Wednesday, October 6, 2010

THẢM HỌA LỜI CA TRONG NHẠC VIỆT

"Ăn theo" đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội:
Thứ Tư, 6.10.2010 | 09:11 (GMT + 7)

(LĐ) - Một CD gồm 10 bài hát với tên gọi "Tình ca 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội", do nhóm BSP Entertainment (TPHCM) thực hiện, đã chuyển ngữ sang tiếng Anh với mục đích làm tặng phẩm cho chương trình "Những tấm lòng với Thăng Long - Hà Nội". Tuy nhiên, ca từ trong CD này đã bị chuyển ngữ một cách vô cùng cẩu thả, thô thiển.

CD này gồm 10 ca khúc nổi tiếng về Hà Nội và Sài Gòn. Không thể phủ nhận ý tưởng của nhóm BSP Entertainment (gồm một số bác sĩ, nghệ sĩ, SV – theo như một bài báo) là rất đẹp: Quảng bá ca khúc hay của Việt Nam cho bạn bè thế giới cùng thưởng thức nhân đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhưng cách làm của họ thì có thể nói là hết sức thiếu chuyên nghiệp và chính điều này đã tạo ra phản ứng khi "thưởng thức".

 Hanoi’s this season... absent the rains. The first cold of winter make your towel’s gently in the wind. Flower stop falling, you inside me after class on Co Ngu street in our step slowly return...” - đây chính là phần chuyển ngữ của ca khúc "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa" (Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa/ Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh/ Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp/ Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về).

Nhà báo T.T sau khi nghe CD đã ca ngợi rằng "Ca khúc được chuyển ngữ nghe lạ và mới mẻ. Lạ là vì lần đầu những ca khúc rất đỗi quen thuộc với khán giả người Việt lâu nay lại có một phiên bản tiếng Anh dễ thương như thế". Nhưng, nhiều thính giả cho rằng đó là một "trò lố" và chỉ biết "cười ra nước mắt".

Xin trích ý kiến của một số bạn đọc trên mạng sau khi đọc bài báo: Bạn đọc lang doan viết: "Sau khi đọc được lời dịch qua tiếng Anh (Mỹ), tôi phải bật cười vì cách dịch cứ như người mới học sinh ngữ được 2-3 lớp sơ đẳng, hoặc chưa hề tập viết văn chương bằng tiếng Anh. Từ cú pháp, ẩn dụ thật tối nghĩa cho tới văn phạm đều sai. Cho nên, nếu dịch cẩu thả là không thể chấp nhận, vì như vậy là coi thường thính giả trong và ngoài nước, đồng thời thiếu tôn trọng văn hoá Việt. Không những thế, người ta sẽ đánh giá trình độ văn hoá của cả nước khi những tác phẩm này được quảng bá đại diện cho văn hoá VN. Lấy thí dụ nhỏ, cái "khăn" để đội đầu hay cuốn quanh cổ mà dịch thành "Towel" (khăn tắm, khăn rửa mặt, khăn lau xe) thì hết ý kiến!".
Trớ trêu hơn, bạn Nhựt Hồng phát hiện: "You inside me after class" theo nghĩa Mỹ có nghĩa là... "anh và em quan hệ tình dục sau lớp học" chứ chẳng phải "em bên tôi một chiều tan lớp".

Toàn cầu hoá âm nhạc VN kiểu này ư?
Không chỉ dừng ở việc "tàn sát" các ca từ trong ca khúc "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa", kiểu dịch "từ đối từ" sai về cú pháp, ngữ pháp tiếp tục được lặp đi lặp lại trong các ca khúc nổi tiếng về Hà Nội khác như: "Có phải em mùa thu Hà Nội?" (Are you the autumn in Hanoi?): "August autumn, did leaf fall come yellow. Since you've been gone, I miss you silent" - (phải hiểu là: Tháng tám mùa thu, lá rơi vàng chưa nhỉ. Từ độ người đi, thương nhớ âm thầm) hay "One day return, I visit sad Thanglong" (cần hiểu là: Một ngày về xuôi, chân ghé Thăng Long buồn). Còn trong bài "Hà Nội niềm tin và hy vọng" có đoạn "Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô, nghe tiếng cười không quên niềm thương đau" được chuyển ngữ thành "The windy road immense the doorway, hear the laugh but don't forget the pain".

Chúng tôi không tiện trích dẫn hết ở đây vì có quá nhiều lỗi. Các bạn có thể ghé thăm trang web của nhóm BSP Entertainment ở địa chỉ www.vietnammusich-nhacvietloianh.com để tìm hiểu thêm về những ca khúc họ đã chuyển ngữ.

Một điều "thú vị" hơn nữa là sau khi nghe CD này khá tâm đắc, nhà báo T.T đã nhờ một người nước ngoài nghe để nhận xét, nhưng anh  này lại là một người  Pháp nên (đương nhiên) sau khi nghe ca khúc Việt được Anh hoá thì anh đã thốt lên: "Ca khúc VN rất tuyệt” (?). Một nhạc sĩ trong thư ngỏ giới thiệu về CD đã nhận xét: "Đây là một việc làm đáng khuyến khích trong ý tưởng toàn cầu hoá âm nhạc VN"...

Bài báo sau khi được đăng tải đã nhận được những phản ứng dữ dội của bạn đọc nên đã phải gỡ xuống. Nhưng một số trang web chính thống như trang web của Bộ VHTTDL, trang web của Uỷ ban Người VN ở nước ngoài TPHCM, những trang thông tin kết nối với bạn bè quốc tế, người Việt xa xứ lại vẫn cứ "hồn nhiên" đăng lại bài viết này và giới thiệu về CD nhạc thì thực lạ lùng!
Rõ ràng, nhóm BSP cần phải xem lại cách làm của mình để tránh việc quảng bá âm nhạc VN kiểu "điếc không sợ súng" như thế này.
Hải Phong
------------------------


.
.
.

No comments: