Tuesday, October 5, 2010

TÁC PHẨM "RETHINKING THE STATE" ĐẶT VẤN ĐỀ VỀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

BBC
Cập nhật: 13:40 GMT - thứ ba, 5 tháng 10, 2010

Chuyên gia người Anh về chính trị Việt Nam, Martin Gainsborough, vừa ra mắt cuốn sách mới bàn về hệ thống chính trị hiện thời thông qua lăng kính kinh tế chính trị học.

Tác phẩm Vietnam: Rethinking the State, dày hơn 200 trang, cho rằng mặc dù con người và thể chế ở Việt Nam đã thay đổi nhanh trong vòng 20 năm, có những thứ không đổi nhanh như vậy, trong đó có hệ thống chính trị. Hay đúng hơn, hệ thống chính trị đã thay đổi, trở nên mạnh hơn và vẫn thống trị xã hội thay vì thoái lui, như tiên đoán của một số chuyên gia phương Tây.

Tác giả đặc biệt nhấn mạnh về mối quan hệ giữa giới chính khách và giới kinh doanh ở Việt Nam, để nói rằng nhà nước và thị trường đã gắn bó chặt chẽ hơn là những gì mà chính sách chính thống thể hiện ra.
Nửa đầu sách chủ yếu dùng lại tư liệu từ tác phẩm đầu tay của Gainsborough (Changing Political Economy of Vietnam: The Case of Ho Chi Minh City, 2003), trong đó ông nhìn lại các vụ tham nhũng và hiện trạng cổ phần hóa ở TP. HCM thập niên 1990.
Giống như đã viết hồi năm 2003, tác giả nhận định TPHCM từ sau 1975 không phải là ngoại lệ so với các nơi khác, như ca ngợi của nhiều người nước ngoài và cả học giả trong nước.
Thay vào đó, tác giả nhấn mạnh 10 năm sống trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu (1976-1986) đã in dấu lên thành phố này mạnh hơn cả di sản tư bản trước 1975.
Chương Sáu dựa trên tìm hiểu thực địa ở Lào Cai và Tây Ninh năm 2003, với kết luận toàn cầu hóa không đồng hóa với sự rút lui của quyền lực nhà nước.
Chương Bảy phân tích Đại hội X của Đảng Cộng sản năm 2006. Ở đây, tác giả bác bỏ quan điểm các đại hội của Đảng quan trọng vì đưa ra thay đổi chính sách.
Một chuyên gia về Trung Quốc, Barry Naughton, được dẫn lời rằng trong thời kỳ cải cách, tầng lớp cầm quyền Trung Quốc chưa bao giờ "vẽ ra được viễn cảnh về một hệ thống hậu cải cách", và rằng thay vì "dò đá qua sông" như lời Đặng Tiểu Bình, các vị này thường chỉ "ì ạch đi qua đầm lầy".
Gainsborough cho rằng Việt Nam cũng tương tự, bác bỏ ý tưởng các đại hội đảng từ 1986 đã đề ra được một nền tảng chính sách rõ ràng để bên dưới thi hành.
Thay vào đó, tầm quan trọng của các đại hội đảng dường như lại là "ai lên, ai xuống". Sau mỗi đại hội, sự thay đổi lãnh đạo chỉ báo hiệu những nhóm quyền lực mới trong chính trị và kinh doanh.
Tác giả nói Đại hội XII năm 1991 thường được hiểu là điểm đánh dấu sự bác bỏ đa nguyên đa đảng sau biến cố ở Liên Xô và Đông Âu. Ông Trần Xuân Bách, thành viên Bộ Chính trị, bị gạt ra ngoài vì được cho là ủng hộ dân chủ đa đảng.
Nhưng trong một nhận định gây tranh cãi, tác giả nói "chưa ai đưa ra được bằng chứng rành rành" để chứng tỏ ông Bách sa cơ vì ủng hộ đa nguyên, hay lý do có thể chỉ là đấu đá nội bộ.
Tác giả đặt giả thiết trong thập niên 1990, hai nhóm cạnh tranh giữa ông Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt, khi tranh cãi về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở TP. HCM, thì thực ra chỉ là muốn giành kiểm soát các công ty và tài nguyên kinh tế.
Tương tự, vụ PMU18 ngay trước thềm Đại hội X 2006 dường như chứng tỏ rằng các đại hội đảng cần được nhớ đến là nơi những ai đã ngã ngựa, và tranh cãi không liên quan nhiều đến đường hướng chính sách.

'Đối phó' với nước ngoài
Chương 8, cũng là chương cuối, tranh biện với học thuyết tự do kinh tế mà Ngân hàng Thế giới và IMF được xem là đại diện cổ vũ.
Các nước đang phát triển như Việt Nam đang tiếp nhận những "bài thuốc" do các định chế tài chính quốc tế và các nhà tài trợ đặt ra.
Kể từ giữa thập niên 1990, trung bình mỗi năm Việt Nam nhận được cam kết tài trợ 3 - 4 tỉ đôla, và hàng loạt các cơ quan phát triển quốc tế đã có văn phòng tại nước này.
Chủ nghĩa tự do hiện đại, nhấn mạnh thương mại tự do và hạn chế sự can thiệp của nhà nước, đã thắng thế từ sau Chiến tranh Lạnh và dường như Việt Nam cũng được xem là "học trò ngoan" đi theo những cải cách của sự "Đồng thuận Washington".
Nhưng có thật là vậy không?
Tác giả nhìn thấy sự xuất hiện của một nhà nước lai tạp (hybrid state) "cũng chịu ảnh hưởng của tư tưởng và hành vi tân tự do chủ nghĩa nhưng tư duy và cách ứng xử bản địa vẫn là chi phối".
Ngay cả khi phải làm theo sức ép nước ngoài, những người nắm quyền lực ở Việt Nam tỏ ra khéo léo ký vào các cam kết mà sau đó không làm gì để thực hiện.
Tác giả dẫn ra ví dụ năm 2005, Quốc hội thông qua luật chống tham nhũng đầu tiên theo sau khuyến nghị của các nhà tài trợ. Tuy vậy, sức ép thực thi luật lại không quá mạnh.
Chuyên gia người Anh này cũng cho rằng nhiều người nước ngoài làm việc ở Việt Nam đơn giản là không hiểu gì mấy đất nước mà họ đang cư trú.
Nhiệm kỳ vài năm dẫn đến việc là vừa khi họ bắt đầu hiểu hơn về môi trường Việt Nam thì cũng là lúc họ ra về, và những người mới đến học lại từ đầu.
Theo tác giả, khó khăn lớn nhất cho người nước ngoài là làm sao hiểu được động cơ thực của những người có quyền hành ở Việt Nam khi hợp tác. Đặc biệt, dường như ít người hiểu được sự liên hệ giữa tài trợ nước ngoài và tác động của nó tới chính trị trong nước.
Ngay cả khi nhà tài trợ nước ngoài hiểu Việt Nam hơn, thì còn một yếu tố khác: chỉ tiêu giải ngân có khi lại quan trọng hơn chất lượng dự án. Việc Việt Nam được nhà tài trợ xem là "câu chuyện thành công" cũng khiến cho "thật khó khăn - và chưa chắc tốt cho sự nghiệp cá nhân - để nhìn quá kỹ hay nêu ra vấn đề".
Martin Gainsborough cũng nói thêm cần loại bỏ ý nghĩ rằng mọi đề nghị cải cách của quốc tế đều đe dọa nhà nước Việt Nam. Thực tế, nhiều dự án được tài trợ nói chung giúp đỡ cho quyền lực của chính phủ.
.
.
.

No comments: