Sunday, October 10, 2010

VÁCLAV HAVEL ỦNG HỘ NOBEL HÒA BÌNH CHO LƯU HIỂU BA

Václav Havel, Dana Nemcova và Václav Maly
Nguyên Trường dịch
10/10/2010 | 6:51 chiều

talawas – Gần 3 tuần trước ngày công bố Giải Nobel Hòa bình 2010, trên trang Op-Ed của tờ New York Times, ba nhà hoạt động chính trị xã hội Tiệp Khắc nổi tiếng, đồng thời là những người từng ký Hiến chương 77, trong đó có nhà văn và Cựu Tổng thống Tiệp Václav Havel, đã công khai đề nghị Ủy ban Nobel vinh danh nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba.  Ngày 08/10/2010, Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình.
______________

Thật khó mà tin được rằng hơn 30 năm trước, chúng tôi, một nhóm gồm 242 công dân quan tâm đến quyền con người ở Tiệp Khắc đã cùng nhau kí bản tuyên bố gọi là Hiến chương 77. Tài liệu này kêu gọi Đảng Cộng sản tôn trọng nhân quyền và nói rõ rằng chúng tôi không còn muốn sống trong nỗi sợ hãi sự đàn áp của nhà nước nữa.

Nhóm chúng tôi gồm những người khác nhau, trong đó có các cựu đảng viên cộng sản, có người Thiên chúa giáo, người Tin lành, công nhân, trí thức theo đường lối tự do, nghệ sĩ và nhà văn, tập hợp lại để nói lên quan điểm thống nhất của mình. Sự bất bình với chế độ buộc người ta phải phục tùng hầu như mỗi ngày đã làm chúng tôi đoàn kết lại với nhau. Người bán hàng buộc phải treo biểu ngữ: “Giai cấp vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!”. Học sinh, sinh viên và công nhân buộc phải đi diễu hành trong ngày 1 tháng Năm. Đầu giờ làm việc mỗi ngày, công nhân viên chức phải lên án chủ nghĩa đế quốc Mĩ. Công dân phải “bỏ phiếu” trong những cuộc bầu cử chỉ có một ứng viên là đảng cầm quyền.

Cả lúc đó lẫn hiện nay các đảng cộng sản đều tìm cách chia để trị. Sau khi Hiến chương 77 được công bố, chính phủ đã làm mọi cách để kết án và đàn áp chúng tôi. Chúng tôi đã bị bỏ tù và bốn người trong số chúng tôi đã bị tù đến mấy năm. Chính quyền còn tìm cách gây khó dễ cho chúng tôi một cách rất hèn hạ nữa (kể cả tước bằng lái xe và tịch thu máy chữ). Chúng tôi bị theo dõi, nhà cửa và văn phòng bị khám xét, báo chí dùng những lời dối trá hiểm độc nhất tấn công chúng tôi nhằm triệt hạ uy tín của chúng tôi và phong trào của chúng tôi. Nhưng sự tấn công như thế chỉ làm cho chúng tôi gắn bó hơn lên mà thôi. Hiến chương 77 còn nhắc nhở nhiều đồng bào của chúng tôi, những người đang âm thầm chịu đựng, rằng họ không cô đơn. Cuối cùng, nhiều tư tưởng được trình bày trong Hiến chương 77 đã giành được thế thượng phong ở Tiệp Khắc. Và làn sóng cải cách dân chủ đã tràn qua Đông Âu trong năm 1989.

Chúng tôi không bao giờ ngờ được rằng 30 năm sau, lời tuyên bố ngắn ngủi của chúng tôi lại tìm được sự đồng vọng ở Trung Quốc. Tháng 12 năm 2008, một nhóm gồm 303 nhà hoạt động Trung Quốc, trong đó có các luật gia, các nhà trí thức, các nhà khoa bảng, những quan chức đã nghỉ hưu, công nhân và nông dân, đã đưa ra lời tuyên bố của chính mình, gọi là Linh Bát Hiến chương, kêu gọi thành lập chính phủ lập hiến, tôn trọng quyền con người và những cải cách dân chủ khác. Linh Bát Hiến chương được công bố nhằm kỉ niệm 60 năm ngày ra đời của Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát[1]. Mặc cho những cố gắng của các quan chức chính quyền nhằm ngăn chặn, không cho nó xuất hiện trên màn hình máy tính, nhưng Linh Bát Hiến chương, thông qua mạng Internet, đã đến được với quần chúng trong cả nước và đã có hơn 10.000 người kí.

Cũng như ở Tiệp Khắc vào những năm 1970, chính phủ Trung Quốc đã phản ứng một cách mau lẹ và tàn bạo. Hàng chục, nếu không nói là hàng trăm người, đã bị gọi đi xét hỏi. Một số người, được coi là cầm đầu, đã bị bắt giam. Những người khác thì không còn cơ hội thăng tiến về nghề nghiệp, không còn được trợ cấp cho công việc nghiên cứu, đơn xin đi du lịch nước ngoài cũng bị từ chối. Báo chí và các nhà xuất bản được lệnh đưa tất cả những người đã kí Linh Bát Hiến chương vào danh sách đen. Nghiêm trọng nhất là nhà văn và nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba, người chấp bút chính cho Linh Bát Hiến chương, đã bị bắt giam. Ông Lưu từng phải ngồi tù 5 năm vì ủng hộ những vụ phản đối ôn hoà trên Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Sau khi bị bắt giữ hơn một năm, vợ và luật sư của ông cũng ít khi được gặp, ông bị đưa ra toà vì âm mưu lật đổ. Tháng 12 năm 2009, Lưu Hiểu Ba bị kết án 11 năm tù giam.

Mặc dù bị tù đày, nhưng tư tưởng của Lưu thì không ai có thể giam hãm được. Linh Bát Hiến chương nêu lên cách nhìn mới của nước Trung Hoa, thách thức đường lối chính thức, tức là đường lối cho rằng mọi quyết định liên quan đến cải cách đều thuộc phạm vi độc quyền của nhà nước. Hiến chương khuyến khích thanh niên Trung Hoa tham gia hoạt động chính trị, đòi hỏi chế độ pháp quyền và nền dân chủ đa đảng. Và là khởi điểm cho một loạt những cuộc thảo luận và luận văn bàn về cách thực hiện những công việc đó. Nhưng, giống như ở Tiệp Khắc vào những năm 1970, có thể điều quan trọng nhất chính là Linh Bát Hiến chương đã tạo ra sự gắn bó giữa các nhóm mà trước đó chưa từng chưa từng liên hệ với nhau. Trước khi Linh Bát Hiến chương ra đời, “chúng tôi sống trong tình trạng chia rẽ và cô đơn”, một trong những người kí vào Hiến chương đã viết như thế. “Chúng tôi không thể nói được trải nghiệm của mình với những người chung quanh”.

Lưu Hiểu Ba và Linh Bát Hiến chương đã làm thay đổi điều đó, theo hướng tốt hơn.
Dĩ nhiên là Linh Bát Hiến chương nói đến tình hình chính trị khác hẳn với tình hình ở Tiệp Khắc trong những năm 1970. Về mặt phát triển kinh tế, Trung Quốc có vẻ như đã có những đặc trưng khác xa với chủ nghĩa cộng sản truyền thống. Trung Quốc có thể trông giống như một đất nước hậu cộng sản, nhất là đối với thanh niên, thị dân và công nhân cổ trắng có học. Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn có những qui định cứng rắn, không ai được vi phạm. Đứng đầu nhóm soạn thảo Linh Bát Hiến chương, Lưu Hiểu Ba đã vượt qua tất cả những qui định cứng rắn nhất: Không được thách thức sự độc quyền của Đảng Cộng sản trong lĩnh vực chính trị, không được nói rằng những vấn đề của Trung Quốc – bao gồm: nạn tham nhũng lan tràn, sự bất bình của người lao động và sự xuống cấp nhanh chóng của môi trường – có thể liên quan tới sự chậm chạp của cải cách chính trị.
Vì đã gắn tất cả những vấn đề đó với nhau một cách công khai, Lưu Hiểu Ba đã phải nhận bản án hơn mười năm tù.

Với một thái độ đầy hằn học, chính quyền – có thể do họ sợ rằng nhà tù sẽ trở thành địa điểm phản đối – đã buộc ông phải ngồi tù ở tỉnh Liêu Ninh, nằm mãi ở vùng Đông Bắc, cách xa Bắc Kinh là nơi vợ và bạn bè ông đang sống.

Lưu có thể bị cách li, nhưng mọi người vẫn không quên ông. Tháng tới Uỷ ban Giải thưởng Nobel Hoà bình sẽ tuyên bố tên người được trao giải vào năm 2010. Chúng tôi đề nghị Uỷ ban vinh danh quá trình ủng hộ một cách ôn hoà và không ngưng nghỉ công cuộc cải cách kéo dài đã hơn hai mươi năm của Lưu Hiểu Ba và đưa ông trở thành người Trung Quốc đầu tiên được nhận giải thưởng cao quí này. Làm như thế, Uỷ ban sẽ gửi tới Lưu Hiểu Ba và chính phủ Trung Quốc thông điệp rằng nhiều người ở bên trong Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới đang ủng hộ ông và ủng hộ quan điểm kiên định của ông về tự do và quyền con người cho một tỉ ba trăm triệu người dân Trung Quốc.
----------------------------
Václav Havel là cựu Tổng thống Cộng hoà Czech. Dana Nemcova là luật sư bảo vệ nhân quyền hàng đầu của Czech. Václav Maly là giám mục Praha. Cả ba đều là những người kí “Hiến chương 77” và là những người lãnh đạo cuộc Cách mạng Nhung ở Tiệp Khắc năm 1989.
Bản tiếng Việt © 2010 Nguyên Trường
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
-----------------------
[1] Trước đây thường gọi là Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền – ND.
.
.
.

No comments: