Thursday, October 7, 2010

TRUNG QUỐC

Đáy
Đăng ngày 07/10/2010 lúc 01:36:47 EDT

Chủ nhân của một trong những nền văn hóa xuất hiện đầu tiên trên trái đất - ít nhất từ 3500 năm - và vẫn còn tồn tại, Trung Quốc đang làm thế giới ngạc nhiên và thán phục vì sự trỗi dậy mạnh mẽ trong hơn ba thập niên qua và có mọi triển vọng trở thành cường quốc số 1 thế giới vào giữa thế kỷ này.

Trái với những dự đoán bi quan, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng đều đặn ở mức độ chóng mặt hơn 10%. Từ năm 2008, khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu làm Hoa Kỳ, Châu Âu và hầu hết mọi quốc gia khốn đốn, Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh đến nỗi phải tìm cách hãm bớt đà tăng trưởng để tránh bị bốc nhiệt. Trên nhiều mặt Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới: số 1 về sản xuất vải, lụa, quần áo và giầy dép; về xuất khẩu dụng cụ gia dụng, máy ảnh, đồng hồ đeo tay, máy vi tính, đồ chơi trẻ em v.v. Trung Quốc cũng đang là nước tiêu thụ xa xỉ phẩm nhiều nhất và nước mua nhiều tuyệt tác nghệ thuật nhất. Trung Quốc đứng đầu và bỏ xa mọi quốc gia về số lượng ngoại tệ dự trữ. Theo những ước lượng phù hợp, Trung Quốc hiện giữ khoảng 2000 tỷ công trái Mỹ và gần 1000 tỷ công trái của các nước Châu Âu.

Sức mạnh kinh tế đó đã cho phép Trung Quốc tăng cường rõ rệt sức mạnh quân sự. Trong hơn ba thập niên qua ngân sách quốc phòng của Trung Quốc liên tục gia tăng ở mức độ trên 15% mỗi năm, cao hơn hẳn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Hiện nay Trung Quốc đã là cường quốc quân sự thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga. Theo mọi dự đoán Trung Quốc sẽ qua mặt Nga trong một tương lai rất gần. Một số chuyên gia quân sự cho rằng trên thực tế nếu không kể số bom và đầu đạn nguyên tử và máy bay chiến đấu Trung Quốc đã vượt xa Nga rồi. Điều chắc chắn là Trung Quốc hiện là nước có lực lượng bộ binh hùng hậu nhất thế gìới với 4 triệu lính. Vũ khí chiến lược của Trung Quốc gồm trên 2000 tên lửa tầm ngắn và tầm trung trong đó có nhiều tên lửa nguyên tử. Trung Quốc đang theo đuổi chương trình hiện đại hóa không quân để thay thế toàn bộ 3000 máy bay chiến đấu. Binh chủng được dành ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực hiện đại hoá quân lực là hải quân. Từ năm 2002 Trung Quốc có thêm 20 tàu chiến và 10 tàu ngầm mỗi năm. Một hàng không mẫu hạm đang được chế tạo và có thể bắt đầu hoạt động năm 2012.

Sức mạnh quân sự mới đã cho phép Trung Quốc có thái độ tự tin hơn trong chính sách đối ngoại. Nhiều cấp lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc phải làm chủ ít nhất một nửa Thái Bình Dương. Đầu năm 2010 Trung Quốc đã ra một tuyên bố hải phận trong đó phần lớn Biển Nam Hoa (mà Việt Nam gọi là Biển Đông) được coi thuộc về Trung Quốc, đồng thời Trung Quốc tuyên bố coi Biển Đông là khu vực "quyền lợi quốc gia thiết yếu" của mình, nghĩa là coi Biển Đông như một vấn đề chủ quyền nội bộ của Trung Quốc trong đó các nước khác không được can thiệp, tương tự như Tây Tạng, Đài Loan và Hồng Kông. Các vùng biển được coi là thuộc quyền lợi thiết yếu của Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục mở rộng, trong một tương lai gần sẽ bao gồm Hoàng Hải và Biển Nhật Bản, sau đó có thể gồm cả Địa Trung Hải và Biển Caraibe.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc dĩ nhiên là do tài nguyên thiên nhiên. Trung Quốc có một lãnh thổ bao la, gần 10 triệu kilômet vuông, tương đương với Hoa Kỳ, với hầu như mọi tài nguyên trong lòng đất. Tuy vậy tài nguyên quan trọng nhất là nhân lực. Trung Quốc chỉ có khoảng 100 triệu dân và nhưng lại có khoảng 1.300 triệu nô lệ có thể khai thác triệt để. Khối nô lệ này có thể làm mọi công việc nặng nhọc và nguy hiểm (Trung Quốc đứng đầu thế giới về tai nạn lao động) trên 60 giờ mỗi tuần và chỉ được trả lương vừa đủ sống để tiếp tục lao động. Mỗi người nô lệ tương đương với robot thông minh phải tốn kém hàng triệu USD để chế tạo và hàng chục ngàn USD mỗi năm để bảo trì, trong khi những công nhân Trung Quốc không cần phải chế tạo và cũng không cần bảo trì. Trung Quốc hầu như không có mạng lưới y tế công cộng và an sinh xã hội. Chi phí vận chuyển cũng không cần thiết vì khối người nô lệ này tự vận chuyển từ nơi này qua nơi khác theo nhu cầu kinh tế. Trung Quốc luôn luôn có một khối công nhân gần 200 triệu di chuyển không ngừng để tìm công ăn việc làm. Sự ô nhiễm nhanh chóng của môi trường mà nhiều chuyên gia đánh giá là một tai họa cho Trung Quốc thực ra là một ưu thế lớn. Do nước và không khí bị nhiễm độc khối nô lệ này thường chết rất sớm, ngay khi hết sức lao động và như thế tránh cho Trung Quốc khỏi phải nuôi những miệng ăn vô ích.

Ghen tức trước sự thành công vượt bực của Trung Quốc, các thế lực thù địch, chủ yếu là Mỹ và Châu Âu, đang sử dụng vũ khí nhân quyền để tấn công Trung Quốc, kích động khối 1.300 triệu nô lệ đòi quyền ngang hàng với khối 100 triệu đảng viên cộng sản. Nếu họ thành công Trung Quốc sẽ đi mất tài nguyên quyết định và lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Chính quyền Trung Quốc đã cảnh giác trước âm mưu đen tối này và đang ráo riết phát huy Khổng Giáo, nền tảng đạo lý của chế độ nô lệ. Không những thế họ còn lập hàng trăm Trung Tâm Khổng Giáo trên khắp thế giới.
Đáy
Thông Luận số 251, tháng 10-2010
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments: