Monday, October 4, 2010

Tạp Chí Ý THỨC và "NỖI BƠ VƠ CỦA BẦY NGỰA HOANG"

Ngày đăng: 3.10.2010

1.
Tôi làm quen với Ý Thức khi tạp chí này được in ấn theo lối ronéo có tòa soạn ở đường Nguyễn Thái Học, Phan Rang. Có lẽ vào năm 1969 thì phải. Không ngờ, từ một người cọng tác, gởi bài, anh em chủ trương đã dành cho tôi nhiều cảm tình ưu ái. Anh em Ý Thức đã chọn tập truyện Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang của tôi như là tác phẩm đầu tiên do cơ sở Ý Thức xuất bản. Đó cũng là tác phẩm đầu tay của tôi.

Tôi được may mắn, vì đứa con tinh thần của mình được trao đúng chỗ. Dù kỹ thuật in bằng roneo, nhưng khi nhìn vào không ai có thể nghĩ nó được khai sinh từ một căn phòng ở một thành phố nhỏ bé, với cái máy quay roneo, với một bàn máy đánh chữ. !

Nó trả lại danh dự cho nền văn nghệ mà các chủ bút ở SG vẫn quen gọi là văn nghệ tỉnh lẻ.

2.
Kiểm điểm lại, trên giòng sinh hoạt văn học VN, có lẽ không có thời nào mà lưu lượng văn chương lại tràn trề phù sa chữ nghĩa như thời miền Nam trong giai đọan cuối những năm 60 và đầu những năm 70.Những tạp chí, những đặc san, những tác phẩm, chẳng những có mặt ở Saigon mà còn hiện diện ở khắp nơi, khắp chốn, từ một thành phố đông dân như Nhatrang, đến một thị trấn ít người như An Nhơn Bình Định. Những Khai Phá (Châu Đốc,1970-1971), Biểu Tượng (Vĩnh Long, 1968), Tập Thể (Vĩnh Long, 1973), Hoài Vọng ( Phan Rang, 1968-1969), Sóng (Tuy Hòa,  1965), Dựng Đất (Nha Trang) , Vỡ Đất (An Nhơn - Bình Định), Nhìn Mặt (Bình Định), Việt (Huế) , Ngưỡng Cửa (Quảng Nam), Trước Mặt (Quảng Ngãi), Nguồn (Cần Thơ), Vượt Thoát (Cần Thơ)v.v..... đã nói lên một nét đặc biệt trong nền văn học miền Nam thời chiến..

Cám ơn Ý Thức, để Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang (1969) được nói lên giữa  tiếng nổ bom đạn.

Nói như Võ Tấn Khanh, khi nhìn lại một tạp chí của miền Nam trước 1975:

"Ý Thức đã nói được tiếng nói anh em bạn bè, đáp ứng phần nào mơ ước của chúng tôi và nhất là thể hiện được thái độ của những người cầm bút trước vận mệnh của văn chương và đất nước."
-------------------

Ngày đăng: 3.10.2010

...Chuyện xảy ra trong khoảng từ ba mươi và ba mươi lăm năm trước. Thời đó, chúng tôi quen nhau thật dễ, quyện vào nhau thật say. Như được thảo chương từ một căn duyên định sẵn. Như được đưa đẩy qua một cơ hội bất chợt nào đó. Rồi như gió cuốn mây, ngày tiếp đêm, giọng chim hòa đàn nhiều bè quấn quít nhau theo một bản hợp ca rôm rả mà đều nhịp điệu. Trong cuộc chơi chữ nghĩa thênh thang, tình trai phơi phới và tuổi xuân hồn nhiên, chúng tôi tìm tới nhau sau từng con chữ xôn xao và tươi nguyên, vài ba câu thơ có chút gì ngẫu hứng của sáng tạo hoặc những dòng chữ gờn gợn đôi chút trăn trở về thân phận làm người sống sót trong thời chiến.
    
Tôi không còn nhớ chính xác năm nào bạn cùng tôi vồn vã siết chặt tay nhau. Thuở đó, mỗi người chúng ta chỉ mới có đôi bài thơ, vài truyện ngắn đăng trên mấy tạp chí văn nghệ mà hơn ba chục năm sau, đêm nay nhắm mắt lại, tôi vẫn hình dung rõ nét hình thức, loại con chữ, cỡ chữ của từng tờ báo. Và tôi vẫn nhớ mồn một bài nào của mình đã đăng ở tạp chí nào, chữ chạy đầu đề nghiêng hay thẳng và chữ trong bài tròn hay lép; đôi khi có hình minh hoạ nguệch ngoạc ra sao. Mỗi bài là lời lời chúc mừng cường điệu của bè bạn, lớp lớp xúc động thấm thía cho mình, vì việc có bài đăng bài trên một trong các tờ báo ấy được coi như nhận thêm một tín hiệu thành quả và dấu hiệu khích lệ để mình ngày càng tự tin, tiếp tục đàn đúm nhau, đua đòi nhau làm văn chương nghệ thuật! 
    
Tờ Văn “ham đọc, hiếu học, ưa suy nghĩ” khổ gọn nhẹ với người tổng thư ký toà soạn chăm chỉ, tỉ mỉ đánh máy chữ Olympia hết lá thư này tới lá thư khác, ân cần trả lời cho từng bạn văn nào có bài đăng trên Văn, dù chỉ mới lần đầu. Thời Tập nhỏ hơn, cầm lên vừa đủ một bàn tay nhưng tầm cao nghệ thuật của nó bay bổng như cánh chim từ bàn tay ấy vỗ cánh tung trời. Bách Khoa hình thức khô cứng, khuôn chữ đạo mạo, mỗi trang hai cột, tự nó biểu lộ đầy bản lãnh và đủ nghiêm túc để bảo kê giá trị cho những người viết văn và làm thơ từ nó xuất thân.  Khởi Hành lớn như một tờ lá cải, mực in chỗ đậm chỗ nhạt; cầm tờ báo phải trương rộng bằng cả hai tay. Nghệ Thuật khổ nhỏ hơn một chút, bìa thường là một bức tranh in offset bốn màu, dàn trang công phu, mỗi trang bốn cột, bài vở đa dạng, văn phong mới mẻ. Và Vấn Đề nghiêm trang, Tập San Văn Chương thử nghiệm,v.v.  
    
Nhưng có lẽ tờ báo mà hồi ức về nó khơi động trong tôi nhiều cảm xúc nhất là Ý Thức, đặc biệt trong giai đoạn đầu. Từng trang giấy màu vàng nhạt với cỡ chữ nhỏ nhắn, ép vào nhau, theo kiểu chữ Times ngày nay. Trần Hữu Ngũ và Nguyên Minh đánh máy cẩn trọng trên giấy stencils, đếm từng nét chữ, tính toán khoảng cách để dồn hoặc rải sao cho lề bên phải thẳng một đường dọc. Sau đó, hai anh đem quây ronéo, rồi đóng thật ngay, xén thật ngọt, làm thành khổ báo như tờ Thư Quán Bản Thảo, hoặc tờ Ý Thức Bản Thảo ngày nay. Cầm trên tay, có cảm giác tờ báo gọn gàng, mượt mà, thơm thơm mùi mực ronéo. Chỗ nào có chút lem luốc lại hình như càng thơm hơn, có lẽ nhờ tẩm thêm mùi mồ hôi tay của bè bạn.  Thuở ấy, lần dở từng trang, mắt thường tự động tìm tên mình trước, rồi mới tới tên của từng bằng hữu, và rưng rưng! Lòng rộn ràng khi đắc chí với những câu thơ, đoạn văn cô đọng nỗi niềm của cả một thế hệ. Ý Thức quây ronéo tay thuở Phan Rang đầy tâm huyết, mộc mạc và nghèo khó của anh em thời “khởi nghiệp”. Ý Thức sau đó in offset ở cuối đường Phan Thanh Giản Sàigòn là bông hoa vươn hẳn lên khỏi vườn hoang sơ dân giả, được Nguyên Minh cùng Lê Ký Thương khổ công tỉa lá ươm cành. Anh em ra sức xây đắp cho mình một mảnh đất riêng biệt, như một hình thức phản bác và vươn lên khỏi lối liệt kê trịch thượng là “những người viết mới”. Và quả thật, khi nên trời chẳng phụ lòng người. Có lẽ vì thời gian và tuổi đời, anh em chưa thành tựu được tác phẩm lớn nhưng đã phô bày được bản sắc riêng, với những bài văn câu thơ nội dung đầy thao thức, những diễn đạt mới mẻ về hình thức. Văn chương của anh em Ý Thức không quá trau chuốt đỏm đáng như “văn chương ngoài đèo Hải Vân” và không quá dung dị, mộc mạc như văn chương “trong đèo miệt vườn”! Và nói một cách giản lược và khái quát thì các bài thơ và truyện ngắn của các tác giả trẻ trên các báo ở trong nước hiện nay vẫn chưa vượt quá thời Ý Thức gần ba mươi lăm năm trước. Tuy thế, thú thật, cho tới nay, tôi vẫn thú vị và mơ màng với tờ Ý Thức Phan Rang; lòng vẫn rộn ràng khi nhớ những trang giấy thơm hương sáp stencils đó, vì qua giai đoạn hai, Ý Thức Sàigòn như người đẹp trong thơ Nguyễn Bính từ cô gái chân quê của Tâm Hồn Tôi, đã theo bước hoặc lỡ bước sang ngang, lên chốn kinh kỳ của Một Nghìn Cửa Sổ... (1)./.

(1) Nguyễn Ước: Còn Nợ Một thời (Ý Thức Bản Thảo Hè Thu 2004 ....)

---------------------------------------------------

.
.
.

No comments: