tây Nguyên?
Về phía Giáo hội, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, Hội đồng Giám mục (cùng với các đơn vị truyền thông trực thuộc), với tư cách cơ quan tối cao của giáo quyền, không thể rời khỏi vị thế trung dung và uy nghi của mình để trực tiếp đối đầu với chính quyền ở một sự việc cụ thể, như đòi hỏi của một phía dư luận. Tuy nhiên, điều đó không bào chữa cho sự bất động đến độ tê liệt như thời gian qua, bởi lẽ, sự việc ở Cồn Dầu không hoàn toàn là chuyện đời, mà còn là chuyện người dân xứ đạo muốn bảo tồn một di sản đã tồn tại hơn trăm năm trong tiến trình chung của Công giáo Việt Nam. Ngoài ra, giáo quyền địa phương cũng là nơi rất cần tự vấn về hành xử của mình trong vụ việc.
Về phía chính quyền, trên bề mặt, thái độ và lời đáp (nếu có) của các cơ quan hữu trách sẽ luôn xem đây là một vụ “gây rối trật tự công cộng” và “chống người thi hành công vụ”. Nhưng nếu chỉ gói gọn vào những lời lẽ quy buộc ấy, e rằng sẽ có cái nhìn thiếu thấu đáo.
Vụ việc không thể không liên quan đến vấn đề sở hữu đất đai, vốn đang ngày càng nóng bỏng trên khắp đất nước, cũng như trên phạm vi học thuật và thông tin.
Việc quyền lực và bạo lực nhà nước được sử dụng phục vụ cho dự án kinh tế của một công ty cổ phần không thể không liên quan đến vấn đề nhóm lợi ích, nay cũng đang trở nên gay gắt trong tiến trình kinh tế – chính trị và trong lý luận.
Ý chí bất thuận của giáo dân sở tại khó mà không liên quan đến vấn đề về mối quan hệ chính trị – tôn giáo – văn hóa. Chủ trương phát triển bằng mọi giá đã có quá nhiều bài học, ở khắp nơi; và trong trường hợp này, có lẽ những người có trách nhiệm nên nghĩ đến hệ quả văn hóa và tôn giáo của nó.
Giáo hội hay những người lên tiếng phản biện chắc chắn không có được quy hoạch của dự án liên quan đến Cồn Dầu, trong tổng thể quy hoạch của Đà Nẵng, để có thể đưa ra được nhận định khả tín về tính chính đáng và duy nhất của nó. Thế nhưng, chắc chắn có thể nói một điều, rằng việc xóa trắng một giáo xứ lâu đời, ngay trên mảnh đất khai sinh của nó sẽ không chỉ là việc thu hồi đất và đền bù hợp lý hay không, việc dự án có hiệu quả và đem lại sự phát triển hay không, mà còn là việc xóa sạch một giáo xứ trên bản đồ phân bổ của một giáo hội và bản đồ tôn giáo của một đất nước, xóa sạch một phần lịch sử của một tôn giáo và một phần văn hóa của một tiểu vùng

Những người có chút hiểu biết đều rõ, đối với Công giáo, giáo xứ là cơ sở xã hội căn bản nhất trong cấu trúc của họ. Tại mỗi giáo xứ, giáo dân, cùng với cuộc sống tại gia đình mình, luôn quây quần quanh nhà thờ của giáo xứ, từ thế hệ này sang thế hệ khác mà duy trì cộng đồng mang tính tế bào đó. Bởi vậy, nói chung, ở bất cứ đâu, về lý thuyết, nếu muốn phá vỡ hay làm suy yếu Công giáo, thì trực tiếp và hiệu quả nhất, là nhắm vào việc phá vỡ các giáo xứ. Trong vấn đề Cồn Dầu, dù không có ác ý thì việc xóa trắng cũng đã vô tình phá vỡ một tế bào của Công giáo Việt Nam. Đẩy những người dân quê ra mấy chục cây số, cách xa nhà thờ xứ đạo mà họ vẫn bao đời nay sớm hôm ra vào, gửi gắm buồn vui trong đời sống tâm linh, là việc làm thiếu cái tâm và sẽ để lại hậu quả lâu dài, không chỉ đối với đời sống và tinh thần người dân sở tại, mà cả lên quan hệ giữa chính trị với tôn giáo, giữa xã hội với văn hóa.

Đến đây, thiết nghĩ, cần nói rộng ra một chút.
Việc cổ súy cho Phật giáo như một phần căn bản trong bản sắc dân tộc là điều dễ nhận thấy trong thời gian gần đây. Ngoài những cái “nhất”, “nhất” có thể chấp nhận được về chùa hay tượng, tiến trình có chủ tâm này lộ liễu đến mức ở một xứ sở thế tục, một nhà nước có chủ thuyết tuyệt đối vô thần, lại có những hành động tô phết đến độ mang màu sắc mê tín, lố bịch và đáng thương cho Phật giáo[1], khiến công luận phải ái ngại.
Trong khi đó, đối với Công giáo, có những việc dường như thiếu khoan dung từ phía nhà nước. Đơn cử, là chuyện bức tượng Đức Mẹ Bàu Sen (Bố Trạch, Quảng Bình). Trên nhiều nẻo đường đất nước, ta đều thấy đâu đó trên những ngọn đồi, bên vệ đường, trong và quanh các nghĩa trang… có dựng tượng của Phật Tổ, Phật Bà, chữ Vạn, Chúa Jesus, Thánh giá, Thiên thần, Tam Tạng… Bởi trong tâm thức người Việt, các tượng này không chỉ an ủi cho vong linh người chết, xua đuổi tà ma, mà còn đem sinh khí cho cảnh quan chết chóc, làm ấm lòng người sống… Việc có thêm một tượng Đức Mẹ ở Bàu Sen, trong khu vực quanh nhà thờ và nghĩa trang giáo xứ, chẳng những không làm hại gì ngoài ý nghĩa tâm linh như vậy, mà còn làm đẹp và sống động cho cảnh quan nơi đó, có lẽ nên nhận được sự chấp nhận mang tính bao dung của chính quyền hơn là quyết tâm dỡ xuống (11/2009).

Ảnh: tượng Đức Mẹ La Vang ở Bàu Sen trước khi bị dỡ xuống (Nguồn: vietcatholic.net)

Việc dùng hệ thống chính trị – xã hội để khuếch trương cho tôn giáo này đồng thời kiềm chế tôn giáo kia, tức một biến tướng của việc tôn giáo hóa nhà nước và nhà nước hóa tôn giáo, vào thời nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, luôn để lại những hậu quả dài lâu, mà nặng nề nhất là sự xung đột văn hóa-tín ngưỡng trong lòng xã hội. Đó là một chủ trương cần tránh của bất kỳ nhà nước công chính nào, cho dù nó có phục vụ tốt cho mục tiêu trước mắt nào đó, vì kết quả này tuyệt nhiên không thể bù đắp cho hậu quả vừa nói. Ở Việt Nam ta, hậu quả của việc chính quyền Ngô Đình Diệm dùng quyền lực nhà nước để ưu ái cho Công giáo và đè nén Phật giáo, là một bài học sống động và quý giá. Giả định, nếu có hướng ngược lại, điều sẽ diễn ra chắc hẳn cũng khó mà xem thường.

Nay quay lại sự việc Cồn Dầu.
Những người dự kiến sẽ ra tòa ngày 27/10/2010, cho dù có nhận mức án thế nào, về thực chất, cũng chỉ là nạn nhân của một quan niệm và chính sách đất đai hoàn toàn lỗi thời, như bao nạn nhân đất đai khác, những người đang định hình nên nội hàm của một từ mới trong tiếng Việt: “dân oan”. Nhưng khác với những dân oan khác, họ mang yếu tố tôn giáo mà cho dù có bác bỏ, cũng không thể xóa được thực tế là họ “phạm tội” vì muốn giữ lại cộng đồng tín ngưỡng sở tại của mình.
Những xung đột tín ngưỡng, nếu không được xoa dịu đi, chỉ luôn khiến cho tình hình ngày một xấu hơn dưới bề mặt yên ổn và được kiểm soát của nó.

Phiên tòa Cồn Dầu sẽ là phiên tòa hòa giải – như vụ án mà hai bên cùng thắng khi xử giáo dân Thái Hà (27/03/2009), hay sẽ là phiên tòa trấn áp – như những vụ xử mang có yếu tố “an ninh quốc gia” hồi gần đây, có lẽ là việc mà các cấp thẩm quyền nên cân nhắc khi xét đến những hệ quả xã hội khả dĩ của nó.

26/10/2010
© 2010 Lê Tuấn Huy
© 2010 talawas

[1] Ngoài những lễ cầu siêu hoành tráng còn thể tạm chấp nhận, là những việc kiểu như rước xá lợi Phật đầy tốn kém, điểm nhãn cho 1000 rồng 1000 năm Thăng Long, yểm tâm cho tượng Thánh Gióng và ngựa của Thánh (mà blog Ba Sàm đã “suy luận” hoàn toàn logic là cũng cần như vậy cho tượng đài Bác Hồ – Bác Tôn mới đây)…
---------------------

J.B Nguyễn Hữu Vinh
14/08/2010
.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
15/08/2010
.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
18/08/2010
.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
24/08/2010
.
.
.

No comments: