Monday, October 25, 2010

"VĂN HỌC NGHỆ THUẬT" và "Ô THƯỚC" (Lương Thư Trung)

Lương Thư Trung
Thứ Hai, Ngày 25 Tháng 10 Năm 2010, 11:19:12 AM

Tiễn Người Đi: Nhà văn Phạm Chi Lan ghé lại cuộc đời này chỉ 47 năm. Chị sinh năm 1961, qua Mỹ từ 1975, là một chuyên viên điện toán định cư tại Dallas, tiểu bang Texas.

Nhà văn Phạm Chi Lan được biết đến nhiều khi chị phụ trách tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng được phát hành lần đầu tiên ngày 17-7-1995 theo dạng một mail list, sau đó chuyển sang hình thức một trang web.

Nhà văn Phạm Chi Lan cũng là người cũng đã xuất bản nhiều tuyển tập của các tác giả cộng tác với mạng lưới qua hình thức các Tuyển Tập Văn Học Nghệ Thuật. Trong lời mở đầu cho “Tuyển Tập Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng”, số 1, năm 1996, Phạm Chi Lan viết: “Văn Học Nghệ Thuật không phải là một diễn đàn của các cây viết thành danh hay chuyên nghiệp trong văn giới. Người viết là những người trẻ hoặc những chuyên gia đã phải tranh thủ thì giờ để viết và đọc trong những giờ phút xen kẽ giữa giờ làm việc, giờ học và giờ giải lao. Họ là những cây viết chưa được biết tới, bị bỏ quên, những tác giả chưa ai khám phá hay tự khám phá, tự khai triển khả năng của mình. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới, địa chỉ của họ là những ký hiệu mơ hồ lạ lùng ở một hộp thư điện tử nào đó trên cõi siêu không gian, nhưng sáng tác của họ thì lại gần gũi, thật và chuyên chở rất nhiều.”

Và cũng tinh thần mở rộng và khai phóng đó, Văn Học Nghệ Thuật với nòng cốt là nhóm Ô Thước đã thu hút một số lượng thành viên đông đảo và một số người đọc rất cao trong giai đoạn internet đang bắt đầu đặt bước chân vững chắc trong sinh hoạt người Việt.

Nhà văn Phạm Chi Lan ra đi khi tuổi còn trẻ và để lại nhiều tiếc thương trong lòng độc giả và bạn bè.


Nhắc đến văn chương liên mạng, không thể không nhắc đến tạp chí “Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng”, là diễn đàn văn chương Viêt Nam đầu tiên khai mở một nền văn học liên mạng toàn cầu. Tạp chí “Văn Học Nghệ Thuât Liên Mạng” (VHNT/LM) bắt đầu có mặt vào ngày 17 tháng 7 năm 1995, do Phạm Chi Lam chủ xướng, cùng với ban biên tập gồm:”Chủ biên: Phạm Chi Lan. Phụ tá chủ biên gồm các tác giả như Phùng
Nguyễn, Nguyễn Phước Nguyên, Nguyễn Sung, Nguyễn Tiến Dũng, Trần Thái Vân. Đến năm 1997, ngoài các Phụ tá biên tập ghi trên , Ban biên tập còn có thêm Đinh Chinh, Lê Tạo, Trần Hoài Thư, Nguyễn Vy Khanh, Nguyễn Phúc Đan Thanh, Nguyễn Kỳ Phong, Đinh Yên Thảo, Trịnh Thanh Thủy và Phạm Thiên Mạc.

Giới thiệu về Phạm Chi Lan và sự ra đời của VNHT/LM, Phùng Nguyễn viết: ”Là một trong những cây viết trẻ hải ngoại xuất hiện cùng thời với Phạm Thị Ngọc, Vũ Quỳnh NH, Trần Vũ, Phạm Chi Lan “hiểu cái lạc lõng của thế hệ trẻ, và rất muốn những người cùng trang lứa, những người trẻ trưởng thành tại hải ngoại có phương tiện để bộc lộ mình qua sáng tác, sáng tạo trong những bộ môn nghệ thuật”. Đó là cái lý do chính yếu ngoài cái đam mê văn chương thiên bẩm đã khiến cô khai sinh tờ báo văn học điện tử đầu tiên của người Việt Nam hải ngoại trên Liên Mạng.”

Theo Phạm Chi Lan, “Văn Học Nghệ Thuật” xuất bản số đầu tiên ngày 17-7-1995. ”Để biết rõ thêm về sự ra đời của tạp chí VHNT/LM, cùng những kinh nghiệm làm báo văn học nghệ thuật trên siêu không gian lúc ban đầu ấy, xin mời qúy vị đọc bài trả lời phỏng vấn Phạm Chi Lan của Thụy Khuê đã phát thanh trên đài RFI ngày 28-01-1996 và được trích đăng trên VHNT/LM số 148.”

Và cũng theo Phùng Nguyễn trong bài viết vừa dẫn, trong vòng sáu tháng đầu, con số độc giả hội viên lên đến 350 người, trong số đó khoảng 70% là giới chuyên gia và 30% là sinh viên. Trong một thư trao đổi giữa Phùng Nguyễn và nhóm Ô Thước ngày 28-10-1996, nhân đọc lá thư đầu tiên của tôi viết ngày 24-10-1996 gởi cho Phạm Chi Lan và Ban biên tập VHNT/LM, qua nhà văn Trần Hoài Thư, người đầu tiên giới thiệu tôi về tạp chi VHNT liên mạng này, Phùng Nguyễn viết :”Về tập san VHNT, Lương Thư Trung đã đánh giá rất cao. Điều này tuy làm chúng ta cảm thấy hãnh diện, nhưng đồng thời khiến cô Chủ biên và nhóm Ô-Thước cần đánh giá lại “chức năng” của VHNT. Theo ước tính, VHNT hiện có khoảng trên 500 subscribers, trong số đó có khoảng 4, 5 group-subscribers, và mỗi group có khoảng 200 members. Có thể nói một cách an toàn, có khoảng hơn 1,000 độc giả thường xuyên theo dõi VHNT. Con số này là một bước nhảy vọt cho một tập san vừa mới thôi nôi.”(2)

Trong “Thư Văn Học Nghệ Thuật”, viết cho “Tuyển Tập Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng”, số 1, năm 1996, Phạm Chi Lan viết :”Văn Học Nghệ Thuật không phải là một diễn đàn của các cây viết thành danh hay chuyên nghiệp trong văn giới. Người viết là những người trẻ hoặc những chuyên gia đã phải tranh thủ thì giờ để viết và đọc trong những giờ phút xen kẽ giữa giờ làm việc, giờ học và giờ giải lao. Họ là những cây viết chưa được biết tới, bị bỏ quên, những tác giả chưa ai khám phá hay tự khám phá, tự khai triễn khả năng của mình. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới, địa chỉ của họ là những ký hiệu mơ hồ lạ lùng ở một hộp thư điện tử nào đó trên cõi siêu không gian, nhưng sáng tác của họ thì lại gần gũi, thật và chuyên chở rất nhiều.”(3)

Về hình thức, mỗi số VHNT/LM gồm “Thư Văn Học Nghệ Thuật” của người Chủ biên hoặc các phụ tá biên tập thay phiên nhau viết, nhưng tác giả thường nhất của các lá thư văn học nghệ thuật này là do Phạm Chi Lan viết. Các phần khác bao gồm các mục như “Thơ”, “Mỗi kỳ một người viết” (nhằm giới thiệu một tác giả nào đó, như ngày nay thấy Talawas có mục “Talawas Chủ nhựt”), tiếp theo là “Diễn Đàn Văn Học”, và mục “Truyện ngắn và sáng tác”. Lúc đầu, như Phùng Nguyễn có nói về số lương người đọc, tạp chí VHNT/LM được gởi qua “e-mail” đến bạn đọc mỗi tuần ba lần. Rồi vì nhu cầu bài vở bị ối đọng, báo tăng lên, mỗi ngày đều có cập nhật bài vở mới và báo ra hằng ngày. Vào thời điểm đó, nghĩa là trong lúc chưa có báo điện tử nhiều như ngày nay, thì tạp chí VHNT/LM có thể nói được rằng đó là tờ nhựt báo về văn học nghệ thuật đầu tiên trên liên mạng toàn cầu.

Sở dĩ tạp chí VHNT/LM có nhiều người đọc và người viết như vậy vì nó đáp ứng được cái khao khát của người đọc và người viết, do nó mới mẻ, trẻ trung và trong sáng. Nội dung các bài viết của nó phù hợp với cái đói về các món ăn tinh thần của lớp người trẻ và nó cũng làm dịu đi nỗi lo không có người đọc của người già. Và người ta đọc VHNT/LM như một bắt gặp người khách bộ hành cùng đi với mình qua một cánh đồng trưa nắng gắt mà chung quanh toàn là những lung vũng bạt ngàn không tìm ra được một vũng nước mát trong ngần. Người đọc đến với VHNT/LM không phải băn khoăn về một điều gì chưa vừa ý mình; mà ở đó là những san sẻ chân tình, có thật dù nó đang xảy ra trên một không gian ảo. Người đọc bắt gặp “Vườn
mộng mưa về”, “cánh cò ca dao” của Trần Thị Hạ Anh, đăc biêt tác phẩm “Vườn mẹ ta xưa” của ĐồngVọng thật dễ thương biết chừng nào… Và còn nhiều vô số kể những tình cảm dạt dào, những nghĩ suy mới mẻ nằm ẩn mình dưới những trang chữ của các tác giả trẻ trên gần năm, sáu trăm số báo VHNT/LM trải dài nhiều năm như vậy, những tác phẩm gói gọn cái hồn cùng tài năng của các bạn trẻ Việt Nam viết văn khắp moi nơi trên địa cầu này, đã là một kho tài liệu về văn học nghệ thuật vô cùng qúy báu, mà ngày nay, mỗi lần ai cần điều gì khi ghi trích dẫn từ VHNT/LM, tự nó có cái giá trị về “bút lục”, không thể chối cãi được.

Nhờ đâu mà bài vở của VHNT/LM nhiều và phong phú như thế? Để trả lời câu hỏi này có lẽ là nhờ Phạm Chi Lan và Ban chủ biên đã có sáng kiến lập ra một “Diễn Đàn Văn Học” lấy tên là nhóm “Ô-Thước.” Những trao đổi và thảo luận từ nhóm này chính là cái kho bài vở dồi dào đó. Bên cạnh những trao đổi về văn học nghệ thuật, nhóm Ô-Thước còn chia sẻ những vui buồn trong đời sống thường ngày qua những người bạn trong nhóm chưa biết nhau và chưa gặp nhau lần nào nhưng rất thân ái. Dù ngày nay VHNT/LM và nhóm Ô-Thước không còn và tôi đã xa các diễn đàn này khá lâu, nhưng tôi vẫn không quên các bạn Ô-Thước một thời như Dũng Vũ, Phạm Thiện Mạc, Phạm Thế Định, Lê Tạo, Nguyễn Phước Nguyên, Đinh Trường Chinh, Sung Nguyễn, Y Khanh, Đỗ Danh Đôn, Thu Hồng, Đồng Vọng, Trịnh Thanh Thủy, Thu Thuyền, Tường Vi, Phạm Văn Tiên, Hàn Trân, Đinh Yên Thảo, Phùng Nguyễn, Khải Minh, Nguyễn Tiến Dũng, Bùi Thanh Liêm, Trần Thái Vân, Thận Nhiên, Lili Nguyễn, Phạm Hoàng Đan, Trần Hoài Thư, Nguyễn Vy Khanh, Phạm Chi Lan và còn nhiều bạn khác nữa, mà tôi không làm sao kể ra cho hết nổi… Nhớ vì ở đó rất thẳng thắn khi trao đổi về mọi vấn đề văn học, đôi khi rất gây cấn, mà vẫn giữ được cái nét ôn hòa, tương kính lẫn nhau.

Ngoài ra, tạp chí VHNT/LM từ những năm 1996, 1997 đã cho ra đời Tuyển tập 1 (1996) và Tuyển tập 2 (1997) như những đúc kết các bài viết được chọn lọc sau những số báo phát hành hằng tuần. Ngoài ra, diễn đàn này còn in và phát hành nhiều tác phẩm của các tác giả trong nhóm như “Về Miền Sâu Thẳm” viết về thi ca và kịch nghệ của Nhật Bản của tác giả Đồng Vọng; “Quái phong”, thơ của Nguyên Nhi; “Miền Lặng”, tập truyện, của Phạm Chi Lan và nhiều sách khác nữa, kể cả của tác giả trong nước. Ngoài ra, hằng năm nhóm Ô-Thước còn tổ chức một kỳ họp mặt nhằm để gặp gỡ, trao đổi, hàn huyên những chuyện văn chương, chuyện đời sau một năm trúng mùa.

Thật sự tôi không biết tạp chí VHNT/LM đình bản từ khi nào, nhưng đây là một điều đáng tiếc. Nay tình cờ mở lại chồng báo cũ, bắt gặp lại những trang báo xưa thấp thoáng bóng hình những bạn “Ô-Thước” một thời, dù chưa biết mặt bao giờ, và thấp thoáng trong tim nỗi nhớ một thời Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng đã qua rồi, nay còn đâu! Nhưng chắc chắn cái còn lại trong dòng sông văn học nghệ thuật liên mạng toàn cầu ngày nay, nếu bạn có lòng, chắc chắn bạn không thể nào quên Phạm Chi Lan, người đã khai sinh ra một diễn đàn đầu tiên về văn học nghệ thuật trên liên mạng toàn cầu, và đây là tờ báo mạng có một không hai 14 năm về trước…
.
.
.

No comments: