Friday, October 22, 2010

TẠI SAO MỘT CHÍNH QUYỀN LƯU MANH VẪN CÓ NGƯỜI BÊNH VỰC ?

Vũ Quý Hạo Nhiên
October 21, 2010

Chuyện nhà nước Việt Nam dựng chuyện “trốn thuế,” vi phạm ngay thủ tục truy tố hình sự một vụ “trốn thuế”, đi ngược thủ tục ghi trong luật, để ghép tội Điếu Cày, đã là một hành vi lưu manh.

Thường xuyên hạch sách, quấy nhiễu vợ con Điếu Cày, là thêm hành vi lưu manh.

Rình ngày Điếu Cày ra tù, để chụp thêm một tội nữa lên đầu ông – một tội dựa trên những bài blog viết từ mấy năm nay rồi – đó là cực kỳ lưu manh.

(Khôn thì cũng có khôn, theo kiểu khôn của thằng ma cô, nhưng thằng đó cũng cực kỳ lưu manh.)

Vậy tại sao vẫn có người bênh vực?

Trước khi tớ trả lời, để tớ nói thêm vài điều.
Trước hết, tớ là một người cực kỳ dễ tính. Tớ hiểu là trên thế giới không phải chỉ có chính quyền Việt Nam là độc tài và lưu manh. Có những chính quyền khác cũng độc tài, cũng lưu manh. Về độ độc tài, lưu manh, thì phải công nhận chính quyền Việt Nam chưa chắc đã đứng nhất thế giới — nếu so với Zimbabwe, Uzbekistan, hay Bắc Hàn chẳng hạn.
Cho nên, khi các bác phát ngôn viên bộ ngoại giao muối mặt mà bênh vực nhà nước, nhiều khi tớ cũng hơi thông cảm.

Nhưng tới khi Việt Nam giở trò lưu manh thế này (cũng như trước đây giở trò lưu manh với Nguyễn Tiến Trung, rình ngày sắp hết nghĩa vụ để truy tố tội viết blog mấy năm trước) thì tớ rất ngạc nhiên khi thấy người ta vẫn chấp nhận.

Ý tớ là thế này. Có những chuyện người ta chấp nhận như một thứ “sống với lũ” – và tớ thông cảm.
Thí dụ, mỗi lần làm giấy tờ lại phải lót tay, mỗi lần đi khám bác sĩ phải lót tay, mỗi lần đưa con đi nhập học phải lót tay, họ triền miên lót tay và chấp nhận sống với lũ thì phải thế. Cái đó tớ thông cảm.
Hay thí dụ, người ta nhiều khi không dám nói sự thật, vì họ biết là Việt Nam không có tự do ngôn luận, cái đó cũng là một thứ sống với lũ. OK.

Nhưng mà khi chính quyền giở trò lưu manh cỡ này, thì tớ không hiểu nổi có người lại nói kiểu như vầy:
“Thôi thì cũng tại anh ấy phản động.”
Vì, để các bác có thể nhún vai nói câu đó, thì trước các bác phải tự hỏi anh ấy phản động ở cái chỗ nào? Và các bác có dám bảo đảm các bác biết được thế nào là phản động không?
“Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam” là phản động? Vậy chứ không lẽ “Trường Sa Hoàng Sa là của Trung Quốc”?

Trước khi cái chính quyền này lên án Điếu Cày, Song Chi, Nguyễn Tiến Trung, Anhbasg, v.v. là phản động, đố có bố nào biết trước được “Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam” là phản động á.
(Không phải chỉ có “CLB Nhà báo Tự do” là bị sách nhiễu vì “Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam” đâu nhá. Có một cô giáo, con nhà cách mạng hẳn hoi, cũng bị lôi lên đồn công an sách nhiễu đủ điều, cả vợ lẫn chồng mặc dù chồng chả TS-HS gì ráo, chỉ vì lỡ viết “Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam” trên blog.)
Cho nên tớ hỏi lại nhá, trước khi người này người kia bị lôi lên đồn công an về tội phản động; trước khi có nhà báo vì điều tra vì sao giá thuốc Tây quá đắt mà bị bắt về tội xâm hại quốc gia; đố bác nào biết trước được những hành vi đó là phản động.

(Đây chỉ mới là những ví dụ trong vài năm vừa qua nhá. Còn cả một chuỗi dài những sự “phản động” do nhà nước phát minh bất chợt, từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tới nay, không dám kể ra vì không đủ giấy, chưa tính nhá.)

Mà nếu các bác không tiên đoán trước được “Trường Sa Hoàng Sa là của Việt Nam” là phản động, không tiên đoán trước được phóng sự giá thuốc Tây là phản động, không tiên đoán trước được đưa tin về vụ PMU 18 (mà chỉ là chép lại nguyên văn tin do công an cung cấp) là phản động — thì đố các bác dám tự tin rằng chuyện các bác đang làm (bất cứ là việc gì, kể cả việc làm của những con cừu non vô cùng ngoan ngoãn) sẽ không một ngày nào đó bị liệt kê luôn vào tội phản động.
.
.
.

No comments: