Sunday, October 24, 2010

TẬP CẬN BÌNH, ĐỔI MỚI hay BẢO THỦ ?

24-10-2010

Hôm 18/10/2010, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thống nhất bầu chọn Tập Cận Bình (Xi Jinping, 习近平), thành viên cao cấp nhất BCT không nghỉ hưu vào năm 2012, vào ghế Phó Chủ tịch Quân Ủy Trung ương. Giới quan sát TQ tin rằng đây là bước cần có để chuẩn bị cho Tập Cận Bình thay thế Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) sẽ nghỉ hưu vào năm 2012 cùng với Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao).

TQ lần đầu tiên có người tại Hoa lục được giải Nobel Hoà bình cùng lúc là lời kêu gọi từ các đảng viên lão thành cũng như giới trí thức đòi cải tổ chính trị, dân chủ hoá chế độ. Tập Cận Bình là ai, quan điểm chính trị của người có thể sẽ lãnh đạo 1,3 tỉ người TQ ra sao cũng chưa được giới quan sát và quần chúng biết rõ.

Sau phần giới thiệu tiểu sử và thành tích của Tập Cận Bình ở bản thống cáo chung kết thúc phiên họp Trung ương Đảng CSTQ là một dòng tuyên bố chung chung về hệ Thống chính trị tương lai, “Cố gắng mãnh liệt nhưng vững chắc cần được thực hiện để tổ chức lại hệ thống chính trị.”

Tập Cận Bình, 57 tuổi, được xem là một trong những “thái tử” của Đảng CSTQ vì là con thứ ba (với vợ thứ hai) của Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun, 习仲勋) cựu Phó Thủ tướng thời Mao Trạch Đông. Tập Trọng Huân cũng là đồng chí của của Mao trong cuộc vạn lý trường chinh. Vốn là con nhà điền chủ ở huyện Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây (Fuping, Shaanxi), Trọng Huân gia nhập đoàn thanh niên CS khi 13 tuổi (1926) và cũng là người đã ảnh hưởng Đặng Tiểu Bình đi vào con đường kinh tế thị trường trong xã hội chủ nghĩa. “Chúng ta cần phải thay đổi Trung Quốc và áp dụng khu kinh tế (thị trường) này ngay cả nó đồng nghĩa với việc xây con đường máu và tôi săn sàng nhận trách nhiệm này” là câu tuyên bố nổi tiếng của Tập với Đặng. Trong cuộc Cách mạng Văn hoá, năm 1962 mất lòng Mao, Tập Trọng Huân bị giam một thời gian ngắn. Tập Trọng Huân cũng là một trong những đảng viên cao cấp công khai lên án cuộc đàn áp tại Thiên An Môn năm 1989. Tập Trọng Huân chết năm 2002.

Đời cha như thế nên thời thanh niên của Tập Cận Bình không thể sánh với “Hoàng tử” Kim Jomg-un của Bắc Hàn (North Korea). Thời thiếu niên, Tập Cận Bình được coi là thanh niên phản động và phải đi lao động ở thôn quê, xa nhà vài năm. 1975-79, Tập Cận Bình theo học ngành Kỹ sư Hoá học ở Đai học Tinh Hoa (Tsinghua) ở Bắc Kinh. Khi là Thống đốc tỉnh Mân Thái (Fujian) Tập Cận Bình theo học (tại chức, 1998-2002) chương trình cao học về lý thuyết Mác xít và tốt nghiệp Tiến sĩ Luật.

Sự nghiệp của Tập Cận Bình trong đảng có những nét đáng chú ý: không dính líu đến tham nhũng, và có lẽ vì học được tấm gương tày mẹt của cha nên không ai biết khuynh hướng chính trị (thuộc khối bảo thủ hay theo tiến bộ) của họ Tập, một đảng viên kín miệng.

Khi Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền đã đổi Tập Cận Bình về làm Bí thư và Thống đốc tỉnh Chiết Giang (Zhejiang). Thời gian này Tập Cận Bình đã phát triển Chiết Giang thành môt tỉnh có nền kinh tế năng động nhất Trung Quốc. Kinh nghiệm ở chính quyền cấp tỉnh cho giới quan sát nhìn Tập Cận Bình như một người phù doanh nghiệp. Tập Cận Bình cũng đã từ tham dự Hội nghi kinh tế thượng đỉnh tại Davos, Switzerland (World Economic Forum, WEF) và được giới thương gia quốc tế nể trọng. Ngay cả Henry Paulson, Bộ trưởng Tài chánh Mỹ (thời TT George Bush) đã nhận xét Tập Cận Bình, “là người biết đường đi đến đích.” Victor Shih, giáo sư chính trị Trung Quốc ở Đại học Northwestern University, nói Tập Cận Bình là một ứng viên dung hoà, là một “thái tử” sẵng sàng bảo vệ quyền lợi của chế độ. Tập Cận Bình được lòng cả hai phe – Hồ Cẩm Đào và phe của Giang Trạch Dân, đối thủ của Hồ.

Chính nhờ kín miệng, mà Tập Cận Bình được đưa về làm Bí thư tỉnh uỷ Thượng Hải thay cán bộ tiền nhiệm bị cách chức vì tham nhũng; vài tháng sau Tập được chọn vào Bộ chính trị. Đến cuối năm 2007, từ một đảng viên ít được ai biết đến, bây giờ Tập Cận Bình là đảng viên cao cấp nhất có thể thay Hồ Cẩm Đào làm Chủ tịch TQ.

Trước khi Tập Cận Bình cất cánh trong sự nghiệp chính trị thì dân Trung Quốc biết đến Cận Bình là chồng của một ca sĩ dân ca nổi tiếng Bành Lệ Viên (
彭丽媛 Peng Liyuan). Lệ Viên sinh năm 1962, kém Cận Bình 9 tuổi, là
vợ đời thứ hai. Hai người có một con gái 15 tuổi tên Xi Mingze.

Bành Lệ Viên vào quân đội từ khi 18 tuổi và là một ca sĩ của đoàn ca múa thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân. Tốt nghiệp Cao học Âm nhạc, sự nghiệp ca múa cùa Bành Lệ Viên thăng tiến nhanh một phần nhờ khả năng trình diễn những bản nhạc mà Qian Gang, chủ nhiệm tờ Southern Weekend, một tờ báo ở miền Nam TQ được xem là tiến bộ nhất, cho là những ca khúc chính trị (gequ zhengzhi,
歌曲政治). Một thí dụ
là “On the Sunny Road” bài hát trong đó những câu như, Scientific development and harmony, Guide China to brighter shores (“Phát triển khoa học và xã hội hài hoà sẽ đưa Trung Quốc đến bến bờ xán lạn”). Dĩ nhiên, “Phát triển khoa học” và “xã hội hài hoà” chính là dấu ấn của Hồ Cẩm Đào. Những ca khúc chính trị đó đã trở thành đồ cổ của thời đại độc tài còn sót lại.

Không như quần chúng ở các quốc gia tây phương, chuyện đời sống riêng tư của giới lãnh đạo quốc gia là chuyện rất đời thường, tại Trung Quốc, có lẽ đây là một hiện tượng mới khi báo chí đưa tin và bàn luận đến vợ chồng Tập Cận Bình – Bành Lệ Viên với nhiều chi tiết chưa thấy; Bành Lệ Viên có lần đã vượt 250 dặm đem chăn bông làm khâu tay cho Tập Cận Bình ngủ ấm. (Wu Nam, “China’s Top Political Couple Has a Love Story, Too,” California News Service.) Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân ít khi nào để vợ xuất hiện trước công chúng và không khi nào để họ liên đới đến chính sự Trung Quốc. Vợ của Hổ Cẩm Đào cũng thế, chỉ xuất hiện trên màn hình trong những cuộc tiếp đón ngoại giao. Giang Thanh, vợ Mao Trạch Đông, là một ngoại lệ.

Năm 2007, trên chinanews.com, Bình Lệ Viên cho biết lần đầu tiên thấy Tập Cận Bình bà thất vọng vì Tập Cận Bình quá quê mùa và đã quá già nhưng đã đổi ý khi Tập hỏi đến những kỹ thuật hát khác nhau, “anh ấy có con tim chất phác nhưng rất lại thâm trầm, sâu sắc.”
Bành Lệ Viên không còn trình diễn sân khấu những vẫn có một số hoạt động xã hội như giúp trẻ bị AIDS và hiện mang quân hàm Trung Tướng, thuộc Tổng cục Chính trị của Gỉai phóng Quân.

Chính trị Trung Quốc sẽ thay đổi ra sao, dân chủ đến cỡ nào nếu Tập Cận Bình thực sự nắm chính quyền vào năm 2012 chưa ai rõ, nhưng chắc chắn bộ lãnh đạo mặt Trung Quốc sẽ thay đổi với vợ chồng Tập Cận Bình và Bành Lệ Viên.

© DCVOnline

.
.

No comments: