Thursday, October 21, 2010

THÁNG MƯỜI và NHỮNG NỤ CƯỜI HÒA BÌNH

Bùi Văn Phú
21/10/2010 | 5:19 chiều

Tôi có một đồng nghiệp gốc Hoa. Thỉnh thoảng gặp nhau, ngoài những thảo luận về việc học của học sinh, sinh hoạt trường lớp chúng tôi cũng chia sẻ với nhau và với các đồng nghiệp khác về kinh nghiệm hội nhập, về văn hoá cội nguồn và sinh hoạt cộng đồng vì trong trường chỉ có vài ba giáo viên gốc châu Á trong ban giảng huấn.

Khi Cách mạng Văn hoá xảy ra tại Trung Quốc cô đang ở tuổi niên thiếu. Không được học hành mà bị đuổi về quê làm nương rẫy cùng gia đình với bố mẹ đều là nhà giáo. Cùng lúc sách báo phương Tây bị đem hủy. Nghe cô kể tôi liên tưởng sao giống thời Việt Nam có chính sách đánh tư sản mại bản, tiêu diệt văn hoá miền Nam và những vùng “Kinh tế mới” trong những năm sau 1975.

Cách mạng Văn hoá chấm dứt cô được đi học trở lại, tốt nghiệp đại học và có cơ hội đến Hoa Kỳ tiếp tục con đường học vấn, đạt bằng cao học từ một đại học ở New York. Nhưng cô không trở về mà quyết định chọn đất nước Hoa Kỳ làm nơi sinh sống, lập nghiệp. Câu chuyện đến Mỹ của cô những năm sau đã và đang có nhiều du sinh Việt đi theo. Đó là cách từ bỏ thiên đường xã hội chủ nghĩa thực tế nhất sau những ngày tháng thật sự sống với xã hội tư bản.

Mới đây Bảo tàng viện châu Á San Francisco trưng bày nghệ thuật Trung Hoa và tôi có đi xem. Cô nhận xét triển lãm đó không phản ánh văn hoá Trung Hoa vì ở Trung Quốc ngày nay không còn thực là văn hoá của người Hoa mà đã bị tô mầu cộng sản. Theo cô, chế độ cộng sản ở đâu cũng như nhau là tiêu diệt văn hoá dân tộc để tôn vinh văn hoá xã hội chủ nghĩa. Chủ thuyết “Đông phương hồng” của Mao Trạch Đông là bằng chứng. Cô nói ngày nay muốn tìm hiểu văn hoá cổ Trung Hoa thì Bảo tàng viện Quốc gia Đài Loan là nơi bảo tồn và lưu trữ phong phú nhất.

Cô còn tỏ ra có nhiều hiểu biết về Việt Nam. Cô biết lịch sử chống ngoại xâm của người Việt với đoàn quân Mông đã phải dừng lại ở biên giới Trung-Việt. Người Hoa đô hộ Việt Nam rất lâu nhưng cũng bị đánh đuổi. Rồi người Pháp, người Mỹ. Cô có nhận xét dù Việt Nam ngày nay là nước thống nhất dưới chế độ cộng sản, nhưng trước đó đã có một miền Nam Việt Nam với nền văn hoá dân tộc. Tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe một nhận xét như thế từ một người Mỹ gốc Hoa. Cô nói đã học được những điều này qua sách vở lịch sử và những tiếp cận với sinh viên, học sinh gốc Việt.

*
Một cuối tuần đầu tháng trước tôi vào trường tìm sách. Lang thang ngoài Sproul Plaza và tình cờ gặp hai bố con người châu Á. Ông bố phì phào điếu thuốc trên môi, là điều ngày nay rất ít thấy trong khuôn viên đại học, có thể vì đã cấm, nên nhìn ông tôi đoán là du khách người Hoa. Tôi đã đoán không sai. Họ nhờ tôi chụp cho tấm hình đứng dưới cổng Sather Gate. Hỏi thăm, người thanh niên với nét mặt tràn đầy niềm vui và đã có tên Mỹ là Tony cho biết anh được nhận vào đây học năm đầu tiên. Ông bố tuổi chừng 50, cũng hiểu và nói được tiếng Anh khá thông thạo, cho biết hai bố con đến từ một tỉnh gần Bắc Kinh. Tony học khoa học, chưa định rõ ngành nào nhưng theo lời bố anh là vì khoa học rất cần cho tương lai phát triển của Trung Quốc.

Khi nghe tôi nói mình gốc Việt, ông hỏi có phải tôi là “Boat People”. Một câu hỏi gây chút ngạc nhiên vì như thế hai tiếng “thuyền nhân” có thể đã được nhiều người Hoa biết đến hơn là người Việt trong nước. Về nước tôi chỉ nghe người dân gọi mình là “Việt kiều” nhưng không mấy ai biết Việt kiều từ đâu mà ra và sao có nhiều thế. Có rất ít người tôi tiếp xúc biết được Việt kiều đa số là những “thuyền nhân” đi tìm tự do trong gần hai thập niên sau ngày 30.4.1975. Tại Việt Nam có lẽ cụm từ này cũng là vấn đề nhạy cảm chăng?

Chúng tôi đứng ở sân trường khi trận đấu bóng bầu dục giữa đội U.C. Berkeley và U.C. Davis sắp diễn ra trên sân nhà mà Tony vừa nhập học nhưng đã tỏ ra nắm bắt sinh hoạt thể thao của trường rất nhanh. Được biết tôi là cựu sinh viên, anh nói chắc tôi ủng hộ đội nhà. Tôi trả lời: “Go Bears”. Tony cũng đồng tình: “Yes. Go Bears”.

Dù chỉ trò chuyện mươi phút, khi chia tay hai bố con người Hoa tôi tự hỏi những sinh viên nước ngoài như Tony mai này rồi sẽ là tương lai của Trung Quốc hay của Hoa Kỳ? Tuy trình độ toán và khoa học của học sinh Mỹ hiện nay rất kém, thua xa nhiều nước châu Âu và cả các nước châu Á như Nam Hàn, Nhật Bản, Singapore nhưng các đại học Mỹ luôn mở rộng cửa đón nhận sinh viên giỏi từ các nước. Nếu Tony sau này có ở lại Mỹ lập nghiệp cũng không là điều ngạc nhiên vì với môi trường học tập tân tiến và tự do nghiên cứu thì nước Mỹ luôn thu hút du sinh, luôn mời gọi những nhân tài ở lại Hoa Kỳ lập nghiệp.

*
Sáng thứ Sáu hai tuần trước, vừa vào trường là tôi gặp đồng nghiệp gốc Hoa loan báo tin vui: Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel Hoà bình. Cô rất mừng vì vợ chồng cô cũng đã kí tên vào Linh bát Hiến chương kêu gọi tự do, dân chủ cho Trung Quốc. Cô nói: “Lãnh đạo Trung Quốc đã hành động rất ngu xuẩn khi lên tiếng hù doạ ủy ban tuyển chọn vào tuần trước. Họ chẳng có hiểu biết gì về tính độc lập của các cơ quan văn hoá, xã hội, giáo dục ở các nước tự do, dân chủ”.

Qua những thông tin tôi đọc được thì trong hơn hai thập niên qua, với những đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu, ào ạt đưa sinh viên đi du học tại các nước tân tiến và với chính sách mời gọi Hoa kiều về nước góp phần xây dựng và phát triển, Trung Quốc hy vọng trong tương lai không xa sẽ có người Hoa đoạt giải Nobel về khoa học chứ Bắc Kinh chẳng mong đợi một người Hoa đầu tiên đoạt giải lại là một tù nhân lương tâm tranh đấu cho tự do dân chủ trong tinh thần hoà bình. Vì thế mà lãnh đạo Trung Quốc đã bực tức, nổi nóng.

Tôi chia sẻ niềm vui với cô bạn đồng nghiệp, với Lưu Hiểu Ba và với những nhà hoạt động dân chủ ở Trung Quốc.

Mấy hôm sau có Đức Đạt lai Lạt ma, cũng là một quán quân Nobel Hoà bình làm Trung Quốc phiền lòng, trở lại vùng Vịnh San Francisco. Thành phố San Jose treo phướn dọc những con phố chính chào đón và hơn 12 nghìn người đến nghe Ngài nói chuyện tại San Jose Convention Center tối 12.10. Ngày hôm sau, vài nghìn người Việt và những người gốc châu Á khác được Ngài dành cho buổi thuyết giảng riêng có Quán đảnh là nghi thức chúc lành trong tinh thần đạo Phật.

Đi nghe Ngài, nhiều người ra về với nụ cười tươi. Những nụ cười của hoà bình.

© 2010 Bùi Văn Phú
© 2010 talawas
.
.
.

No comments: