Wednesday, October 13, 2010

THỦ TƯỚNG TQ ÔN GIA BẢO TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA FAREED ZAKARIA

Nguồn: CNN

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
03.10.2010

Zakaria: Ông có cho rằng vào thời điểm này nền kinh tế thế giới đã vững mạnh hay ông đang rất lo lắng về mối đe doạ của cái gọi là khủng hoảng kép, đặc biệt là cơn khủng hoảng ở Hoa Kỳ có thể quay lại?
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (qua phiên dịch): Nói một cách khách quan, tôi cho rằng nền kinh tế thế giới đang hồi phục, mặc dù quá trình hồi phục thì đầy chậm chạp và khúc khủy. Mọi người chắc không có cùng một quan điểm về việc này, nhưng tôi tin rằng chúng ta sẽ học được bài học từ thực tế.
Tôi hy vọng rằng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ được phục hồi nhanh chóng vì nói cho cùng nó là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tôi đã lưu ý đến những chính sách và biện pháp gần đây của Tổng thống Obama bao gồm kế hoạch nhân đôi sản lượng xuất khẩu của Hoa Kỳ và sự đầu tư khổng lồ vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tôi cho rằng những chính sách và biện pháp này đang đi đúng đường, đúng hướng. Mặc dù chúng được đưa ra hơi trễ, chúng vẫn vừa đúng lúc. Điều này làm tôi nhớ đến thời gian tôi đã đưa ra quyết định quan trọng về việc thông qua gói kích cầu khổng lồ tại Trung Quốc. Vào lúc đó, mọi người đã có những cái nhìn khác nhau về chính sách này, nhưng giờ đây kết quả cho thấy gói kích cầu của chúng tôi là một thành công.

Zakaria: Tôi xin hỏi rằng ông đã rút ra được bài học gì từ cơn khủng hoảng tài chính? Ông có cảm thấy mất niềm tin vào sự quản lý kinh tế vĩ mô của người Mỹ không?
Một người bạn Trung Quốc của tôi nói, chúng tôi như những học sinh trong lớp học và chúng tôi luôn lắng nghe những gì người Mỹ khuyên chúng tôi, và giờ đây chúng tôi ngẩng lên và nghĩ rằng có lẽ vị thầy giáo cũng chẳng biết rằng mình đã nói gì.
Ôn Gia Bảo: Khi đối diện với cơn khủng hoảng tài chính, bất cứ ai cảm thấy có trách nhiệm với đất nước cũng như với toàn bộ loài người đều cần rút ra những bài học từ cơn khủng hoảng tài chính.
Theo tôi, bài học lớn nhất mà tôi rút ra được từ cơn khủng hoảng tài chính là khi điều hành những công việc nhà nước, điều quan trọng là cần chú ý đến việc đề cập đến những khó khăn về cơ cấu của nền kinh tế.
Trung Quốc đã đạt được thành công to lớn và sự phát triển của nó được thế giới ca ngợi, nhưng tôi là một trong những người đầu tiên cho rằng sự phát triển kinh tế của chúng tôi vần còn thiếu tính cân đối, hợp tác và bền vững. Cơn khủng hoảng tài chính này đã củng cố quan điểm của tôi về điều này.
Một mặt, chúng tôi phải chặn đứng cơn khủng hoảng tài chính. Mặt khác, chúng tôi cũng phải giải quyết những khó khăn riêng của mình, và chúng tôi phải làm tốt cả hai việc này cùng lúc, đây là một việc rất khó khăn.
Trung Quốc có một thị trường nội địa khổng lồ và có một tiềm năng to lớn về nhu cầu nội địa. Trung Quốc hiện đang ở trong giai đoạn tăng cường tổ chức và công nghiệp hoá. Chúng tôi có thể dựa vào nhu cầu kích thích trong nước để giúp ổn định và phát triển nền kinh tế Trung Quốc đi xa hơn nữa.
Việc này bắt chúng tôi phải chớp lấy thời cơ, tăng tốc phát triển và làm ổn định nền kinh tế Trung Quốc, và trên cơ sở này, chúng tôi phải nghĩ đến tương lai lâu dài để giải quyết tất cả những trở ngại về cơ cấu trong nền kinh tế của mình.
Riêng về nền kinh tế Hoa Kỳ, tôi luôn tin tưởng rằng nền kinh tế Hoa Kỳ có nền tảng vững chắc, không chỉ về khía cạnh vật chất mà quan trọng hơn nữa là Hoa Kỳ có sức mạnh về nguồn tài năng khoa học kỹ thuật cũng như kinh nghiệm quản lý.
Nó đã thu thập được vốn liếng về kinh nghiệm phát triển kinh tế trong suốt 200 năm qua, bất chấp những thay đổi, tôi tin Hoa Kỳ sẽ vượt qua cơn khủng hoảng và những khó khăn, và chúng ta cần tin tưởng vào tương lai của nền kinh tế Hoa Kỳ.
Quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, tức là nền kinh tế Hoa Kỳ, nằm trong mối quan tâm của việc phục hồi và ổn định kinh tế thế giới.

Zakaria: Nếu so sánh về tỉ lệ phần trăm GPD giữa nước ông và Hoa Kỳ thì gói kích cầu của ông lớn gấp 10 lần. Đây là một kế hoạch thật đặc biệt. Liệu có mối lo nào về việc nó đang tạo ra một bong bóng về bất động sản tại Trung Quốc không?
Và cùng có những nguy hiểm về lạm phát vì chính phủ đã chi tiêu quá nhiều và vấn đề là hiện nay ảnh hưởng kích cầu sẽ giảm dần, liệu chính phủ sẽ giảm dần việc chi tiêu?
Ôn Gia Bảo: Từ những nhận xét của ông, tôi nghĩ rằng ông đã chưa nhìn nhận hết toàn bộ gói kích cầu của chúng tôi. Tôi muốn nói rằng gói kích cầu của chúng tôi có bốn bộ phận chủ yếu.
Trước tiên là việc chi tiêu công cộng khổng lồ, cơ cấu cắt giảm thuế và phát triển cơ sở hạ tầng. Thứ hai là việc điều chỉnh và nâng cấp cơ cấu công nghiệp ở Trung Quốc. Thứ ba là phát minh khoa học kỹ thuật và việc phát triển những ngành công nghiệp mới có tầm quan trọng chiến lược. Thứ tư là phát triển mạng lưới an sinh xã hội.
Số lượng đầu tư nghiên cứu phát triển bồm 4 nghìn tỉ Mỹ kim không chỉ đến từ mỗi chính phủ . Đầu tư chính phủ chỉ chiếm khoảng 1,18 nghìn tỉ, phần còn lại đến từ khu vực phi nhà nước và việc bán trái phiếu từ những thị trường tài chính.
Việc thực thi gói kích cầu đã bảo đảm tính liên tục của sự tăng trưởng vững chắc và tương đối nhanh tại Trung Quốc. Nó đã giúp giữ nguyên mức độ tiến triển tốt của kinh tế Trung Quốc có được trong 30 năm qua, và nó đã giúp chúng tôi tránh được những thay đổi lớn trong quá trình hiện đại hoá Trung Quốc vì những cú sốc quá lớn từ bên ngoài.
Trong cùng lúc đó, nó đã tạo ra được một nền tảng vững chắc cho việc phát triển kinh tế Trung Quốc trong tương lai. Chúng tôi đang rất cảnh giác với thử thách được đề cập trong câu hỏi của ông. Tôi muốn nêu lên ba điểm.
Trước hết, có một khả năng lạm phát ở Trung Quốc. Đấy là vì sao chúng tôi đã đề ra nhiệm vụ phải quản lý một cách khéo léo những mối quan hệ trong việc giữ nguyên nền kinh tế ổn định và phát triển tương đối nhanh, điều chỉnh cơ cấu, và kiểm soát những khả năng lạm phát.
Đây là điều cốt lõi trong việc quản lý kinh tế vĩ mô ở Trung Quốc. Tôi quan tâm về việc kiểm soát những khả năng lạm phát tại Trung Quốc, đây là điều tôi đã cố gắng rất nhiều để quản lý tốt và đúng mức, vì tôi tin rằng tham nhũng và lạm phát sẽ gây nên một ảnh hưởng rất lớn đối với sự ổn định quyền lực của một quốc gia.
Và cả hai điều này đều ảnh hưởng đến lòng tin và đồng thuận của người dân đối với chính quyền, và đây là khía cạnh mà tôi nhìn thấy trong vấn đề lạm phát ở Trung Quốc.
Thứ hai, với việc thực hiện gói kích cầu, sẽ có những đe doạ về ngân sách và tài chính ở chính quyền cấp địa phương.
Chúng tôi có những bộ máy hành chính tại các chính quyền địa phương. Họ có những món nợ nhưng chúng không phải là vấn đề vừa mới nảy sinh sau cơn khủng hoảng tài chính bộc phát mà nó đã bắt đầu tận những năm 1980.
Giờ đây, với những nền tảng tài chính của chính quyền địa phương được thiết lập, chúng đã tích luỹ thành một món nợ khoảng 7,6 nghìn tỉ Nhân Dân Tệ và tôi có thể nói rằng mức nợ cấp địa phương này vẫn còn nằm trong khuôn khổ có thể kiểm soát được, nhưng điều quan trọng là chúng tôi phải giải quyết thoả đáng vấn đề để bảo đảm những món nợ của chính quyền địa phương sẽ không đe dọa nền tài chính nhà nước cũng như khu vực tài chính.
Tỉ lệ thâm thủng ngân sách trên tổng GDP của Trung Quốc là dưới 3 phần trăm. Tổng số nợ của Trung Quốc so với tỉ lệ GDP nằm trong khoảng 20 phần trăm, điều này có nghĩa là nó vẫn nằm trong tầm mức mà chúng tôi có thể kiểm soát được.
Điểm thứ ba là điểm quan trọng hơn cả, đó là tất cả những đầu tư của chúng tôi hiện nay phải tạo lợi thế cho việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế chứ không phải ngược lại. Điều này ảnh hưởng đến tương lai phát triển lâu dài của chúng tôi, vì thế nó rất quan trọng.

Zakaria: Ông đã viết trong một bài báo về thủ trưởng cũ của ông, Hồ Diệu Bang, khiến tôi rất có ấn tượng. Trong đó ông đã ca ngợi ông ấy. Nhìn lại, ông có nghĩ rằng Hồ Diệu Bang đã là một lãnh đạo tốt của Trung Quốc?
Ôn Gia Bảo: Vâng, tôi nghĩ là tôi đã đánh giá công bình trên phương diện lịch sử đối với nhân vật này. Ông đã có những cống hiến riêng cho quá trình đổi mới và mở cửa của Trung Quốc. Tôi cũng muốn đưa ra ba điểm sau.
Trước hết, ông đã cực lực phát triển cuộc tranh luận chung quanh những tiêu chuẩn dùng để đánh giá sự thật, và qua đó ông đã đóng góp vào nỗ lực giải phóng tư tưởng con người. Thứ hai, đối với những sự phản kháng khác nhau, ông đã tiến hành những bước để trả tự do cho một số đông cán bộ bị cáo buộc trong cuộc cách mạng văn hoá và thứ ba bản thân ông cũng ra tay hành động để thúc đẩy Trung Quốc đổi mới và mở cửa.

Zakaria: Ông đã nói trong những bài phát biểu của mình về việc Trung Quốc vẫn chưa phải là một quốc gia hùng mạnh và sáng tạo trên phương diện kinh tế. Liệu một quốc gia có thể vừa hùng mạnh và sáng tạo với nhiều giới hạn về tự do ngôn luận với việc Internet bị kiểm duyệt? Có phải ông nên mở cửa tất cả nếu ông muốn sự sáng tạo thật sự hay sao?
Ôn Gia Bảo: Tôi tin rằng tự do ngôn luận là điều không thể thiếu được đối với bất kỳ quốc gia nào, với một quốc gia đang trên đà phát triển và với một quốc gia đã trở nên hùng mạnh. Tự do ngôn luận đã được bao gồm trong hiến pháp Trung Quốc.
Tôi không nghĩ là ông biết hết về Trung Quốc ở điểm này. Tại Trung Quốc, có khoảng 400 triệu người sử dụng Internet và 800 triệu người sử dụng điện thoại di động. Họ có thể truy cập vào Internet để bày tỏ quan điểm của mình, kể cả những quan điểm chỉ trích.
Tôi thường truy cập vào Internet và đã đọc những chỉ trích mạnh mẽ cũng như những lời lẽ ca ngợi đối với hoạt động của chính quyền.
Tôi thường nói rằng chúng tôi không những nên để người dân có quyền tự do ngôn luận, mà quan trọng hơn nữa là chúng tôi phải tạo điều kiện để họ chỉ trích hoạt động của chính quyền. Chỉ khi có được sự kiểm soát và theo dõi mang tính phê bình của người dân thì chính phủ mới có thể làm việc tốt hơn, và nhân viên các cơ quan chính phủ mới thật sự trở thành công bộc của dân.
Những việc này phải được thực hiện trong khuôn khổ mà luật pháp và hiến pháp cho phép. Từ đó quốc gia mới có được một trật tự bình thường, và điều này vô cùng cần thiết cho một đất nước to lớn như Trung Quốc với 1,3 tỉ người.

Zakaria: Thưa Thủ tướng Ôn, vì chúng ta đang thành thật, khi tôi đến Trung Quốc và tìm cách dùng Interent, có rất nhiều trang mạng bị ngăn chặn. Rất khó để truy tìm thông tin. Bất kỳ quan điểm nào có vẻ thách thức đối với sự thống lĩnh chính trị của đảng đều không được phép? Ví dụ như Hồ Diệu Bang không phải là cái tên được phép nhắc đến trên "Nhân dân Nhật báo" cho đến khi bài báo của chính ông xuất hiện. Dường như mọi cấm đoán với những guồng máy khổng lồ theo dõi Internet sẽ gây khó khăn cho những ai thật sự sáng tạo và thật sự làm được những gì mà ông đang mong muốn họ làm.
Ôn Gia Bảo: Tôi tin rằng tôi và tất cả người dân Trung Quốc đều tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến triển, và những ước muốn và nhu cầu của người dân về dân chủ và tự do thì không thể từ chối được. Tôi hy vọng là ông sẽ có thể từ từ nhận thấy sự tiến triển liên tục của Trung Quốc.

Zakaria: Ông đã có hàng loạt những phát biểu đáng quan tâm trong thời gian gần đây. Tôi đã đặc biệt ấn tượng với bài phát biểu của ông tại Thẩm Quyến, ông nói, "bên cạnh cải cách kinh tế, chúng ta phải tiếp tục cải cách chính trị."
Đây là một điểm mà ông từng nêu ra trong cuộc phỏng vấn trước, nhưng rất nhiều người Trung Quốc mà tôi biết lại nói rằng đã có cải cách kinh tế trong sáu bảy năm qua, nhưng chẳng có nhiều cải cách chính trị.
Ông muốn nói điều gì đến những người lắng nghe những bài phát biểu của ông rồi nói rằng chúng tôi thích mọi thứ Ôn Gia Bảo nói, nhưng chúng tôi chẳng thấy những hành động cải cách kinh tế.
Ôn Gia Bảo: Đúng ra đây là quan điểm do ông Đặng Tiểu Bình thúc đẩy rất lâu trước đây và tôi nghĩ rằng những ai có tinh thần trách nhiệm đối với đất nước mình cần nên nghĩ sâu về chủ đề này, và đặt niềm tin của mình vào hành động.
Tôi cũng đã suy nghĩ sâu kỹ hơn về vấn đề này kể từ lần gặp gỡ cuối cùng của chúng ta. Quan điểm của tôi là một đảng chính trị sau khi trở thành đảng cầm quyền cần phải trở nên tương đối khác so với khi nó đang đấu tranh giành quyền lực.
Khác biệt lớn nhất là đảng chính trị này phải hành xử phù hợp với hiến pháp và luật pháp. Những chính sách và chương trình của một đảng chính trị có thể được chuyển dịch sang thành những phần của hiến pháp và luật pháp qua những tiến trình pháp lý phù hợp.
Tất cả những đảng chính trị, những tổ chức, và tất cả mọi người cần phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật mà không có một ngoại lệ nào. Tất cả họ phải hành xử theo đúng với hiến pháp và pháp luật. Tôi cho đây là đặc điểm tối trọng của việc xây dựng hệ thống chính trị hiện đại.
Tôi đã tóm tắt những tư tưởng chính trị của tôi trong bốn câu sau: làm cho mọi người có một cuộc sống hạnh phúc và có nhân phẩm, làm cho mọi người cảm thấy bình yên và an toàn, làm cho xã hội trở nên công bằng và có công lý, và làm cho mọi người có lòng tin vào tương lai.
Bất chấp những tranh luận và quan điểm khác biệt trong xã hội, và bất chấp những phản kháng, tôi sẽ hành động đúng theo những tư tưởng này môt cách kiên định, và phát triển hết khả năng của mình trong việc tái cơ cấu chính trị. Tôi cũng muốn nói với ông hai câu để củng cố vị trí quan điểm của mình, tôi sẽ không đổ ngã trước mưa to gió cả, và tôi sẽ không chùn bước cho đến ngày cuối cùng của đời mình.

Zakaria: Đây là một vấn đề khó khăn: đồng Nhân Dân Tệ. Hãy để tôi đặt vấn đề như thế này, bất chấp sự bảo đảm của Trung Quốc, đồng Nhân Dân Tệ chỉ vẫn được tăng 1,8 phần trăm trong hai năm qua.
Cho phép thêm một lần sụt giá mạnh mẽ không phải là lợi ích của Trung Quốc, bởi vì hiện nay quí vị đang bù giá cho các nhà xuất khẩu bằng cái giá của đồng lương của những người lao động Trung Quốc, quí vị đang mạo hiểm với lạm phát và điều này tạo ra sự thiếu hụt rất lớn về sự cân bằng mà ông đã đề cập. Vậy cho phép tăng giá đồng Nhân Dân Tệ không phải là tốt cho Trung Quốc hay sao?
Ôn Gia Bảo: Cho phép tôi có một nhận định về những gì ông vừa nói. Tôi cho rằng quan điểm của ông cũng đại diện cho quan điểm của Hoa Kỳ hoặc cụ thể hơn là quan điểm của một vài thành viên trong Quốc hội Hoa Kỳ.
Hai nền kinh tế của Trung Quốc và Hoa Kỳ liên quan với nhau rất mật thiết. Trao đổi song phương đã đạt đến mức 300 tỉ Mỹ kim. Đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc đã vượt trên 60 tỉ Mỹ kim. Trung Quốc đã mua công phiếu "T" của Hoa Kỳ trị giá khoảng 900 tỉ Mỹ kim.
Không ai tin rằng giới lãnh đạo Trung Quốc không theo sát những diễn biến của nền kinh tế Hoa Kỳ. Nhưng một số người ở Hoa Kỳ, đặc biệt là những nhân vật ở Quốc hội, lại không biết nhiều về Trung Quốc.
Họ đang chính trị hoá vấn đề trong quan hệ Trung-Mỹ, đặc biệt là trong vấn đề thiếu cân đối mậu dịch giữa hai quốc gia. Tôi rất cảm kích việc ông đã tạo điều kiện cho tôi trong cuộc phỏng vấn này, vì ông đã cho tôi cơ hội để giải thích kỹ lưỡng hơn tình trạng thật sự của vấn đề.
Có ba điểm vốn không được nhiều người biết đến trong vấn đề tỉ giá hối đoái của đồng Nhân Dân Tệ và thặng dư xuất khẩu của Trung Quốc. Trước tiên Trung Quốc không hề theo đuổi tình trạng thặng dư xuất khẩu. Mục tiêu của chúng tôi trong giao dịch với nước ngoài là có được sự trao đổi cân bằng và bền vững với các quốc gia khác, và chúng ti muốn có được sự công bằng cơ bản trong vấn đề cân bằng chi trả.

Đây là những gì chúng tôi đã đang nói và làm. Năm 2008, tỉ lệ thặng dư hiện có lúc đó là 9,9 phần trăm so với GDP. Năm 2009 con số này tụt xuống còn 5,8 phần trăm và vào cuối nửa năm đầu của 2010 nó tụt xuống thấp hơn nữa ở mức 2,2 phần trăm.
Thứ hai, việc tăng cường mức thặng dư mậu dịch của một quốc gia không nhất thiết liên quan đến chính sách hối đoái của quốc gia ấy. Chúng tôi bắt đầu đổi mới chính sách tỉ giá hối đoái của đồng Nhân Dân Tệ vào năm 1994, và kể từ đó, đồng tiền Trung Quốc đã tăng lên 55 phần trăm so với đồng Mỹ kim, và cũng trong cùng thời gian, những đồng tiền của những nền kinh tế chính và những đồng tiền của những quốc gia láng giềng với Trung Quốc đều đã giảm giá với mức độ lớn.
Nghành thương mại của Trung Quốc cũng đã tăng trưởng nhanh trong cùng khoảng thời gian này. Thực sự là trong lịch sử của Hoa Kỳ cũng đã có một thời kỳ như thế. Trong gần 100 năm, từ 1870 đến 1970, Hoa Kỳ đã là một quốc gia thặng dư mậu dịch, và điều này cũng đang thực sự xảy ra đối với một quốc gia đang trong giai đoạn phát triển nào đấy.
Điểm thứ ba là điểm quan trọng nhất mà ông cũng nhận thức được, đó là sự thiếu cân đối trong thương mại giữa hai quốc gia vốn đã mang bản chất chủ yếu về cơ cấu. Trung Quốc có thặng dư mậu dịch trong lĩnh vực gia công nhưng lại bị thâm thủng mậu dịch trên lĩnh vực chung. Trung Quốc có thặng dư trong lĩnh vực hàng hoá, nhưng lại bị thâm thủng trong lĩnh vực dịch vụ.
Chúng tôi có thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ và Liên Âu, nhưng lại bị thâm thủng với Nhật Bản, Nam Hàn và các quốc gia châu Á khác. Nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc đã không còn được sản xuất ở Hoa Kỳ, và tôi không nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ bắt đầu tái sản xuất các mặt hàng này, những mặt hàng vốn nằm ở đáy của loại hàng hoá kém giá trị.
Ngay cả nếu quí vị không mua những mặt hàng này từ Trung Quốc, quí vị vẫn phải mua chúng từ Ấn Độ, Sri Lanka, hoặc Bangladesh, và điều này cũng chẳng giải quyết được sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước.
Tôi nhớ rằng ông đã đưa ra ví dụ của chiếc iPod tại Hoa Kỳ, ở Mỹ một chiếc iPod được bán với giá 299 Mỹ kim, nhưng nhà sản xuất Trung Quốc chỉ thu được 4 Mỹ kim lệ phí gia công.
Còn một điểm khác nữa mà tôi nghĩ rằng ông không nhận ra, một điểm mà nhiều thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ cũng không nhận ra, đó là trong số 500 nghìn công ty Hoa Kỳ đăng ký tại Trung Quốc, 22 nghìn công ty là những nhà xuất khẩu, và áp đặt việc trừng phạt lên các công ty xuất khẩu tại Trung Quốc cũng tương đương với việc áp đặt việc trừng phạt lên những công ty trên.

Zakaria: Lần cuối khi chúng ta trao đổi, tôi đã hỏi ông đang đọc những cuốn sách nào, cuốn nào đã làm ông thích thú. Thế thì có cuốn sách nào mà ông đã đọc trong vài tháng qua đã gây ấn tượng cho ông?
Ôn Gia Bảo: Những cuốn sách trong kệ sách của tôi luôn là những cuốn sách về lịch sử, vì tôi tin rằng lịch sử thì giống như tấm gương và tôi thích đọc lịch sử Trung Quốc lẫn lịch sử của các quốc gia khác.
Có hai cuốn sách mà tôi thường mang theo người, một cuốn là "Lý thuyết về Tình cảm Đạo đức" của Adam Smith. Cuốn thứ hai là "Thiền định". Không phải là tôi đồng ý với những quan điểm được trình bày trong hai cuốn sách này, nhưng tôi tin rằng những quan điểm và tư tưởng của những thế hệ trước đây là món ăn tinh thần cho thế hệ hiện tại.
Hiện nay có quá nhiều sách hồi ký cá nhân. Tôi không thích đọc những cuốn sách này. Tôi cho rằng những gì con người nên để lại cho thế giới là sự thật và chúng ta phải thừa nhận rằng ngay cả những sự thật một ngày nào đó sẽ bị tan biến.

Zakaria: Tôi xin đưa ra một câu hỏi cuối, thưa Thủ tướng Ôn, tôi rất ấn tượng với sự thẳng thắn của ông. Ông đã nói về quyết tâm của mình trong việc tiếp tục cải cách chính trị, bất chấp sự cản trở trong nước và trong đảng, bất chấp sự phản đối bên trong đảng.
Ông đã nói về sự quan ngại của ông về nạn tham nhũng và lạm phát sẽ xói mòn sự ổn định xã hội. Ông đã ca ngợi Hồ Diệu Bang và đề cập đến tài lãnh đạo của ông ta ngay cả khi ông ta được nhiều người xem là một nhà lãnh đạo cấp tiến nguy hiểm.
Ông có tin rằng thế hệ lãnh đạo kế tiếp của Trung Quốc, những người sẽ nắm quyền lực trong hai năm tới sẽ chia sẻ quan điểm của ông và tiếp tục xúc tiến hướng nhìn mà ông đang thúc đẩy?
Ôn Gia Bảo: Có thể là ông nghĩ đây là câu hỏi khó nhất dành cho tôi hôm nay, nhưng thực sự tôi cho rằng đây là câu hỏi dễ trả lời nhất.
Để tôi đưa ra hai điểm liên quan đến cái tương lai mà ông vừa đề cập. Trước hết, tôi muốn nói rằng, như câu nói của người Trung Quốc, dòng sông Dương Tử sóng phủ sóng, thế hệ mới chắc chắn sẽ vượt qua thế hệ cũ. Tôi tin tưởng rằng giới lãnh đạo tương lai của Trung Quốc sẽ trội hơn thế hệ trước.
Thứ hai là quần chúng và sức mạnh của quần chúng quyết định tương lai và lịch sử của đất nước. Nguyện vọng và ý chí của quần chúng thì không thể ngăn cản được. Những ai đi theo xu hướng này sẽ thành công và những ai chống lại nó sẽ thất bại. Cám ơn ông về buổi phỏng vấn.

Zakaria: Rất hân hạnh và vui sướng. Xin cám ơn Thủ tướng.
.
.

No comments: