Thursday, October 7, 2010

VÌ SAO VẪN PHẢI TÔN TRỌNG "LỢI ÍCH CỐT LÕI" CỦA TRUNG QUỐC ?

Trân Văn, thông tín viên RFA
2010-10-07

UBND TP.HCM vừa ban hành một thông báo đóng dấu “khẩn”, yêu cầu tất cả các cơ quan, ban, ngành của TP.HCM và các quận huyện phải thực hiện nghiêm túc đề nghị của Bộ Ngoại giao là không được chúc mừng “Ngày Song Thập” của Đài Loan.
Các cơ quan truyền thông cũng vừa được chỉ đạo là không được đưa tin, viết bài về những hoạt động mừng Quốc khánh Đài Loan do Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM tổ chức.
Trân Văn tường thuật thêm về sự kiện này.

Đổ hàng chục tỷ USD vào Việt Nam
Hôm 27 tháng 9, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Quốc tế Đài Loan, phối hợp tổ chức hội nghị thường niên lần thứ 12.
Tại hội nghị này, Việt Nam xác nhận, Đài Loan đang dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam. Nếu tính gộp các dự án đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp, tổng vốn mà Đài Loan đổ vào Việt Nam hiện đã vượt qua mức 10 tỷ USD.
Phía Đài Loan thì loan báo rằng, tổng giá trị các suất đầu tư trực tiếp vào Việt Nam thực ra đã lên tới 25 tỷ đô la. Đài Loan hãnh diện tuyên bố, họ đang có khoảng 30.000 doanh nhân hoạt động tại Việt Nam và các hoạt động của doanh giới Đài Loan tại Việt Nam đã tạo ra việc làm cho khoảng 200.000 người Việt.

Vẫn không được hoan nghênh
Nói cách khác, vốn đầu tư cũng như sự có mặt của doanh giới Đài Loan đã cũng như đang góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, loan báo sẽ tổ chức một buổi chiêu đãi lúc 6 giờ chiều, ngày 10 tháng 10 năm 2010, tại Khách sạn Legend ở TP.HCM, để mừng Quốc khánh Đài Loan, Sở Ngoại vụ TP.HCM đã lập tức gửi công văn, đề nghị UBND TP.HCM “có văn bản thông báo về mức độ tham dự ‘Ngày Song Thập’ đến các ban, ngành thành phố”. 
Trong công văn mang số 3826/NV-LT, gửi UBND TP.HCM, bà  Trần Thị Hiếu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, căn cứ vào hướng dẫn của Bộ ngoại giao, đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo không chúc mừng Đài Loan nhân “Ngày Song Thập”, các phương tiện truyền thông đại chúng không đưa tin về sự kiện này. Bà Hạnh đề nghị TP.HCM chỉ nên cử “một Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ và đại diện lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tham dự, phát biểu như mọi năm”.   

Sau đề nghị của Sở Ngoại vụ TP.HCM, hôm 1 tháng 10, ông Võ Văn Luận, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM đã ký thông báo số 7198/VP-ĐN, yêu cầu tất cả các cơ quan, ban, ngành của TP.HCM và các quận, huyện phải thực hiện nghiêm túc đề nghị của Bộ Ngoại giao là không được chúc mừng “Ngày Song Thập” của Đài Loan. Thông báo vừa kể đã được phát hành rộng rãi và đến ngày 6 tháng 10, Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM chính thức chỉ đạo các cơ quan truyền thông, không được đưa tin, viết bài về những hoạt động mừng Quốc khánh Đài Loan do Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM tổ chức.  

Vì “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc
Có lẽ nên kể qua đôi chút về “Ngày Song Thập”. “Ngày Song Thập” là cách mà cả giới sử gia lẫn dân chúng Trung Quốc vẫn dùng để gọi sự kiện 10 tháng 10 năm 1911. Vào thời điểm đó, tổ chức Trung Quốc Đồng minh hội (chủ trương “đánh đuổi Mãn Thanh, khôi phục Trung Hoa, thành lập dân quốc, chia ruộng đất cho dân cày”), do bác sĩ Tôn Dật Tiên (còn gọi là Tôn Trung Sơn) thành lập, đã chỉ huy dân chúng ở Vũ Xương, nay thuộc thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc nổi dậy lật đổ chính quyền của triều đình Mãn Thanh, xây dựng Trung Hoa Dân Quốc - nhà nước đầu tiên theo thể chế Cộng hòa ở châu Á. 
Đến năm 1949, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc bị Đảng Cộng sản Trung Quốc lật đổ. Quốc dân Đảng Trung Quốc - tổ chức chính trị lãnh đạo chính quyền Trung Hoa Dân Quốc và những người ủng hộ chính quyền này rút sang Đài Loan, tiếp tục duy trì một nhà nước độc lập với chính quyền Trung Quốc do Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ đạo, điều hành. Do đó, 10 tháng 10 hàng năm, tiếp tục được Đài Loan xác định là Quốc khánh của họ.
Suốt từ năm 1950 đến nay, chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa do Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ đạo và điều hành vẫn tìm đủ mọi cách để cô lập Đài Loan với cộng đồng quốc tế. Trung Quốc liên tục lập đi, lập lại quan điểm, xem Đài Loan là “lợi ích cốt lõi” của họ.
Giới nghiên cứu Trung Quốc bảo rằng, khái niệm “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, đồng nghĩa với “chủ quyền quốc gia” và “toàn vẹn lãnh thổ”.

Trong số phát hành ngày 20 tháng 8 vừa qua, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, dẫn ý kiến của Giáo sư David Shambaugh, phụ trách Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington, Hoa Kỳ, giải thích rằng, khi xác định khu vực nào đó là “lợi ích cốt lõi”, Trung Quốc sẽ không cho phép bất cứ sự can thiệp hay tranh cãi nào của nước ngoài về tuyên bố chủ quyền của họ.
Giáo sư Shambaugh nhận định thêm rằng: Theo tôi, Chính phủ Trung Quốc đã xác định họ đang có bốn ‘lợi ích cốt lõi’ là: Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương và Biển Đông. Tất cả đều giống nhau ở chỗ chúng là những nơi mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các quốc gia khác hoặc thực thể chính trị khác có tuyên bố chủ quyền cạnh tranh hoặc có những phong trào đòi ly khai.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, còn dẫn thêm lời của Tiến sĩ Steve Tsang, ở Đại học Oxford, Anh Quốc cảnh báo: Nếu tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không bị thách thức trong một quãng thời gian thì tuyên bố đó sẽ được sự chấp nhận không chính thức của quốc tế, như trong trường hợp của Tây Tạng và Đài Loan.

Có những dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm thêm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, sau khi Trung Quốc tuyên bố đưa biển Đông vào nhóm “lợi ích cốt lõi” của họ, hồi tháng ba vừa qua. Thế thì tại sao Việt Nam vẫn tiếp tục né tránh việc chúc mừng Đài Loan nhân dịp Quốc khánh trong khi Đài Loan đang dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam?    
.
Theo dòng thời sự:
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: